Tác giả: Anthony Hưng Cao
Bài số 2448-16208525-vb2031108
Tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhân giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Anthony Hung Cao tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: nha sĩ, đang hành nghề tại Costa Mesa. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
***
Kể từ ngày ra trường, tôi ít có dịp gặp lại anh. Chúng tôi quen nhau từ những tháng ngày còn ở trại tị nạn Battaan vào năm 1988. Tôi có cái may mắn hơn anh là có gia đình ở bên cạnh. Riêng anh, đến đảo một thân một mình. Hai đứa có cái giống nhau là cùng tạng người ốm nhom, đen thui như phần lớn những thanh niên khác vừa trốn khỏi cái "thiên đàng" Việt nam đói ăn và mất tự do lúc bấy giờ.
Anh hơn tôi vài tuổi nhưng lúc nào cũng tỏ ra chín chắn, chừng mực chứ không giống như đám thanh niên choai choai đến đảo một mình lúc nào cũng thấy tụ năm tụ bảy ở các quán cà phê mọc rải rác trong trại. Dưới cái nắng hè oi bức của đất nước Philipines nầy, thay vì theo theo đám bạn đi bơi ở con suối trong vùng 9, tôi thấy anh quanh quẩn trong ngôi chùa dựng tạm trong khu trại để giúp các thầy dọn dẹp, sửa sang lại chỗ nầy chỗ nọ.
Rồi đến ngày được đi định cư ở Mỹ, tôi rời trại trước anh, nhưng số mệnh đã cho chúng tôi gặp lại nhau ở một trường đại học cộng đồng ở Santa Ana. Anh vẫn như xưa, cần cù, siêng năng trong hai năm dài theo học ở trường. Cái vẻ bề ngoài già dặn, hơi khắc khổ so với số tuổi của anh, cộng với tính tình chậm rãi, ít nói làm đôi khi nhiều bạn bè cũng ngại, nhưng nếu ai có dịp tiếp xúc với anh dù chỉ ít phút thôi cũng thấy được tính bình dị và óc khôi hài của anh.
Gặp lại anh chưa được bao lâu, tôi lại phải chuyển trường đi học nha khoa. Thật bất ngờ một năm sau đó, tôi biết anh cũng chọn ngành nha, nhưng theo học ở một trường khác. Trong bốn năm đi học, tôi ít có dịp gặp lại anh do bận rộn với những bài vở ngập đầu ở trường. Thỉnh thoảng gặp lại anh đâu đó ít phút hay qua bạn bè, tôi nghe kể ít nhiều về anh. Vẫn một tấm gương học tập cần cù và chịu khó làm việc trong khi đang theo học. Những ngày nghỉ cuối tuần, anh tranh thủ cắt cỏ, quét dọn vườn tược và làm những công việc lặt vặt khác cho chủ nhà để phụ tiền trả tiền trọ và hy vọng dư ra chút ít để gởi về cho cha mẹ già còn kẹt lại ở Việt nam.
Khi viết về anh, chắc có lẽ tấm gương nhẫn nại, cần cù và hiếu thảo của anh chắc cũng sẽ lẫn vào bao nhiêu câu chuyện khác về những người tị nạn trên bước đường hội nhập vào cuộc sống ở đây. Có lẽ những điều tôi biết và những kỷ niệm về anh rồi cũng chỉ đọng lại nơi nào đó trong tiềm thức cùng với bao nhiêu người bạn thân quen mà tôi đã gặp trên bước đường đời. Cho đến khi anh gọi điện thoại cho tôi vào một buổi tối, khi mùa thu bắt đầu len lén mang theo những cơn gió lạnh đầu mùa vào khí trời Cali.
"Lâu quá không gặp ông." Giọng anh vẫn như xưa, chậm rãi vang lên trong điện thoại.
"Thì từ khi anh cưới vợ đến nay, chắc anh "theo nàng bỏ cuộc chơi", nên tụi em đâu có dịp gặp anh." Tôi đùa.
"Đâu có." Anh cười hiền từ. Chúng tôi tâm sự với nhau một lúc trên điện thoại. Anh hỏi thăm vợ và hai đứa con của tôi. Một lúc sau anh nói:
"Anh có tình cờ đọc một bài viết của em trên báo, về những hoạt động cho trẻ mồ côi ở Việt nam của em, anh rất khâm phục..."
