Hôm nay,  

Hoài Niệm Về Nước Ý Và Các Đức Giáo Hoàng

14/03/201300:00:00(Xem: 9455)
Phần Giới Thiệu: Tác giả bài nầy là một cựu sinh viên du học tại Ý từ năm 1971. Ông tốt nghiệp “Dottore in Economia Aziendale” tại đại học Luigi Bocconi , Milan, Ý Đại Lợi. Hiện định cư tại Mỹ từ 1979.

Sáng thứ Hai ngày 11 tháng 2 năm 2013, mùng hai Tết Quý Tỵ, tôi không đi làm vì còn nghỉ vui Xuân ba ngày Tết, tôi mở truyền hình ra xem như mọi lần. Trong khi dò tìm các chương trình mình thích, tôi tình cờ “lướt” qua một đài nói tiếng Tây Ban Nha và chợt nghe thấy Đức Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh đang trả lời trực tiếp truyền hình các câu hỏi của báo chí bằng tiếng Ý. Tuy là tôi hiểu hết các gì ngài đang nói, nhưng tôi chưa nắm vững được chuyện gì đang xảy ra vì cuộc họp báo đã bắt đầu trước đó không lâu. Lúc đó Đức Cha Lombardi đang trả lời câu hỏi về cuộc bầu cử sẽ xảy ra lúc nào. Tôi lấy làm ngạc nhiên sao hôm nay có sự việc nầy , và cuộc bầu cử gì đây? Dĩ nhiên là xướng ngôn viên đài nói tiếng Tây Ban Nha cũng đang tìm cách dịch ra từ tiếng Ý. Sau đó vài phút tôi chuyển qua các đài Mỹ, như CNN, MSNBC hoặc FoxNews thì mới hay là Đức Giáo Hoàng (ĐGH) đã từ chức. Thật là một bất ngờ!

Tôi là một trong số ít sinh viên Việt Nam du học tại Ý trước 1975. Ra trường trung học Kỹ Thuật Cao Thắng tại Sài Gòn, tôi qua Ý vào mùa Đông năm 1971, và đến Milan ghi danh thẳng luôn vào đại học Politecnico di Milano, vì lúc xin đi tôi chọn ngành kỹ sư cơ khí. Nhưng sau đó tôi xin chuyển ngành, qua học tại đại học Luigi Bocconi, cũng tại Milan. Đại Học kinh tế “Università Commerciale Luigi Bocconi” là một “Italian Harvard Business School “ chuyên đào tạo các chuyên viên về ngân hàng, kinh tế và quản trị xí nghiệp.

Vào thời điểm đó, ĐGH Paul VI (1963-1978) đang trị vì. Trước ĐGH Paul VI là ĐGH John XXIII, ngài tên là Angelo Giuseppe Roncalli, Đức Cha cai quản địa phận Venice. Đặc biệt chức vụ cao nhất tại giáo phận Venice không có tên là Archbishop - TGM - mà tòa thánh cho một cái tên đặc biệt là Patriarch (xin tạm dịch là Trưởng Giáo Phận). Hiện tại trên thế giới chỉ có hai nơi mà người giữ chức vụ cao nhất trong giáo hội được toà thánh gọi là Patriarch là Venice (Ý) và Lisbon (Bồ Đào Nha). Việc nầy có cả một lịch sử lâu dài mà trong khuôn khổ của bài nầy không cho phép.

Đức Thánh Cha Roncalli, sinh ra tại một làng nhỏ tên là Sotto Il Monte, mà tôi xin tạm dịch là “Dưới Chân Đồi”, thuộc tỉnh Bergamo, gần Milan. Ngài là người con thứ ba, trong một gia đình có đông anh em, tổng cộng 13 người. Khác với các ĐGH tiền nhiệm sinh ra trong gia đình quyền quý, gia đình ĐGH John XXIII không giàu có hay thuộc vào dòng quý tộc tại Ý. Thân sinh của ngài phải thuê mướn đất đai của các chủ điền để làm ăn sinh sống.

