GIÀ LAMĐại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ.
Vĩnh Hảo
Bây giờ là những ngày cuối năm âm lịch. Thiên hạ cùng viết về Xuân, Tết. Tôi muốn viết về Ôn Già Lam và Tu viện Quảng Hương Già Lam.
Ôn Già Lam là cách gọi tôn kính của những môn đệ và phật-tử hướng về Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị viện chủ sáng lập tu viện. Trong tu viện, tăng chúng khi nói về ngài thì chỉ dùng chữ “Ôn” một cách gần gũi. Còn tu viện Quảng Hương Già Lam thì vẫn thường được gọi với cái tên thật ngắn: chùa Già Lam.
Những năm trước 1975, Ôn Già Lam từng là Giám viện Phật học đường Báo Quốc, Huế, Giám viện Phật học viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang; Ôn còn là người sáng lập Phật học viện Phổ Đà, Đà Nẵng. Sau năm 1975, Ôn Già Lam mở lớp đào tạo đặc biệt tại Tu viện Già Lam. Các vị giáo thọ trong suốt bốn năm (1980-1984) cho các khóa học tại Tu viện Già Lam, ngoài Ôn ra, gồm có chư vị được thỉnh giảng là HT. Thích Huyền Quang và HT. Thích Thiện Siêu; thường trực thì có HT. Thích Minh Châu, TT. Thích Minh Tuệ, TT. Thích Chơn Thiện, TT. Thích Tuệ Sỹ, TT. Thích Nguyên Giác, Gs. Nguyên Hồng, Gs. Lê Mạnh Thát, Gs. Tịnh Minh, v.v… Đối với giáo hội, Ôn Già Lam từng giữ chức Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp kiêm Tổng vụ Tài chánh. Sau đó, Ôn được thỉnh cử làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo khi HT. Thích Thiện Hoa viên tịch (1973), rồi Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống (1975). Tiểu sử với nhiều chức vụ quan trọng của Ôn Già Lam đã nhiều người viết; nhưng trong hoàn cảnh tế nhị mà Ôn là lãnh đạo then chốt của cả giáo hội cũ và giáo hội mới, những điều viết ra của phía này hay phía kia, đều chỉ nói được một phần nhỏ, không lột tả hết hành trạng và tâm nguyện cao vời của bậc long tượng hàng đầu này.
Vài nét đơn cử kể trên, có thể cô đọng cuộc đời Ôn Già Lam trong mấy chữ “hoằng pháp lợi sanh,” hoặc gọn hơn: “hoằng pháp.”
Nhiều thế hệ tăng sinh và phật-tử đã trực tiếp hoặc gián tiếp thọ ân của Ôn Già Lam qua hạnh nguyện hoằng pháp và giáo dục suốt đời của Ôn. Tôi là một trong số những vị ấy.
Tôi chỉ được tu học tại Già Lam một thời gian ngắn, từ tháng 10 năm 1980 đến cuối tháng 11 năm 1982. Gần một năm đầu, Ôn không biết tôi có tham dự lớp học nên cứ gọi tôi xuống sân lượm lá, quét sân hoặc phơi xác sương sáo (để nhà trù đun bếp trong thời buổi gạo củi khan hiếm). Đến khi biết tôi là tăng sinh chứ không phải chỉ là chú “điệu” của chùa, Ôn mới cho tôi được yên để học. Đó là kỷ niệm nhỏ mà bây giờ hồi tưởng, tôi lại có ước ao được Ôn gọi và sai bảo những chuyện lặt vặt như vậy; vì trong lúc đi lượm lá bên Ôn, tôi trực tiếp nghe được lời dặn dò, khuyên răn đối với việc tu học. Đậm nét hơn cả là cảm giác mình lúc nào cũng là đứa học trò nhỏ của Ôn (dù lúc ấy tôi đã trên hai mươi).