"Dạ đâu có gì." Tôi ngắt lời anh. " Em nghĩ nếu mỗi người góp một bàn tay thì cuộc đời của các cháu sẽ bớt khổ hơn. Em chỉ hy vọng bắc một nhịp cầu bằng những bài viết của mình cho nhiều người biết về tình cảnh của các cháu để chung sức giúp đỡ. Anh biết không, có một số độc giả gọi em để lấy địa chỉ các trại mồ côi bên Việt nam để khi có cơ hội, họ sẽ giúp đỡ..."
"Vì lẽ đó anh muốn nhờ em giúp đỡ..."Anh ngừng lại, tỏ vẻ ngập ngừng làm cho tôi không nén nỗi tò mò, không biết anh định nhờ tôi làm việc gì.
"Em có nghe về hội Hagar không"" Anh hỏi.
"Dạ không. Hội đó là gì vậy anh"" Tôi sốt ruột hỏi lại.
Anh bắt đầu giải thích về công việc của hội mà ít lâu nay anh đã tham dự qua sự giới thiệu của cha xứ ở nhà thờ nơi anh đi dự lễ. Tưởng cũng nên nhắc thêm là từ lúc lập gia đình, anh đổi sang đạo của chị, nên thỉnh thoảng bọn tôi hay đùa với anh là chắc mãnh lực tình yêu ghê gớm lắm vì nó đã biến anh từ một Phật tử trung thành, ngày xưa từng quét dọn lá đa trước sân chùa những ngày còn ở trại tị nạn, thành một con chiên ngoan đạo như bây giờ.
Qua anh, tôi được biết là hội Hagar được thành lập bởi ông Pierre Tami, người Thụy sĩ. Lần đầu tiên khi ông đến Campuchia, ông đã xót xa khi tận mắt chứng kiến cảnh một người mẹ ôm đứa con mới sáu tháng vừa mới qua đời vì bệnh sốt rét, trong một căn nhà rách nát, tồi tàn. Ông Pierre Tami rất cảm thông cho hoàn cảnh của những phụ nữ từng là nạn nhân của sự ngược đãi, hành hạ thô bạo của những người chồng, khi những người đàn ông nầy tàn nhẫn đẩy người vợ cùng con của họ ra khỏi nhà, để mang về những cô gái khác trẻ đẹp hơn. Thêm vào đó, có những cô bé còn rất trẻ từ những gia đình vì cha mẹ quá nghèo bị lường gạt bán con cho bọn buôn người. Những người phụ nữ nầy thường có chung một số phận là bị đẩy vào những động mãi dâm, được mọc lên khắp nơi trên xứ Chùa Tháp nầy. Ông lập ra hội Hagar với mục đích giúp đỡ những người phụ nữ nầy có cơ hội làm lại cuộc đời, sau khi họ được may mắn cứu ra khỏi chốn bùn nhơ. Hội cũng giúp đỡ cho những phụ nữ không có việc làm, sống lang thang, vất vưởng trên đường phố. Với sự giúp đỡ của những người như sơ Hanna, sơ Taylor, và các nhân viên người Campuchia, hội giúp đỡ những trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành được tiếp tục cắp sách đến trường theo chương trình After Care. Những phụ nữ đã trưởng thành sẽ được huấn luyện và làm việc ở những phân xưởng từ may mặc, đến dịch vụ nấu và giao thức ăn, kể cả làm những hộp sữa đậu nành để mang đi bán. Anh bảo hội Hagar rất cần đến sự giúp đỡ của những ân nhân từ khắp nơi trên thế giới để giúp cho những phụ nữ nầy có cơ hội làm lại cuộc đời. Anh mong tôi đóng góp và giúp anh viết một bài về hội Hagar.
Tôi hứa sẽ gởi check để anh chuyển đến hội Hagar và nếu có thời gian tôi sẽ tìm hiểu thêm về hội vì tính tôi vốn cẩn thận trước khi đặt bút viết điều gì. Trong thâm tâm tôi nghĩ chắc hội này cũng như hàng trăm hội từ thiện khác ở khắp nơi, với những mục đích và công việc cao cả mà những người sáng lập ra chúng đang cố theo đuổi.
