Sau vụ toà Bạch Ốc ngăn một số cơ quan truyền thông dự họp báo, ông Trump tuyên bố sẽ không dự tiệc tối thường niên với cánh báo chí. Nhưng thăm dò của Wall Street Journal/NBC News hôm 26-2 cho biết 51% người Mỹ được hỏi trả lời cơ quan truyền thông quá chỉ trích chánh quyền Trump và chỉ có 41% tin truyền thông công bình và khách quan. Nhơn hiện tượng này, thử nhìn lại hướng đi của một số tờ báo tiêu biểu của Mỹ, Nhựt, và Việt hải ngoại ra sao.
Nhớ gần đây nhà báo lão thành Al Neuharth, sáng lập viên của nhựt báo Mỹ, USA Today, phát hành khắp nước Mỹ, số lượng 2 triệu 100 ngàn tờ mỗi ngày, nhiều nhứt so với các nhựt báo lớn của Mỹ, có viết một bài nói trắng ra tại sao báo chí Nhựt bình dân hơn báo chí Mỹ.
Cách viết xã luận của nhà báo này cân phân từng chữ, dẫn dụ từng con số, nêu rõ sự kiện ngắn gọn để tự nó nói lên sự kiện. Còn khi đưa ra ý kiến, thì rất rõ ràng, không dè dặt đến mức gần như nói thẳng, nói trắng ra như ruột để ngoài da, không nhưng, không mà, không dù không tuy gì cả. Do vậy bài viết của Ông cô động, đi thẳng vào đề, nên gọn gàng ít khi quá 500 chữ. Rất đỡ tốn giấy mực và đỡ mất thì giờ người đọc, mà mục xã luận theo thông lệ bây giờ không nhiều người chịu đọc lắm. Xin tạm lượt dịch ra để người đã đọc hay chưa đọc có dịp đọc và cùng nhau suy gẫm về báo Mỹ, báo Nhựt. Và từ đó có thể đối chiếu với báo Việt, nghĩ cũng có ích lợi cho người làm báo lẫn người đọc báo.
Ông Al Neuharth viết, “Từ khi thua Mỹ trong Thế Chiến 2, Nhựt đã thắng Mỹ trên nhiều phương diện. Kỹ thuật cao. Xe hơi. Báo chí. Tuần rồi Ông và các đồng nghiệp có gặp những người lãnh đạo các tờ báo lớn của Nhựt. Tin hàng đầu. Tổng số phát hành nhựt báo của Nhựt là 52 triệu 900 ngàn tờ. Dân số Nhựt chỉ 127 triệu người. Tổng số phát hành nhựt báo của Mỹ 55 triệu 200 ngàn tờ. Nhưng dân số của Mỹ hơn hai lần của Nhựt. So sánh số phát hành của các nhựt báo lớn ở Nhựt và ở Mỹ: Yomiuri: 10 triệu 1, Ashahi: 8 triệu 3, USA Today: 2 triệu 3, Wall Street Journal: 2 triệu 1, New York Times: 1 triệu 1.
“Tại sao báo chí ở Nhựt bình dân hơn ở Mỹ?” Ông đặt vấn đề. Không phải do giá cả. Báo Youmiuri và Ashahi mỗi tờ bán 130 yens (là 2.26 Đô). Báo New York Times và Wall Street giá 1 Đô. USA Today 75 cents.
Nhựt báo Nhựt làm hay hơn chúng ta [Mỹ] vì đưa nhiều tin vô báo của họ. Họ tỏ ra bằng hữu và công bình với độc giả hơn. Họ tỏ ra lễ phép hơn trong bình luận hay phê bình.
Trong nhựt báo Nhựt, khối lượng tin tức vượt trội hơn khối lượng quảng cáo. Trong nhiều nhựt báo Mỹ, điều trái ngược lại là sự thật, nhứt là vào ngày Chủ Nhựt.
Báo Yomiuri trung hữu về chánh trị, và Ashahi trung tả. Nhưng họ không dùng búa nặng như những báo thủ cựu và cấp tiến của Mỹ đập.
Điều ghi nhớ đối với chủ báo, chủ nhiệm, chủ bút, phát hành các nhựt báo: Nếu đưa nhiều tin hơn, tỏ ra công bình và lễ phép hơn đối với bạn cũng như thù, có thể sẽ kiếm tiền nhiều hơn cho báo và bán báo nhiều hơn.”
Không có gì rõ hơn lời của một nhà báo lão thành so sánh, rút kinh nghiệm, làm bài học và chia xẻ với đồng nghiệp làm báo, như bài viết của nhà báo Al Neuharth. Nên không có gì thêm để phân tích và bình luận. Vấn đề còn lại là lấy đó để so chiếu vào tình hình thực tiễn báo chí tiếng Việt trong và ngoài nước.
