Biện pháp Tiền tệ Bất thường
Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA
...Mỹ kim vẫn sẽ lên giá mạnh và chỉ tạm đứng giá vào giữa năm tới...
Thứ Hai đầu tháng 12, Hoa Kỳ xác nhận là kinh tế đã chính thức trôi vào suy trầm kể từ tháng 12 năm 2007, tức là từ 12 tháng trước. Trong phương thức đối phó, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp tiền tệ bất thường khiến người ta nghĩ đến trường hợp Nhật Bản mươi năm trước, khi kinh tế bị giảm phát, hàng họ xuống giá mà vẫn ế và thất nghiệp kéo dài. Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm hiểu biện pháp tiền tệ đó và về triển vọng hồi phục của kinh tế Hoa Kỳ. Cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, thế là kinh tế Hoa Kỳ đã chính thức trôi vào nạn suy trầm từ năm ngoái như thế giới vừa được thông báo hôm Thứ Hai mùng một tháng 12. Vì sao kinh tế của một siêu cường như Hoa Kỳ bị suy trầm cả năm sau rồi bây giờ ta mới được biết"
- Ông nêu ra một câu hỏi rất hay vì giúp ta nhìn ra vấn đề hầu tránh được những suy đoán hay lý luận sai và gây thiệt hại cho mình. Thứ nhất, khi nghiên cứu sinh hoạt kinh tế về dài, các nhà kinh tế nghiệm thấy là đà sản xuất có lúc tăng thì cũng có lúc giảm. Sự thăng giáng này thường xảy ra một cách định kỳ, theo khái niệm "chu kỳ kinh doanh". Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ thì từ hơn 150 năm nay, bình quân kinh tế thịnh đạt 38 tháng liền thì cũng sa sút mất 17 tháng. Nhờ sự hiểu biết ấy, từ ba chục năm nay người ta đã có phương cách ứng phó khi kinh tế trôi vào chu kỳ sa sút nên nạn suy trầm mới chỉ xảy ra có bốn lần, lần thứ bốn là bây giờ.
Hỏi: Thế suy trầm là gì" Vì sao có người gọi là suy thoái"
- Suy thoái là "depression" là khi có sự thoái lui, một tình trạng sa sút nặng nề và tổng quát. Suy trầm là khi sản xuất đình đọng trầm lắng, nếu ta nhớ vậy thì dễ hiểu và không dùng chữ sai gây ấn tượng bi quan vì nếu gọi recession là suy thoái, khi kinh tế bị depression thì ta gọi là gì" Về suy trầm hay recession, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF định nghĩa là khi đà tăng trưởng của tổng sản lượng nội địa GDP suy giảm trong hai quý liền, tức là trong sáu tháng liền. Định nghĩa chính thức đó được đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng. Hoa Kỳ lại khác. Họ có một cơ quan nghiên cứu tư nhân, gọi là National Bureau of Economic Research hay NBER, chuyên phân tích các chu kỳ kinh tế. Họ định nghĩa suy trầm là khi tồng sản lượng GDP sút giảm trong sáu tháng liên tục, sự sút giảm ấy được ghi nhận ở các yếu tố như thất nghiệp tăng, lương bổng đình đọng và số lượng hàng bán lẻ sa sút.
- Nói chung, cả hai cách đo đều có một nét là ta chỉ biết sinh hoạt kinh tế có suy trầm hay chưa sau khi thu thập dữ kiện, phân tích và điều chỉnh lại cho chuẩn xác. Cho nên, khi có đủ dữ kiện kết luận là kinh tế bị suy trầm thì thực tế có khi đã ra khỏi suy trầm mà mình chưa kịp đếm, kịp biết. Nếu không khéo đối phó, như bệnh nhân đã khỏi mà cứ bắt uống thuốc, thì có khi mình lại gây ra hậu quả xấu.
Hỏi: Lần này, nạn suy trầm kéo dài suốt một năm mà nay mình mới biết. Thế thì trong các đợt suy trầm trước đây, kinh tế Hoa Kỳ đã bị lâu hay mau"
- Theo định nghĩa của Văn phòng NBER thì lâu nhất là trận suy trầm hai năm, từ tháng Giêng năm 1980 tới tháng 11 1982. Ngắn nhất là tám tháng suy trầm tính tới tháng Ba năm 1991. Mới nhất là sau khi bể bóng đầu tư cổ phiếu năm 2000 rồi Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công năm 2001, là một vụ suy trầm kéo dài 12 tháng. Dù sao, nếu kinh tế Hoa Kỳ đã bị suy trầm từ cuối năm ngoái, tức là sa sút trong 12 tháng liền, thì tình hình có thể sẽ sáng sủa hơn từ giữa năm tới trở đi. Sở dĩ như vậy là vì từ ba tháng nay, do hậu quả của khủng hoảng tài chính, Mỹ đã tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế chưa từng thấy từ mấy chục năm nay.
Hỏi: Nhưng ông giải thích thế nào về sự kiện dư luận Hoa Kỳ và thế giới lại e ngại là kinh tế toàn cầu có thể bị suy xụp mạnh và thậm chí bị nạn giảm phát như Nhật Bản đã từng bị" Một trường hợp như vậy có thể xảy ra không"
- Nhật Bản bị bể bóng cổ phiếu từ năm 1991 và ba lần chống đỡ mà không xong nên mới bị nạn giảm phát, deflation. Lần đầu là từ 92 đến 94, lần hai là từ 95 đến 96 và lần ba là từ 97 đến 99. Sau khi hạ lãi suất gần với số không, mãi tới năm 2002 đến 2006 họ mới tìm ra liều thuốc là bơm thẳng tiền vào kinh tế. Họ gọi đó là "lượng đích kim dung hoà hoãn chính sách", Mỹ gọi chính sách đó là "quantitative easing" mà ta có thể dịch là biện pháp "gia tăng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng". Nôm na là không chỉ hạ lãi suất cho đồng tiền trở thành rẻ hơn, là biện pháp định phẩm, mà còn định lượng là bơm thẳng tiền vào doanh nghiệp. Đây là biện pháp rất đặc biệt hãn hữu và xuất phát từ bài học thất bại của Nhật Bản ngày trước. Dù không dùng từ ngữ đó, hôm Thứ Hai vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ đã thông báo chính sách này. Mà cũng cần nói rằng đây là chính sách đang được Ngân hàng Trung ương ECB của Âu Châu và Ngân hàng Trung ương của Anh quốc áp dụng. Đề tài này khá chuyên môn nên tôi không rõ là mình có nên trình bày ở đây không"