Ngày tháng trôi qua với bao nhiêu công việc bận rộn hàng ngày ở nơi làm và ở nhà, cộng với niềm đam mê sáng tác nhạc, tôi lại quên bẵng đến việc viết bài cho anh dù thỉnh thoảng tôi có nhận được những newsletter từ hội Hagar gởi đến. Đọc những con số thống kê của Bộ ngoại giao Mỹ về tệ nạn buôn người qua biên giới lên đến con số 8-9 trăm ngàn người hàng năm trong tờ báo làm tôi phải giật mình (1). Tôi thật không ngờ đến thế kỷ 21 nầy mà vẫn còn đến gần 13 triệu người trên thế giới đang là nạn nhân của Modern Slavery - Nô Lệ Thời Đại. Trong đó có hàng trăm ngàn cô gái từ quê hương Việt nam bị bán, lừa sang những nước như Đài loan, Đại hàn, Mã lai, Campuchia, ... để bị biến thành một giai cấp nô lệ mới, kể cả nô lệ tình dục trong những động tú bà mà không có lối thoát (2). Ôi, không biết đến bao giờ quê hương tôi mới thoát khỏi tai ách nầy gây ra bởi những kẻ đang cầm quyền"
Và đêm nay, một đêm giữa mùa thu khi những cơn gió Santa Ana đang thổi giật từng hồi như muốn quật ngã tất cả những cành cây, ngọn cỏ ở bên ngoài, anh gọi cho tôi với một câu chuyện mà đêm nay có lẽ tôi sẽ không ngủ được nếu không ngồi bên chiếc computer để viết lên đây. Và những nốt nhạc tình ca sẽ trở nên vô nghĩa nếu tôi tiếp tục ngồi lại bên những phím đàn...
*
Em tên Hậu, như tên của một dòng sông hiền hòa chảy qua mảnh đất Hậu giang, một thời thanh bình như được diễn tả trong những bản tình ca của những đêm trăng gặt lúa trên những cánh đồng. Em lớn lên bên dòng sông hiền hòa. Cũng đùa giỡn, bì bõm lội nước như những đứa trẻ khác từ lúc lên hai lên ba. Em là con gái thứ hai trong gia đình với người anh cả tóc lúc nào cũng khét nắng, lớn hơn em hai tuổi và chỉ thấy đùa nghịch suốt ngày với đám con trai cùng trang lứa trên lưng những chú trâu đồng. Đứa em gái út thua em ba tuổi.
Hậu đang tuổi đi học, nhưng vì nhà quá nghèo phải bỏ học sau khi học xong mới có lớp ba để ở nhà giúp mẹ trông em và làm những cộng việc ngoài đồng ruộng. Hậu ít khi thấy mặt bố của mình ở nhà, trừ những lúc ông say mèm, bước đi những bước xiêu vẹo trở về nhà. Đôi khi Hậu thầm nghĩ thà ông không có ở nhà còn hơn vì những lúc ông trở về là lúc ông "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ con. Đôi khi Hậu không biết ông có còn lý trí, tỉnh táo để biết ông đang mắng chưởi, đánh đập ai không nữa. Mẹ của Hậu, cũng như bao người đàn bà Việt nam sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hiền hòa Hậu Giang này, mẹ như cây lúa nước chống chọi, cam chịu trước những phong ba, bảo tố của đất trời, chỉ mong đem lại những hạt thóc cho đời.
Nhưng có lẽ suốt cuộc đời của mẹ chưa có được một ngày vui trọn vẹn. Từ lúc còn là cô gái mới bước qua tuổi mười tám, mẹ phải từ giã ngoại của Hậu để theo về với gia đình chồng. Rồi vợ chồng được bên nội cho miếng đất bên bờ sông để dựng nhà và vài công ruộng để cày cấy. Dòng nước ngọt đầy phù sa Hậu Giang tưởng sẽ mãi mãi đem đến cho cả gia đình Hậu có đủ miếng ăn, cho đến khi có vài kẻ lạ mặt đến làng của Hậu để gạ gẫm mua lại miếng đất với mảnh vườn và căn nhà nho nhỏ. Sau này người dân trong làng mới vỡ lẽ ra, là đất của họ bị mua với một giá rẻ mạt để đem bán lại với giá thật cao để làm khu sinh thái gì đó do chính quyền địa phương cho công ty nước ngoài vào khai thác.
