Đại từ điển Tiếng Việt của Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam, do Giáo sư-Phó Tiến sỹ Nguyễn Như Ý chủ biên, xuất bản năm 1998 định nghĩa “chạm nọc” là “nói trúng vào tật xấu, điều cần giấu kín của người khác”.
Ban biên soạn nêu tỷ dụ: “Bị chạm nọc, hắn ta đành ngồi im, không nói gì thêm”.
Đấy là nghĩa của động từ “chạm nọc” và phản ứng của một người còn lý trí biết thân phận khi bị “đánh trúng tim đen”. Nhưng khi người này, hay đội ngũ họ là cán bộ tuyên truyền hay dư luận viên của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) được nuôi ăn để làm công tác xuyên tạc sự thật và bảo vệ dối trá thì miệng lưỡi họ là những khúc gỗ đã bị mối khoét.
Kết luận như thế sau khi tôi thấy, chỉ trong thời gian 4 tháng (02/12/2016 – 06/03/2017), mà Ban Tuyên giáo Trung ương và hai nhật báo hàng đầu của hệ thống chính trị là Nhân Dân và Quân đội Nhân dân đảng CSVN đã phải liên tục lên tiếng phản bác những bài viết của tôi về thất bại của lãnh đạo trong công tác xây dựng chỉnh đốn đảng, hay một số không nhỏ cán bộ, đảng viên chỉ còn trung thành ngoài mặt với đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng cũng nhờ có phản ứng như thế mà tôi tự tin hơn vào những bài viết của mình, nhất là khi thấy không phải vô cớ mà họ phải đưa tên Phạm Trần lên hàng tiền phong “đi trước đón đầu” trong nỗ lực phơi ra trước ánh sáng những thất bại không chối cãi được của đảng và nhà nước.
Việc nêu tên tôi trước mọi người viết về đảng CSVN là hòan tòan do họ “tự biên tự diễn” để quan trọng hóa sự việc, không khác gì như khi đảng tự khóac cho mình quyền cai trị thiên hạ qua tuyên bố:” Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội…Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam….”
Đảng còn tự ý tròng vào cổ dân thứ Chủ nghĩa Mác-Lenin ngọai lai với lời lẽ trói buộc rằng: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.”
(trích Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Chủ nghĩa Xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011).
Những tuyên bố “tự cho” rồi “tự nhận” như thế của đảng cầm quyền đã áp chế lên dân mấy chục năm qua, thiết tưởng cũng chẳng khác gì khi tôi bị báo nhà nước gán cho vị trí đứng đầu chống đảng, trước những tác gỉa hay cơ quan truyền thông khác.
Tất nhiên tôi chẳng quan tâm tới vị trí thứ tự, nhưng phải đứng đầu danh sách là một trách nhiệm nặng nề không phải vô tình mà “được giao phó”.
Tôi cũng biết trong hệ thống lãnh đạo Tuyên giáo, việc gì cũng phải được cấp trên chấp thuận, nhưng chẳng nhẽ việc cỏn con này mà cũng cần phải có chỉ thị của Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng, hay của Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thì đảng yếu qúa.
CHUYỆN CŨ
Nhưng để cho câu chuyện có đầu có đuôi, xin phép độc gỉa cho tôi nhắc lại chuyện hồi tháng 12/2016 khiến tôi viết bài “THÁCH BÁO NHÂN DÂN –BAN TUYÊN GIÁO ĐỐI THỌAI”.
Hồi ấy kẻ khai chiến là Hồng Quang, viết trên báo Nhân Dân bài “Cảnh giác và đấu tranh với luận điệu bịa đặt, dựng chuyện”.
Bài được in trong mục “Bình luận-Phê phán” ngày 02/12/2016, sau đó được đăng lại trong báo Điện tử Tuyên giáo.
Hồng Quang viết:”Những năm gần đây, một thủ đoạn mà các thế lực xấu, thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường tiến hành là khai thác một số hiện tượng rồi suy đoán, bịa đặt, dựng chuyện để đưa lên in-tơ-nét. Vì thế, cảnh giác, tỉnh táo đấu tranh với thông tin loại này trở thành một yêu cầu cấp bách trong cuộc đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị.”
