Hôm nay,  

Chuyện Tình Nguời Đàn Bà Ở Chân Cầu Chữ Y

24/12/201400:00:00(Xem: 6537)
Huyền đứng lặng nhìn vào mình trong guơng. Vẫn còn xuân sắc lắm chứ! Nếu nhìn sơ qua thì ai biết mình đã là mẹ cuả năm đứa con, mà thằng lớn nhất đã muời hai tuổi! Mà nếu có đoán ra là mình đã có chồng con, cũng không ai biết đuợc rằng mình có nhiều con đến thế. Thật ra thì mình mới có 32 tuổi, lứa tuổi chín mùi để cho sắc đẹp phát triển tối đa, vừa giữ được nét thon thả cuả thiếu nữ, vưà thêm sự hấp dẫn cuả một nguời đàn bà đã nhiều kinh nghiệm yêu đuơng. Huyền thở dài. Không biết sao số phận cuả mình lại long đong như vậy. Đáng lý ra giờ này, nàng đang thoải mái vui vẻ bên một nguời chồng mê vợ và một đàn con ngoan hiền. Nhưng… chữ nhưng quái ác! Nguyện, chồng Huyền, một đại úy Tiểu đoàn Trưởng trẻ trung, lại mất bất ngờ trong một cuộc phục kích trên đường đi tiếp viện quân bạn ở gần Mỹ Tho, để nàng chơ vơ với ba đứa con thơ. Tuy gia đình nhà chồng vẫn tử tế muốn lưu Huyền lại nhà, nhưng vì không muốn nhận sự thương hại từ những tia nhìn, những tiếng cuời gượng gạo, Huyền cương quyết dọn về nhà ở chung với mẹ và một nguời chị gái cũng góa chồng sớm. Rồi đi làm, và bắt đầu một chiến đấu mới với biết bao cám dỗ cuả các anh đàn ông chung quanh, từ trẻ đến già, từ dân sự đến lính tráng. Anh chàng Thân, kỹ sư công chánh, làm xếp Huyền, ngày nào cũng si mê ngắm Huyền làm việc, tới nhà, quà cáp, ngỏ lời đưa nàng đi chơi. Thân cũng khá đẹp trai, cao lớn, lại có chức quyền, chút địa vị, tuy không cao nhưng cũng đủ làm cho các em bao quanh tán tỉnh. Mấy cô gái làm cùng sở với Thân chỉ mong có ngày leo lên chiếc xe díp trắng của anh là đủ mãn nguyện mà không lần nào có cơ hội được Thân mời đi chơi, vì Thân lại mê mải theo đuổi Huyền mất rồi. Nhưng, với nàng, lại không thể được. Thân chỉ là một thanh niên mới lớn có quá nhiều cơ hội chiếm lĩnh tình trường nên Huyền không nghĩ là anh có thể mãi mãi bên một nguời vợ sẽ có ngày già, có ngày nhan sắc tàn phai. Anh lại ham vui, nhiều bạn bè, tuần nào cũng đi nhẩy đầm, Huyền không thể đặt niềm tin vào anh được dù anh thề thốt cả chục lần. Ngoài ra, lại còn các ông "sồn sồn" đã một đời vợ, hoặc chưa có vợ nhưng đã trọng tuổi, Huyền thấy họ vuợt quá thời của mình, quá nghiêm trang, trịnh trọng, sống như những ông già "hết gân”, làm sao hạnh phúc được. Tính nghiêm khắc của họ chắc sẽ làm lũ nhỏ ở nhà mất vía! Những thanh niên khác làm cùng sở, ở gần nhà Huyền hay gặp gỡ ở các nơi khác lại lộ hẳn ra ngoài cái tính bờm sơm, lợi dụng, nghĩ là gái góa thì dễ chiếm đoạt. Mới vừa nghe qua vài câu làm quen là nàng đã lợm giọng. Cứ như vậy mà năm năm đã qua, Huyền chưa hề có một nguời bạn để có thể nghĩ đến chuyện yêu đương. Ngày tháng đều trôi, vẫn hai buổi đi về trên chiếc xe Mini Lambretta trắng nhỏ. Tà áo dài Huyền vẫn luợn lờ như một dòng sông định mệnh, bỡn cợt với cuộc đời. Của nàng và của những nguời chung quanh.

Huyền thở dài. Hôm nay lại phải đưa thằng con lớn 12 tuổi đi lễ rồi đi xem cinê ở rạp Casino như đã hứa. Thằng nhỏ ngoan quá, không đòi hỏi gì cả, nhưng Huyền vẫn đoán được ý của nó là muốn xem một phim gì đó trước khi trở lại trường nội trú vào thứ Hai. Giống bố y hệt. Cũng ít nói, cũng điển trai, suy tư, và nhất là biết chiều mẹ, không bao giờ cãi lại, chỉ nhẹ nhàng nói ra những điều suy nghĩ của nó khi nào bên mẹ, nghe mẹ kể chuyện về bố. Vì thế, nàng thương nó hình như nhiều hơn hai đứa kia. Nhưng bởi không thể theo dõi ba đứa con cùng lúc mà lại muốn cho tương lai của con được sáng sủa, nên Huyền đã gửi con vào nội trú ở trường dòng, dù chi phí rất cao. Cũng may là tiền tử tuất của bố chúng đã được thanh toán sòng phẳng nên nàng không phải lo lắng lắm, hùn hạp với chị Bẩy để mở một cửa tiệm bán đồ xây dựng nhỏ cũng tạm qua ngày.