Có được chút ít tiền trong tay cũng là lúc bố của Hậu nảy sinh ra những thú vui cờ bạc ngoài những lúc nhậu nhẹt say xỉn. Khi hết tiền rồi, ông về nhà trút những cơn phẫn nộ vô cớ lên vợ con. Mẹ của Hậu như con gà mẹ dang rộng đôi cánh gầy gò, chỉ biết ôm các con vào lòng để hứng chịu những trận đòn của ông trong những cơn nửa say nửa tỉnh. Mẹ của Hậu không muốn cho tấm thân gầy gò của Hậu phải chịu đựng những trận đòn roi. Những lúc bố bỏ đi rồi, Hậu xoa nhẹ trên những vết đánh còn hằn dấu trên cánh tay, trên khuôn mặt bầm tím của mẹ rồi thút thít hỏi:
"Sao bố hay đánh mẹ vậy""
Mẹ chỉ lắc đầu không nói. Có những buổi chiều khi xa xa những ngôi nhà còn sót lại trong khu xóm cũ tỏa lên những làn khói mỏng, mẹ ngồi bên mạn chiếc xuồng nơi gia đình phải tạm cư kể từ lúc bán đi căn nhà và vài thửa ruộng còn lại, để chải mái tóc cho Hậu. Có lẻ trong ba đứa con, mẹ thương Hậu nhiều nhất vì Hậu lúc nào cũng ở gần một bên và hay chăm sóc cho mẹ. Ẩn hiện dưới làn nước đục ngầu hình bóng của hai mẹ con ngồi bên nhau trong khi bụng cồn cào vì bữa đói, bữa no. Mẹ chỉ vào dòng nước rồi thủ thỉ bên tai Hậu:
"Con nhìn mặt con dưới nước kìa. Con của mẹ đẹp lắm. Mẹ biết con sẽ là một con người nhân hậu, nên mẹ mới chọn cho con cái tên là Hậu, cũng như tên của con sông này. Mẹ ước gì có tiền nuôi con ăn học để lớn lên đời của con không phải khổ cực như mẹ."
Có tiếng rì rầm của những chiếc tàu cao tốc chạy ngang qua, đưa những khách ngoại quốc đi tham quan. Họ cười nói hồn nhiên, thỉnh thoảng đưa máy ảnh lên chụp khi bắt gặp những con cò, cánh vạc đang sảy cánh bay về phía khu vườn sinh thái. Hậu ngước mắt hỏi mẹ:
"Sông Hậu này chảy ngược mãi về chỗ nào hả mẹ""
"Mẹ cũng không biết nữa. Chỉ nghe mấy người trong làng ngày xưa đi đánh cá về kể lại nếu đi ngược dòng sẽ đến sông Bassac ở tận mãi bên Phonm Penh, xứ Campuchia." Mẹ vừa vuốt lại mái tóc Hậu cho thật thẳng, vừa trả lời.
"Con nghe nói bên Mỹ sướng lắm, trẻ con đứa nào cũng được đi học. Phải chi con sông này chảy dài đến đó, con sẽ ráng chèo đưa mẹ, anh hai và bé út rời khỏi làng này để đi đến đó..."
Mẹ ôm Hậu vào lòng. Hậu không biết tại sao có hai dòng lệ chảy dài từ khóe mắt của mẹ. Hậu biết mẹ không muốn cho mình bị đau mỗi khi bị bố đánh và dù bị bố đánh rất đau, mẹ cũng không bao giờ khóc. Vậy mà buổi chiều nay Hậu cảm thấy ân hận vì không biết tại sao mẹ lại khóc khi nghe Hậu nói như vậy.
Những buổi sáng chèo ghe theo những chiếc tàu cao tốc để rao bán những nải chuối, chùm mía ghim hay ít trái ổi, trái cóc, Hậu nhìn những đám bạn ngày xưa đang tung tăng đến trường mà cảm thấy có cái gì đó dâng lên nghèn nghẹn ở trong lòng.
Rồi tai ương cũng trùm xuống cho cái "mái nhà" nếu có thể gọi đó là nhà của Hậu. Trong một lần cố bám theo một chiếc tàu cao tốc để bán hàng, thình lình tàu tăng tốc độ làm mẹ trượt tay và ngã dúi đầu trên lan can tàu trước khi té ngược xuống chiếc ghe. Hậu ôm mẹ với đôi mắt nhắm nghiền vì đau đớn trong tay mình trong khi những dòng máu cứ mải miết tuôn trào từ trên vầng trán mẹ. Đôi tay nhỏ bé của Hậu không đủ sức để cầm lại những dòng máu đang tuôn ra xối xả. Khuôn mặt mẹ tái dần đi nhưng mẹ không khóc vì sợ làm cho Hậu thêm lo sợ. Máu mẹ tuôn làm nhuộm đỏ cả dòng nước chảy lững lờ xung quanh chiếc xuồng con. Chiếc tàu cao tốc đã bỏ chạy mất, chỉ còn là một đốm trắng phía xa xa, để lại một mình mẹ con Hậu chơ vơ giữa vùng sông nước.
