Giấc Mơ Ra Biển Lớn
Mai Thanh Truyết
Từ thập niên năm 60 ở thế kỷ 20 vừa qua, Orson Wells, văn hào Anh đã từng tiên đoán về những hệ luỵ hết sức tiêu cực của tư bản chủ nghĩa qua kinh tế thị trường, sự tăng gia sản xuất tối đa, tận dụng tài nguyên thiên nhiên để thoả mản sản xuất… Từ đó, ông bi quan cho tương lai thế giới sẽ đi đến một cơn khủng hoảng lớn cho tương lai…
Tiếp theo, Thomas Friedman nói về quá trình suy sụp của một số quốc gia giàu tài nguyên như dầu hoả, vàng, khí đốt v.v… sử dụng các tài nguyên trên như một nguồn lợi chính của quốc gia và không nghĩ đến việc cân bằng trong việc xuất huyết tài nguyên thiên nhiên để chuyển hoá việc phát triển theo tiến trình phát triển bền vững.
Lãnh đạo của các quốc gia nầy ăn trên ngồi trước trên đống “vàng” mà thiên nhiên ưu đãi cho đất nước họ, quên hẳn việc cần phải làm là tạo dựng hạ tầng cơ sở cho quốc gia, mang lại phúc lợi cho người dân…
Họ đã nhiễm căn bịnh thời bấy giờ gọi là “Căn bịnh Hòa Lan”. Đó là những quốc gia vùng Trung Đông với nguồn dầu hoả dồi dào, các nước Phi Châu với vàng và kim cương vô tận. Người dân và chính quyền sở tại bắt đầu vọng ngoại, chỉ biết tung tiền dễ dàng kiếm được mà không nghĩ đến việc phát triển đất nước đích thực.
Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm là, một số lãnh đạo của các quốc gia “giàu tài nguyên” trên cũng có ý thức xây dựng và phát triển quốc gia, nhưng vì áp lực của các tài phiệt Tây phương trên chính sách hợp tác và khai thác khiến cho họ không còn khả năng thực hiện sự phát triển đất nước theo ý muốn là mang lại phúc lợi cho người dân.
Rồi thời gian qua, chúng ta thấy được những gì" Các quốc gia kể trên, sau nhiều thập niên qua, dân trí vẫn còn thấp kém, phúc lợi tạo dựng không tăng trưởng, đời sống kinh tế của người dân cũng còn ở mức thấp. Tất cả lợi nhuận cho việc xuất cảng tài nguyên thiên nhiên chỉ mang lại phồn vinh cho cấp lãnh đạo hay vua chúa của các nước nầy.
Trong lúc đó, các quốc gia nghèo tài nguyên như Đại Hàn, Tân Gia Ba, Mã Lai, Đài Loan, thậm chí các quốc gia như Thái Lan, Phi Luật Tân…đã không ngừng phát triển theo chiều hướng đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ trong nước, an sinh xã hội không ngừng tăng trưởng, do đó, đời sống người dân dần dần dược cải thiện và nâng cao trong hiện tại.
Phát triển ngày hôm nay cần phải được hiểu theo ý nghĩa là phát triển “trên đất” chứ không phải là phát triển “dưới đất” vì nguồn tài nguyên thiên nhiên là một nguồn tài nguyên không bồi hoàn, không tái tạo lại được. Do đó, khi nguồn tài nguyên kia cạn kiệt, đất nước sẽ có nhiều nguy cơ khủng hoảng vì không kịp chuẩn bị thích ứng với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trong việc xuất cảng tài nguyên thiên nhiên trước kia.
Đó cũng là trường hợp của một số quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Phát triển qua việc xuất cảng tài nguyên
Trong quá trình phát triển và mở cửa của Việt Nam từ năm 1986 trở đi,Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhưng so với thời gian và mức độ phát triển cùng mức độ đầu tư, chúng ta vẫn thấy Việt Nam có những bước phát triển chậm và không theo kịp mức độ phát triển bình thường so với các quốc gia ngang tầm kể trên.
Lý do, mức độ phát triển của một quốc gia trung bình là với 3 Mỹ kim đầu tư có thể cho ra 1 Mỹ kim sản phẩm, trong lúc đó Việt Nam phải cần đến 5 hay 6 Mỹ kim để có được kết quả như trên.
Việt Nam lại tận dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên hiện có và tự ru ngũ bằng những mỹ từ như “rừng vàng bạc biển”.
Rừng vàng đâu không thấy, nhưng chỉ thấy, vì sự khai thác vô tội vạ, không có kế hoạch đã làm đão lộn hệ sinh thái của toán đất nước từ Bắc chí Nam. Hiện tượng mưa gió bất thường, lũ lụt, hạn hán…không còn nằm trong chu kỳ giống như trước khi phát triển và xảy ra thường xuyên hơn. Đó là hậu quả tất yếu của việc xuất cảng gỗ qua việc phá rừng.
Bạc biển đâu không thấy, nhưng qua việc phát triển các khu du lịch bờ biển làm cho nước biển bị ô nhiễm, các vùng san hô, nơi cư trú và sinh sản cho tôm cá hầu như không còn nữa. Một loại cá nục nổi tiếng của vùng Phan Thiết, Ninh Thuận, nay hấu như tuyệt tích và đã di chuyển sang tận Phi Luật Tân.