Số anh em đáng kính đã bỏ một phần thân thể để bảo vệ Tổ quốc đó đang sống một cuộc đời thê thảm không bút mực nào tả xiết.
Từ 30/4/75 đến nay ở VNCS, chiến sĩ VN Cộng hòa; người chết thì xiêu mồ lạc mả, kẻ sống còn thì tơi tả thân danh.
Nghĩa trang Quân đội trên xa lộ Biên hòa, bia bị đập, cạy, mồ bị đục, lấy gạch cốt sắt. Quang cảnh hoang tàn như tiền đồn sau trận tiền pháo hậu xung bởi Công trường 9 Sao vàng Cộng sản. Đến một nghĩa trang nhỏ ở quận nhỏ là Quận Bình Minh, Vĩnh Long từ mả của Tướng Trần văn Soái đến người chiến sĩ thời tầm vong vạt nhọn đứng lên bảo vệ đạo PGHH cũng bị đào mồ cuốc mả không nương tay.
Đối với chiến sĩ sống còn, một chính sách phân biệt đối xử biến số người nầy mất tư cách công dân ngay trên quê cha đất tổ của mình.
Riêng đối với thương phế binh lại thê thảm hơn. Từ Bến Hải đến Càmau, từ thành thị đến thôn quê, không còn một khu gia cư thương phế binh nào. Tất cả khu thương phế binh do VNCH cấp cho anh em, người ở, đuổi đi sạch, cấp cho cán bộ; hoặc san bằng lấy đất xây cơ quan cho Đảng và Nhà nước.
Trong lịch sử thế giới và qua các triều đại ngay ở Việt Nam, không ít chiến tranh nội bộ: Nội chiến Mỹ, Trịnh Nguyễn phân tranh; chưa có nơi nào có cách đối xử quyết liệt giữa đồng bào khác chiến tuyến sau chiến tranh như CSVN đã làm!
Trở lại với anh em thương phế binh. Đã mất một phần thân thể, mất năng lực, lại mất trợ cấp, mất nhà, trừ anh em có gia đình khá giả giúp, còn lại phải ra đường sống.
Đầu đường, xó chợ, vỉa hè, bến xe, bến tàu, công viên là nơi trú ngụ. Sống bằng của bố thí. Nhiều anh nằm trên miếng ván có bánh xe trườn tới bằng cặp đùi đã bị cưa đi tới đầu gối. Bà con rất thương bộ treillis cũ nên rộng lượng. Vì thế, cũng có một số người lợi dụng quân phục cũ; nên anh em Thương phế binh đi cái bang thường phân biệt nhau bằng hỏi thăm đơn vị, tên cấp chỉ huy để nhận dạng và giúp đỡ lẫn nhau. Và người giúp đỡ cũng thường làm thế để giúp bạn cho đúng người, đáng của.
Cho đến bây giờ, không ai có thể biết còn bao nhiêu thương phế binh VNCH ở VNCS sau một phần tư thế kỷ sống ngoài vòng luật pháp, bằng tình thương của nhân dân như thế và sau bao nhiêu ngày đói, lạnh, tủi nhục, đau buồn.
Phải làm một cái gì cho Đồng Đội. Huynh đệ chi binh. Nhứt là đồng đội tật nguyền. Lúc còn trong quân ngũ tôi biết nhiều Trung đội trưởng bị phạt vì không thi hành lịnh rút mà còn xông vào sâu hơn trận địa vì không nỡ bỏ một thương binh. Cố sống tác chiến mới thể nghiệm được tình đồng đội. Súng nổ, vợ, con, cha, mẹ, quên hết. Chỉ còn đồng đội che chắn, cõng khiêng, giúp người quân nhân.
Cách đây không lâu, lúc còn ở quê nhà, tôi thấy đồng đội trong và ngoài nước còn, còn một cách thiết thực. Tôi đã từng Honda ôm và chở các quân nhân Hải quân, sĩ quan Thủ đức, Chuẩn úy Phó Đốc Sự đi lãnh tiền do hội, khóa gởi về giúp. Thường sau vài ly đế nấu bằng khoai mì trả bằng số tiền đó, là những giọt nước mắt tri ơn và những lời nhắc về kỷ niệm khôn nguôi đời lính.
Tôi cũng đã từng thấy Thương phế binh Quân đội CSVN chống nạng bằng gỗ thông, bằng nhôm cứng có ghi rõ ràng “Made in USA”. Tôi đã đọc báo ở Saigon, các Phòng Thương Binh Xã hội CSVN “lên lịch cấp phát” đồ dùng cho Thương phế binh Bộ đội ở Thủ Đức, ở Bình chánh.
Sở dĩ tôi dông dài trần thuật là do ý muốn nhấn mạnh ở VNCS, tất cả của tặng dữ về xã hội đều vào tay nhà nước phân phối. Không hề có các hội từ thiện tư theo kiểu của các quốc gia tự do như Mỹ. Tất cả mọi tổ chức đều không ra khỏi vòng kim cô và kính chiếu yêu Cộng sản.
Gút lại, giúp dân nghèo, giúp thương phế binh, cách hay nhứt là tránh kiểu chánh qui, tức là qua nhà cầm quyền, mà cần sử dụng cách du kích, cá nhân gởi cho cá nhân. Với cách gởi tiền tinh khôn của Little Saigon hiện tại, dân nghèo, thương phế binh sẽ được hưởng và không bị phiền hà. Còn cứu trợ theo kiểu gởi cho hội Hồng Thập Tự, cho Bộ Xã hội VNCS là làm giàu cho cán bộ mà thôi.
Thế hệ thứ hai của người Việt tỵ nạn CSVN đã tạo được niềm tin quần chúng, biết ơn thiết thực lớp người đi trước đã bỏ mình cho Tổ quốc, tạo lý do cho chương trình định cư Việt Nam tại Mỹ. Không gây quỹ mà tự động bà con góp trong vài giờ được 89 ngàn để báo Mỹ đăng trang nhứt là có sức lôi cuốn lớn. Niềm tin và sức lôi cuốn sẽ tăng theo cấp số nhân nếu xông thẳng vào một vấn đề bức thiết hơn: vấn đề thương phế binh VNCH đang thê thảm ở VN.
Đền ơn đáp nghĩa người chết là tốt. Lại tốt nữa khi giúp người đang sống khổ như thương phế binh.
Giúp cá nhân chưa đủ, giúp thay đổi thái độ kỳ thị, trả thù sau chiến tranh trong chính sách CSVN là cần và đủ.
Với nhiệt huyết, kiến thức của lớp trẻ, tương lai dân tộc Việt, một dư luận, một vấn đề sẽ được đặt ra trong cộng đồng Việt, xã hội Mỹ và ngay trong tâm tư nhà cầm quyền Cộng sản. Đó là vấn đề thương phế binh VNCH ở Việt Nam.
Làm điều đó là làm một đại nghĩa, đại ơn và tạo một chuyển biến lớn để hướng về một tương lai hiểu biết nhau hơn của những đồng bào đã từng ở hai bên chiến tuyến của cuộc chiến tranh lạnh đã cáo chung và đang tiến đến sự hợp tác toàn cầu.