Hôm nay,  

Miến Điện “Thoát Trung”

17/11/201400:00:00(Xem: 6239)

...Liên Xô có Gorbachev và Yeltsin, Miến Điện có Thein Sein và Suu Kyi, Việt Nam có ai...

Tuần qua, TT Obama sau khi tham dư hội Nghị Thượng Đỉnh APEC tại TC xong đã bay qua Miến Điện, tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN tại thủ đô Miến Nay Pyi Taw, sau đó đi Yangon gặp sinh viên, bà Aung San Suu Kyi và đại diện vài tổ chức đối lập. Trước khi đi Úc tham dự Hội Nghị G-20.

Bỏ qua chuyện mấy vị quốc trưởng mang tiền thuế của dân è cổ ra đóng đi họp hết thượng đỉnh này đến thượng đỉnh nọ, chung quy vẫn những bộ mặt đó, gặp đi gặp lại, có khác là khác bộ quần áo, nay áo dài khăn đóng Việt, mai áo Mao, mốt quấn xà-ròng. Dù sao thì những vị đó gặp nhau, bắt tay mà mặt không cười như Obama-Putin hay Tập Cận Bình-Shinzo Abe, vẫn còn hơn các vị đó bán cái, xúi dại đàn em giết nhau.

Đây là lần thứ nhì TT Obama đến Miến Điện, một chuyện lạ đáng nói khi mối giao hảo Mỹ-Miến không có vẻ cơm lành canh ngọt gì từ mấy chục năm qua. Phải nói TT Obama theo Tin Lành, không phải Phật tử mê chùa Miến Điện nên muốn đi hoài. TT Obama cũng không phải là thành phần cấp tiến quá khích chuyên đi lòng vòng xách động thế giới về nhân quyền, chống độc tài. TT Obama sẽ nói về nhân quyền và cởi mở chế độ với các vị lãnh đạo và đối lập Miến, nhưng đó không phải là trọng điểm của hai cuộc viếng thăm.

Sự thật là Mỹ đang cố gắng lôi kéo Miến ra khỏi vòng tay Chú Ba họ Tập. Nhân quyền luôn luôn chỉ là cái cớ, khi nào cần mang ra làm bình phong thì lôi ra, khi nào không cần thì cất đi. Mỹ mang chuyện nhân quyền ra hù dọa Miến, nhưng lại vui vẻ ôm Tập Cận Bình hay Nguyễn Tấn Dũng trong khi TC và VN “thoải mái” chà đạp nhân quyền.

Nhân đây, ta nhìn thêm về cái xứ thần bí này.

Miến Điện quả là xứ bí hiểm. Chỉ vì một lý do khá giản dị là cái xứ này đóng cửa không chơi với ai, mà cũng chẳng ai chơi với, từ xấp xỉ một nửa thế kỷ rồi, nên mọi chuyện đều không có gì sáng tỏ, chẳng ai biết rõ chuyện gì về xứ này ngoài chuyện nổi tếng là xứ của chùa chiền và xứ của độc tài quân phiệt cảnh sát trị.

Ngay cả cái chuyện này nghe cũng lủng củng. Người ta thường nghĩ nếu là đất Phật thì chắc phải êm ả hiền lành, nhưng sao lại cũng độc tài sắt máu.

Trước hết nói về đất Phật. Quả Miến Điện là đất Phật. Trên thế giới này, có một ít quốc gia rất sùng đạo Phật, Miến Điện nằm trong khối này, ngang với Nepal, Bhutan, Tây Tạng, Tích Lan, hơn cả Thái Lan và Lào. Ở đây, cứ vài ba con đường là lại có một ngôi chùa, lớn nhỏ, đủ loại. Thành phố lớn nào cũng có vài ngôi chùa thật lớn, rất nổi tiếng.

Như Yangon có ngôi chùa nổi danh Shwedagon, là ngôi chùa bọc bởi sáu tấn vàng và ngôi chùa Chauk Htet Gyl là ngôi chùa có tượng Đức Phật nằm, dài 70 thước. Tại Mandalay, có ngôi chùa lớn, với bức tượng Phật cao hơn 5 thước, bịt kín bởi những miếng vàng lá mỏng mà Phật tử dán lên tượng. Và chùa Maha rất đặc biệt với 729 cái tháp nhỏ cao chừng 2 thước, trong mỗi tháp có một phiến đá cao chừng một thước khắc một bài kinh Phật. Nói chung, chùa Miến giống chùa Thái chứ không giống chùa Tầu. Phật giáo Miến cũng là Phật giáo tiểu thừa.

