Bùi Tín
(VOA’s Blog)
Sau mấy bài về tướng Võ Nguyên Giáp trên VOA, một số bạn hỏi tôi vì
sao ông không có dịp thăm Pháp và Hoa Kỳ như nhiều lần dư luận đã đưa
tin. Đây cũng là một vấn đề hệ trọng trong quan hệ Việt - Pháp và
Việt - Mỹ. Tôi phân vân khi viết về chuyện này. Không lẽ im lặng. Đã
viết về tướng Giáp, tôi tự bảo hãy ngay thật, viết cho hết lẽ, với
công tâm. Đây là chuyện về tù binh chiến tranh, tù binh của quân đội
Pháp và của quân đội Hoa Kỳ bị bắt trong chiến tranh. Đây là dịp tôi
thấy cần nói rõ để bà con ta cùng biết.
Hồi cuối năm 1988, sau khi đi dự họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New
York về, trong một dịp gặp tướng Giáp, tôi kể lại cho ông biết chuyện
các nhà báo Mỹ nhiều lần nêu lên, chất vấn tôi về vấn đề tù binh
và người mất tích POW-MIA. Sau chiến tranh đây là vấn đề nổi cộm
trong xã hội Mỹ. Sau Hiệp định Paris, Mỹ đã nhận về 591 tù binh,
nhưng theo danh sách số người mất tích còn lại lên đến 1.350 hoặc
1.469 người, theo tài liệu của phía Mỹ. Phía Mỹ đặt ra nhiều giả
thuyết: Phải chăng phía Việt Nam đã che giấu một số tù binh còn
sống, đưa đi đâu để dùng làm thí nghiệm vũ khí mới? Đã tra tấn đến
chết rồi phi tang? Đưa sang nước khác, như Liên Xô, Cuba? Giữ lại để
đào tạo làm gián điệp?
Theo công ước quốc tế và các văn kiện chính thức của Liên Hiệp Quốc,
chính phủ nước tham chiến, Bộ Tổng tư lệnh, đặc biệt là người chỉ
huy tối cao - Tổng tư lệnh mỗi bên chịu trách nhiệm về số phận tù
binh bị bắt giữ, không được dùng nhục hình, chửi bới, phải có thái
độ nhân đạo, có trách nhiệm, để trao trả đầy đủ khi chiến sự kết
thúc.
Báo chí Mỹ, công luận Mỹ hồi ấy - từ năm 1975 đến gần năm 2.000 - có
lúc sục sôi. Họ lập hội, lập quỹ tìm kiếm tù binh, treo giải thưởng
lớn cho ai phát hiện ra tù binh Mỹ còn sống; có người tình nguyện
sang Thái Lan, Lào, bí mật đột nhập Việt Nam tìm trại giam tuyệt
mật.
Với xã hội Mỹ và phương Tây, mạng sống con người là vô giá, không
thể mất tăm mất tích mà không có lý giải, chứng cớ. Thêm nữa, giấy
tờ, công văn, tài liệu, báo cáo của phía Việt Nam tùy tiện, không cụ
thể, không chính xác, nhiều mâu thuẫn, không sao chấp nhận được, kể cả
những báo cáo của Quân ủy gửi Bộ Chính trị về vấn đề này. Có nhà
báo ở New York nói: Tướng Giáp mà có dịp sang đây thì sẽ có hàng
ngàn gia đình quân nhân Mỹ kéo đến đòi nợ, chất vấn về POW - MIA đó!
Hồi đó tướng Giáp tỏ ra quan tâm, nhưng than rằng chuyện này là do
Tổng cục chính trị, Cục địch vận, các Quân khu lo, luộm thuộm, vô
trách nhiệm trong thời chiến, cán bộ thay đổi, luân chuyển, không ai
hiểu biết rõ cả. Thế rồi chuyện chìm đắm dần. Thỉnh thoảng 2 bên
Việt và Mỹ hợp tác khai quật trong rừng, ngoài biển tìm hài cốt
lính Mỹ, lên đến năm trăm lượt. Nhưng hoài nghi, khó hiểu, phiền muộn
vẫn còn dai dẳng.