Chợt nhớ đã gần tới giờ đi lễ, Huyền cất tiếng gọi to:

- Thiện đâu? Xong chưa? Má đi nè!

Thằng nhỏ từ đâu chạy ngay vào tới cửa, như chỉ đợi mẹ gọi là xuất hiện:

- Con nè! Đi chưa, má?

Huyền mỉm cuời, chọc thằng bé:

- Con nè! Con đi tè chưa? Đang ngồi xem lễ lại lè nhè đòi má cho đi tè thì má ghè cho đấy!                 

Thằng bé nghe cái hàm răng sún ra, cuời hiền:

- Má mà ghè con, con méc ngoại. Ngoại ghè má lợi!

Huyền gõ nhẹ lên đầu thằng bé:

- Nè! Má ghè lên đầu con đó, giỏi thì méc đi.

Thằng bé chụp lấy tay mẹ:

- Mà ghè như dzậy thì cho má ghè hoài luôn!

Hai mẹ con cùng cuời vang. Huyền dắt tay con lững thững đi ra cửa, nói vọng vào trong nhà:

- Hai đứa ở nhà với ngoại ngoan nghe hông! Vân lo rửa mặt cho em, Tín nhớ xúc miệng, ăn no nghe!. Má dìa cho kẹo đó!

Có mấy tiếng "dạ" nhỏ. Huyền nghe lòng lâng lâng, nhưng không thể biết rằng cuộc đời mình sắp qua một ngõ quặt.

Vừa ở rạp cinê Casino bước ra, hai mẹ con sang đường, tiến lại gánh bánh cuốn nóng trước cửa tiệm nước mía Viễn đông, gọi hai đĩa bánh nóng hổi. Trong không khí nhẹ nhàng của một buổi tối tháng Muời, hơi nóng bốc lên từ đĩa bánh cứ luợn lờ mãi không muốn bay đi. Huyền đang cúi xuống thưởng thức hương vị thơm ngon của món ăn độc đáo này thì bất chợt, nàng có cảm giác gai gai trong nguời. Huyền ngẩng lên thì bắt gặp một khuôn mặt thanh niên trẻ trung, chừng hai muơi mấy tuổi, ngồi đối diện bên kia bàn cứ chăm chăm nhìn vào mình. Mới đầu, Huyền hơi khó chịu, cố cúi xuống để che dấu cảm giác gai nguời đi, nhưng chỉ chừng vài phút sau, tự nhiên, chịu không nổi, Huyền lại phải ngẩng lên để nghe thấy câu nói thất thần từ khuôn mặt kia:

- Đôi mắt đẹp quá!

Nghe xong câu nói, Huyền chợt thấy xôn xao. Đã từng nghe nhiều nguời khen mình đẹp, nhưng chưa nghe ai khen "đôi mắt đẹp" một cách chân thành như thế này. Huyền mỉm cuời. Anh chàng này vừa bạo vừa lãng mạn.

Huyền đang cuời thì lại nghe anh chàng vội vã gọi nguời bán hàng "Cho tôi thêm một đĩa nữa đi!" Có lẽ nhận thấy mình đã ăn xong truớc Huyền nên muốn câu giờ đây. Huyền chợt nghĩ thế và bất ngờ, không hiểu sao lại ngước lên, nói nhỏ:

- Ăn tham quá!

Câu nói buột miệng xong là Huyền thấy ngượng nhưng đã không ngừng lại được nữa rồi. Anh chàng chộp ngay lấy cơ hội, nghiêng nguời sang hỏi tới tấp:

- Hình như cô vừa nói gi với tôi phải không? Tôi nghe không rõ!

Cũng đột nhiên, Huyền tàn tàn nói một mình:

- Nói chi thì ráng nghe chứ. Không nghe được thì đành chịu thôi.

Thế là cá cắn câu ngay. Anh chàng đẩy đĩa bánh cuốn sang một bên, tấn công liền:

- Xin lỗi cô! Đôi khi có những câu nói một mình nhưng lại muốn cho người khác nghe nữa. Vừa rồi tôi có nghe cô nói điều chi đấy, hình như cô có ám chỉ tôi, nên tôi mong cô cho tôi nghe lại.

Huyền thủng thẳng:

- Ám chỉ hay không thì do nguời nghe thôi. Tôi chỉ muốn nói một mình là có nguời ăn tham quá. Tôi đâu có nói "ông"!

Nói xong, Huyền đứng dậy, gọi nguời bán bánh, trả tiền. Anh chàng cũng vội vàng làm theo và huých cùi chỏ cho một nguời bạn có vẻ lớn tuổi hơn ngồi cạnh để cùng đứng lên. Hai mẹ con Huyền tà tà đi ra chỗ đậu xe. Chàng thanh niên kia tấp theo ngay, bắt chuyện:

- Xin lỗi, cô vừa đi xem cinê về?

Huyền nhìn thẳng vào mặt anh chàng, đáp gọn:

- Vâng, tôi và cháu mới ở rạp ra.

Anh chàng nghe nói "cháu" thì ngẩn nguời:

- Cháu.. con của chị hay em?

Huyền nói thật chậm và rõ ràng:

- Thưa ông, cháu đây nghĩa là con đó. Tôi xưng thay cho cháu.