Vào khoảng năm 1972 hay 1973, khi ở Milan tôi có quen một gia đình người Ý rất tốt. Đó là ông bà Evi. Họ có một căn nhà nhỏ nghỉ mát trên núi gần thành phố Bergamo, gần sinh quán của ĐGH John XXIII.
duc_giao_hoang_gap_thu_tuong
Đức Giáo Hoàng gặp Thủ Tướng Ý.
Vào dịp hè gia đình ông bà Evi thường rủ chúng tôi lên núi chơi và dĩ nhiên tôi có dịp đến thăm căn nhà nơi Đức Giáo Hoàng sinh ra, tuy rằng lúc đó đã biến thành một tu viện nho nhỏ, dành cho khách du lịch.

Khi ĐGH Pius XII (ngài tên là Eugenio Maria Giuseppe Giovanni Pacelli, từ một gia đình giàu có và quyền uy tại thành phố Rome) qua đời vào năm 1958, Đức Cha Roncalli lúc đó từ Venice về tham dự cuộc bầu giáo hoàng , gọi là Conclave, từ chữ Latin cổ “conclave” , có nghĩa là một nơi có thể bị khóa chặt với chìa khoá (clavis: chìa khóa). Lúc đó ngài không ngờ là mình sẽ được bầu làm giáo hoàng, nên ngài đã mua vé xe lửa khứ hồi Venezia-Roma vì nghĩ là mình sẽ trở về. Vào dạo đó mọi người đều cho rằng Đức Tổng Giám Mục của Milan là Đức Cha Giovanni Battista Montini sẽ được bầu, tuy rằng ở giai đoạn đó ngài chưa là một hồng y. Điều nầy nói lên sự quan trọng của giáo phận Milan, và bất kỳ ai giữ chức TGM của Milan, một vị trí mà Tòa Thánh Vatican luôn luôn cân nhắc để bổ nhiệm những linh mục sáng giá nhất trong hàng giáo phẩm người Ý, sẽ có tương lai trở thành giáo hoàng. Thông thường các hồng y sẽ chọn một trong số các ngài để đưa lên làm giáo hoàng, tuy rằng theo luật Canon Law bất kỳ một nam tín hữu Công Giáo nào cũng có thể được bầu làm giáo hoàng.

Vào thời điểm được tấn phong giáo hoàng, Đức Cha Roncalli đã 77 tuổi. Mọi người lúc đó cho rằng ngài chỉ là một giáo hoàng giai đoạn tạm thời mà thôi. Nhưng với tính tình vui vẻ, dể mến và cởi mở ngài đã chinh phục cảm tình của cả thế giới và trở thành một giáo hoàng được thương yêu, quý mến khắp năm châu, không riêng gì người Công Giáo.

Trước khi trở thành giáo hoàng, Đức Cha Rocalli là Sứ Thần Đặc Biệt của Vatican – tiếng Ý gọi là Nuncio. Ngài đã có công lớn trong việc giúp đỡ rất nhiều người Do Thái trong thời Đức Quốc Xã tại nhiều quốc gia nơi ngài đã làm việc như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Bảo Gia Lợi, Hung Gia Lợi và Lỗ Ma Ni.

ĐGH John XXIII đã làm rất nhiều điều mới lạ cho Toà Thánh. Ngay sau khi lên ngôi, vào ngày 25 tháng 12 năm 1958, ngài đã “ra ngoài” Vatican, thăm giáo xứ Rome, thăm các trẻ em bị bịnh bại liệt (polio) tại nhà thương, thăm ngay cả trại tù Regina Coeli của Rome, nơi mà ngài đã nói một câu bất hủ là “vì các con không thể đến thăm ta, vậy nay ta đến thăm các con”.