Khi tôi sang Pháp, vấn đề tù binh mất tích cũng là vấn đề khá lớn
trong quan hệ Pháp - Việt. Tháng 11/1990, sau khi dự lễ hội hằng năm
của báo l’Humanité, tôi dự hội thảo về tướng Philippe Leclerc, khi
chết được phong là Nguyên soái. Trong buổi kết thúc hội thảo, nguyên
thủ tướng Pierre Messmer nhờ tôi chuyển tay một lá thư ngỏ cho tướng
Giáp bày tỏ lòng mong muốn có dịp đón ông sang thăm hữu nghị nước
Pháp qua lời mời của hội hữu nghị Pháp - Việt. Đồng thời bà Leclerc
cũng nhờ tôi chuyển về mấy lá thư của một số cựu sỹ quan vừa tham
dự hội thảo, gửi “tướng Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng tư
lệnh”, hỏi về người nhà của họ tham chiến ở Việt Nam bị bắt ở
Điện Biên Phủ rồi không được trao trả, mất tích. Tôi đưa ngay cho đại
sứ Phạm Bình. Ông Bình cho biết Hội hữu nghị Pháp - Việt có lời
mời tướng Giáp, nhưng ở bên nhà còn lưỡng lự lắm, vì có một bộ
phận dư luận Pháp, nhất là nhiều Hội Cựu chiến binh, như Cựu chiến
binh Đông Dương, Cựu chiến binh Điện Biên Phủ có nhiều chi nhánh trên
đất Pháp tỏ ra bực bội, giận dữ cho rằng phía Việt Nam đã dã man,
tàn ác trong đối xử với tù binh, tỷ lệ tù binh bị chết trong trại
giam quá cao, vi phạm công ước quốc tế về tù binh. Họ coi tướng Giáp
là người chịu trách nhiệm chính. Ông Bình cho biết mấy tháng trước,
khi kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh ông Hồ Chí Minh (19/5/1890 –
19/5/1990), việc UNESCO của Liên Hiệp Quốc bàn về chuyện này, coi ông
Hồ là danh nhân văn hóa thế giới, các hội Cựu chiến binh Pháp đã
phản đối rất mạnh, việc tổ chức kỷ niệm ở Paris bị phá, một trong
những lý do là vấn đề tù binh Pháp. Về sau tôi được biết việc tướng
Giáp sang thăm hữu nghị Pháp được coi là hành động hòa giải Pháp -
Việt không đặt ra nữa, cũng do trở ngại về món nợ tù binh.
Có lần tướng Guy Simon, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Đông Dương, gặp
tôi tại trụ sở của hội ở Paris vào năm 1995, khi trò chuyện ông cũng
nhắc lại vấn đề tù binh Pháp mất tích, thuộc nhiều nước gốc: Việt
Nam, Algerie, Maroc, Tunisie, Senegal… Ông cho vài con số chính, tôi ghi
lại làm tài liệu. Số quân nhân phía Pháp bị phía Việt Nam bắt ở
các trại giam được ghi nhận là 5.782, số được trao trả trong nhiều
lần, nhiều nơi là 3.290, như vậy là còn thiếu đến 2.492 người. Cho
đến nay không ai lý giải được số mất tích này ra sao, chết ở đâu,
lúc nào, trong trường hợp nào, có dấu tích gì để lại không? Người
thân họ vẫn còn những câu hỏi không ai trả lời, lơ lửng mãi.