Anh chàng kia hơi ấp úng nhưng tia lửa trong mắt anh vẫn đỏ rực. Cùng lúc đó, nguời bạn kia, sau khi đã hỏi chuyện thằng bé, liền hấp tấp tiến đến, kéo tay anh ta ra nói nhỏ. Huyền cuời thầm, chắc anh chàng vỡ mộng, vì nhất định thằng bé đã cho nguời bạn kia biết về quan hệ mẹ con rồi, và nguời bạn kia lên "kỳ đà cản mũi" ngay. Nhưng, lì lợm thay, anh chàng sau khi nghe bạn cảnh cáo rồi vẫn đến bên Huyền, hỏi nhỏ:

- Vậy… ừm hừm… hai mẹ con cô về đường nào đây?

Huyền cuời cuời. Tay này gan nhỉ! Biết nguời ta có con lớn rồi mà vẫn bám theo.

- Chúng tôi về cầu chữ Y.

Ngẩn ngơ trong giây lát, anh chàng tự nhiên đưa tay ra đòi chìa khóa xe của Huyền:

- Cô đưa chìa khóa đây, tôi mở máy cho.

Rồi anh ta đề máy, nhưng Huyền liếc thấy ngón tay trỏ của anh chàng ấn vào nút tắt máy trong khi chân vẫn đạp, nên máy không nổ. Huyền bật cuời nhẹ. Cái trò này làm sao qua mắt được nàng, vì chiếc xe này không bao giờ phải đề lần thứ hai. Anh chàng bối rối, lại muốn câu giờ:

- Chúng tôi cũng về gần đấy, cô có muốn chúng tôi "ét cót" cô về nhà không? Đường đó buổi tối tối lắm!

- Cũng được thôi, nếu ông muốn.

Huyền cười rồi thong thả bước lên xe. Anh chàng kia ra điều đình gì với nguời bạn đó, rồi dành tay lái chiếc xe Vespa, chạy rề rề theo, và tự nhiên giới thiệu:

- Tôi là Quang, bạn tôi là Chấn. Chúng tôi ở Trần quốc Toản.

Huyền trả lời:

- Còn tôi, trước đây năm năm, nguời ta gọi tôi là bà Huyền, giờ thì họ gọi tôi là cô Huyền.

Quang ngớ ra một lúc rồi mới nói:

- Như vậy, ông nhà đã…

Huyền hơi nghiêng vai:

- Ông nhà tôi đã mất năm năm nay.

Đột nhiên chiếc Vespa như vụt lên. Có lẽ Quang đang cao hứng! Anh chàng này cũng khá điển trai và là một tay liều, không biết sợ gái góa hay vì đã mất hồn với đôi mắt của nàng rồi. Huyền thấy tâm hồn mình tự dưng nhẹ nhàng sau câu nói sau cùng đó, vì tới khoảng này, đường hẹp dần, không còn chạy xe song song được nữa, Quang phải chạy sau cho tới khi về tới nhà, Huyền lịch sự quay lại;

- Nếu tiện, mời hai ông vào chơi.

Chấn thì không nói gì, có vẻ miễn cưỡng, còn Quang thì xông lên, bước vào hẳn trong nhà. Anh chàng ngồi đợi với một vẻ kiên nhẫn cho tới khi Huyền thay quần áo xong, bước ra phòng khách, Quang mới đứng dậy, nghiêng nguời, chào:

- Có lẽ đã hơi khuya, chúng tôi phải về. Lúc khác, tôi sẽ xin phép lại thăm cô.

Không muốn giữ lại, Huyền mời lơi;

- Vâng, khi nào rảnh, mời hai ông lại chơi.

Quang và Chấn ra về. Chấn lí nhí nói câu gì nghe không rõ. Còn Quang thì lưu luyến, quay lại nhìn chăm chăm vào Huyền một hai giây rồi mới quay đi.

Mối tình giữa Quang và Huyền bắt đầu nở từ đó. Huyền cũng không nhớ là ngày nào, tháng nào, nhưng chỉ biết là Quang đến thăm thật nhiều. Anh là một sĩ quan trẻ, lãng mạn và đôn hậu, đóng quân ở ngay cạnh chợ Bến Thành, Saigon. Khi yêu, anh bất chấp tất cả, mặc cho họ hàng can thiệp, anh vẫn lao vào với Huyền như con thiêu thân. Huyền nhiều lần đã cảnh cáo anh về mối hại cho tương lai anh, nhưng Quang cứ nhắm mắt bay đến. Lời tỏ tình của anh chân thật làm rung động tim Huyền nhưng mỗi khi cứ định nhận lời anh thì lại chợt nhớ đến ba đứa con còn nhỏ, không biết anh và chúng có hợp nhau không? Nhất là anh lại kém Huyền tới… 8 tuổi! Huyền thở dài, tính nhẩm. Mai mốt khi mình đã 54, anh mới có 46. Còn gân lắm. Khi mình 62, anh chỉ có 54… Lúc đó, thằng Thiện chỉ thua anh có 14 tuổi, sẽ là một ông trung niên 40 tuổi, liệu "hai cha con" có nói chuyện với nhau được không? Nghĩ tới đây, trái tim Huyền quặn thắt. Và, liệu anh có chung tình với mình không hay chỉ là lợi dụng gái góa chồng? Tuy xác thịt của Huyền vẫn rung động mỗi khi nghĩ đến nụ hôn đầu tiên trao cho Quang, nhưng Huyền lại chợt kìm lại được. Thân thể nguời đàn bà 32 tuổi đang chín mùi cho hạnh phúc gối chăn nhưng lại phải nén lòng kẻo rơi vào một hố thẳm đầy chông gai, xấu xí. Huyền thử Quang:

- Nếu anh yêu em thật, anh phải hỏi cuới em đã,

Quang hăm hở:

- Cuới chứ! Anh yêu em thật mà! Tới đâu anh cũng tới.