Đám tang của mẹ thật buồn. Bên nội ngoại không có ai. Chỉ có ít cây nhang cắm bên ba chén cơm trắng trên con xuồng tròng trành theo sóng nước. Bố Hậu ngồi đó với đôi mắt đỏ ngầu lờ đờ. Không biết ông đang hối hận hay lo lắng cho những ngày sắp tới không có ai để ông moi tiền đi đánh bài. Thân thể mẹ của Hậu được bó trong mảnh chiếu rách cũ trước khi được thả xuống dòng nước đục ngầu của sông Hậu. Đến bây giờ Hậu mới hiểu thế nào là chết cũng không có miếng đất chôn thân. Hậu khóc hết nước mắt. Hậu chỉ biết quỳ xuống cầu xin cho những con cá đang bơi theo xác của mẹ đừng rỉa đi những mãnh thịt gầy gò còn xót lại trên người của mẹ. Thân xác của mẹ rồi đây chắc sẽ quyện vào lòng phù sa để bù đắp cho những cây lúa trên những cánh đồng còn sót lại...
"Mẹ ơi, mai mốt bố đánh con, ai sẽ ôm con vào lòng để che cho con đây"" Hậu khe khẽ nấc lên trong tiếng khóc, vừa lấm lét đưa mắt nhìn bố...
Vài tháng sau cũng lại có những kẻ lạ mặt tới. Bố nói Hậu cứ đi theo họ để "kiếm việc làm" vì ở đây đâu còn việc gì làm để sống ngoại trừ cái nghề nguy hiểm là bám theo tàu cao tốc mà nó đã cướp mất đi mạng sống của mẹ Hậu. Trong lúc chui vô khoang tàu gom lại mấy bộ quần áo cũ để mang theo, Hậu thoáng thấy bố nhe răng cười vui vẻ khi hai kẻ lạ mặt dúi vào tay bố một nắm tiền. Hậu chỉ còn kịp ôm hôn vội bé Út trước khi bị nắm tay kéo sềnh sệt qua chiếc xuồng máy.
"Út ở nhà giỏi với anh Hai nhe rồi mai mốt chị về mua bánh cho em ăn". Hậu cố nói với lại trong lúc tiếng máy tàu nổ phành phạch đưa cô chạy ngược dòng sông Hậu thân quen.
"Mấy chú chở cháu đi kiếm việc ở đâu vậy"" Hậu hỏi một gã đang ngó trân trân vào khuôn mặt còn chưa hết bàng hoàng của cô bé.
"Đi Phnom Penh chứ đi đâu." Gả cộc lốc trả lời. Rồi gả quay đầu cười hền hệt với mấy gả đàn ông khác đang chụm đầu chăm chú vào ván bài cào, nói tiếp. "Con nhỏ này nhìn được quá tụi bay. Nhưng tao cấm đứa nào đụng vô nó nhe. Tao hứa với bả là phải đem tới hàng còn "dzin."
Hậu ngồi co ro trong một góc tàu. Linh tính của cô bé dù mới mười hai tuổi như Hậu cho nó biết một cái gì ghê gớm, không lành sắp xảy ra. Hậu nhìn quanh chỉ chờ cơ hội để nhảy đại xuống dòng sông, bơi về chiếc ghe cũ.
"Biết đâu mẹ sẽ chẳng còn ở đâu đó dưới sông để giúp mình." Hậu chợt nghĩ đến mẹ.
Gả đàn ông vẫn đứng đó, nhìn trừng trừng vào Hậu như quan sát từng cử chỉ của con bé. Tàu chạy được một lúc lâu, gả đàn ông bắt Hậu ngồi vào trong một chiếc thùng như thùng đựng cá. Bên trên thùng vẫn chứa nước và mấy con cá đang bơi lội để ngụy trang, nhưng bên dưới được đóng rất khéo để dấu một người ngồi vào mà không ai biết. Hình như ghe chạy chậm lại khi đi đến một trạm kiểm soát. Hậu nghe bọn người trên tàu nói tiếng gì đó với người trên bờ. Rồi có tiếng bước chân người đi lại trên boong tàu. Hậu nín thở hồi hộp. Hậu vừa nảy ra ý định la to lên để kêu cứu nhưng cũng vừa lúc tiếng chân bước đi ra xa và con tàu lại tiếp tục khởi hành. Vừa mệt, vừa đói, vừa khát, Hậu thiếp đi lúc nào cũng không hay nữa.
