Sản Phẩm Gỗ VN Vào Mỹ Cơ Nguy Bị Kiện Trợ Giá
Các hãng Mỹ cũng có thể kiện ngành gỗ Trung Quốc tàng hình vào VN
HANOI -- Xuất hành coi chừng, cần xem giờ, xem hướng... Kỹ nghệ gỗ Việt Nam gặp nhiều hung hiểm vì nguy cơ bị kiện ở Mỹ, theo báo Đại Đoàn Kết cho biết.
Bản tin báo này ghi rằng, những thông tin từ Mỹ cho thấy ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở thị trường này.
Lý do chỉ vì kỹ nghệ gỗ Trung Quốc đang tàng hình vào Việt Nam...
Theo thông tin từ các luật sư là cộng tác viên của Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại (TRC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vừa qua, nhiều tờ báo ở Mỹ đã có những bài viết về việc các doanh nghiệp đồ gỗ Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ ở Việt Nam. Nếu những nhà máy đó chỉ xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản hay các thị trường khác ngoài nước Mỹ thì chẳng nói làm gì. Đằng này, chính các nhà máy có nguồn vốn từ Trung Quốc lại đang nằm trong tốp đầu những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ nội thất Việt Nam sang Mỹ. Báo chí Mỹ cho rằng đây là cách né thuế chống bán phá giá của các doanh nghiệp đồ gỗ Trung Quốc, vì kể từ sau khi bị xử thua trong vụ kiện chống bán phá giá năm 2003, sản phẩm đồ gỗ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang phải chịu mức thuế chống bán giá tới 42,23-216,01%.
Báo Đại Đoàn Kết cho biết, đồ gỗ Việt Nam có giá rẻ hơn nhiều nước khác trong khu vực cũng là nguyên nhân khiến cho các nhà sản xuất gỗ ở Mỹ không hài lòng. Năm ngoái một nhóm doanh nghiệp Mỹ đã đi khảo sát giá đồ gỗ ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Việc khảo sát này không nhằm để giao dịch mua bán mà để tìm chứng cứ cho thấy sản phẩm gỗ của nước ta rẻ hơn so với sản phẩm gỗ cùng loại của 2 nước nói trên.
Một nguyên nhân rất quan trọng khác là xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ liên tục tăng nhanh trong những năm qua; 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đạt giá trị trên 1,2 tỷ USD. Năm ngoái, kim ngạch trên 1 tỷ USD. Đây là những con số rất lớn nếu so với năm 2001, là thời điểm ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu gỗ khi ấy chỉ đạt vỏn vẹn trên 16 triệu USD. Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ như vậy là một thành tích đáng ghi nhận đối với ngành gỗ Việt Nam, nhưng đồng thời lại tiềm ẩn nguy cơ bị kiện rất lớn, nhất là khi nhiều nhóm sản phẩm gỗ của Việt Nam đã chiếm thị phần lớn ở Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ vốn thường lạm dụng các vụ kiện chống bán phá giá để bảo vệ lợi ích của mình chắc chắn sẽ không thể bỏ qua công cụ này một khi họ cảm thấy khó cạnh tranh lại với đồ gỗ nội thất nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác cũng thuộc nhóm có nguy cơ bị kiện cao như Brazil, Malaysia và Indonesia.
Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác được báo Đại Đoàn Kết cho biết rằng VN đang phải nhập nhiều gỗ nguyên liệu từ Mỹ.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến nay, ngành gỗ Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu tới 80% lượng gỗ nguyên liệu. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết tháng 11-2011, các doanh nghiệp đã nhập khẩu tới 1,2 tỷ USD gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ nguyên liệu lớn sang Việt Nam, với kim ngạch xấp xỉ 136 triệu USD trong 11 tháng đầu năm nay, đứng thứ 2 sau Trung Quốc.
Báo này cho biết, Việc duy trì nhập khẩu gỗ nguyên liệu với khối lượng lớn từ Mỹ đang được xem là một trong những lợi thế có thể giúp cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam thoát khỏi khả năng bị khởi kiện. Hoặc nếu có bị kiện thì Việt Nam cũng sẽ có lợi thế khi chọn nước thay thế. Tuy nhiên, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ vẫn đang cần được các doanh nghiệp quan tâm hơn, bởi so với năm ngoái, nhập khẩu gỗ từ thị trường này đã có phần giảm nhẹ...
Đặc biệt, còn một lời khuyên được báo này đưa ra cho ngành gỗ, ...Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn từ chối những đơn hàng với giá quá thấp từ Mỹ. Kinh nghiệm từ những vụ kiện chống bán phá giá trong những năm qua cho thấy mỗi khi một sản phẩm nào đó của Việt Nam có giá bán quá thấp vào một nước nào đó, thì rất dễ dẫn tới việc bị các doanh nghiệp nội địa ở thị trường đó khởi kiện.