Đây là những ngôi chùa trứ danh, rất đẹp và rất đặc biệt đã thu hút cả triệu du khách mỗi năm. Đặc biệt là chùa Shwedagon (http://en.wikipedia.org/wiki/Shwedagon_Pagoda). Tọa lạc trên nguyên một ngọn đồi, có 4 lối vào từ bốn hướng, phải leo cả mấy trăm bực thang mới lên tới (cổng chính có thang máy), ở giữa là một cái tháp trát vàng cao 105 thước, chung quanh là cả trăm cái chùa nhỏ, và tháp nhỏ trông giống như mấy cái am miễu của VN ta, nhưng lớn hơn, trạm trổ rất công phu, mỹ thuật, phần lớn cũng trát vàng hay bạc. Tương truyền được xây cách đây 2.600 năm bởi hai doanh nhân sau khi họ đi gặp đích thân Đức Phật về. Thực tế có lẽ được xây thế kỷ thứ 10. Chùa bị tàn phá nhiều lần bởi chiến tranh và động đất, sau mỗi lần lại được sửa chữa, trùng tu liên tục.

Ngoài ra, Miến Điện có hai vùng nữa, thường là tâm điểm của các Phật tử đến viếng xứ này. Thứ nhất là vùng Bagan, là nơi trước đây, các vua Miến đã bỏ cả mấy trăm năm ra xây khoảng 10.000 ngôi chùa, lớn nhỏ, đủ cỡ. Phần lớn các chùa này đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá, bây giờ chỉ còn gạch vụn. Nhưng cũng vẫn thu hút du khách khi họ đứng trên đồi cao nhìn xuống cả ngàn ngôi chùa rải rác xa hơn tầm nhìn của mình.

Thứ nhì là gần thành phố Taunggy, có một hang động rất lớn và rất đặc biệt, trong đó có gần 10.000 tượng Phật, đủ kiểu, đủ loại, đủ cỡ, do Phật tử trên khắp thế giới cúng dường, được đặt ngổn ngang trên vách đá của động. Đại khái thì quý độc giả có thể đặt đúc một bức tượng Phật, cỡ nào cũng được, từ vài chục phân đến vài thước, bằng vàng, gỗ, đất, hay đá, rồi gửi đến đặt trong động, với bảng tên của mình.

Ngoài chùa ra thì trên đường phố, sư sãi lúc nào cũng thấy đi tới đi lui. Nhất là sáng sớm, khoảng 7-8 giờ là thấy hàng đoàn cả trăm chú tiểu bưng bình bát đi khất thực, xin tiền mặt hay đồ ăn cho nguyên ngày. Chỉ có chú tiểu thôi, trong khi các vị sư lớn tuổi không bưng bình bát đi đường. Sáng nào cũng đi khất thực, và dân chúng lúc nào cũng nhiệt tình kính cẩn cúng dường.

Trong các quán và tiệm ăn bình dân, không là chuyện lạ gì khi thấy có mấy vị sư tụ họp ngồi uống trà đá, thay vì thấy mấy anh thanh niên tụ năm tụ bẩy “một, hai, ba, dzô!” như ở VN. Trong xe hơi, gần như xe nào cũng có một tượng Phật nhỏ để sau kính trước. Tiệm buôn nào cũng có bàn thờ Phật.

Dân Miến rất sùng đạo. Có lẽ vì vậy, phần lớn cũng rất hiền lành, lễ phép và lương thiện. Suốt ngày cúi rạp người xuống chào hỏi, cám ơn hay xin lỗi đủ chuyện, khác với VN ta, nơi mà tiếng xin lỗi gần như đã biến khỏi tự điển. Ở Miến, không bao giờ có chuyện bị lừa gạt tiền hay cướp giựt. Đây là xứ an toàn nhất cho du khách.