Hậu tỉnh dậy khi nó bị đẩy lên bờ. Nhìn quanh chỗ nào cũng toàn những người xa lạ. Họ nhìn nó với vẻ chăm chú và nói một thứ tiếng gì đó mà nó không hiểu. Một lát sau Hậu được dẫn đến một căn nhà, phía trước là quán ăn nhưng đi sâu vào bên trong là những căn phòng tối tăm, xông lên những mùi ẩm thốc. Một người đàn bà có khuôn mặt trát phấn to bự đon đả từ đâu đó chạy ra nắm lấy tay nó, rồi nói với Hậu bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ:
"Lại đây với má mì, con. Một chút nữa má mua cho con đồ đẹp để con mặc nhe."
Mấy gả đàn ông lúc nãy đi trên tàu lặng lẽ rút lui. Hậu bị đẩy vào trong một căn phòng với một ánh sáng lờ mờ hắt ra từ một ngọn đèn ngủ cũ kỹ để ở góc phòng.
"Con ngồi đây nghe. Má mì đi mời "dượng" tới chơi."
Cánh cửa sau lưng Hậu bị đóng sầm lại. Hậu chạy lại cố sức mở nhưng cửa đã bị khóa ở bên ngoài. Hậu dùng hết sức để đạp và đẩy cánh cửa. Mặc cho nó sợ hãi kêu khóc trong căn phòng mà lúc này dường như càng tối hơn, vẫn không có tiếng trả lời. Một lúc sau có một gã đàn ông trạc tuổi như bố nó bước vào, người toát ra nồng nặc mùi rượu. Chắc đây là ông "dượng" mà người đàn bà tự xưng là "má mì" vừa nói tới khi nãy. Nó chưa kịp nói gì thì đã bị một cánh tay vạm vỡ bế thốc nó lên rồi quăng xuống chiếc giường nhỏ cũ kỹ kê sát cạnh tường. Mặc cho nó van xin, vùng vẫy, kêu khóc, gã đàn ông như con thú say đang vờn con mồi cười khoái trá và nói những tiếng gì đó mà Hậu không hiểu nỗi. Hậu chỉ còn cảm thấy những cơn đau buốt như những ngày bị bố nó đánh sau khi mẹ mất. Máu chảy ra làm ướt chiếc quần đã bị xé rách tả tơi. Hậu chỉ còn kêu lên mấy tiếng "Mẹ ơi cứu con!" rồi ngất đi...
*
Không biết đã bao nhiêu năm tháng trôi qua kể từ cái đêm oan nghiệt đó, Hậu cũng không còn thiết tha gì đến ngày tháng nữa. Nó phải tiếp không biết bao nhiêu gả đàn ông từ sáng đến tối. Những lúc vắng khách mụ đàn bà mà những cô gái khác đều phải gọi là "má mì" dạy mấy đứa con gái từ Việt Nam đưa tới như Hậu, nói tiếng Campuchia để tiện việc tiếp khách và vòi vĩnh thêm tiền cho mụ.
Những ngày quá mệt hoặc bệnh là những ngày càng đau khổ hơn cho Hậu khi Hậu phải chịu những trận đòn từ gả đệ tử của mụ vì mụ cho là Hậu kiếm chuyện để không tiếp khách. Để trừng phạt Hậu, mụ còn bắt Hậu nhịn đói cả ngày. Có những lúc Hậu nằm trên giường như một cái xác không hồn. Nước mắt Hậu chảy quanh khi Hậu nhớ về chiếc ghe cũ ngày xưa, những buổi chiều về khi ánh nắng chiều soi bóng mẹ con Hậu xuống dòng nước khi mẹ ngồi chải tóc và thủ thỉ những lời tâm sự gởi gấm những yêu thương và hy vọng vào Hậu.
Mẹ ơi, mẹ đang ở đâu. Mẹ có biết thân con gái mẹ cực khổ như thế nào không" Mẹ ơi, con chỉ muốn chết đi cho rồi. Con nhớ anh Hai và em Út quá. Không biết từ mấy năm nay Út có bị bố đánh nhiều không" Út ơi, chị hứa mua bánh cho em mà chị còn chưa ăn được cái bánh nào từ khi bước chân vào đây thì làm sao chị có tiền mua cho em cái bánh ngọt mà chị biết em vẫn thèm được ăn hả Út"" Hậu bỗng nấc lên tiếng khóc nức nở làm gả khách giật mình không biết chuyện gì đã xảy ra.