Nhưng thành quả quan trọng nhất là ĐGH John XXIII đã khởi xướng Công Đồng Vatican II mà mọi người đã biết ảnh hưởng của nó đối với Giáo Hội ra sao, mãi cho đến bây giờ. Công Đồng Vatican II được lập ra để canh tân hoá giáo hội, tìm ra những phương thức mới hầu đáp ứng với một thế giới đã đổi thay mà giáo hội vẫn giữ được những nguyên tắc chính thống của mình.

ĐGH John XXIII mất ngày 3 tháng 6 năm 1963 vì bịnh ung thư ruột. Ngài thọ 81 tuổi. Ở Việt Nam lúc đó TT Ngô Đình Diệm đã đến Vương Cung Thánh Đường tại Sài Gòn cầu nguyện cho ngài. Ít tháng sau, TT Diệm cũng qua đời.

Mười tám ngày sau khi ĐGH John XXIII mất, ngày 21-6-1963, Đức Cha Giovanni Battista Montini được bầu lên thay thế, lấy thánh hiệu là Paul VI.

ĐGH Paul VI sinh ra tại làng Concesio, thuộc tỉnh Brescia, vùng Lombardy, mà thủ phủ là Milan. Tôi đã đi đến thành phố Brescia nhiều lần, vì từ Milan đi thăm viếng một hồ đẹp và thơ mộng là Lago di Garda thì đa số phải đi qua Brescia.

Đức Cha Montini sinh ra trong một gia đình quý tộc. Thân phụ của ngài là một luật gia nhưng không hành nghề, trái lại ông ta trở thành dân biểu, nhà báo và nhà tranh đấu can đảm bênh vực cho các hoạt động xã hội. Thuở nhỏ ngài rất ốm yếu, đến nỗi lúc đã đi tu theo dòng Jesuits phải vào chủng viện, nhưng ngài vẫn được phép tu tại gia vì lý do sức khoẻ.

Như đã nói ở trên, vị thế TGM của Milan rất quan trọng trong hàng giáo phẩm Ý Đại Lợi, đương nhiên là phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ý. Nên việc Đức Cha Montini trở thành Giáo Hoàng đã không làm ai ngạc nhiên cho lắm. Từ năm 1958 Đức Cha Montini đã được xem là “Papabile”, tiếng Ý có nghĩa là người đủ tiêu chuẩn trở thành Giáo Hoàng.

Là một người học cao, hiểu rộng và thông minh, Đức Cha Montini rất ưa thích những cuộc gặp gỡ và trao đổi ý kiến với các giới trí thức, văn, nghệ sĩ tại Milan. Ngài là cha đẻ của tổ chức Caritas Italiana, một cơ quan bác ái rất lớn của Công Giáo, mà chính tác giả bài nầy cũng như một số du học sinh VNCH tại Ý từng được ơn phước, giúp đỡ, sau ngày mất nước 1975.

ĐGH Paul VI đã tiếp tục Công Đồng Vatican II và hoàn tất vào năm 1965. Ngoài công trình trên cho Giáo Hội, ĐGH Paul VI đã làm những việc rất lớn khác vì ngài có nhiều khả năng quản trị, kinh nghiệm và thấu hiểu cặn kẽ sự vận hành của nền hành chánh Toà Thánh La mã, có tên gọi đặc biệt là La Curia (tạm dịch là Giáo Triều – hay Triều Đình Giáo Hội).

ĐGH Paul VI là người đã làm một thay đổi lớn trong việc bầu tân giáo hoàng. Dưới sự đổi mới nầy, chỉ có những vị hồng y dưới 80 tuổi mới được vào dự cuộc họp Conclave (Cơ Mật Viện) để tham gia cuộc bầu chọn tân Giáo Hoàng. Ngài cũng đặt ra điều lệ nữa là các Giám Mục Công Giáo trên 75 tuổi phải tự động về hưu, nhường cho lớp trẻ. Hai việc nầy đã làm trẻ trung hóa hàng giáo phẩm và đem lại luồng sinh khí mới cho Giáo Hội.