- Nhưng không phải hỏi cuới thường đâu, mà em có điều kiện này nữa, nếu anh làm được, em sẽ cho anh hết. Anh muốn em đi đâu, em cũng tới.

- Điều kiện gì, nói ngay đi, đừng lòng vòng nữa.

- Chưa nói được. Sẽ cho anh hay, sau khi anh nói mẹ hỏi cuới em đã.

Quang gật đầu liền, không nghĩ ngợi. Anh hẹn Huyền một ngày sẽ mang mẹ tới. Huyền cho bà ngoại lũ nhỏ biết. Bà cụ phân vân:

- Nó còn trai tân, mày là gái góa, lại ba đứa con, tao không nỡ…

Huyền lắc đầu, cuời khổ:

- Má đừng lo cho tụi con mà, tụi con lớn rồi chứ đâu nhỏ nhít gì. Con chỉ xin má đừng nói gì về việc con có chồng chi hết.

Rồi ngày hỏi cũng tới. Quang y hẹn, dẫn mẹ anh vào phòng khách đã có chiếc bàn dài phủ khăn trắng toát, trên có một bình hoa do chị Bẩy kỳ công cắm sẵn. Mấy đứa nhỏ thì đi theo chị đến sở Thú. Bà mẹ Quang nhìn quanh, săm soi. Huyền ngượng nghịu bước ra, cúi chào, tâm tư rối loạn, y như ngày đầu tiên Nguyện đến hỏi cuới vậy. Dĩ nhiên là không hoảng sợ như hồi còn con gái nhưng bây giò, Huyền lại có cảm giác như "ăn gian" một cái gì đó. Bà cụ nhìn Huyền chăm bẳm và chào đáp lại bằng một giọng không thân thiện, có lẽ cụ đã thấy Huyền hơn tuổi Quang nhiều chăng?

Một lúc sau thì mẹ Huyền bước ra. Không rào trước đón sau, cụ đánh tan nát mối tình của nàng liền. Cụ nói như đọc sách:

- Thưa Bà, chắc bà biết con gái tui đã có ba cháu rồi phải không?

Cả Quang và Huyền tái nguời. Quang giơ tay, lắp bắp:

- Bác… bác….

Mẹ Quang ú ớ:

- Bà… bà.. nói gì vậy?

Mẹ Huyền nói chắc nịch:

- Tui nói con Huyền nó đã có chồng. Nó là gái góa, có ba con rồi, tôi can nó đừng thuơng cháu Quang mà nó không chịu. Tui hổng biết nói sao…

Mẹ Quang dịu dàng quay qua anh:

- Sao con lại dấu má?

Quang cúi đầu, nước mắt rưng rưng:

- Má…má nghe con nói..

Bà cụ tỉnh bơ bước ra làm như không muốn nghe thêm nữa. Quang cũng đành chào mẹ Huyền rồi ra về.

Huyền nghe loáng thoáng thấy bà cụ nói với con:

- Thôi nhá! Đừng đòi hỏi gì nữa!

Ngày hôm sau, nhìn thấy Quang buồn bã, ủ ê, như nguời sắp chết, Huyền tội nghiệp nhưng vẫn nhất định thực hiện kế hoạch tiếp theo. Huyền cầm tay Quang, nói:

- Vẫn còn một việc thứ hai mà em muốn anh làm, dù được hay không, em cũng sẽ là của anh. Em muốn… em muốn anh đến hỏi em ở nhà chồng em!

Quang nhẩy dựng lên. Anh trợn mắt:

- Sao kỳ vậy? Lại nhà chồng em? Điên không?

Huyền kéo Quang ngồi xuống, dịu dàng:

- Anh phải hiểu là em không muốn cho nhà chồng em nghĩ rằng em theo trai. Vì việc hỏi của mẹ anh đã hỏng, nhưng em vẫn quyết định theo anh. Như vậy là không hỏi cưới gì được nữa, mà em lại không muốn mang tiếng xấu. Nên em muốn anh làm sao để có thể nói cho nhà chồng em biết là anh với em đàng hoàng. Hiểu chưa?

Quang ngớ ngác một lúc, rồi thở dài:

- Làm sao có ai đến hỏi cho anh được đây?

Một lát, anh lại nhẩy lên nữa, vui vẻ:

- Không sao! Không sao! Anh sẽ tìm mấy thằng bạn già, giả làm cậu, chú anh…

Huyền buồn cuời nhìn Quang:

- Sao cũng được. Miễn là có nguời.

Sau đó, nghe Quang kể lại mà Huyền cuời nôn ruột. Quang kể lại anh và hai nguời bạn già hơn anh cả chục tuổi, đóng vai cậu, chú, diện com lê đàng hoàng đến hỏi cho Quang. Ba chồng của Huyền, một Đại Tá về hưu, ở trong cư xá Chí Hòa, nghe nói có người đến tìm thì vẫn mặc áo ngủ trắng bước ra. Quang đứng cúi đầu, chào nho nhỏ. Rồi Thành, người lớn tuổi hơn, tiến tới giơ tay bắt tay cụ Đại Tá và tự giới thiệu:

- Thưa ông, tôi là Thành, chú của đứa cháu đây, tên Quang, còn đây là ông Cảnh, cậu của cháu. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, chúng tôi đưa cháu đến để xin phép cụ cho cháu nó cưới cô Huyền, con dâu của cụ.

