Hội Nhập Kinh Tế Đông Nam Á
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA
TQ có thể chi phối khả năng hội nhập và thống nhất của khối ASEAN...
Hội nghị của nguyên thủ 10 quốc gia trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN đã kết thúc tại Hà Nội với một bản thông cáo chung về tám mục tiêu hội nhập kinh tế cho toàn khối. Diễn đàn Kinh tế đàì RFA sẽ tìm hiểu về các mục tiêu ấy qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Xin quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Năm nay, Việt Nam làm chủ tịch luân phiên của Hiệp hội ASEAN khi kinh tế Á châu nói chung đã hồi phục mạnh sau hai năm bị suy trầm trong trận tổng suy trầm toàn cầu. Phải chăng vì vậy mà Hiệp hội ASEAN đã kết thúc thượng đỉnh tại Hà Nội hôm mùng chín vừa rồi trong không khí lạc quan hơn" Theo dõi kết quả hội nghị, ông có nhận định sơ khởi như thế nào"
Vừa ổn định, vừa tăng trưởng
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng mỗi trận khủng hoảng lại giúp con người ta tiến thêm một bước. Các quốc gia Đông Nam Á bị trận khủng hoảng thời 1997-1998 gây ra nhiều thách đố, nhờ đó đã có nhiều nỗ lực phòng ngừa và củng cố. Mười năm sau, thì trận tổng suy trầm năm 2008-2009 càng giúp ASEAN đẩy mạnh hơn những sáng kiến đã được họ đề ra từ năm 2000, sau vụ khủng hoảng lần trước. Đó là nhận xét thứ nhất.
- Nhận xét thứ hai là hội nghị năm nay không có loại quyết định đột biến gì về chính trị nhưng là bước tiến khả quan hơn về chính sách kinh tế và điều ấy cũng có lợi cho Hà Nội về uy tín ngoại giao của một quốc gia đăng cai tổ chức.
- Nhận xét thứ ba là các nước ASEAN ý thức được tầm quan trọng của việc hội nhập kinh tế. Họ đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ lẫn nhau để vừa ổn định được hệ thống tài chính của khu vực vừa tạo điều kiện cho việc tăng trưởng bền vững và quân bình hơn, như tám mục tiêu đã được nêu ra trong bản thông cáo chung.
Việt Long: Tám mục tiêu ấy là những gì và có ý nghĩa thế nào"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là loại mục tiêu khá kinh điển, thậm chí cổ điển và xuất phát từ nhiều buổi họp ở cấp chuyên môn về kinh tế tài chính, kể cả buổi họp ở Nha Trang vào tuần trước. Tám mục tiêu ấy là:
- Thứ nhất, bảo đảm ổn định tài chính và hồi phục vững chắc cho toàn khối. Đây là loại mục tiêu của phản ứng "mất bò mới lo làm chuồng" và chuyện mất bò thật ra đã thấy từ vụ khủng hoảng thời 1998. Yếu tố tích cực là một số sáng kiến xuất phát từ thời ấy đã bắt đầu được áp dụng. Chúng ta sẽ còn trở lại các sáng kiến này.
- Mục tiêu thứ hai là tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN thành một cộng đồng kinh tế chung, với tinh thần kết hợp các thị trường làm một và cưỡng chống phản ứng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên rất mạnh trên thế giới. Tôi thiển nghĩ rằng đây là yếu tố tích cực nhất của hội nghị và việc đại diện của ASEAN phải tham dự thượng đỉnh của khối G20 là một yêu cầu chính đáng.
- Mục tiêu thứ ba cũng là một đòi hỏi chính đáng, đó là đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng cơ sở. Hạ tầng cơ sở ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là không có có cầu đường cho giao thông vận tải và không thu hẹp trong lãnh thổ của một nước. Người ta khó hội nhập được kinh tế vào một khối nếu giao thông liên lạc còn bị cách trở. Vấn đề là phải có một tổng hoạch đồ hay kế hoạch tổng thể hầu tránh lãng phí và trùng dụng và vấn đề ấy cũng đã được nêu ra.
- Mục tiêu thứ tư là một tiếp nối của mục tiêu số một là sau khi hồi phục thì phải đảm bảo một đà tăng trưởng vững bền cho lâu dài. Yêu cầu vững bền ở đây đỏi hỏi sự quân bình trong từng nước và giữa các nước, và một phẩm chất cao hơn về môi sinh, kiến thức, quản lý. Yếu tố môi sinh cũng được ASEAN nhấn mạnh trong bối cảnh của nguy cơ địa cầu bị nhiệt hoá, khí hậu bị thay đổi. Việc khai thác hạ nguồn sông Mekong cũng được ASEAN nói tới và đây là một nhắc nhở cần thiết cho Trung Quốc ở trên thượng nguồn.
Việt Long: Chúng ta có cảm tưởng như ASEAN đề ra các mục tiêu ấy từ khía cạnh lượng rồi tiến tới khía cạnh phẩm. Có đúng như vậy không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy. Đại diện các nước nói đến chuyện tăng trưởng rồi tiến tới phát triển vì hàm ý là tăng trưởng phải có phẩm chất thì mới vững bền và đó là sự khác biệt giữa phát triển và tăng trưởng. Bốn mục tiêu còn lại đều thuộc về phẩm hơn là lượng.
- Đó là phải mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cho từng nước và trong toàn vùng, để chú ý nhiều hơn tới số phận của người nghèo. Kế tiếp là phẩm chất về giáo dục, một mục tiêu đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ thông tin lẫn kiến thức giữa các nước. Mục tiêu thứ bảy cũng rất quan trọng là đẩy mạnh đối thoại của nhà nước với thành phần tư doanh, nhất là giới tiểu doanh thuơng. Tôi nghĩ rằng ASEAN có hàm ý là hội nhập kinh tế của khu vực không thể chỉ là giữa các doanh nghiệp lớn hoặc của nhà nước mà còn là cơ hội phát triển và hội nhập các cơ sở nhỏ. Làm sao thực hiện thì lại là chuyện khác. Sau cùng, ASEAN có đề ra mục tiêu thứ tám là giúp các nước nghèo nhất thâu ngắn khoảng cách thua kém mấy xứ đầu đàn. Bốn nước nghèo nhất chính là Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Việt Nam, mà họ gọi tắt là nhóm CLMV. Chuyện này đáng chú ý khi ta nhớ tới một số sáng kiến tài chính sẽ áp dụng, chưa chắc đã áp dụng được ở bốn nước tụt hậu này.
Những sáng kiến tài chính
Việt Long: Bây giờ, chúng ta trở lại một số sáng kiến về tài chính ông vừa nhắc tới. Đó là những sáng kiến gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết là việc đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai được khởi xướng từ năm 2000 tại hội nghị Chiang Mai ở Thái Lan.
- Thông thường, hai xứ buôn bán với nhau mà xứ này nhất thời cần đồng tiền của xứ kia thì họ có thể lập ra "quỹ hoán đổi ngoại tệ" để xứ này vay tiền của xứ kia từ quỹ đó hầu không bị khó khăn về ngoại hối. Từ kinh nghiệm khủng hoảng năm 1997-1998, Sáng kiến Chiang Mai mở rộng việc hoán đổi tay đôi ra tay ba rồi thành một quỹ đa phương cho cả 10 hội viên ASEAN và ba nước đối tác Đông Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn, mà ta gọi là ASEAN +3.
- Đó là Sáng Kiến Chiang Mai Mở Rộng. Quỹ này được thành lập hôm 24 tháng trước với số vốn tương đương 120 tỷ Mỹ kim. Trong thời khủng hoảng năm 2008 thì số tiền đó thật ra còn nhỏ, nếu ta so với chừng 650 tỷ Mỹ kim đã được các nước bơm vào kinh tế để kích thích sản xuất. Bây giờ thì hoạn nạn qua rồi, con số 120 tỷ ấy coi như cái phao đủ lớn để xứ nào nhất thời thiếu ngoại tệ thì có thể trích xuất hầu tạm trấn an thị trường. Đó là sáng kiến gọi tắt là CMIM.
Việt Long: Còn sáng kiến thứ hai rất được các thị trường tài chính thế giới chú ý là lập ra một thị trường trái phiếu Á châu. Sáng kiến ấy là gì trong cụ thể"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Các nước ASEAN nghiệm thấy rằng họ có mức tiết kiệm cao vậy mà sao cứ phải trông chờ vào đầu tư nước ngoài" Tháng Tám năm 2003, tại hội nghị cấp bộ trưởng tài chính ở Philippines, họ nghĩ đến việc giúp hội viên nào cần tiền thì phát hành trái phiếu bằng nội tệ của mình. Xứ nào dư tiền đầu tư thì mua trái phiếu ấy để dòng tiền khỏi chảy ra ngoài mà còn hỗ trợ nhau thay vì cứ lệ thuộc vào các nước nằm bên ngoài. Mười nước ASEAN và ba đối tác đã mất nhiều năm nghiên cứu và nay mới hoàn thành và sẽ khởi động vào tháng tới. Đó là sáng kiến Thị trường Trái phiếu Á châu, ASEAN Bond Markets Initiative, gọi tắt là ABMI.
- Về kỹ thuật thì nước cần tiền và nước dư tiền gọi là bên cầu và bên cung, qua sự phối hợp kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển Á châu ADB, cùng phát triển thị trường vay tiền một cách lành mạnh và khả tín. Các nước cần vốn mà phát hành trái phiếu thì được sự yểm trợ kỹ thuật để tờ giấy nợ là vật đáng tin hầu xứ khác có thể yên tâm bỏ tiền ra cho vay, tức là đầu tư về tài chính. Người ta mong là Thị trường Trái phiếu Á châu mà vận hành bình hòa thì cũng sẽ còn được giới đầu tư bên ngoài chiếu cố.
Việt Long: Người ta hy vọng như vậy chứ trong thực tế thì sao, có những trở ngại gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ rằng trong bước đầu thì mới chỉ là trái phiếu của nhà nước, tức là công khố phiếu mà thôi. Thông thường, giá trị của trái phiếu hay công khố phiếu tùy thuộc hai yếu tố là an toàn và sinh lời. An toàn là mức lưu hoạt, nghĩa là khả năng hoán đổi ngay ra tiền mặt mà không qua thủ tục nhiêu khê hay hạn chế. Sinh lời là phân lời phải cao so với trị giá của đồng bạc, hay mức lạm phát. Khi mua công khố phiếu của xứ khác, nhà đầu tư có thể ít bị rủi ro giật nợ trừ phi chính quyền vỡ nợ và cũng ít rủi ro tín dụng. Nghĩa là tới kỳ hạn thì đổi giấy nợ ra tiền mặt được vì quốc gia vay nợ mà thiếu tiền thì chỉ có việc... tăng thuế!
- Nhưng rủi ro về ngoại hối hay hối suất thì tất nhiên vẫn có. Thí dụ như tôi bán đồng Won của Hàn quốc mua công khố phiếu bằng tiền đồng của Việt Nam với một hối suất nào đó. Khi giấy nợ đáo hạn và dù tôi có thể đổi được sang tiền mặt đem về thì tiền mặt ấy mà mất giá so với đồng Won nguyên thủy, tôi vẫn bị lỗ! Đấy chỉ là những rủi ro lý thuyết thôi, thực tế thì còn nhiều vấn đề vì trình độ quản lý vĩ mô của từng nước lẫn cả khả năng thông tin minh bạch của nhà nước và vì tính toán của chủ đầu tư hay chủ nợ.
Việt Long: Dù thời giờ có hạn, xin ông giải thích thêm về những rủi ro này cho thính giả biết.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nhìn về trường kỳ thì ta nên... ngó vào Hy Lạp hay nhiều nước nằm tại miền Nam Âu Châu đang bị bội chi quá nặng và vay mượn quá nhiều. Chính quyền có thể phải vỗ nợ, quịt nợ vì vỡ nợ! Nếu nghĩ rằng cứ chi tiêu bừa phứa rồi phát hành trái phiếu để đi vay với sự đảm bảo của các nước hội viên kia thì người ta sẽ tự chuốc họa. Việt Nam không nên mơ tưởng chuyện đó khi mà Hy Lạp và 15 xứ khác còn hội nhập chặt chẽ hơn trong một khối tiền tệ thống nhất cùng sử dụng đồng Euro.
- Rủi ro thứ hai, trong trung hạn từ hai năm tới năm năm, thì các nước nên e rằng một đại gia lắm tiền là Trung Quốc - và cả Hong Kong của họ - có thể trở thành chủ nợ chính. Rủi ro khi ấy sẽ là chính trị! Hoặc quyền độc lập và tinh thần liên đới của khối ASEAN. Ngay trước mắt thì chưa ai thấy vấn đề gì, nhất là khi Á châu đã hồi phục và đang thành nơi đầu tư hấp dẫn, đến độ người ta còn sợ nạn lạm phát hay bong bóng đầu tư, chứ chưa ai sợ thiếu vốn cả!
- Nhưng nếu nhìn xa hơn một chút thì qua việc tài trợ thị trường trái phiếu Á châu này, Trung Quốc có thể chi phối khả năng hội nhập và thống nhất của khối ASEAN. Nhật Bản đang mắc nợ quá nặng nên chưa chắc đã cân bằng được thế lực của Trung Quốc nếu Bắc Kinh muốn lũng đoạn. Chưa kể một điều khác là khối ASEAN + 3 này vẫn còn ý hướng gạt Hoa Kỳ ra ngoài để các nước Á châu xoay trở với nhau. Vì vậy mà ta không nên lạc quan lắm về việc có một thị trường trái phiếu Á châu.
- Vì thời giờ có hạn nên ta chỉ nên nhấn mạnh tới sự kiện ASEAN muốn thống nhất thành một câu lạc bộ kinh tế hơn là chính trị theo xu hướng tự do dân chủ. Nhưng kinh tế cũng là chính trị và có một lân bang chưa chắc đã muốn ASEAN trở thành một khối hội nhập về cả an ninh và chính trị. Chuyện ấy, tất nhiên là lãnh đạo ASEAN không nói ra trong bản tuyên bố chung. Xin hẹn quý thính giả trong một kỳ khác.
Việt Long: Quốc gia đó chắc là Trung Quốc! Xin cảm tạ ông Nghĩa.