Xứ Miến còn rất chậm tiến về phương diện tài chánh, phần lớn chi tiêu bằng tiền mặt, không xài thẻ tín dụng hay chi phiếu ngân hàng, một loại kinh tế tiền mặt. Mà tờ tiền giấy lớn nhất chỉ có mệnh giá tương đương với 10 đô, thành ra người ta có thể thấy mấy ông bà kinh doanh mang từng bao bố tiền đi xe taxi, mà không bao giờ có chuyện bị taxi cướp. Du khách có để quên tiền hay đồ đạc trên taxi, cũng không sợ gì, tài xế sẽ mang trả lại tại khách sạn hay tại sở cảnh sát. Trong chợ, các bà bán hàng để cả xấp tiền thu nhập ngay trên sạp bên cạnh, chẳng bao giờ sợ bị cướp giựt.

Tài nguyên chính của Miến là đá quý, đặc biệt là cẩm thạch và hồng ngọc. Các bà có thể vào chợ hay các tiệm, mua vòng cẩm thạch với giá từ 10 đô đến 30.000 đô. Có những tiệm đặc biệt bán vòng cẩm thạch tới bạc triệu đô. Có điều du khách từ Mỹ qua nên lưu ý vì Mỹ “trừng phạt” kinh tế Miến, cấm không cho mang đá quý từ Miến vào. Hải quan Mỹ sẽ tịch thu và phạt nặng.

Thành phố lớn nhất, Yangon, có điểm đặc biệt là tuyệt đối cấm xe gắn máy, nên toàn xe hơi, xe nào cũng nhỏ xíu, giống như bên Âu Châu. Nhưng hầu hết đều là xe cũ, phế thải từ Nhật hay Hàn qua. Không có cảnh lưu thông loạn xà ngầu, vô trật tự, với xe tải, xe hơi, xe buýt, xe gắn máy như VN. Dân Miến rất kiên nhẫn ngồi chờ đèn xanh, không có vượt đèn đỏ ào ào như tại xứ “đỉnh cao trí tuệ”.

Bây giờ ta bàn đến chuyện chính trị.

Miến có 3 thủ đô, tương tự như VN. Cố đô Mandalay, thủ đô thương mại Yangon, và thủ đô chính trị Nay Pyi Taw, được thành lập 1997.

Miến bị Anh đô hộ hơn 60 năm. Anh bị Nhật hất cẳng thời Thế Chiến II. Sau khi Nhật thua, Miến được độc lập năm 1948. Đây là vùng đất chiến lược, là chiến trường lớn thời Đệ Nhị Thế Chiến, cửa sau để đồng minh xâm nhập vào Trùng Khánh, giúp các lực lượng kháng Nhật của liên minh Tưởng - Mao. Hơn 150.000 lính Nhật cùng với hơn 250.000 dân Miến bị chết trong cuộc chiến.

Năm 1962, tướng Ne Win đảo chánh, thiết lập một chế độ quân phiệt độc tài sắt đá thiên tả nặng. Miến bị cô lập hoàn toàn. Thế giới, do Mỹ và Âu Châu cầm đầu, áp đặt những biện pháp cô lập kinh tế để ép các tướng lãnh cởi mở, nhưng không mấy hiệu quả.

Vì bị Tây Phương cô lập nên các tướng quay qua tựa lưng vào TC, được vồn vã tiếp đón. Miến nối liền với TC như cuống rốn. TC trợ giúp kinh tế, quân sự, xây xa lộ, hải cảng, đường rầy xe lửa, tiếp trợ thực phẩm, dầu xăng, hàng tiêu dùng, chuyên viên kỹ thuật... Tất cả đều từ những tính toán chiến lược có lợi cho TC, mở cánh cửa cho TC vào vùng biển Bengal phiá đông Ấn Độ, bao bọc bởi Ấn, Bangladesh, Miến và Thái.

Năm 2011 tướng hồi hưu Thein Sein đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử sắp đặt kiểu các xứ độc tài. TT Thein Sein này được ví như Gorbachev. Ông Gorbachev là đảng viên CS trung kiên, leo thang từ trong, lên đến tột đỉnh quyền hành thì thay đổi chính sách 180 độ, “đổi mới” và “cởi mở”, đưa đến sự xụp đổ hoàn toàn của chế độ CS tại Liên Xô.

Tướng Thein Sein cũng xuất thân từ hàng ngũ các tướng lãnh độc đoán, làm thủ tướng khi ra tranh cử tổng thống. Nhưng khi lên đến tổng thống thì ông đảo lộn chính sách, chủ trương cởi mở, bình thường hoá. Ở đây, ta nên dùng danh từ “bình thường hoá” để nói về chuyện chấm dứt chế độ độc đoán, chứ chưa thể nói đến “dân chủ hoá” được.