Ngày 6 tháng 8 năm 1978 ĐGH Paul VI qua đời tại lâu đài nghỉ mát Castel Gandolfo , 15 dặm về hướng Đông-Nam của La Mã, thọ 80 tuổi.

Lúc đó tôi còn ở Milan và cũng như mọi người dân Ý khác, chúng tôi ngày đêm theo dõi tin tức để xem ai sẽ là người kế vị ĐGH Paul VI.

Chuyện bầu Giáo Hoàng có cả một lịch sử lâu dài và đầy lý thú. Thí dụ như vào thế kỷ thứ 13, sau khi ĐGH Clement IV mất đi, vì lý do chính trị, quyền lợi và phe nhóm, các hồng y trì hoãn không chịu bỏ phiếu. Việc lủng củng nầy đã đem lại kết quả là cả mấy năm trời không bầu ra được một vị Giáo Hoàng mới.

Để giải quyết bế tắc, lúc đó người ta phải dùng nhục kế bằng cách chỉ cho các hồng y ăn bánh mì không, uống nước lạnh và lột cả cái nóc nhà nơi các hồng y trú ngụ, để bắt buộc các ngài phải đi đến thoả thuận. Kết quả của nhục kế nầy là sau đó không lâu, Giáo Hội có một tân Giáo Hoàng.

Ngày nay các hồng y họp nhau ở nhà nguyện Sistine Chapel để bỏ phiếu. Cứ mỗi lần bầu mà không có ai được đủ số phiếu cần thiết thì các phiếu bầu được tẩm một chất hóa học rồi đem đốt đi để cho ra một làn khói màu đen, bay lên trên ống khói. Mỗi lần như vậy, giáo dân đứng bên ngoài quảng trường thánh Phêrô biết rằng họ chưa có một Papa! Ngày trước thì các ĐHY phải tiếp tục bầu cho đến khi một vị hồng y có 2/3 số phiếu cộng 1 trên tổng số phiếu thì Giáo Hội mới có một tân Giáo Hoàng. Nhưng sau nầy luật trên chỉ áp dụng trong ba ngày đầu bầu cử. Nếu qua ngày thứ ba mà chưa có ai đủ túc số trên, các hồng y tạm nghỉ để cầu nguyện, thảo luận và nghe thuyết giảng bởi vị hồng y cao niên nhất. Sau đó các hồng y lại tiếp tục bỏ phiếu, nếu tỷ số trên cũng không đạt được, thì các ngài sẽ chọn ra hai vị hồng y có nhiều phiếu nhất trong các lần bầu trước, và mọi người sẽ chọn một trong hai vị hồng y nầy. Ai có số phiếu quá bán thì thắng. Sau đó vị hồng y thắng cử sẽ được hỏi là có chấp nhận làm Giáo Hoàng không để thông báo tên tuổi đến toàn thế giới. Luật mới nầy do ĐGH John Paul II lập ra. Trước đó luật đòi hỏi phải có 2/3 cộng 1, một tỷ số rất cao, khiến cho nhiều khi Hội Đồng Hồng Y bầu mãi mà không đạt được kết quả.


Trở lại khoảng thời gian năm 1978, cũng như mọi người, ở Milan lúc đó tôi theo dõi từng ngày trong lúc các hồng y bầu tân Giáo Hoàng.

Khi trên màn truyền hình chúng tôi thấy một làn khói trắng bắt đầu bay ra từ ống khói của nhà nguyện Sistine Chapel (nơi có các bức hình tuyệt tác vẽ bởi Michelangelo trên trần nhà), mọi người đều reo mừng là chúng ta có tân Giáo Hoàng rồi! Sau đó không lâu, tại một balcon nhỏ của đền thánh Phêrô, cửa bắt đầu từ từ mở ra, giáo dân đứng dưới bắt đầu vỗ tay, vẫy cờ Vàng-Trắng của Toà Thánh. Vị hồng y cao niên nhất đại diện toàn thể Hội Đồng các hồng y sẽ bước ra trước và nói bằng tiếng Latin “Habemus Papam! ("We Have a Pope!" – Chúng ta có một Giáo Hoàng!). Sau đó tân Giáo Hoàng ra bên cửa sổ, vẫy tay chào và hiệu triệu giáo dân lần đầu tiên.