Một lần, tôi tiếp một nữ phật-tử, là giáo viên dạy kèm cho điệu Duy (cháu ruột gọi tôi bằng cậu, cũng tu học tại chùa Già Lam); tiếp đàng hoàng tại phòng khách, để nghe cô giáo trình bày về việc học của điệu Duy. Ôn đi ngang, thấy tôi tiếp nữ phật-tử, liền tằng hắng, rồi gọi tôi ra sân. Bỏ cô giáo lại phòng khách, tôi vội vàng đến bên Ôn, chắp tay chờ đợi dạy bảo. Ôn không nói gì, chỉ dùng gậy khẽ nhẹ trên cành cây cho các lá vàng rụng xuống, bảo tôi lượm. Tôi lom khom cúi lượm từng chiếc lá, khi ngước dậy thì thấy Ôn đã vào phòng khách, nói gì đó mà cô giáo lật đật đứng dậy, ra ngoài đạp xe đi mất. Sau đó, Ôn trở lại với tôi, nói với giọng vừa nghiêm khắc, vừa lân mẫn thương yêu: “Lo tu học đi! Có cái chi quan trọng mô mà nói!” Tôi chưa kịp thưa thốt gì thì Ôn tiếp: “Không có thời gian cho những chuyện tào lao như rứa mô!” Nỗi oan lúc đó trở nên bé nhỏ trước lời khuyên dạy chí tình nên tôi giữ im lặng, không biện minh giải thích.
Năm 1982, Ôn gọi riêng tôi lên thất, nói là đã gửi gắm gia đình một phật-tử thân tín lo cho tôi vượt biển. Tôi tỏ ý muốn ở lại thì Ôn gạt đi, nói rằng Ôn chỉ đưa vai ra gánh chịu một thời gian thôi, để hàng hậu bối chúng tôi kịp trang bị vốn liếng Phật học và tinh thần dấn thân dũng mãnh, bằng cách này hay cách khác, tiếp nối chung lo việc hoằng pháp trong tình huống mới của đất nước. Tuy cảm động, trong im lặng tỏ ý vâng mệnh Ôn, tôi đã rời Già Lam trước khi chuyến vượt biển ấy xảy ra. Từ đó, tôi không còn cơ hội thân cận, bái kiến Ôn nữa.
Ngày Ôn mất, tôi đang ẩn trong một căn chòi lá ở vùng kinh tế mới, không về Già Lam thọ tang. Có người trách móc tôi việc ấy. Tôi im lặng không giải thích. Chẳng qua, tôi đã phải ẩn lánh một tuần lễ trước khi Ôn viên tịch, và sự ẩn lánh này là vâng mệnh một vị hòa thượng đỡ đầu khác: Ôn Giác Minh . Hai vị giáo thọ nòng cốt của lớp học Già Lam đã vào ngục thất. Ôn Giác Minh không muốn tôi về trong một đám tang mà tình hình rất căng thẳng, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Lý do chỉ vậy thôi. Từ chòi tranh kinh tế mới, tôi thắp hương vọng bái giác linh Ôn mà lệ tuôn tưởng chừng không dứt.
Vài tháng sau khi Ôn mất, có đạo hữu Quảng Nguyện, một đại thí chủ, tìm đến chùa ở kinh tế mới để ủng hộ tôi. Theo lời vị đạo hữu này, Ôn Già Lam có dặn dò nên hỗ trợ tôi làm phật-sự, hoằng pháp và cứu giúp đồng bào nghèo khó ở các vùng kinh tế mới. Ôn Giác Minh cũng khích lệ đạo hữu Quảng Nguyện ủng hộ tôi như thế. Nghe đạo hữu Quảng Nguyện kể lại, tôi không cầm được nước mắt. Từ khi tôi viện cớ bệnh hoạn, rời bỏ lớp học Già Lam, có lẽ Ôn cũng đã thăm hỏi và biết tôi đang làm gì trên các vùng kinh tế mới. Bao nhiêu công việc và trọng trách đè nặng trên vai, Ôn vẫn không quên chú điệu nhỏ năm nào.
Một năm sau ngày Ôn viên tịch, tôi cũng theo chân các vị giáo thọ của mình, vào tù.
Chuyện xưa kể lại, về cá nhân mình thì chẳng có gì đáng nói. Chỉ có ân đức và hạnh nguyện của Ôn mới là điều còn lưu lại mãi trong tâm tư để rồi tác động đến tất cả những gì có thể làm được khi bản thân không còn nơi chốn Già Lam (cả nghĩa đen là tu viện Quảng Hương Già Lam lẫn nghĩa bóng là làm tăng sĩ ở chùa).