Tôi không nghi ngờ thiện chí của các ông các bà đó, nhưng tôi nghĩ cái thiện chí nào cũng có dụng ý của nó. Phía Hà Nội đã trải thảm đỏ nghênh đón phái đoàn Mỹ và nói “Quý vị là những người có tư cách độc đáo để làm việc cho tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt và Mỹ. Khi các cựu chiến binh ngồi lại với nhau còn ai không theo gương"” Phía Mỹ cũng thiện chí có thừa, hứa đem lại những lời cố vấn kinh tế, cấp những phương tiện về giáo dục và những dụng cụ khác để giúp Việt Nam phát triển “hội nhập toàn cầu hóa”. Trong số các dụng cụ hiến dâng có những máy điện toán cao cấp để lên Internet không mất tiền. Cả hai bên đều muốn quên quá khứ, chỉ khổ nỗi cái quá khứ đó càng muốn quên, nó lại càng lù lù tiến đến.
Trong cuộc hội ngộ “những kẻ thù năm xưa”, một bà cán bộ gái ca bài ca quân vận thời chiến làm mọi người muốn nhểu nước mắt. Bài ca có câu “Ở lại đi anh, đừng về nữa”. Sự thật, khỏi phải rủ rê, có nhiều ông Mỹ đã ở lại hơi kỹ, đến nỗi ngày nay người ta vẫn còn đi tìm xác, hay ít ra cũng để một phần thân thể ở lại, chẳng hạn như một ông khách cựu chiến binh Mỹ lái trực thăng đã để một giò ở lại Củ Chi. Cái quá khứ phức tạp này thật khó quên, người chết không quên đã đành, mà cả những cánh tay những cẳng chân bỏ lại cũng khó quên. Dĩ chí những người còn lành lặn cũng không thể nào quên khi còn mang những vết thẹo trong thể xác và tâm hồn vì đã bị hành hạ tra tấn trong tù. Chính cái khó quên này đã làm hư một ngày hội lớn, đáng lẽ phải được đặt dưới khẩu hiệu ưu ái “hòa hợp hòa giải”, bỏ quá khứ đen tối sang môt bên để cùng bắt tay nhau xây dựng tình hữu nghị như Hà Nội mong muốn.
Một vụ đụng độ nẩy lửa đã xẩy ra giữa một ông khách “không đáng quý” và những ông chủ nhà “không đáng yêu”. Trận pháo “tao ngộ chiến” đã nổ khi cựu tù binh John McCain trở lại thăm “Khách sạn Hilton” hắc ám. Chuyện ông McCain không thể nào quên các ông bạn “gook” của ông cũng là điều dễ hiểu, nhưng ông còn nói ông không thể nào tha thứ cho những kẻ đã hành hạ ông và các tù binh khác, nhất là đã giết một số bạn tù của ông. Lời tố cáo đó ở miệng một Thượng nghị sĩ là nghiêm trọng. Hà Nội đã lồng lên phản pháo, nói ông đã “bóp méo sự thật”.
Riêng John McCain vẫn thản nhiên. Ngày hôm sau đến Saigon được một phóng viên Reuters hỏi, ông nói ông vẫn giữ nguyên các lời tuyên bố, vì đó là sự thật. McCain nói sự kiện là sự kiện, sự thật là sự thật, lịch sử là lịch sử. Và ông còn nhấn mạnh: “Suốt đời tôi... tôi đã chiến đấu chống cộng sản”. Đó là một sự thật không ai có thể phủ nhận. Và ông còn nói ra một sự thật khác nữa làm Hà Nội muốn hóa khùng. Đó là việc ông bảo “những kẻ xấu” (the wrong guys) đã thắng cuộc chiến tranh Việt Nam. Câu nói của ông còn có ngụ ý là chiến thắng đó đã ở sai chỗ, đáng lẽ nó không ở những người xấu mà phải ở những người tốt.
Hà Nội đã tố ngược lại chính Mỹ gây cuộc chiến xâm lược, phạm phải “những tội ác khủng khiếp” đối với nhân dân Việt Nam của họ. Vậy ai đúng ai sai, ai phải ai trái" Vấn đề còn đó và lịch sử còn mổ xẻ dài dài. Nhưng nếu vấn đề không minh định rõ ràng, cái tương lai các ông cựu chiến binh của hai bên thề tiến tới cũng chỉ có một mầu tươi sáng giả tạo mà thôi. Dù sao tất cả cũng chỉ là sự thật và sự thật không ai có thể phủ nhận. McCain là người đã đóng vai trò chính yếu trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Hà Nội và Washington. Ông nói ông bao giờ cũng nói chuyện một cách thành thật về Việt Nam, nhưng ông muốn nhìn về phía trước, thay vì nhìn lại sau lưng. Điều này có thật không vậy, sau khi ông nói không tha thứ cho bọn cai tù cộng sản" Tôi nghĩ là thật, bởi vì người ta không thể xây dựng tương lai bằng cách nói dối hay chối bỏ sự thật của quá khứ.
Vậy có sự thật nào chế độ Cộng sản Hà Nội không thể chối cãi được không" Tôi nghĩ là có và đã được McCain nói ra một cách thẳng thắn. Ông nói: “Tôi nghĩ những kẻ xấu đã thắng. Tôi nghĩ họ đã để mất hàng triệu những người dân giỏi nhất bỏ nước ra đi bằng thuyền, hàng ngàn người bị hành quyết và hàng trăm ngàn người bị bắt đi tù cải tạo. Mục tiêu mối quan hệ của tôi với Việt Nam là hàn gắn vết thương, nhất là giữa các cựu chiến binh, và tiến lên phía trước với một mối tương quan tích cực. Những hình như có một số người trong chính quyền (Hà Nội) không muốn thế. Đó là quyết định của họ”. Tôi nghĩ những lời của John McCain nói hàng triệu người bỏ nước ra đi, hàng trăm ngàn người bị lùa vào các trại cải tạo và hàng ngàn người bị hành quyết là một sự thật cả thế giới đã biết. Nó thấm thía cho người dân Việt Nam ở Bắc cũng như Nam. Đặc biệt nó thấm thía cho hàng triệu nguời Việt hải ngoại. Người ta nói quên đi quá khứ, nhưng quá khứ vẫn trở về. Một thời để quên, một thời để nhớ vậy.
Khi có tin Thượng nghị sĩ John McCain sắp qua thăm Việt Nam, chúng tôi đã viết hãy chờ cuộc viếng thăm này xem ông là người như thế nào. Nay đã thấy rõ ông là một “Real McCain” (một McCain thật).