Giáo đầu như thế rồi Hồng Quang tấn công:”Đặc biệt từ khi in-tơ-nét phát triển, bài vở xuất phát từ thuyết âm mưu ngày càng nhiều hơn, điển hình trong đó là sản phẩm của mấy kẻ mấy kẻ như Phạm Trần, Ngô Nhân Dụng, Tưởng Năng Tiến, Kami, Bùi Thanh Hiếu (blogger Người buôn gió),… và một số “nhà báo, chuyên gia, nhà nghiên cứu” là người nước ngoài! Thủ đoạn chung trong sản phẩm của mấy người này là khai thác, tận dụng, dựa trên một (hay một số) con người, hiện tượng, sự kiện, vấn đề được dư luận quan tâm, để ghép nối với một (hay một số) con người, hiện tượng, sự kiện, vấn đề hiện tượng khác, và nhặt nhạnh một số tư liệu đã công bố bổ sung cho có vẻ xác thực, thêm thắt một số chi tiết mùi mẫn, giật gân để gợi sự tò mò của người đọc, sau đó bình luận, bịa đặt, suy đoán có lớp lang để biến thành vấn đề hệ trọng, khẳng định đó là hậu quả của âm mưu, thủ đoạn của “bàn tay vô hình”. Để gia cố sự thuyết phục, khi trình bày, những kẻ này cố tỏ ra rất am hiểu, nắm chắc vấn đề, trích dẫn đông tây tạo vẻ uyên bác, điểm xuyết bằng loại thông tin không thể kiểm chứng như “một nguồn tin cao cấp cho biết”, “một lãnh đạo giấu tên khẳng định”, “một tài liệu mật phổ biến trong nội bộ viết”,… Sau khi công bố, những sản phẩm này thường lập tức được khai thác, đăng tải tại rất nhiều địa chỉ trên mạng, từ trang tiếng Việt của RFA, BBC, VOA, RFI,… đến blog, facebook của một số cá nhân, tổ chức xấu, thù địch với Việt Nam…”
Phản biện quy chụp như thế nhưng Hồng Quang không đưa ra được bằng chứng nào để chống trả đối phương. Do đó tôi đã tuyên bố:” Tôi công khai thách đố Hồng Quang, báo Nhân Dân và Ban Tuyên giáo của chế độ CSVN đối thọai để chứng minh bài viết nào, hay những bài nào của tôi viết về Việt Nam trong suốt 41 năm qua đã có nội dung “ghép nối, nhặt nhạnh thêm thắt một số chi tiết mùi mẫn, giật gân để gợi sự tò mò của người đọc, sau đó bình luận, bịa đặt, suy đoán có lớp lang để biến thành vấn đề hệ trọng khẳng định đó là hậu quả của âm mưu, thủ đoạn của “bàn tay vô hình”.
Tôi cam đoan đối thọai công khai, công bằng, trong sáng để minh bạch lời vu cáo của Hồng Quang, báo Nhân dân và Ban Tuyên giáo Trung ương là Tổ chức đã đăng lại và phổ biến bài viết của Hồng Quang.
Lý do tôi thách thức cuộc đối thọai vì hầu như bài viết nào của tôi về Việt Nam cũng có trích dẫn tài liệu dựa theo lời nói hay văn bản là sản phẩm của Lãnh đạo, Đại biểu Quốc hội, cán bộ nhà nước, các nhân chứng hay báo chí trong nước liên quan đền sự việc xẩy ra ngay trên lãnh thổ Việt Nam, hay bên ngoài Việt Nam nhưng là chuyện của Việt Nam.”
Cho đến nay, sau 4 tháng, cả hệ thống chính trị của đảng đều nằm im như thóc ngâm.
CHUYỆN MỚI
Đến ngày 06/03/2017, trong mục “Làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình" của báo Quân đội Nhân dân, lại thấy có bài “Đảng có vững, công việc mới thành công” của cán bộ tuyên truyền Công Minh.
