Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt
Nam, vừa qua đời tại Hà Nội hưởng đại thọ 102 tuổi.
Những năm cuối đời trong tình trạng sức khoẻ suy yếu, hành động sau
cùng mang tính chính trị của Tướng Giáp là bức thư gửi Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự không tán đồng thực hiện dự án khai thác
bô-xít ở Tây Nguyên.
Ông là một nhà chiến lược, là vị tướng cao cấp nhất trong cuộc
chiến Việt Nam kéo dài 30 năm, từ thời chống Pháp rồi chống Mỹ cho
đến khi đất nước thống nhất năm 1975.
Rất nhiều sách nghiên cứu đã viết về ông. Các chiến lược và chiến
thuật điều binh khiển tướng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất đã
được những nhà quân sử phân tích khi bàn về Quân đội Nhân dân Việt
Nam, đã được mổ xẻ qua những trận chiến ở Điện Biên Phủ 1954, Khe
Sanh, Tổng tấn công Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Xuân hè 1972.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác là thời điểm Việt Nam trong hòa bình
thì đã có những nhận định khác nhau về đóng góp của ông.
Khi Hiệp định Ba Lê được ký kết đầu năm 1973 buộc Hoa Kỳ rút hết binh
lính chiến đấu khỏi Việt Nam, cùng lúc Tổng thống Richard Nixon hứa
với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Hoa Kỳ sẽ viện trợ kinh tế giúp
miền Bắc tái thiết.
Với việc Mỹ rút hết quân, lãnh đạo Hà Nội chia làm hai khuynh hướng.
Tiếp tục chiến tranh để đạt thắng lợi cuối cùng là giải phóng miền
Nam, hay tập trung vào việc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc,
với viện trợ của Mỹ. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ muốn tiếp tục cuộc
chiến còn Tướng Giáp muốn xây dựng đất nước.
Những khác biệt về chính sách tiến hành chiến tranh khiến vai trò
của Tướng Giáp bị suy giảm và sau khi Việt Nam được thống nhất bằng
giải pháp quân sự vào tháng 4-1975 quyền lãnh đạo quân sự của ông
không còn nữa.
Sau chiến thắng năm 1975, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế, rồi
lại đưa bộ đội sang chiếm đóng Campuchia và có chiến tranh ở biên
giới với Trung Quốc.
Tướng Giáp không bị qui trách nhiệm cho những cuộc chiến sau này vì
sau năm 1975 ông đã mất quyền hành quân sự và quốc phòng. Đang từ một
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, từ một Tổng Tư lệnh Quân
đội ông được giao cho những trách nhiệm về khoa học và kế hoạch gia
đình.
Tướng Giáp tiếp cựu Trung tướng Lục quân Mỹ Neal Creighton tháng
11-1995.
Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, có nhận định cho rằng Tướng Giáp là
người muốn hòa hoãn với Hoa Kỳ.
Phóng viên Morley Safer của chương trình 60 Minutes trên đài truyền hình
CBS ở Mỹ có ghi nhận khác. Trở lại Việt Nam sau chiến tranh Safer có
cơ hội gặp tướng Giáp. Trong tác phẩm Flashback, ông viết rằng Tướng
Giáp là một người rất cứng rắn trong chiến tranh và không hề hối
tiếc đã phải hy sinh hàng trăm nghìn thanh niên Việt cho cuộc chiến.
Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, nhiều
giới chức quân sự Mỹ đã đến Việt Nam, trong đó có cả cựu Bộ trưởng
Quốc phòng Robert McNamara và ông có gặp Tướng Giáp.
Một cựu tướng Mỹ, Trung tướng Neal Creighton của Lục quân, đến Việt
Nam cuối năm 1995 được Tướng Giáp tiếp kiến. Vị tướng Mỹ có nêu câu
hỏi với những hy sinh nhân mạng, như thế có đáng giá cho chiến thắng
không, Tướng Giáp trả lời:
“Tôi hỏi Ngài nếu có một nước nào mà đến đánh nước Mỹ thì Ngài
có đánh chúng không? Thế còn chúng tôi, đối với dân chúng có câu:
‘Thà chết chứ nhất định không làm nô lệ’. Hồ Chủ tịch có nói rằng:
‘Không có gì quí hơn độc lập, tự do’. Có lẽ các Ngài cũng nghe
rồi.”
Năm 1968, Tướng Creighton là một trung tá thiết giáp phục vụ tại Việt
Nam và đã được huy chương bạc vì hành động can đảm nơi chiến trận.