Sang năm tới, tháng Chín 2015, Miến sẽ tổ chức bầu tổng thống. Đây là cái nhức răng lớn cho Miến. Bà Aung San Suu Kyi là người được thế giới ngưỡng mộ và toàn thể dân Miến tôn thờ. Bà ra tranh cử thì coi như khỏi cần tổ chức bầu bán gì cho mệt.

Nhưng theo Hiến Pháp hiện hành, bà không ra tranh cử được, vì có quan hệ ruột thịt với công dân goại quốc là hai cậu con trai của bà, đều có quốc tịch Anh. Hiến Pháp này do nhóm quân phiệt viết ra năm 2008 để ngăn cản không cho bà Suu Kyi ra tranh cử.

Ngược dòng thời gian, bà Aung San Suu Kyi, sanh năm 1945, là con gái tướng Aung San. Ông tướng này lãnh đạo cuộc đấu tranh dành độc lập cho Miến Điện khỏi tay Anh, rồi tham chiến bên đồng minh chống Nhật, nhưng bị thành phần quá khích ám sát chết năm 1947, khi ông mới 37 tuổi, gần một năm trước khi Miến dành được độc lập. Ông trở thành người hùng lớn của Miến, như một Washington của Mỹ. Tên của ông tràn ngập cả nước, đường phố, công viên, công thự, sân vận động, trường học,... vô số mang tên ông.

Sau khi ông chết, bà Suu Kyi khi đó 2 tuổi, qua Anh sống, lớn lên, lấy chồng bác sĩ người Anh, sanh ra hai cậu con trai. Năm 1988, nhân dịp bà mẹ bị đau nặng, sắp qua đời, bà Suu Kyi về nước thăm, và bị sốc nặng khi thấy quân đội và cảnh sát đàn áp dã man sinh viên đang biểu tình đòi tự do dân chủ. Bà quyết định ở lại, tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh. Đảng Liên Minh Quốc Gia Cho Dân Chủ (National League For Democracy) ôm chầm lấy bà, con gái của người hùng Aung San.

Năm 1990, bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà đại thắng trong cuộc bầu cử, nhưng bị các tướng lãnh hủy kết quả bầu cử, bà Suu Kyi bị bắt.

Các tướng lãnh gãi đầu bứt tai không biết phải đối phó ra sao. Hầu hết họ là đàn em của tướng Aung San là người thành lập ra quân đội Miến, mà ông tướng này cũng được dân tôn thờ như thần thánh, nên các tướng không dám đụng đến bà Suu Kyi. Đành biệt giam tại gia. Tìm đủ cách khuyến khích, dụ dỗ, hăm doạ để bà về lại Anh, nhưng bị cự tuyệt. Cho đến khi TT Thein Sein chủ trương cởi mở, trả tự do cho bà năm 2011, và ngay sau đó bà được bầu làm dân biểu.

Hiện nay, Miến đang bị áp lực sửa đổi Hiến Pháp, cho phép bà Suu Kyi ra tranh cử tổng thống. Nhưng không dễ. Vì bà quá chắc ăn, nên khối quân đội với một phần tư quốc hội, và khối các đảng khác, không dễ gì chịu sửa Hiến Pháp, cho bà ra tranh cử để họ bảo đảm bị thua. Với áp lực từ trong nước ra đến ngoài nước, khó có thể cưỡng lại chuyện thay đổi Hiến Pháp.

Đây sẽ là một cuộc chiến mới trong năm tới. Một trong những lý do TT Obama đến Miến hai lần, chính là muốn tạo áp lực về chuyện này.

Câu hỏi là bà Suu Kyi làm tổng thống có phải là giải pháp tối ưu cho Miến Điện không? Câu trả lời là... chưa chắc.

Bà Suu Kyi là người có ý chí sắt đá, hết sức can đảm đương đầu với các tướng lãnh. Chấp nhận hy sinh cá nhân bị nhốt 20 năm để tranh đấu đến cùng. Khi ông chồng người Anh bị đau nặng sắp chết, các tướng lãnh cố thuyết phục bà về Anh chăm sóc. Bà hiểu là ra đi sẽ không có ngày về, nên nhất quyết không đi. Chỉ ngày ngày đến tòa đại sứ Anh để nói chuyện điện thoại với chồng trong nhà thương. Các tướng cho phép bà làm vậy để hy vọng bà ra đi, nhưng ông chồng lại luôn khuyến khích bà giữ vững lập trường (có cuốn phim rất hay kể lại cuộc đời bà, “The Lady” do Michelle Yeoh đóng; quý độc giả muốn biết thêm, nên xem).