Công Minh mở màn:”Sau Đại hội XII của Đảng, hệ thống chính trị nước ta có nhiều chuyển biến mới, hoạt động hiệu quả hơn, được nhân dân ghi nhận. Trong thành tựu chung của đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Có sự đóng góp rất quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ. Đây là một thực tế khách quan”. Vậy nhưng, để hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực phản động, cơ hội chính trị vẫn xuyên tạc rằng: Đảng ta đang thất bại, thụt lùi về công tác xây dựng Đảng.”
Rồi anh cán bộ Tuyên giáo này vào đề ngay:”Phạm Trần, một cây bút phản động lưu vong thường xuyên có những bài viết chống phá Đảng và Nhà nước ta gần đây đã có “phân tích” kiểu chụp mũ, "thầy bói xem voi" khi cho rằng: Đảng không còn kiểm soát được đảng viên nữa, “xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh” chỉ là khẩu hiệu…”
Trước khi thảo luận tiếp, thử bàn về nghĩa của tĩnh từ “phản động” mà Công Minh đã lu loa chụp mũ tôi. Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt thì “phản động” là “chống lại sự tiến bộ, chống đối cách mạng”. Nhưng trong trường hợp của đảng CSVN thì kêt qủa của công tác xây dựng chính đốn đảng chưa ra ngô khoai gì nên tất nhiên chả có tiến bộ gì cả. Do đó càng không có cái gọi là “cách mạng” để người ta chống.
Bằng chứng tính từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (1996-2001) thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, khi công tác xây dựng đảng bắt đầu, cho đến Hội nghị Trung ương 4 khóa đảng XII (2016-2021) thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xuyên qua 3 đời Tổng Bí thư (Lê Khả Phiêu-Nông Đức Mạnh 2 khoá IX và X và Nguyễn Phú Trọng từ Khoá XI), đảng đã hoang phí tiền dân trong 22 năm mà tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên chỉ mỗi ngày một nghiêm trọng hơn.
Đến nỗi bây giờ lại xẩy ra tình trạng"tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ” như Nghị quyết Trung ương 4/XII đã thừa nhận đang đe dọa sự tồn vong của đảng thì còn làm nên cơm cháo gì nữa?
Còn nhiều bằng chứng để trưng ra cho công luận thấy Công Minh không có khả năng bảo vệ đảng vì chỉ biết nói những điều không thật. Nhưng trước hết hãy đọc tiếp những lời “đấu tố” của Dư luận viên này trên Quân đội Nhân dân.
Công Minh bảo:”Nguyễn Quang Duy, một tác giả hải ngoại khác thì có cái nhìn thiên kiến, lệch lạc, chỉ ra “5 thất bại”, trong đó có hai điểm nói về công tác tổ chức, cán bộ, “củng cố bộ máy và duy trì tính trong sạch của bộ máy”. BBC, trên trang điện tử, thì đưa ra phân tích hồ đồ: Trong Đảng “xuất hiện nhiều dấu hiệu mâu thuẫn nội bộ sau một năm kể từ Đại hội XII”… Trên một số trang điện tử khác, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị gần đây lại “cảnh báo” về công tác tổ chức, cán bộ khi tung hỏa mù Đảng không chỉ “khủng hoảng về đường lối” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) còn thừa nhận thất bại về công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ; tình trạng “lãn Đảng, thoái Đảng” gia tăng.”
Tự vạch áo ra như thế cho người ta xem lưng rồi Công Minh chống đỡ:”Với những luận điệu trên, họ đã cố tình đánh tráo khái niệm giữa việc Đảng ta chủ động thường xuyên tự xây dựng, tự chỉnh đốn, coi đó là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, coi phê bình và tự phê bình như đánh răng, rửa mặt hằng ngày với việc bị động trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thái độ “nhìn thẳng vào sự thật”, chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh” hoàn toàn khác và không phải “tình hình đã rất nguy”, “bệnh đã nặng hết thuốc chữa” như họ rêu rao, bịa đặt.”
CON NGƯỜI VÀ SỰ VIỆC
Để qủang cáo cho thành công sau 1 năm Đại hội đảng khoá XII, Công Minh tự khoe:” Tổ chức có mạnh, con người có tốt thì mới làm được.”