Hôm đó là ngày 26-8-1978, ĐHY Albino Luciani của Giáo Phận Venice, được bầu là tân Giáo Hoàng. Lại một lần nữa Đức Giám Mục của hai giáo phận quan trọng miền bắc nước Ý là Venice và Milan theo truyền thống đã được chọn. Có nhiều chuyện tình cờ xảy ra mà sau nầy có người tin “dị đoan” cho là đó một điềm báo trước. Đó là câu chuyện khi ĐGH Paul VI tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Luciani và viếng thăm Venice vào năm 1973 ngài đã “vô tình” đem cái khăn choàng Giáo Hoàng (Papal stole) của mình để lên vai ĐHY Luciani, làm cho ĐHY rất ngỡ ngàng và cảm động.

Đức Cha Luciani lấy thánh hiệu là John Paul I, để ghi nhớ hai người tiền nhiệm của mình. Ngài là ĐGH đầu tiên lấy tên thánh có hai chữ ghép lại. Có thể việc ĐHY Luciani được bầu là một sự hòa giải giữa hai cánh hữu và cánh tả trong hàng Giáo Phẩm. Nhưng Đức Thánh Cha Luciani đã chinh phục được cảm tình của mọi người với tính tình bình dị, nhất là Ngài có một nụ cười “dễ thương”, đến nổi người Ý đặt cho Ngài cái tên là “ ĐGH với nụ cười” ( Il Papa del Sorriso). Tiếng Ý chữ “sorriso có nghĩa là một cái mỉm cười dễ thương.

Dù không là một tín đồ Công Giáo, tôi vẫn kính mến Đức Thánh Cha John Paul I. Mỗi lần nghe Ngài nói trên TV là mỗi lần cảm thấy thích thú và gần gũi, cảm thông. Có lẽ cái khiêm tốn, bình dị, chân thật của Ngài đã chinh phục cảm tình của mọi lứa tuổi, mọi giới. Ngài dùng cách xưng hô lạ , ở ngôi thứ nhất là Io”, tiếng Ý nghĩa là “Tôi”, khác với lối xưng hô của các ĐGH tiền nhiệm là “Chúng Ta”, có tính cách đầy lễ nghi hơn.

Có lẽ Ngài là một Giáo Hoàng ít “bảo thủ” nhất, điều nầy đã được chứng tỏ qua những tư tưởng và phát biểu lúc Ngài còn là Patriarch của Venice, và qua một số bài giảng khi ngài đã trở thành Giáo Hoàng.

Những tháng ngày tại chức của ĐGH John Paul I quá ngắn ngủi, ngài chưa làm được nhiều việc , nhưng để lại dấu ấn quan trọng cho mọi người. Ngài mất đi chỉ có 33 ngày sau khi lên ngôi. Người ta tìm thấy Ngài ra đi vào lúc hừng sáng ngày 29-9-1978 trong khi ngồi trên giường. Có thể tim Ngài đã ngừng đập vào đêm trước đó mà không ai hay biết, cho đến khi Nữ Tu Vincenza phát giác. Có nhiều tin đồn không kiểm chứng được về cái chết đột ngột của Ngài. Dĩ nhiên Toà Thánh Vatican không hề đề cập đến các tin nhảm nhí nầy.

Ngài mất đi làm cho cả nước Ý bàng hoàng, sửng sốt, giáo dân toàn thế giới tiếc thương một Giáo Hoàng trị vì quá ngắn ngủi, nhưng cái Sorriso” của Ngài làm mọi người khó quên.