Điều đáng bàn là bà Suu Kyi không phải là một chính trị gia có tài kinh bang tế thế. Bà là một bà nội trợ có quyết tâm. Nhưng như vậy dĩ nhiên chưa đủ để có thể lãnh đạo cả nước.

Vấn đề này đã nổi bật trong hai năm qua, thời gian bà làm dân biểu. Người ta thấy rõ ràng vai trò rất lu mờ của bà trong tư thế dân biểu. Không đưa ra luật nào, không tích cực “đấu tranh chính trị” trong hậu trường quốc hội, không lên tiếng trước những biến cố trọng đại, như những vụ xung đột giữa Phật giáo và Hồi giáo, cuộc nội chiến giữa chính quyền với các sắc dân vùng biên giới với Thái, với Tầu, và với Bangladesh muốn tự trị.

Nếu bà làm tổng thống, đảng của bà sẽ phải cung cấp những nhà lãnh đạo chính trị và chuyên môn thật sự để giúp bà điểu hành chuyện nước. Nhưng đảng của bà cũng lần đầu tiên được phép hoạt động giới hạn, nên cũng không có ai có khả năng hay kinh nghiệm điều hành cả nước.

Ở đây, nhìn vào thực tế sẽ thấy bà vẫn cần sự hợp tác của các tướng lãnh, cần họ chịu sửa luật cho bà ra tranh cử, rồi giúp bà cầm quyền sau này. Dù sao, quân đội cũng đã nắm quyền gần nửa thế kỷ, tất cả guồng máy chính quyền đều là quân nhân hay đồng minh. Do đó, bà đã có thái độ có vẻ thân thiện với các tướng lãnh gần đây.

Miến đã dứt khoát áp dụng chính sách “thoát Tầu”, mới đây đã đơn phương hủy vài dự án lớn của TC, như dự án tân trang các hải cảng, lập nhà máy thủy điện lớn, và xây đường xe lửa từ biên giới TC-Miến đến tận biển Bengal phiá Nam Miến. Trái với những đấm ngực khoe công của chính quyền Obama, “thoát Tầu” là chính sách xuất phát từ TT Thein Sein, không phải do thúc đẩy của Mỹ, tuy Mỹ khuyến khích mạnh. Miến Điện chấp nhận bà Suu Kyi là cái giá phải trả để thoát Tầu.

Chiều hướng này đi song song với những cởi mở trong nước (như chấm dứt kiểm duyệt báo, cho dân tự do dùng điện thoại và vào internet), và xích lại gần Mỹ. Những cố gắng móc nối Mỹ–Miến đã từng được cựu thượng nghị sĩ Virginia, Jim Webb phát động, sau đó được bà Ngoại Trưởng Hillary tiếp tục. Bây giờ TT Obama muốn đẩy mạnh thêm cho tiến trình chạy nhanh hơn. Nhưng TT Thein Sein đi rất chậm rãi, không muốn đi theo con đường quá mau của Gorbachev, đưa đến xụp đổ toàn diện. Các tướng lãnh Miến chấp nhận thay đổi, nhưng không ai muốn tự vẫn.

Thoát Tầu, xích lại với Tây Phương, cấm vận sẽ được tháo gỡ, đô-la và Euro sẽ đổ vào, chuyên gia, cố vấn sẽ tràn ngập. Miến Điện sẽ qua mặt CSVN trong vài năm. Không phải vì giỏi gì hơn, mà chỉ vì thật tâm hơn.

TT Thein Sein thật tâm muốn cải đổi tận gốc rễ, xoá bỏ độc tài xã hội chủ nghiã, khác với CSVN chỉ muốn thay đổi về kinh tế để các quan có dịp kiếm tiền trong khi vẫn bám víu vào quái thai “định hướng xã hội chủ nghiã”. Liên Xô có Gorbachev và Yeltsin, Miến Điện có Thein Sein và Suu Kyi, Việt Nam có ai? Một câu hỏi người Việt nào cũng muốn biết câu trả lời. (16-11-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
19/11/201415:03:58
Khách
Một bài viết với nhiều chi tiết đáng biết về xứ Miến Điện .
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.