Cán bộ Minh viết:”Thực tế thời gian qua cho thấy, sau Đại hội XII của Đảng, hệ thống chính trị nước ta có nhiều chuyển biến mới, hoạt động hiệu quả hơn, bức tranh kinh tế-xã hội của đất nước có những khởi sắc, được nhân dân ghi nhận.
Sau Đại hội XII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, với hơn 99% cử tri đi bầu cử. Sau đó, Quốc hội kiện toàn ngay các cơ quan và các nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ trong sự đoàn kết, đồng thuận. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP đạt 6,21%, chính trị-xã hội ổn định, đất nước thanh bình. Đầu tư nước ngoài đạt gần 15 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối lần đầu tiên đạt 41 tỷ USD. Lần đầu tiên có đến 10 triệu lượt khách du lịch nước ngoài và 62 triệu lượt khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 20 tỷ USD. Vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng cao, lần đầu tiên Đại hội Đảng toàn quốc có đến 252 điện chúc mừng từ các nước, các tổ chức quốc tế, nhiều nhất từ trước tới nay... Việc Đảng ta tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu hút cả hệ thống chính trị chúng ta vào cuộc, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao.”
Bỏ qua những chuyện rườm rà “nghe rồi khổ lắm nói mãi”, hãy chỉ bàn sơ về thành tích của “cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, với hơn 99% cử tri đi bầu cử.”
Không phải là lần đầu tiên trong lịch sử của “đảng cử dân bầu” mà có trên 99% người đi bầu (đúng là 99.35%). Hãy thử hỏi có ai ở Việt Nam không đi bầu mà được yên thân ? Hơn nữa số người đi bầu không quan trọng bằng việc bầu cho ai, và người thắng cử là của dân hay của đảng ?
Ai cũng biết chỉ có đảng viên hay người được đảng chấm cho ra ứng cử mới được Mặt trận Tổ quốc chọn. Cũng Mặt trận này lại tổ chức bầu cử và tuyên bố người đắc cử theo tiêu chuẩn của đảng thì có phải “vừa đá bóng vừa thổi còi” không ?
Vì vậy, các cuộc bầu bán ở Việt Nam chỉ được coi như một thủ tục đến hẹn lại lên rất tẻ nhạt. Không có các cuộc vận động tranh cử và tranh luận dân chủ giữa cử tri và ứng cử viên hay giữa các ứng cử viên với nhau. Ứng viên độc lập, tự do và tuyên truyền quyền bầu cử cũng tự do chỉ để khoe khoang cho mầu mè.
Phần đông các lãnh đạo đảng đều đắc cử vào Quốc hội nên một lượt đóng hai vai hành pháp và lập pháp. Có người lại đóng thêm vai Tư pháp nữa là huề cả làng !
Tổng Bí thư đảng, người có quyền cao nhất trong thực tế lại cũng là Đại biểu Quốc hội, giống như Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng thì dân chủ hay không đã rõ như ban ngày.
Mọi quyết định của Quốc hội phải được sự đồng ý của Bộ Chính trị
nên Quốc hội chỉ là cơ quan “đóng dấu” cho đảng sai khiến. Bằng chứng như Quốc hội thời ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch đã không dám đưa ra Nghị quyết lên án Trung Quốc trong vụ tầu Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm nhập và đào kiếm dầu bên trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam từ 2/5 đến 17/05/2014.
Quốc hội cũng không được bàn bạc về quyêt định để cho Trung Quốc vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên; vụ Formosa Hà Tĩnh và các dự án kinh tế của nước ngoài, đa phần của Trung Quốc, tại những vùng chiến lược quốc phòng.
Ngoài ra Quốc Hội cũng chẳng được đóng vai trò gì quan trọng trong việc hòan tất “ Hiệp ước ngày 30 tháng 12 năm 1999 về biên giới trên bộ Việt – Trung” và “Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ là thoả hiệp ký ngày 25 tháng 12 năm 2000.”
KHOE KHOANG RỖNG TUÊCH
Được đà tiến lên như đi vào vùng đất không người, tuyên truyền viên Công Minh hồ hởi viết rằng:”Báo cáo của Ngân hàng Thế giới gần đây nhận định: “Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu, đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất”… “Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, vừa được Quốc hội thông qua, sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế”.