Ba chồng Huyền đứng ngẩn người ra, không hiểu ra sao cả, lắp bắp:

- Ông… ông nói gì? Hòi ai…Cưới ai?

Thành đóng kịch tỉnh bơ:

- Thưa cụ, chẳng dám dấu gì cụ, cháu tôi nó quen cô Huyền hồi nào thì tôi không biết, nhưng mới đây cháu nó về nhà đòi cưới cô Huyền và cho nhà biết là Huyền là con dâu của cụ, mà con cụ, rất tiếc, đã quy tiên. Mẹ cháu thì yếu đuối, chẳng biết thế nào, nên nhờ tôi và ông cậu đây đến xin cụ cho cháu được lấy cô Huyền!

Ba chồng Huyền đứng lặng một hai giây rồi mới hiểu ra, ông gọi vang cả nhà;

- Chúng mày đâu? Ra đây! Ra đây! Có cậu này đến hỏi chị Huyền này.

Lập tức, từ phòng trong, hai thanh niên, hai thiếu nữ chạy ùa ra, đứng thành hàng ngang chắn cửa vào phòng trong trợn mắt nhìn Quang. Quang làm bộ xấu hổ, ngồi cúi mặt xuống, không dám ngẫng lên.

Ba chồng Huyền chỉ chỉ ngón tay vào Quang:

- Thế.. thế cậu ấy có biết là chị Huyền có ba đứa con không?

Thành gật đầu:

- Thưa cụ, cháu biết rõ lắm, nhưng mà tình yêu thì không có biên giới, cháu nó và cô Huyền cứ yêu nhau, bất chấp tất cả sự chênh lệch tuổi tác, gia đình, hoàn cảnh. Chúng tôi có khuyên cháu hoài nhưng cháu khăng khăng nói là việc cưới hỏi là của cháu, chứ không phải của gia đình, cho nên chúng tôi thấy, thôi, cũng đành nghe theo cháu mà thôi.

Vừa lúc ấy, Liên, cô gái út, Bác Sĩ, đang thực tập tại bệnh viện, bước vào. Thấy đông người, Liên thắc mắc bước tới chỗ mấy người thanh niên nam nữ kia mà hỏi. Sau khi biết Quang đói cưới chị dâu mình, Liên, với tính Âu tây, tiến nhanh đến chỗ Quang ngồi, lấy tay nâng cằm Quang lên, ngắm nghía rồi nói:

- Đẹp trai thế này mà đi lấy bà già hả?

Quang làm bộ mắc cở, nhún vai.

Liên hỏi tới:

- Anh làm nghề gì?

Quang đáp khẽ:

- Tôi là Sĩ Quan Quân Đội, cô ạ!

Giật mình, Liên hỏi tiếp:

- Anh đóng ở đâu? Có gần đây không?

Quang nhìn thắng vào mặt Liên, đáp:

- Tôi đóng ở Biệt Khu Thủ Đô.

Liên lắc đầu:

- Thiếu Ủy trẻ, bô giai như thế mà mê bà góa thì thật.. là môt mối tình lãng mạn!

Như chợt nghĩ ra một điều, Liên nói ngay:

- Này, anh đẹp trai quá, bỏ mộng lấy chị dâu tôi đi. Uổng đời trai. Chiều nay, 2 giờ, anh lại đây, tôi đưa anh đi chơi…

Quang nhìn kỹ Liên, cũng đẹp gái lắm, mà lại tương lai tràn trề nừa, lấy cô này thì đời lên hương. Nhưng thôi, lỡ rồi em. Anh lỡ yêu Huyền rồi. Anh tiếp tực đóng kịch hiền khô, không trả lời. Một lúc nói chuyện linh tinh với ba chồng của Huyền, hai người chú, cậu “dỏm” kia xin phép về. Cả nhà kéo nhau ra đứng đầy cửa, tấm tắc.

Thế là xong nhiệm vụ. Ba người kéo nhau đi làm một chầu thịt chó, cười ầm ĩ.

Với Huyền, việc đi xin cưới của Quang từ nhà mẹ ruột, đến nhà cha chồng, và chê cả cô Bác Sĩ đep kia chứng tỏ anh thật tình yêu Huyền. Nàng chấp nhận hiến thân cho Quang, nồng nhiệt. Rồi về ở với Quang trong một căn gác nhỏ đường Hùng Vương, Chợ Lớn. Hai đứa ngày ngày đi làm về là quấn lấy nhau, không rời. Rồi đi Đà lạt, Vũng Tầu, quấn quít. Huyền đôi khi quên cả con. Chỉ biết có mối tình rực lửa. Quang si mê Huyền kinh khủng. Cứ tưởng cuộc đời mãi êm trôi. Nhưng…

Hạnh phúc bao giờ cũng phải trả giá đắt. Những căng thẳng trong cuộc sống hai đứa đã từ từ hiện lên. Huyền không thể bỏ bê các con ở nhà nếu ở với Quang. Ngược lại, nếu về với con thì Quang lại buồn bã. Mà dĩ nhiên không thể có việc anh về ở chung với đại gia đình của Huyền. Mang tất cả các con lên với anh lại là chuyện không thể được vì tài chánh. Do đó, anh cấm cẳn, khó chịu. Rồi cãi nhau, mới đầu thì nhẹ, từ từ thì căng thẳng. Hai đứa cứ cố gắng mãi nhưng rồi thấy không xuôi. Cho đến một hôm, hai đứa buồn rầu chấp nhận chia tay. Nước mắt rơi mãi phải khô. Buồn mãi phải nguôi. Cuộc đời đã trôi qua mà không êm. Một vài năm sau, Quang lấy vợ. Huyền vẫn cô độc với chiếc xe Lam trắng nhỏ duới chân cầu chữ Y.

