![]() |
Tác giả SaPy Nguyễn Văn Hưởng nhận giải Viết Về Nước Mỹ |
Sau đây là bút ký của ông về biến cố 30-4-1975 tại doanh trại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 21 Truyền Tin thuộc sư đoàn 21 Bộ Binh VNCH, ngoại ô Bạc Liêu. Ông Hưởng hiện là cư dân San Diego và vị cựu Thiếu tá Lương Duy Thanh, Tiểu Đoàn Trưởng trong hồi ký của ông hiện là cư dân Los Angeles.
Đoạn Ba: Danh Dự - Trách Nhiệm
(tiếp theo và hết)
Thành Biển khẽ cúi đầu chào hàng quân. Thiếu tá Thanh nói tiếp:
- Giờ đây tôi trở xuống đứng cùng với anh em và trao quyền lại cho anh Thành Biển.
Nói xong ông đứng nghiêm giơ tay chào hàng quân rồi bước xuống đứng bên cạnh Đại úy Chinh. Lúc ông lui bước, tôi nghe được nhiều tiếng nấc nghẹn vang lên đâu đó...Thành Biển tiến lên vị trí Thiếu tá Thanh vừa rời khỏi, ông gật đầu chào mọi người. Có lẽ bị khớp trước một hàng quân chỉnh tề, Thành Biển cất giọng run run, nói toàn những lời hoa mỹ:
- Thưa các anh em, nãy giờ tôi và anh Thanh thảo luận với nhau về việc tiếp quản đơn vị. Trước tiên tôi có lời khen tặng tất cả anh em đã tuân hành đúng đắn chỉ thị của Cách Mạng, buông súng đầu hàng tránh đổ máu. Xin các anh em an tâm và vững tin vào chính sách khoan hồng trước sau như một của Cách Mạng, là luôn tha thứ những kẻ lầm đường lạc lối, biết ăn năn hối cải quay về với tổ quốc dân tộc. Chúng tôi sẽ đối xử tử tế với tất cả anh em binh sĩ Cộng Hòa, chẳng những bây giờ mà mãi mãi sau này...cũng vậy. Đơn vị anh em là đơn vị kỹ thuật, Cách Mạng rất cần sự hợp tác của các anh em để quản lý tốt máy móc. Nếu anh em nào muốn làm việc cho Cách Mạng, tôi sẽ coi như các anh em đã gia nhập Cách Mạng trước ngày 30-4. Còn những ai muốn về quê quán làm ăn sinh sống, tôi sẽ cấp giấy tờ, cung cấp mọi phương tiện để giúp xây dựng lại cuộc đời mới.
Ngừng lại một lát, Thành Biển nói tiếp:
- Bây giờ, những anh em nào muốn phục vụ Cách Mạng, tôi yêu cầu giơ cao tay lên và bước ra khỏi hàng.
Nói xong, Thành Biển đảo mắt nhìn khắp hàng quân. Không một cánh tay nào giơ lên, không một ai bước khỏi hàng ngũ mình. Sự bất hợp tác này làm Thành Biển sụ mặt sượng sùng. Chờ thêm một lát, Thành Biển tiếp tục diễn thuyết:
- Chính sách Cách Mạng luôn tôn trọng tự do con người. Các anh em đều muốn trở về quê quán làm ăn sinh sống, tôi sẽ cấp giấy giới thiệu với chính quyền địa phương để họ giúp đỡ các anh em tái lập lại cuộc sống mới.
Tuy Thành Biển nói toàn lời ngon tiếng ngọt, nhưng tôi và đồng đội không một ai dấu được vẻ ưu tư lo lắng.
“Lễ” bàn giao xong, Thành Biển dè dặt bước vào văn phòng Tiểu Đoàn Trưởng. Anh ta ngồi vào bàn Thiếu tá Thanh, cấp giấy đi đường cho các binh sĩ và hạ sĩ quan. Còn thành phần sĩ quan, anh ta cho biết: phải đợi lệnh của Ủy Ban Quân Quản Tỉnh Bạc Liêu.
*
Tôi nhìn lại căn phòng làm việc lần cuối, từ cánh cửa, từ bực thềm, từ cái bàn cái ghế, tuy cũ kỹ, đơn sơ, nhưng ghi dấu biết bao ngày tôi miệt mài ở đấy. Những kỷ niệm vui buồn trong căn phòng này sẽ mãi không phai trong tôi. Gần sáu năm sống nơi đây, giờ phải vĩnh viễn lìa xa, làm sao tôi không quyến luyến bịn rịn cho được. Bước sang hội trường, bục thuyết trình nằm trơ trọi trong góc, tai tôi nghe như có tiếng anh em vỗ tay đồng ca theo nhịp quân hành.
Nơi đây tôi đã hun đúc tinh thần binh sĩ, tôi đã hùng hồn biện minh cho sự tất thắng của chính nghĩa Tự Do. Nhưng từ nay về sau, trong hội trường này, trên bục gỗ này, người Cộng Sản sẽ mặc tình khoác lác về chiến thắng vinh quang anh hùng của họ, rồi lên mặt nguyền rủa chúng tôi.