Không thể có được nhận xét khách quan ấy nếu như đất nước không có một bộ máy quản lý, điều hành tốt và không thể có bộ máy tốt nếu không có thành công trong công tác xây dựng Đảng. “
Như cái máy nước, cán bộ tuyên giáo chỉ biết nói nhiều mà nghĩ không bao nhiêu nên Công Minh không biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những tuyên bố không mấy phấn khởi về tình hình kinh tế hiện nay.
Khi đến thăm và làm việc Ban Kinh tế Trung ương ngày 11/02/2017, ông Trọng nói:”Khó khăn, thách thức trên con đường phát triển vẫn rất nặng nề và gay gắt. Tình hình đất nước, thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nợ xấu, nợ công tăng cao; việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế, yếu kém.” (nguồn: báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), 12/02/2017)
Chi tiết hơn, ông Trọng thừa nhận:”Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn nhiều bất cập; vi phạm về môi trường xảy ra nghiêm trọng, gây tác hại lớn và bức xúc trong xã hội trong khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra sớm và nặng nề hơn so với dự báo…”
ông Trọng đã yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương hãy tìm câu trả lời xem:
1)” Thực tế đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững chưa? Nhanh và bền vững ở mức nào? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu ?”
2) “ Vì sao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra; vì sao nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn với những công trình hàng ngàn tỷ đồng “bị đắp chiếu”?
Vì vậy, chính ông cũng thắc mắc:”Vừa qua, một loạt những doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công trình “đắp chiếu”, nhưng hầu như không thấy Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến gì. Đây là do không phát hiện được hay phát hiện được mà không có dũng khí báo cáo, đề xuất xử lý?”
Đồng thời ông cũng yêu cầu:”Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.”
TÁI CÁI GÌ-TIỀN ĐÂU ?
Về chuyện “tái cơ cấu kinh tế lần 2”, dự trù đưa ra tại Hội nghị Trung ương 5, tháng 5/2017, các chuyên gia trù tính Việt Nam cần có 10,5 triệu tỷ đồng, (tương đương khoảng 480 tỷ U.S. Dollars) để “tái cơ cấu kinh tế” lần thứ hai cho giai đọan 2016-2020.
Báo VietNamNet (VNNET) đưa tin ngày 24/10/2016:” Phát biểu gần đây tại hội thảo chuyên đề về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Tiến sĩ Trần Đình Thiên đánh giá kinh tế thời gian qua tiếp tục “mở” theo chiều rộng thay vì mục tiêu chiều sâu, trong khi cả 3 trụ cột tái cơ cấu đều chuyển biến chậm chạp, trì trệ.”
Ba trụ cột chính của Việt Nam gồm: “Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội; Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.”
VNNET viết tiếp:”Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, cách tiếp cận theo bề rộng dựa vào gia tăng khối lượng, số lượng đầu vào, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ đã không thể tiếp tục do nguồn lực đã huy động tới hạn. “Trong thời gian dài, Nhà nước đã đặt trọng tâm là luôn huy động, chứ không phải phân bổ nguồn lực hiệu quả. Cách thức tăng trưởng như thế chắc chắn tạo rủi ro bất ổn kinh tế và bỏ qua các cải cách thị trường”, ông Cung cảnh báo.”
Ông Cung nói:” Vấn đề bây giờ không phải là huy động nguồn lực, mà quan trọng hơn là phân bổ lại để sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có. Từ đó khơi thông dòng chảy các nguồn lực xã hội.”
Chuyên gia này cho rằng:” Việc huy động nguồn lực của Việt Nam hiện đang ở mức cao, đặc biệt là có tới 400 tỷ USD đang nằm trong khu vực Nhà nước nhưng lại không được sử dụng hiệu quả. Nếu mải mê huy động, nền kinh tế sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên.”
Ông Cung nói thẳng:” Khi nói đến tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều người thường băn khoăn lấy nguồn lực ở đâu.
