Tôi lại được nhà thơ Trạch Gầm tận tay tặng tập thơ mới cáu cạnh,
chưa ra lò, còn nóng hổi, vừa thổi vừa… đọc! Tập thơ có cái tên
“Dấu giày chinh chiến”, hai tập thơ trước là “ Vụn Vặt” và “Ráng
Chịu”!
Lúc rút Tập Thơ trong túi xách ra, anh vừa cười vừa nói với tôi:
- Xin lổi, bìa sách bị dính nước thuốc lào… đơ quá! Đến thứ Bảy, 12
tháng 10 mới mời bà con bạn bè đọc! Tôi cười:
- Mùi thuốc lào mới là nhắc nhỡ ta luôn nhớ những ngày… tù! Mà anh
ra mắt sách ở đâu vậy?”.
- Thư Viện Việt Nam!”
Mùi nước thuốc lào là những “dị ứng” không thể nào có thể quên
khoảng thời gian dài cho những ai từng nếm mùi “trại tập trung” của
Cộng Sản. Những hình hài gầy guộc, cố gắng chịu đựng cái rét miền
Hoàng Liên Sơn, Yên Báy, Vĩnh Phú… đều phải nhờ những “bi” thuốc lào!
Hình như nhà thơ Trạch Gầm, đến năm nay, 2013, sau mấy mươi năm xa nhà
tù, xa cái đói và rét miền Bắc Việt Nam; anh vẫn hàng ngày xách cây
“Ba dzô ca” rít từng hơi ở trong các quán cà phê tại Mỹ. Không phải
chỉ vì “ghiền” mà vì anh muốn “nhớ”!
Quả thật! Tập thơ anh móc ra từ túi xách đang nằm lẩn vào chổ của
ống điếu thuốc lào. Mùi hăn hắc bốc lên làm tôi nhớ giai đoạn
“ghiền” đến nổi phải nhịn cơm đổi vài bi và những cơn say bò vào lò
lửa trong những năm còn ở tù với anh… Bên góc tập thơ có vết màu nâu
của nước ống điếu. Thế đấy! Những thằng tù từng nằm với nhau trong
các trại từ Nam ra Bắc nó thâm tình như thế. Không một lời khách
sáo, không một nổi băn khoăn… Chúng tôi là những người bạn, không cần
nói gì vẫn hiểu nhau.
* * *
Tôi không biết phải “khen” như thế nào về những người bạn đã giúp
Trạch Gầm hoàn thành tập thơ. Cầm sách trên tay, tôi có thói quen hay
xem trang đầu và trang cuối trước tiên. Trang cuối tập Thơ “ Dấu giày
chinh chiến” ghi như thế này:
Nhà thơ Trạch Gầm.
“Được hình thành qua sự bảo trợ: - Nhóm Trà Quán Bốn Phương Oakland –
Nhóm bạn tù K4 Tân Lập Vĩnh Phú – Nhóm Bạn Cà phê Tip Top, Gipsy –
Hình bìa và chân dung Trach Gầm (do Họa Sĩ T.BĐQ họa) – trình bày Yên
Ly và Lân SĐ5.”
Như vậy, tập thơ nầy là chân tình của bạn bè cùng khắp góp phần.
Đứa con tinh thần “Dấu Giày chinh chiến” của Trạch Gầm được “cha mẹ
nuôi” khắp nơi tự nguyện đở đầu. Đặc biệt phần trình bày layout lại
là Ca Sĩ Yên Ly – Người tình văn chương của tác giả.
Dày gần 200 trang, chứa 104 bài thơ và 27 bài nhạc phổ từ thơ Trạch
Gầm của nhiều tác giả vốn là những nhạc sĩ nổi tiếng! Nữ Sĩ Yên
Ly đã bỏ công sức trình bày, điểm thêm vào những hình ảnh một thời
khói lửa chiến chinh và những hình ảnh của các “Anh Hùng tuổi trẻ”
đang đứng lên đấu tranh cho tự do trong nước! Toàn thể tập thơ toát lên
một nét riêng tư rất “Trạch Gầm”! Bức họa chân dung tác giả nói lên
hết những gì mà thơ tác giả đã toát ra trên giấy! Nét vẽ rất thật
và phản phất mùi thuốc lào hằn in kỷ niệm!
“Tóc đã hóa tro ôm người xa xứ,
Cúi xuống đi em hôn những lời thề,
Như con phố chiều nghiêng mình hôn bóng
Hôn dấu chân xưa đi mãi không về! ( TG )Một trong rất nhiều bài thơ làm tôi rất thích, đó là bài thơ “Nói
với củ mì”! Tôi là người sanh ra và lớn lên ngay xứ “củ mì” Bình
Định. Lớn lên trong thời chiến tranh chống Pháp 1945-1954, giai đoạn
giặc giã và đói. Củ mì là món ăn chính. Thế cho nên bài thơ củ mì
của Trạch Gầm làm tôi miên man giữa giai đoạn lịch sử đó với những
ngày cùng Trạch Gầm trong các trại tù miền Bắc. Quả thật củ mì đã
nuôi chúng tôi, nhờ củ mì mà vẫn sống hiên ngang!
“…Vài nhát cuốc, nắm đầu mầy tao
sướng,
Tao mạnh tay mầy phải đứt làm đôi
Hoàn cảnh tao, tao không tha mầy được
Đành nhốt mầy vào gô nước đun sôi…”Thơ Trạch Gầm, qua hai tập trước – Vụn vặt và Ráng Chịu – đã làm ta
sững sốt với những từ ngữ anh dùng để diễn tả thơ. Không gọt dũa,
không hoa mỹ, không làm dáng… Và đến “Dấu giày chinh chiến” Anh chỉ
dùng những từ ngữ thật và chính xác để diễn ý cho thơ anh! Nghĩ sao
viết vậy, không đẽo, không gọt, nhưng rất “ngông”. Cái ngông của một
chiến sĩ Thám Sát, cái ngông của một người tưởng mình đã chết nhưng
còn sống! Ta hãy đọc thơ Trạch Gầm, hãy ngồi ngắm anh rít một hơi
thuốc lào ở một nơi nào đó trong quán cà phê. Nếu có thời gian, hãy
ngồi với anh một sáng chúa nhật, nghe anh kể những buồn vui trong
thời gian ở rừng Vùng Biên Giới Quân Đoàn III!
Chúc nhà thơ Trạch Gầm vẫn luôn giữ mãi phong độ của người lính chiến
thuở nào!
Ngày 2 tháng 10 năm 2013
letamanh