* * * *

Huyền gục đầu, khóc nức nở. Căn Mobile Home mà Huyền mới mua như lạnh thêm. Đã mấy chục năm rồi, không ngờ gặp lại Quang ở đất Mỹ này. Tình cờ hay một định mệnh cay đắng?

Hôm đó, Huyền đi khám bệnh ở Bác Sĩ Trần,một bác sĩ nổi tiếng ở San Diego. Đang ngồi đợi tới phiên thì Quang bước vào. Vừa nhìn thấy Quang, trái tim Huyền giật lên. Máu như ngưng chẩy. Quang bây giờ đã già đi nhiều với những nếp nhăn đuôi mắt. nhưng vẫn nhanh nhẹn, Chàng bước tới nói chuyện gì với Lan, cô vợ Bác Sĩ, cũng là một Dược Sĩ, ngồi ở chỗ tiếp khách, nói chuyện gì đó rồi bước ra, không nhìn ai.

Huyền thở dài, người như chĩu xuống. Một lúc sau, nhân khi được gọi tên, Huyền hỏi Lan:

- Ông Quang đó phải không?

Cô Dược sĩ ngước mắt lên, tò mò:

- Cô quen chú Quang à?

Huyền gật đâu, mỉm cưới:

- Nhiều năm rồi! Nhưng mà vừa rồi, ông ấy không trông thấy tôi! Hay là trông thấy mà không thèm nhận, nên tôi cũng chẳng muốn gọi.

Lan cũng cười bí mật, rồi nói một câu chẳng ăn nhập gì với câu chuyện:

- Cô trên 70 rồi mà còn đẹp quá mà!

Huyền chỉ cười nhẹ, cám ơn Lan và đi vào phòng khám.

Hai tuần sau, Huyền tới tái khám. Đột nhiên, Quang xuất hiện. Vừa bước qua cửa, chàng đã thẳng tiến tới chỗ nàng, gọi nhỏ:

- Em!

Thế này là thế nào? Thôi, chắc là lần trước, Huyền tâm sự với cô Dược Sĩ, cô này nói lại với Quang và cho Quang biết cuộc hẹn hôm nay! Cô bé này… thật….là..

Huyền lắc đầu cho vơi bớt suy nghĩ. Nàng cố mỉm cười:

- Anh khỏe không?

Đã bao năm không được nghe giọng nói nhẹ nhàng mà duyên dáng này, Quang như người mất hồn. Cháng thở dài rồi ngồi xuống bên cạnh:

- Em sang Mỹ từ bao giờ?

Huyền nhìn sâu vào mắt Quang. Hai bên khóe mắt trong sáng ngày xưa đã đầy vết chân chim. Nàng chậm rãi trả lời:

- Qua được hơn một năm rồi!

Quang đắm đuối ngắm nàng khiến Huyền hơi ngượng. Chàng nói nhẹ:

- Bao năm rồi mà em vẫn đẹp như ngày nào.

Đập tay vào tay Quang, Huyền mỉm cười:

- Xạo đi, ông! Già rồi! Trên 70 rồi còn đẹp cái nỗi gì!

Nàng đùa:

- Chú năm nay mới trên 60, gọi tôi bằng chị đi!

Nói vậy thì nói nhưng nàng cũng xao xuyến đôi chút. Quang tỉnh bơ hỏi địa chỉ nàng, số điện thoại của nàng và hẹn sẽ đến thăm nàng. Anh cũng hỏi thăm từng đứa con, không quên đứa nào.

Tới giờ vào khám bệnh, Huyền từ giã Quang và hẹn một ngày gặp nhau.

Sau đó vài ngày, khi Huyền đang lúi húi sửa lại cái dây hoa leo cho uốn quanh cột, thì Quang đến. Dáng dấp anh vẫn hiên ngang, đôi mắt vẫn say đắm. Vừa bước theo chân Huyền vào trong nhà, Quang đã chồm tới muốn ôm lưng nàng. Huyền giật mình gạt tay Quang ra, và nói:

- Chú em đừng làm vậy nhé. Tôi bây giờ tu rồi.

Huyền chỉ tay vào những tượng Chúa, hình Đức Mẹ treo trên tường, rồi nói:

- Tôi bây giờ chỉ còn biết đi nhà thờ. Mỗi ngày tôi đều đi lễ. Rảnh thì lại cầu nguyện, cầu cho mình ra đi thong thả.

Quang chới với không biết nói sao. Anh ngồi phịch xuống ghế sa lông, trầm tư. Một lúc sau, anh mới nói:

- Thôi, em đừng đóng kịch nữa! Anh không thích!

Huyền cứng cỏi:

- Tôi nói thật đấy. Chú kém tôi 8 tuổi, nhưng bây giờ cũng con cháu đùm đề. Anh em gì nữa mà anh em!