Đã bao lần Hậu tìm cách trốn đi nhưng gã đệ tử mặt cô hồn với chiếc gậy trên tay lúc nào cũng lẩn quẩn đâu đó, không rời mắt khỏi phòng của Hậu và ba cô gái kia mà tình cờ có một lần Hậu trò chuyện cũng biết một cô bị đưa vào đây khi cha mẹ của cô vì quá nghèo, nghe theo lời dụ dỗ của những kẻ buôn người đội lốt những kẻ đi tuyển người tìm việc làm ở những làng quê xa xôi như Hậu, rồi bị bán vào chốn nhơ nhuốc này. Hai cô gái kia người Campuchia, bị chồng đánh đập tàn nhẫn phải bỏ quê lên thành phố để kiếm sống, rồi cũng bị sa chân vào đây. Hậu đã có lần bị buộc phải chứng kiến cảnh một cô gái ở đây định trốn đi, bị gả đệ tử trói lại đánh một trận thừa chết thiếu sống, như thể mụ "má mì" và gả cố tình răn đe bọn Hậu là đừng có dại dột mà tìm cách trốn.
Những năm tháng không ánh sáng theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của Hậu cứ tiếp tục trôi qua cho đến một ngày khi một dịp may tình cờ chợt đến. Hôm đó là ngày lễ Bonn Pchum Ben của người Campuchia, thường thì dù cho lễ gì đi nữa gã đệ tử cũng bị mụ cấm không được nhậu nhẹt. Hôm đó gã được một ông khách nào đó cao hứng dúi vô tay một chai rượu whisky của Mỹ. Gả ngật ngưỡng một hồi rồi nằm ngáy khò khò ở một góc phòng, chiếc gậy hung thần còn để sát một bên. Hôm đó vắng khách vì là ngày lễ mà mọi người bận rộn dâng lễ và gạo cho các sư sãi để làm phước. Mụ "má mì" có lẽ đã nhang khói lên chùa lễ Phật để cầu xin có thêm được những cô gái như Hậu đến để mụ nặn ra tiền. Hậu không nghe tiếng chân đi lại ở bên ngoài của gả đệ tử, ngoại trừ tiếng đùa giỡn của khách làng chơi ở những phòng bên cạnh. Hậu rón rén mở cửa rồi ù té chạy ra khỏi căn nhà nơi đã chôn vùi tuổi trẻ của Hậu trong suốt mấy năm qua.
Phố xá và người qua lại, tất cả đều quá xa lạ với Hậu. Hậu chỉ biết cuộc đời ở xứ chùa Tháp này qua căn phòng ẩm tối, hôm nay Hậu như con chim được sổ lòng, nhưng nó còn quá nhút nhát để bay trong cái vũ trụ quá bao la, mới mẻ. Như con chim non lạc lõng yếu đuối với nước da trắng nhợt vì phải sống lâu trong bóng tối, Hậu cố lấy hết sức để chạy vì Hậu sợ gả đệ tử sẽ bất chợt tỉnh dậy và đuổi theo bắt cô trở lại. Hâu thầm toan tính thà đâm đầu vào một chiếc xe nào đó đang chạy trên đường để được chết, để được bình yên về với mẹ, được bơi bên mẹ và những con cá trên dòng sông Hậu, còn hơn là phải sống thêm một ngày trong bóng đêm của căn nhà ma quái đó. Những khuôn mặt của những gả đàn ông đang đi trên đường, từ người bản xứ đến những người đàn ông ngoại quốc, dù trông bề ngoài rất khả kính, đều làm cho Hậu khiếp sợ. Hậu không còn dám tin ai vì tất cả bọn họ đều trông giống như những gả đàn ông đã dày vò thân xác cô trong mấy năm qua. Cô cứ cắm đầu chạy, chạy, và chạy thật nhanh cho đến khi cô đâm sầm vào anh.