Khoảng thời gian nầy tôi vẫn còn ở Milan, bên Ý. Sau đó tôi chứng kiến việc một tân Giáo Hoàng khác được bầu, trong vòng trên dưới một tháng. Ai cũng dán mắt vào ống khói của nhà nguyện Sistine Chapel. Rồi việc gì phải đến đã đến. Khi Hồng Y Karol Wojtyla được chọn và Ngài xuất hiện trên balcon nhỏ của Thánh Đường Phêrô, mọi người đều tò mò nhìn về một phía để xem đây là ai. Rồi Ngài đã lên tiếng hiệu triệu giáo dân toàn thế giới. Tôi còn nhớ lúc đó Hồng Y Wojtyla đã nói bằng tiếng Ý. Mọi người lắng nghe và ai nấy đều nhớ một câu mà Ngài chia động từ hơi sai một chút. Chuyện nầy thì cũng “dễ thương” thôi, vì trên hơn 450 năm qua, nay mới trở lại có Đức Thánh Cha không phải là người Ý. Lần cuối là vào năm 1522, với ĐGH Adrian VI người Hòa-Lan.

Ngài nói “se sbaglierò, mi corrigerete” [tạm dịch là: nếu tôi nói sai (sbaglierò), xin quý vị sửa cho tôi ] Chữ quý vị sửa cho tôi “mi corrigerete” ngài phải nói là “ mi corregerete” mới đúng. Một kỷ niệm khó quên khi mọi người dân Ý, kể cả tôi, lắng nghe từng chữ đầu tiên từ một Giáo Hoàng “ngoại quốc” xuất hiện bên khung cửa sổ của đền Thánh Phêrô, một hình ảnh thánh thiện, oai nghiêm, quen thuộc từ các vị tiền nhiệm cả hàng mấy trăm năm.

ĐHY Karol Józef Wojtyla của Ba Lan lấy thánh hiệu là John Paul II , để ghi nhớ ba người tiền nhiệm của mình. Ngài là vị GH đã có ảnh hưởng quan trọng trong việc giải thể chế độ Cộng Sản tại Ba lan, và rồi sau đó là toàn khối CS Đông Âu. Ước gì Ngài giúp giải thể luôn đảng CSVN thì đất nước ta được ơn phước thật nhiều!

ĐGH John Paul II được xem như là vị giáo hoàng có sức lôi cuốn quần chúng nhiều nhất. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đã đi công du nhiều quốc gia trên thế giới, gần 130 nước trong thời gian Ngài trị vì. Ngài đã phong chức hồng y cho đa số các vị hiện tại về Roma dự Conclave năm nay, là người được xem như là nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất của thế kỷ 20. ĐGH John Paul II có công lớn trong việc đem các tôn giáo ngồi gần lại với nhau, tìm hiểu, thông cảm và sống hoà đồng với nhau hơn.

ĐGH John Paul II mất ngày 2 tháng 4 năm 2005, hưởng thọ 84 tuổi. Ngài đã trị vì gần 27 năm, một thời gian tương đối dài cho một triều đại GH.

Khoảng hơn hai tuần lễ sau, ngày 19 tháng 4 năm 2005, ĐHY Joseph Ratzinger, một người Đức của vùng Baravia, có thủ phủ là Munich, thuộc miền nam Đức Quốc, nhưng đã làm việc nhiều năm tại Curia của toà thánh, và là một lý thuyết gia lão luyện nhất của Vatican, đã được bầu lên làm Tân GH. Ngài lấy thánh hiệu là Benedict XVI.

Có thể nói là ĐHY Ratzinger là một trong những giáo sư thần học lỗi lạc của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là người có nhiều uy tín trong Curia, do đó việc ngài được bầu lên làm Giáo Hoàng cũng là lẽ tự nhiên, nhất là Ngài là người đã được ĐGH John Paul II tin tưởng và giao phó cho nhiều trọng trách. Đa số các vị trong hàng giáo phẩm Công Giáo hiện nay đều là “học trò” của Ngài.