Trong nước thì khỏi nói, báo là của Đảng, Nhà Nước CS. Báo là phương tiện thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà Nước CS. VNCS có khoảng 600 tờ báo đủ loại, nhưng chỉ có một chủ nhiệm và một chủ bút trong nước gọi là tổng biên tập, đó là Đảng CSVN. Nhà báo nói chung là cán bộ, công nhân viên, chịu hai tầng áp bức vừa của chánh trị vừa của “nghiệp vụ” đều do Đảng giữ quyền sinh sát. Những anh em đó đáng được tội nghiệp, vì hệ thống kiểm soát tư tưởng và văn hoá nghiệt ngã của Đảng, vì thê thằng tử phược, vì miếng cơm manh áo mà phải bẻ cong ngòi viết, che mắt lương tâm. Nhưng báo của Đảng Nhà Nước thất bại. Tờ báo lớn nhứt, tiếng nói chánh thức của Đảng Nhà Nước CSVN là tờ Nhân Dân Nhựt báo, lại là tờ báo bị người dân mỉa mai, ví von đó là “tờ báo không có người dân nào đọc”.
Ngoài nước tự do báo chí có nhưng cái khó nó bó đà phát triển. Báo chí đấu tranh thường không bán nên luôn kẹt vấn đề tài chánh. Quảng cáo kiếm cũng khó vì các cơ sở kinh doanh e ngại đụng chạm. Báo chí chuyên nghiệp lần lần phải đi vào con đường thương mại hoá hơn là chọn lập trường bảo thủ hay cấp tiến như Mỹ. Lập trường báo chí Việt xoay quanh vấn đề đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền hơn là vấn đề xã hội bảo thủ hay cấp tiến như Mỹ, vì báo chí Việt có mối quan tâm khác hơn báo chí Mỹ. Báo chí Việt không thiếu tin tức vì Mỹ là xứ thừa mứa thông tin, nghị luận, sưu khảo, giải trí, vui chơi đầy dẫy trên truyền thông đại chúng, trên Internet xa lộ thông tin. Kể cả tin trong nước cũng thừa qua youtube, facebook, videotape, blog đi nhanh như ánh sáng. Nhưng thiếu phối kiểm, thiếu chuyên nghiệp như tin của báo chí truyền thống.
Người làm báo Việt - chủ báo chưa ai lên triệu phú - còn đa số ký giả, phong viên, bình luận, quản trị, đều sống dưới mức nghèo khó của Mỹ. Nên cầm cây viết phải lách dữ lắm, nếu không mất quảng cáo, sẽ thành “báo hại” báo, và “báo đời” nhà báo. Nên đa số nhà báo phải làm thêm một nghề để nuôi sống mình và gia đình hầu có thể theo cái “nghiệp” báo. Vì do thuở ban đầu mới qua Mỹ, báo tiếng Việt ở Little Saigon rất ít nên dễ kiếm quảng cáo, nên không sống nhờ báo bán như lúc còn ở Việt Nam mà sống quảng cáo quá dễ xin. Đường đi nước bước thuở ban đầu đó vô tình làm báo tiếng Việt bị thương mại hoá mà không hay. Nhiều cá nhân, đoàn thể có chuyện mà báo không đăng sẽ hết bực bội khi biết hoàn cảnh trên đe quảng cáo dưới búa quảng cáo mà các báo phải chịu. Người ta nói quảng cáo và độc giả là tương quan nhân quả, tỷ lệ thuận. Lý lẽ nói nghe qua rất đúng, độc giả nhiều các cơ sở kinh doanh mới gởi đăng quảng cáo. Nhưng ở đời có khi trái tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu được (Le coeur a des raisons mais la raison ne connait pas).
Vì hoàn cảnh tế nhị như vậy, báo chuyên nghiệp tiếng Việt cố tránh nên ít khi xảy ra những điều mà Al Neuharth nói là búa nặng trong bình luận, nghị luận. Đối với độc giả chẳng những cố gắng lễ phép, thân thiện, mà còn tôn trọng đến mức báo chí Việt nhũn nhặn gần như quên báo chí có nhiều phương tiện và cơ hội nói trong công luận.
Nhưng sau cùng nói gì thì nói, báo tiếng Việt cũng đã thành công, giữ được sự liên tục của làng báo của người Việt Quốc gia nổi bật khi còn ở Saigon. Dù xa nước nhà nửa vòng Trái Đất vẫn nói lên được niềm đau nỗi khổ bị áp bức, bóc lột của đồng bào trong nước đang chịu vì CS. Và đem tiếng Việt đến cá nhân và gia đình Mỹ gốc Việt ít nhứt cho thế hệ thứ nhứt đỡ nhớ nhà, nhớ quê, nhớ chuyện xưa và nay, tạo cơ hội có ý kiến khi trà dư tửu hậu. Ngần ấy là phần thưởng tinh thần khá lớn của những nhà báo lương ba cọc ba đồng nhưng vẫn “phải sống” với nghề làm báo./.(VA)
- Từ khóa :
- Việt Nam
- ,
- Little Saigon
- ,
- Internet
- ,
- NBC News
- ,
- Mỹ
- ,
- Donald Trump
Gửi ý kiến của bạn