Vứt Bỏ Nỗi Sợ Đi
Vi Anh
Nếu bây giờ ở Mỹ mà nói có không ít người Việt tỵ nạn CS không đi biểu tình chống Cộng vì lo sợ CS biết sẽ làm khó không cho đi VN nữa – thì sẽ có người phản đối ngay: “Còn lâu mới sợ CS”. Nói thì nói vậy, nhưng trong bụng có người sợ.
Nếu bây giờ đi VN, thấy có người trước khi qua “Hải Quan” phi trường, mắt lấm la lấm lét, bước đi lom khom, tay nhét năm mười Đô la vào sổ thông hành, kính cẩn “trình cho cán bộ” xem qua; “cán bộ Hải Quan gạt tiền xuống bàn để lấy,“ bớt vẻ mặt “hình sự”, và trả thông hành lại; người Việt hải ngoại da vẻ hồng hào lên, cảm thấy yên thân qua “cửa khẩu”. Và khi về lại cộng đồng Việt hải ngoại, nếu có ai biết, cắc cớ hỏi, thì chối phắt. Nếu chối không được thì chống chế trả lời “giả dại qua ải”, “lấy của che thân” là khôn.
Không phải hai thí dụ trên là bày điều, đặt chuyện, mà đó là chuyện xảy ra hàng ngày “ở huyện” nói theo kiểu bà con trong nước nói. Rất nhiều người Việt hải ngoại than phiền phải lót tiền qua ải; đó là chuyện “xe bus vẫn chạy bình thường” nói theo dân Saigon khi xưa nói. Nó trầm trọng đến mức, Đảng Nhà Nước sợ mất khách du lịch phải “kỷ luật”, đổi “ca kíp”, đổi cán bộ công nhân viên liên tục đối với “cán bộ Hải Quan và công an “cửa khẩu”. Nhưng chỗ nầy là “rất ngon ăn” nên những loại người 5C “con cháu các cụ cả” tranh nhau đến đây “phục vụ nhân dân” rất nhiều. Khó mà trị dứt tham nhũng ở đây vì nó quá nhiều dây mơ rễ má, hề bứt dây thì sợ động rừng dù phi cảng ngoại quốc dù là bộ mặt đầu tiên của VNCS mà du khách ngoại quốc nhìn vào dễ có ấn tượng đầu tiên thường là ấn tượng sâu và lâu.
Kể ra con ngáo ộp CS, người Việt đánh nó tơi bời trong Chiến Tranh VN, gần 20 năm. Rồi sau đó đi tỵ nạn CS cách nước nhà nửa vòng Trái Đất suốt 35 năm mà nỗi sợ con ngáo ộp CS cũng chưa rời người Việt ở Hải ngoại.
Theo tâm lý chung, Con Người cảm thấy mình bé nhỏ, bất lực, yếu đuối trước núi rừng, mưa gió, thú hoang thì Con Người có hai thái độ. Một là sợ nó quá nên thờ cúng nó để lo lót cho nó như Thần Núi, Ông Tà, Ông Địa để được yên thân. Hai là khắc phục, cải tạo, thuần hoá nó để nó phục vụ cho mình.
Trước con ngáo ộp CS, người Việt có hai thái độ, có khi, có người sợ nó, có khi, có người chống nó. Suốt gần nửa thế kỷ, bao nhiêu vật đổi sao dời, bao nhiều người còn kẻ mất, tình thế và tâm lý ấy vần còn. Nổi sợ CS có lúc ở trong ý thức. Như trong thời chiến ở nước nhà, dân nói chạy giặc nghĩa là chạy trốn Việt Cộng, chạy về phìa có đồn bót hay quân đội Quốc gia, chớ ít ai chạy vô vùng Việt Cộng.
Khi đi tù cải tạo, khi bị đổi tiền như bị CS cướp, bị đánh tư sản bị CS lột sạch nhà sạch cửa đuổi đi kinh tế mới, thù CS tận tim gan. Nhưng người Việt sợ CS bắt bỏ tù, hay thủ tiêu phải dồn nén, giả dại qua ải. Tỵ nạn CS ra hải ngoại sống trong tự do, dân chủ, không còn CS nên nổi sợ chìm vào ở tiềm thức theo qui trình tâm lý, chớ không có nghĩa là không còn. Nỗi sợ CS ở tiềm thức ấy trồi lên mỗi lần nghe có CS xuất hiện. Ở hải ngoại bên ngoài biểu tình mà bên trong cũng lo, sợ CS trả thù, khủng bố. Về nước, nỗi sơ CS trồi lên càng mạnh hơn vì bên ngoài là CS.