Các binh sĩ cùng các hạ sĩ quan lãnh giấy tờ xong, có người tìm tôi từ giã, có người lẳng lặng ra về. Nghĩ đến vị Tiểu Đoàn Trưởng khả kính, tôi đi như thất thểu tìm ông. Ông đứng dựa lưng vào cây cột trước căn nhà ông ở, hết nhìn ra sân lại nhìn vào văn phòng nơi ông làm việc. Tôi tiến lại, lẳng lặng đứng cạnh bên, ông quay lại nhìn tôi với đôi mắt thật buồn, tôi lí nhí trong miệng:
- Thưa Thiếu tá, những ngày còn ở lại Bạc Liêu, xin mời Thiếu tá lại nhà tôi ở tạm.
- Cám ơn anh, việc đó tôi sẽ tính sau. Đêm nay tôi ngủ trong đơn vị.
Ngày 30-4 sắp hết trong tôi, nhưng ngày ấy vẫn còn tiếp diễn nơi ông Đơn Vị Trưởng. Đêm nay chỉ một mình ông cô đơn trong doanh trại, không có lấy một anh em đồng đội. Tôi không còn biết làm gì hơn ngoài việc dâng lời cầu nguyện, xin ơn trên ban bình an cho ông. Bắt tay từ giã, tôi thấy trong đôi mắt sâu thẳm của ông tuy buồn nhưng ánh lên nét bất khuất của một quân nhân.
Bước chân ra khỏi cổng là tôi vĩnh viễn rời xa nơi này, ngày chia tay với đơn vị của tôi sao quá buồn thảm. Trên đỉnh cột cờ, lá cờ nửa xanh nửa đỏ của Việt Cộng vừa mới kéo lên đang lạch bạch bay trong gió. Vài ba chú lính Việt Cộng lục lọi những máy móc liên lạc truyền tin, chốc chốc lại rú lên cười như vừa khám phá ra một điều gì mới lạ. Trên lô cốt, mấy tên Việt Cộng cũng bò lên ngồi gác. Nhìn ra cái ao trước mặt đơn vị, tôi bắt gặp một gã bộ đội đang ngồi vo gạo, tôi bước tới nói với anh ta:
- Nước ao này dơ lắm, cầu tiêu đàng kia kìa, không dùng nấu ăn được đâu!
Không những không nghe lời tôi khuyên, anh còn vênh mặt lên lớp:
- Các anh Tiểu tư sản quen rồi, nước nào mà lại dùng không được!
Nói xong, anh tiếp tục công việc đang làm dở dang. Nhìn qua cử chỉ, nghe giọng anh nói, tôi nhận ra rằng: Lời nói của người Quốc Gia cho dù có thực tâm, có ý xây dựng, kể từ giờ phút này hoàn toàn vô giá trị trước người Cộng Sản.
Tôi lẳng lặng dắt xe ra cổng. Quay lại nhìn đơn vị lần cuối, tám dãy nhà tôn mờ đi, tôi phải gỡ kính xuống lau mắt để nhìn cho rõ.
Lái xe về nhà tôi quên hẳn mình đang mặc trên người bộ quân phục Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa giữa lòng thành phố đã hoàn toàn lọt vào tay Cộng Sản.
Thường khi xe về đến đầu con hẻm rẽ vào nhà, tôi hay gặp bé Tâm bốn tuổi, con anh chị Hảo, đứng chơi trước hiên nhà. Bé hay ngừng chơi vỗ tay reo mừng đón tôi:
- Trung úy đi làm về, Trung úy đi làm về...
Hôm nay, em chỉ mới kịp reo lên:
- Trung úy...
Thì chị Hảo chạy vội ra, lấy tay bịt ngay miệng con lôi vào nhà. Người mẹ ngước mắt lên nhìn tôi nửa ái ngại, nửa xót thương rồi chị cúi xuống dặn con:
- Từ đây về sau con kêu bằng chú, đừng gọi Trung úy nữa nghe chưa. Coi chừng Giải Phóng họ bắt đó.
Đứa bé ngạc nhiên, lấm lét hết nhìn mẹ đến nhìn tôi. Chị Hảo quay sang tôi lý nhí phân trần:
- Phải vậy hông Trung úy... à quên chú Hưởng.
Nghe giọng lập lờ làm tôi thấy thương cho cái chân chất của chị quá chừng. Tôi nhìn cháu bé, quay sang chị Hảo gật đầu, rồ máy cho xe chạy. Vợ tôi ra đứng chờ trước hàng hiên. Vào đến nhà, tôi thả mình xuống chiếc ghế nơi phòng khách, cởi đôi giày máp, cởi bộ quân phục trây di. Đồng hồ trên tay tôi chỉ đúng 5 giờ chiều ngày 1-5-1975. Tôi nhẩm tính lại thời gian, giờ này đúng là giờ thứ 41, giờ cuối cùng của ngày “Ba Mươi Tháng Tư Đen” trong tôi.