Nhưng có lẽ ĐGH Benedict XVI là một tông đồ quá lý tưởng của Thiên Chúa và Ngài yêu Giáo Hội hơn ai hết. Nhưng ngày nay Giáo Hội có quá nhiều điều phải “đương đầu” và “va chạm” với một thực tế mà đôi khi Ngài cảm thấy bất lực không giải quyết hết. Từ những ý nghĩ nầy cộng thêm một tình trạng sức khỏe yếu kém, Đức Thánh Cha đã can đảm làm một việc là thoái vị, nhường cho một người khác, hy vọng sẽ gánh vác công việc một cách hoàn hảo hơn. Không dễ gì có một người như vậy trong hàng lãnh đạo ở thời buổi nầy. Thật là đáng khâm phục và ngưỡng mộ.

Trong khi các hồng y nhóm họp tại Roma, cho đến khi một làn khói trắng bay ra trên ống khói của nhà nguyện Sistine Chapel (tiếng Ý là Cappella Sistina) thì không ai biết trước được vị Giáo Hoàng mới năm nay.

Tuy vậy, nếu năm nay các hồng y muốn chọn một người Ý làm ĐGH, thì theo tôi Đức Tổng Giám Mục Angelo Scola của Milan cũng có nhiều cơ hội trở thành Tân Giáo Hoàng. Ngài có đủ “điều kiện” của một “Papabile”. Ngài đã từng là Patriarch của Venice như ĐGH John XXIII, và hiện là TGM của Milan như ĐGH Paul VI! Cũng như ĐGH Benedict XVI, ĐHY Scola là một nhà thần học và có trình độ trí thức cũng như hiểu biết thâm sâu về giá trị và lý thuyết Công Giáo. Trong những năm còn là sinh viên đại học, Ngài đã quen thân với Cha Luigi Giussani – người sáng lập ra phong trào nổi tiếng “Comunione e Liberazione” (CL) (Communion and Liberation Movement)- và đã hoạt động trong phong trào nầy. Đây là một phong trào của giới thanh niên Công Giáo, chủ trương “mang đạo vào đời”, để đối đầu với các phong trào thanh niên thiên tả. Họ là những người chủ trương không bạo động, và chống khuynh hướng lai căng theo kiểu các phong trào thân Cộng lúc bấy giờ.

Những ai tham gia vào phong trào CL nầy thì được gọi là “Ciellini” (từ hai chữ C và L gắp lại).

Sau ngày 30 tháng 4 , 1975, khi mhóm sinh viên quốc gia tại Ý xin tỵ nạn chính trị ở lại và thành lập Liên Hội Sinh Viên và Kiều Bào Việt Nam tại Ý, thì chúng tôi đã nhận được sự hổ trợ về tinh thần rất nhiều từ các bạn người Ý trong tổ chức Comunione e Liberazione tại Milan.

Đức Hồng Y Angelo Scola được xem như là một Ratzinger thứ hai nhưng có thêm có sức lôi cuốn quần chúng. Ngài ăn nói khéo léo với báo chí. Ngài biết sự vận hành của Curia nhiều hơn ai hết. Nhưng còn một điểm quan trọng nữa là ngài có kinh ngiệm của một người cai quản giáo phận địa phương, đi sát được với trăn trở của con chiên. Nhưng có lẽ vai trò của Giáo Hoàng cũng do đấng thiêng liêng định đoạt. Trong niềm tin đó của người Công Giáo, các vị Hồng Y đã và sẽ cầu nguyện rất nhiều trong lúc tham dự Conclave để mong Đức Chúa Trời ban phép lành cho giáo hội vượt qua mọi khó khăn và có được một vị tân Giáo Hoàng như mọi người mong đợi.

Garden Grove những ngày sắp sang Tiết Xuân 2013

Võ Văn Thiệu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.