Tiếp Tướng Creighton, Tướng Giáp cũng đã nhắc lại vụ Vịnh Bắc Bộ
là khởi đầu cho những can dự quân sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Theo Tướng Giáp, trước khi sự kiện xảy ra Hoa Kỳ đã có năm kế hoạch
tấn công vào Vịnh Bắc Bộ với những mục tiêu đã định.
Tướng Giáp nói: “Các nhà quân sự và lịch sử quân sự Mỹ cũng đã
công nhận rằng chuyện Maddox là có. Quân Mỹ xâm phạm đến hải phận
chúng tôi và đến gần đảo Hòn Mê. Đơn vị hải quân ở địa phương Hòn Mê
đánh lại. Sau đó họ báo cáo cho tôi. Còn cái gọi là mồng 4, 5 tháng
Tám hoàn toàn không có. Bây giờ ở Mỹ các nhà sử học đều công
nhận.”
Mùa hè 1964, theo báo cáo của chính phủ Hoa Kỳ, sự kiện tàu Mỹ bị
tấn công tại Vịnh Bắc Bộ đã được những nhà làm chính sách thời đó
căn cứ vào để Quốc hội biểu quyết trao quyền cho Tổng thống Lyndon B.
Johnson can thiệp quân sự vào Việt Nam, kéo theo leo thang chiến tranh,
đưa lính chiến đấu Mỹ vào miền Nam, để rồi phải thất bại với gần
60 nghìn binh lính hy sinh.
Tướng Giáp với chiến lược chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng
đã trở thành anh hùng đánh bại hai cường quốc của thế kỷ 20 là
Pháp và Mỹ.
Sang thời bình vai trò lãnh đạo của Tướng Giáp lu mờ dần. Ông chỉ
còn là biểu tượng của một thời đất nước anh hùng.
Hai mươi năm sau ngày chiến tranh chấm dứt, hai nước thù nghịch cũ nối
lại bang giao. Giao thương mở ra, trao đổi quan hệ phát triển về nhiều
mặt, kể cả quốc phòng.
Lãnh đạo quân đội, cựu tướng lãnh cũng như đương nắm quyền đã có
nhiều chuyến đi qua lại giữa Washington và Hà Nội – như Trần Văn Quang,
Nguyễn Đình Ước, Phùng Quang Thanh, Robert McNamara, Elmo Zumwalt, Leon
Panetta – để tham gia các hội nghị về cuộc chiến Việt Nam, để thắt
chặt thêm quan hệ hai nước.
Đầu thập niên 1990, giáo sư Steven Young của trường luật Đại học
Harvard có gửi thư mời Tướng Giáp qua Mỹ, nhiều cơ quan nghiên cứu của
Hoa Kỳ cũng mời, nhưng không hiểu vì lý do gì Bộ Chính trị không cho
ông đi.
Trước Đại hội VII của Đảng Cộng sản, Tướng Giáp đã mạnh mẽ lên
tiếng chỉ trích quân đội tham ô và Đại hội năm 1991 đã có một cuộc
vận động đầy căng thẳng để đưa Tướng Giáp trở lại chính quyền nhưng
không đạt kết quả.
Sau đó ông im tiếng trước những bức xúc của xã hội nên làm mất đi
ít nhiều ngưỡng mộ của những người từng xem ông như một lãnh đạo
đáng kính.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lìa trần. Ước mơ được thấy nước Mỹ vĩ
đại bị ông đánh bại đã không thành.
Tuy đánh bại cường quốc mạnh nhất thế giới, Tướng Giáp có nhận
định người Mỹ là những “kẻ thù đáng kính”, như ông đã nói với
Thượng Nghị sĩ John McCain, một cựu tù binh Hoả Lò, và được vị dân
cử nguyên là ứng viên tổng thống Mỹ nhắc lại khi hay tin Đại tướng
Võ Nguyên Giáp qua đời.
© 2013
Buivanphu.wordpress.com
"Nhà thơ làm kinh tế
Thống chế làm kế hoạch"
Tố Hữu, nhà thơ "bợ đít" thì được mời vào trung ương đảng để lo việc kinh tê, trong khi Võ nguyên Giáp, tướng quân đội lại đi lo chuyện kế hoạch hóa gia đình.
Không biết có phải làm việc tréo ngoe như vậy nên nước Việt nam dưới chế độ XHCN nhân dân ngày càng nghèo đói nhưng lại càng đông con.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên!