Chào Em Tháng Tư 2010
Trần Củng Sơn
Tháng tư đã đến mấy ngày, San Jose trời vẫn còn mưa và lạnh. Ngày hôm qua động đất 7.2 tại biên giới Mễ và California nhưng thiệt hại không nhiều. Giữa tháng một đã có động đất 7.0 tại Haiti giết chết cả trăm ngàn người rồi tới động đất 8.8 tại Chile cuối tháng 2, thiệt hại nhân mạng cả ngàn và tổn thất lên tới mấy chục tỉ đô la.
Những cơn mưa trái mùa, bầu trời u ám cũng như nỗi sầu thất nghiệp tăng cao ở San Jose, ở Cali và cả nước Mỹ. Tiểu bang vàng Golden State với nền kinh tế xếp hạng ngang với vài nước lớn của Châu Âu, có rừng, có biển, có đất đai màu mỡ cho một nền nông nghiệp phát triển, có khí hậu tốt nhất nước Mỹ, có những hãng xưởng cùng kỹ thuật cao nhất của thế giới, có dân số nhiều nhất nước…, có những điều kiện thuận lợi nhất cho đời sống con người để hưởng thụ, làm việc và đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Thế mà tỉ lệ thất nghiệp tại Cali đã hơn 10% từ lúc khủng hỏang kinh tế nổ ra cho đến nay.
Chính phủ liên bang đã tăng thời gian trợ cấp cho người thất nghiệp khỏang 100 tuần lễ, nghĩa là gần hai năm và mức thâm thủng ngân sách quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục. Riêng tiểu bang Cali thì thâm thủng ngân sách là dĩ nhiên, con số hàng chục tỉ đô la và với tình hình này thì sang năm tiểu bang sẽ vỡ nợ vì không còn cách nào xoay ra tiền để trang trải các chi phí. Liên bang thì cứ việc phát hành thêm tờ 100 đô la còn tiểu bang thì bó tay.
Nhớ lại thập niên 80, 90 thời kỳ huy hòang của thung lũng điện tử, Silicon Valley được gọi là thủ đô kỹ thuật điện tử của thế giới mà thành phố San Jose là trung tâm. Hồi năm 1983, ở Canada sát nách nước Mỹ mà không ai có được máy vi tính cá nhân, muốn có phải qua Cali mua về. Computer là món đặc sản của Hoa Kỳ , của Cali, của thung lũng điện tử và nhiều hãng xưởng điện tử mở ra thu hút các công nhân từ các nơi về, trong đó người gốc Việt Nam trở thành lực lượng lao động đáng kể với sự chăm chỉ, khéo tay và đầu óc linh lợi bắt kịp những yêu cầu của công việc điện tử.
Cứ tưởng tượng mỗi ngày thứ sáu, hàng chục ngàn người Việt Nam có trong tay tấm chi phiếu cả ngàn đô la do hãng trả lương, và số tiền này một phần được đem ra tiêu xài trong cộng đồng. Các quán ăn Việt không nhiều bằng bây giờ, có lẽ thời đó đi làm điện tử lương cao, thỏai mái hơn là làm nhà hàng tốn nhiều thời gian, không khí quán xá tấp nập. Thập niên 80 ở San Jose có gần chục vũ trường ca nhạc sống thu hút khách nghe nhạc và nhảy đầm, bây giờ chỉ còn hai.
Thập niên 80 máy computer là “hàng độc” của Cali, bây giờ năm 2010 vào các cửa hàng thấy hàng hóa Trung Quốc Made In China tràn ngập. Nhiều hãng kỹ thuật cao “Hi Tech” đã dời sang châu Á, cho nên dân Cali, dân San Jose thất nghiệp.
Gặp anh bạn tuổi gần sáu mươi, làm điện tử mười mấy năm, lãnh thất nghiệp hơn một năm, than thở không biết tuơng lai sẽ làm gì vì ngành điện tử của vùng này đã qua thời huy hòang. Ngày xưa, khi vượt biển qua Mỹ cứ nghĩ là đời sống từ nay sẽ không còn lo lắng về chuyện cơm áo, có chăng là lo chuyện cứu giúp người thân ở quê nhà…
Gặp anh bạn bảo rằng tiền dành dụm hai mươi năm được mấy trăm ngàn bay mất vì bán nhà nhỏ đang ở để mua nhà lớn thời cao điểm địa ốc mấy năm trước, và rồi nhà cửa xuống giá, làm ăn bết bát, không đủ tiền trả hàng tháng nhà lớn nên phải bán rẻ và coi như trắng tay.