Thấy mắt Quang trợn lên, đỏ ngầu, có lẽ chàng muốn điên vì chữ “chú”, nàng chuyển giọng thầm thì:

- Xin lỗi. nhưng xin để cho tôi hai chữ Bình An. Chuyện xưa nên quên đi, Quang ạ!

Chàng đập đập tay vào thành ghế, giận dỗi:

- Được, tôi cũng không nói gì nữa!

Bất ngờ, chảng đổi giọng:

- Em không còn yêu anh nữa sao?

Huyền lắc đầu, buồn bã:

- Yêu thì sao? Không yêu thì sao? Có làm được gì không? Ông còn nhiệm vụ với vợ con, tôi cũng phải trông cháu nội, ngoại. Dù chúng ta có muốn, liệu có làm gì được không?

Quang cắn môi, đau khổ:

- Thôi, thì vậy đi. Nhưng bà vẫn phải cho tôi đến thăm bà chứ?

Cương quyết, Huyền lắc đầu:

- Ông muốn tới thì cứ tới, nhưng đừng để gia đình xào xáo. Tôi xấu hổ lắm.

Không biết nói sao khi câu chuyện khô khan như sắt vụn, Quang đứng lên, nhìn thẳng vào nàng:

- Thế thì tôi về. Chào bà!

Huyền không đáp, vì hình như nước mắt đã bắt đầu làm mi hơi nặng nặng. Nàng đứng dậy, tiễn chân chàng ra cửa. Quang cúi đầu đi thẳng, không quay lại.

Đợi xe của Quang đã khuất sau con đường, Huyền thấy mình như lả đi, không còn sức. Nàng thả rơi người xuống ghế, nức nở. Mối tình tuyệt đẹp ngày xưa làm sao quên được? Đã mấy chục năm, nàng vẫn bỗi hồi. Nhưng thôi, thôi, thôi…

Huyền ngẩng đầu lên nhìn ảnh Đức Mẹ, lẩm bẩm:

- Mẹ ơi! Cứu con với!

Ngoài cửa, một cơn gió lạnh chợt vụt qua. Mùa đông San Diego năm nay nhiều gió quá.