“Từ đó, người ta mới bắt đầu hô hào “Huy động, huy động và huy động!” nhưng tôi nghĩ cách đó không phải. Cùng với huy động, điều quan trọng hơn là phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế. Còn nếu cứ đi huy động mãi thì chúng ta sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên nữa!”
KHÔN MÀ KHÔNG NGOAN
Cuối cùng, Dư luận viên Công Minh tự phô trương rằng:” Nhìn vào thực tế công tác xây dựng Đảng hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước rất đồng tình, ủng hộ trước quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc triển khai nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Ngay tiêu đề của nghị quyết và những hành động quyết liệt của Đảng ta thời gian qua đã thể hiện rất rõ tính chiến đấu, tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, nói rõ sự thật”.
Tất nhiên, khi hiện tượng nhân dân ngày một xa đảng và cán bộ, đảng viên không còn muốn “liên hệ máu thịt với nhân dân” nữa thì mọi sự thật đã tự chúng phơi ra không giấu được nữa.
Tham nhũng thì suốt năm này qua năm khác lúc nào cũng “vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi”. Các vụ tham nhũng bị phát giác hay các “nhóm lợi ích” bị phanh phui là do báo chí và người dân tố cáo chứ các cơ quan đảng có phát giác được đứa nào đâu ?
Ngay cả Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc có quyền giám sát mà cứ để cho kẻ tham nhũng ăn nhậu trước mặt thì chỉ thấy xẩy ra ở Việt Nam.
Chuyện “cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước rất đồng tình, ủng hộ” việc thi hành Nghị quyết Trung ương 4/XII về xây dựng đảng không có nghĩa là đảng đã thành công hay sẽ thành công trong tương lai.
Bằng chứng chưa làm nên cơm cháo gì đã được Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh chứng minh tại “Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 được tổ chức ngày 4-3-2017 tại Hà Nội.
Ông Huynh nói:” Có một thực tế là, hiện tại, nhiều nơi 100% cá nhân được đánh giá là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng tập thể của những cá nhân ấy chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở mức trung bình, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ được giao... Nếu làm tốt công tác đánh giá cán bộ thì sẽ khắc phục được sự bất hợp lý giữa đánh giá cán bộ, xếp loại cá nhân với đánh giá tập thể”. (theo Website đảng CSVN)
Chữ “nếu” của Đinh Thế Huynh không dễ thực hiện vì đảng đã “nếu” nhiều lắm rồi. Cứ tiếp tục “nếu” mãi thì tan hàng lúc nào không hay.
Báo đảng trích lời Đinh Thế Huynh nhìn nhận:” Cũng cần phải nghiêm túc thấy rằng, công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần phải kiên quyết khắc phục. Công tác cán bộ và quản lý cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; bệnh thành tích trong đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng chưa cao...”
Tình trạng cán bộ, đảng viên còn thờ ơ với việc thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị đảng không mới mà vẫn y như cũ từ thời Đổi mới bắt đầu năm 1986.
Từ 30 năm qua, lúc nào cũng “quyết tâm làm cho bằng được” mà vẫn còn những chuyện ngổn ngang năm sau cao hơn năm trước.
Vì vậy, sau Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2017) bàn về “tái cơ cấu kinh tế đợt 2”, các vấn đề như: xây dựng “ hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”; “ Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” sẽ tiếp tục được bàn tại hai Hội nghị Trung ương 6 và 7.
Chưa biết đảng của hai Cán bộ tuyên giáo Hồng Quang và Công Minh sẽ làm được gì sau 3 Hội nghị quan trọng vừa kể, nhưng ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng đã nhìn nhận tại Hội nghị ngày 4/3/2017 rằng:” công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém; nhiều việc chưa làm được, dư luận xã hội còn những bức xúc, nhân dân chưa yên lòng.”
Như vậy thì đảng và nhà nước có cần thêm loại cán bộ tuyên giáo như Hồng Quang và Công Minh để bảo vệ đảng không hay họ chỉ biết bới bèo ra bọ thêm mà thôi? -/-
Phạm Trần
(03/017)
- Từ khóa :
- Việt Nam
- ,
- Trung Quốc
- ,
- Bauxite
Gửi ý kiến của bạn