Tôi biết rõ tướng Giáp rất mong muốn có dịp đi thăm nước ngoài, nhất
là Pháp, Hoa Kỳ. Có hồi ông hỏi tôi rất cặn kẽ về xã hội Pháp,
Mỹ, ý kiến các học giả, nhà báo nước ngoài về ông, ông đã có cả
một chương trình dự kiến, như thăm mộ Napoléon, thăm di tích chiến
trường Waterloo, nói chuyện ở một số học viện quân sự, trả lời
phỏng vấn… Nhưng sau khi biết rằng vấn đề quân nhân mất tích với con
số quá lớn, còn là vướng mắc không nhỏ trong quan hệ với 2 nước ấy,
rồi tuổi cao sức yếu, ông từ bỏ dần ý định. Tôi hiểu niềm luyến
tiếc của ông vì ông được nuôi dưỡng bằng nền văn hóa Pháp, ông nói
tiếng Pháp khá trôi chảy, và tôi cũng từng biếu ông không ít sách và
báo tiếng Pháp. Anh bạn nhà báo - làm phim Jérôme Kanapa gọi tướng
Giáp là “Chú” (Oncle), rất thân với cả gia đình, trước đây cũng nuôi
ước vọng được có dịp đón ông và gia đình ở Paris. Ở bang Maryland –
Hoa Kỳ, có nhà báo kỳ cựu Stanley Karnow từng phỏng vấn tướng Giáp 3
lần ở Hà Nội, cũng từng hy vọng có dịp tiếp ông trên đất Mỹ. Ông
có cô con gái, Catherine Karnow, là phóng viên nhiếp ảnh rất trẻ, từng
chụp hàng trăm bức ảnh tướng Giáp và gia đình, hiện ở Los Angeles,
cũng mong gặp lại “bác Giáp”.
Thật ra trở ngại cho các chuyến viễn du - vấn đề quân nhân mất tích -
một món nợ dai dẳng cồng kềnh của tướng Giáp - ông chỉ chịu trách
nhiệm một phần, theo các văn kiện quốc tế. Ở Việt Nam, đó là do nếp
sống nông nghiệp, thời chiến, chiến tranh du kích liên miên, chiến
trường đan xen nhau, trong chiến tranh bằng không quân, đất liền nhỏ
hẹp, kẹp giữa núi rừng nhiệt đới và đại dương, máy bay trúng đạn
lao xuống rừng hay biển đều dễ mất biến, khó còn vết tích. Cuộc
sống gian khổ, dinh dưỡng thấp, các bệnh sốt rét, kiết lỵ dịch tả
tràn lan, người phương Tây dễ suy sụp sức khỏe trong môi trường chiến
trận và nghèo đói, thiếu thuốc men. Lại còn căn bệnh xã hội, quan
liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm, sổ sách qua loa, đại khái, tùy tiện
và tắc trách, cá nhân ích kỷ, thiếu trách nhiệm rõ ràng.
Riêng về nước Việt Nam ta, ở cả 2 phía, số mất tích cũng là rất
lớn, rất khó xác định cho chính xác. Riêng phía miền Bắc, con số đưa
ra là chừng 30 vạn. Còn phía miền Nam, con số liệt sỹ mất tích cũng
lớn. Một số nhà ngoại cảm đã giúp tìm ra vài trăm trường hợp, chỉ
là vài phần trăm trong tổng số.
Có lần tôi đã yêu cầu, gợi ý với tướng Giáp suy nghĩ cho sâu về câu “Nhất
tướng công thành vạn cốt khô”, để ủng hộ phong trào đòi dân chủ,
chống bành trướng, mong ông tỏ thái độ bênh vực các ông Hoàng Minh
Chính, Phạm Quế Dương, hoặc là ông đưa ra ý kiến khôi phục sửa sang
nghĩa trang cũ của quân đội Cộng hòa ở Thủ Đức, gần Sài Gòn, nhưng
ông làm ngơ. Thật đáng tiếc! Nay ông đã đi xa, sau khi được hưởng vinh
hoa phú quý, hưởng lộc đời cực hiếm là thọ trên 102 tuổi, Vị Tổng
tư lệnh Việt nam mang theo món nợ không nhỏ lơ lửng không có lời giải.
Bùi Tín, VOA’s Blog