Chu tất Tiến

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyện “Ngưng bắn…” kể cho độc giả Bloomington ngày ấy, đã là chuyện quá khứ. 30 tháng Tư năm sau, cuộc chiến trên đất Việt tàn. Chủ nghĩa Cộng sản, nguyên nhân của nạn binh đao, dìm quê hương tôi trong biển máu hàng thập kỷ, cuối cùng đã hưởng hết 70 năm tuổi thọ. Tưởng chuyện đau thương trong một ngày ngưng bắn của gia đình, vì sự an toàn, phúc lợi của loài người, phải trở thành cổ tích. Vậy mà hôm nay, trong thời đại này, chuyện buồn chiến tranh của tôi đang tái diễn...
Mười năm, 20 năm, và nhiều hơn nữa, khi lịch sử kể lại buổi chuyển giao quyền lực hứa hẹn một triều đại hỗn loạn của nước Mỹ, thì người ta sẽ nhớ ngay đến một người đã không xuất hiện, đó là cựu Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama.
Chiến tranh là chết chóc, tàn phá và mất mát! Có những cuộc chiến tranh vệ quốc mang ý nghĩa sống còn của một dân tộc. Có những cuộc chiến tranh xâm lược để thỏa mãn mộng bá quyền của một chế độ hay một bạo chúa. Có những cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai chủ nghĩa, hai ý thức hệ chỉ biến cả dân tộc thành một lò lửa hận thù “nồi da xáo thịt.” Trường hợp sau cùng là bi kịch thống thiết mà dân tộc Việt Nam đã gánh chịu! Hệ lụy của bi kịch đó mãi đến nay, sau 50 năm vẫn chưa giải kết được. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một nữ chiến binh cộng sản miền Bắc có tên là Dương Thu Hương khi vào được Sài Gòn và chứng kiến cảnh nguy nga tráng lệ của Hòn Ngọc Viễn Đông thời bấy giờ đã ngồi bệch xuống đường phố Sài Gòn và khóc nức nở, “khóc như cha chết.” Bà khóc “…vì cảm thấy cuộc chiến tranh là trò đùa của lịch sử, toàn bộ năng lượng của một dân tộc dồn vào sự phi lý, và đội quân thắng trận thuộc về một thể chế man rợ. Tôi cảm thấy tuổi trẻ của tôi mất đi một cách oan uổng ...
Ngày 30 tháng 4 năm 2025 là một ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam đương đại, cũng là dịp để chúng ta cùng nhau hồi tưởng về ngày 30 tháng 4 năm 1975 và những gì mà dân tộc đã sống trong 50 năm qua. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã kết thúc chiến tranh và đáng lẽ phải mở ra một vận hội mới huy hoàng cho đất nước: hoà bình, thống nhất và tái thiết hậu chiến với tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc. Nhưng thực tế đã đánh tan bao ước vọng chân thành của những người dân muốn có một chỗ đứng trong lòng dân tộc.
Điều thú vị nhất của nghề làm báo là luôn có sự mới lạ. Ngày nào cũng có chuyện mới, không nhàm chán, nhưng đôi khi cũng kẹt, vì bí đề tài. Người viết, người vẽ, mỗi khi băn khoăn tìm đề tài, cách tiện nhất là hỏi đồng nghiệp. Ngày 26 tháng 3, 1975, hoạ sĩ Ngọc Dũng (Nguyễn Ngọc Dũng: 1931-2000), người dùng bút hiệu TUÝT, ký trên các biếm hoạ hàng ngày trên trang 3 Chính Luận, gặp người viết tại toà soạn, hỏi: “Bí quá ông ơi, vẽ cái gì bây giờ?”
Sau ngày nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ban hành hàng loạt sắc lệnh hành pháp và bị một số tòa án tiểu bang chống đối và hiện nay có hơn 120 vụ tranh tụng đang được xúc tiến. Trump cũng đã phản ứng bằng những lời lẽ thoá mạ giới thẩm phán và không thực thi một số phán quyết của tòa án. Nghiêm trọng hơn, Trump ngày càng muốn mở rộng quyền kiểm soát hoạt động của các công ty luật và công tố viên nghiêm nhặt hơn. Trong khi các sáng kiến lập pháp của Quốc hội hầu như hoàn toàn bị tê liệt vì Trump khống chế toàn diện, thì các cuộc tranh quyền của Hành pháp với Tư pháp đã khởi đầu. Nhưng Trump còn liên tục mở rộng quyền lực đến mức độ nào và liệu cơ quan Tư pháp có thể đưa Trump trở lại vị trí hiến định không, nếu không, thì nền dân chủ Mỹ sẽ lâm nguy, đó là vấn đề.
Khi Bạch Ốc công bố công thức tính thuế lên các quốc gia với các thang thuế khác nhau, người ta nhận ra đó chỉ là một một phép tính toán học căn bản, chẳng liên quan đến kinh tế học hay mậu dịch lẫn các dữ liệu thực tế nào cả. Chúng chỉ là những số liệu vô nghĩa và phi lý. Việt Nam không đánh thuế hàng Mỹ đến 90% và đảo hoang của những chú chim cánh cụt có liên quan gì đến giao thương. Điều này thể hiện một đối sách vội vã, tự phụ và đầy cảm tính, cá nhân của Donald Trump nhằm tạo áp lực lên thế giới, buộc các nước tái cân bằng mậu dịch với Mỹ hơn là dựa trên nền tảng giao thương truyền thống qua các hiệp ước và định chế quốc tế. Hoặc nhỏ nhặt hơn, để trả thù những gì đã xảy ra trong quá khứ: Trump ra lệnh áp thuế cả những vật phẩm tâm linh từ Vatican đưa sang Mỹ như một thái độ với những gì đức Giáo Hoàng Francis từng bày tỏ.
Tổng thống Donald Trump vào hôm qua đã đột ngột đảo ngược kế hoạch áp thuế quan toàn diện bằng cách tạm dừng trong 90 ngày. Chỉ một ngày trước đó đại diện thương mại của Trump đã đến Quốc Hội ca ngợi những lợi ích của thuế quan. Tuần trước chính Trump đã khẳng định "CHÍNH SÁCH CỦA TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI". Nhưng Trump đã chịu nhiều áp lực từ những nhân vật Cộng Hòa khác, các giám đốc điều hành doanh nghiệp và thậm chí cả những người bạn thân thiết, đã phải tạm ngừng kế hoạch thuế quan, chỉ duy trì thuế căn bản (baseline tariff) 10% đối với tất cả những đối tác thương mại.
Trật tự thế giới là một vấn đề về mức độ: nó thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào các yếu tố công nghệ, chính trị, xã hội và ý thức hệ mà nó có thể ảnh hưởng đến sự phân phối quyền lực trong toàn cầu và ảnh hưởng đến các chuẩn mực. Nó có thể bị thay đổi một cách triệt để bởi các xu hướng lịch sử rộng lớn hơn và những sai lầm của một cường quốc. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, và gần một năm trước khi Liên Xô sụp đổ vào cuối năm 1991, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã tuyên bố về một "trật tự thế giới mới". Hiện nay, chỉ hai tháng sau nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump, Kaja Kallas, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu, đã tuyên bố rằng "trật tự quốc tế đang trải qua những thay đổi ở mức độ chưa từng thấy kể từ năm 1945". Nhưng "trật tự thế giới" là gì và nó được duy trì hoặc phá vỡ như thế nào?
Hãy bắt đầu niềm tin này với câu nói của John Kelly, tướng thủy quân lục chiến hồi hưu, cựu Bộ trưởng Nội an, cựu chánh văn phòng của Donald Trump (2018): “Người phát điên vì quyền lực là mối đe dọa chết người đối với nền dân chủ.” Ông phát biểu câu này tại một hội nghị chuyên đề về nền Dân chủ ở Mount Vernon vào tháng 11/2024, ngay tại ngôi nhà của George Washington, vị tổng thống đầu tiên, người mở ra con đường cho nền dân chủ và tự do của Hoa Kỳ. Không đùa đâu! Tướng Kelly muốn nói, những người phát điên vì quyền lực ấy có thể giữ các chức danh khác nhau, thậm chí là Tổng Thống, nhưng trong thâm tâm họ là bạo chúa, và tất cả các bạo chúa đều có cùng một đặc điểm: Họ không bao giờ tự nguyện nhượng quyền lực.

LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.



***
Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện, 

Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.

Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.

Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.

Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.

Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.

Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.

Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.



Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.

Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.

Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.

Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.

Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.

Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.

Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.

Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.

Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu.

Derek Trần

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.