"Cháu có sao không""
Hậu hoảng hốt đứng dậy, vừa lấy tay phủi quần áo, vừa định vùng chạy tiếp, nhưng không hiểu sao Hậu đứng lại và cảm thấy yên tâm trước ánh mắt hiền từ và giọng nói chậm rãi của anh. Hậu không biết tại sao anh biết Hậu là cô gái Việt. Đã lâu rồi Hậu không còn được nói và nghe tiếng Việt. Nhưng chắc Hậu sẽ không ngạc nhiên khi thấy cổ anh đeo lủng lẳng cái bản tên của hội Hagar. Nhờ những tháng ngày làm việc thiện nguyện với hội Hagar đã giúp anh "nhận diện" ra những cô gái bất hạnh như Hậu, đặc biệt là những cô gái bị bán qua đây từ Việt nam. Anh nắm lấy tay Hậu như sợ Hậu sẽ bỏ chạy nữa, rồi cất giọng chậm rãi nói:
"Cháu đừng sợ. Có phải cháu vừa mới trốn ra phải không" Chú sẽ giúp cháu, đừng sợ."
Kể tới đó, anh cất tiếng cười hiền lành bảo:
"Anh biểu nó đừng sợ chứ thật ra lúc đó anh cũng sợ muốn chết, vì lúc đó lỡ nó chợt la lên thì người ta tưởng anh bắt cóc con nít. Không may nếu cảnh sát Campuchia tới, không biết làm sao mà nói được tiếng Campuchia để giải thích cho họ hiểu là mình đang đi làm công tác từ thiện cho hội Hagar. Lần sau chắc phải nhờ ai đó viết sẵn vài câu vô mảnh giấy bằng tiếng Campuchia để lôi ra xài cho chắc ăn."
"Nhưng mặt anh hiền như con chiên ngoan đạo cộng với tâm tu của một Phật tử ngày xưa thì chắc ai mà không tin anh." Tôi cố nói đùa với anh dù trong lòng vẫn còn xúc động với câu chuyện anh kể. Anh cho biết thêm hội Hagar đã giúp cho Hậu đến trường của họ và sẽ hướng dẫn cô tìm việc làm khi cô bước qua tuổi mười tám.
"Ông biết không. Hậu nó vẽ đẹp lắm. Lúc ở trong trường, khi cô giáo bảo nó vẽ về cuộc đời nó. Hậu vẽ bức tranh của đóa hoa sen vươn lên từ đám bùn. Hậu nói nó sẽ như đóa hoa sen thơm vươn lên khỏi lớp bùn nhơ để làm lại cuộc đời. Nó còn vẽ một bức tranh khác với một đàn cá bơi quanh một đám lục bình. Anh có hỏi tại sao nó vẽ lục bình. Nó chỉ buồn buồn mà không đáp. Chắc nó đang nhớ đến thân phận trôi nổi của mẹ nó. Còn một chuyện này anh chưa cho nó biết. Khi nó hỏi thăm anh tin tức về em Út của nó ở Hậu Giang, anh có nhờ người dò hỏi và được biết bố nó cũng đã bán con bé đó cho bọn buôn người cách đây không lâu. Thật là tàn nhẫn. Không biết tụi chính quyền ở đó sao không dẹp đám buôn người này đi hay là chắc đang ăn chia để làm ngơ cho bọn chúng hoành hành chứ gì...".
*
Cúp điện thoại rồi, chợt câu hát "Tôi mơ làm triệu phú, cứu giúp gái bơ vơ" (3) mà tôi đã từng nghe vang lên văng vẳng bên tai. Anh chưa làm triệu phú vì anh còn bận rộn với những việc làm cao cả của anh, nhưng đối với tôi, anh đã là một "TRIỆU PHÚ CỦA TÌNH THƯƠNG" vì những công việc anh đã và đang làm để cứu giúp cho bao nhiêu cô gái bơ vơ như Hậu. Lần này chính tôi xin phép anh cho tôi viết lại câu chuyện này. Anh vui vẻ bằng lòng với một điều kiện đừng ghi tên thật của anh, vì theo anh, "anh chưa có làm được điều gì nhiều". Thôi thì tôi cứ dùng chữ "anh" để gọi anh với tất cả sự ngưỡng mộ của tôi.
Đêm đã thật khuya. Tôi nghe tiếng gió bên ngoài rả rích như tiếng kêu nghẹn ngào của bao nhiêu cô gái còn đang bơ vơ lạc loài, mang kiếp đời nô lệ nơi xứ người. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy có thêm những đóa hoa sen mới vừa bị nhận chìm dưới đám bùn... Ai sẽ là người cứu vớt những đóa hoa sen nầy"
Anthony Hưng Cao