Đầu tháng 9 năm ngoái, 2006 khi tôi phổ biến lá thư ngỏ đầu tiên lên tiếng với cộng đồng về việc chồng tôi bị nhà cầm quyền Cộng sản bắt ở Việt Nam, trong số rất nhiều điện thư gởi tới để chia sẻ, ủng hộ và quan tâm đến các con và tôi, có một bức thư gởi từ Việt Nam ký tên là Minh Chính. Thư cho tôi biết anh là người “quen” của chồng tôi từ nhiều năm nay, đã làm việc chung nên hiểu anh ấy, và tìm cách an ủi, cổ động tinh thần tôi và các cháu. Minh Chính cũng cho tôi biết có hẹn với chồng tôi ở Sài Gòn, nhưng giờ chót không thấy anh ấy đến, biết là đã bị “ddộng” nên tất cả đã đi khỏi Sài gòn để tránh sự nguy hiểm có thể xãy ra.
Tôi đã từ chối không trả lời thư của anh, lúc đó tôi sống trong hoang mang và nghi ngờ tất cả mọi dữ kiện có thể làm hại thêm sự an nguy của chồng tôi đang ở trong nhà tù cộng sản. Và Minh Chính đã tôn trọng sự lựa chọn của tôi, tuy nhiên anh cũng cho tôi biết anh luôn luôn cầu nguyện cho chúng tôi. Thế thôi, tôi không liên lạc với Minh Chính nữa. Cho đến ngày trở về, chồng tôi xác nhận Minh Chính là một đảng viên của đảng Dân Chủ Nhân Dân, là Bí thư Thành bộ Sài Gòn, đã có lần gởi thư cho Nguyễn Minh Triết khi ông này còn là Bí thư Thành ủy Tp. HCM để kêu gọi ông ta đối thoại về hiện tình đất nước. Truyễn cũng đã sẵn sàng xuất hiện công khai để đối thoại và chấp nhận bị đàn áp, bắt giam ngay từ lúc đó.
Khoảng thời gian đó tôi chỉ biết có bác sĩ Lê Nguyên Sang bị bắt vào buổi chiều cùng ngày (14/8/06) tại phòng khám bịnh của anh thuộc quận Phú Nhuận, anh bị còng tay, lục tung hết văn phòng và quầy thuốc tây bên cạnh, rồi đưa đi trước sự chứng kiến của 2 cô y tá làm việc cho anh. Huỳnh Việt Lang bị bắt buổi sáng ngày hôm sau (15/8/06), gần cả trăm công an với súng trên tay, giăng từ ngoài ngõ hẽm khoảng trăm thước vào đến nhà, khám xét nhà và còng tay đưa đi. Hàng xóm kinh hoàng và gia đình bị chấn động từ ngày đó đến nay.
Ngày chồng tôi bị trục xuất ra khỏi Việt Nam, nhà cầm quyền cộng sản đã chiếu trực tiếp trên những màn ảnh ti-vi trong nước, Minh Chính đã nhìn thấy cảnh anh bị công an kèm ra phi trường Tân sơn nhất, vào buổi chiều khi đang ngồi nhậu với bạn. Minh Chính cũng đã theo dõi tất cả những sự vận động tranh đấu của các con tôi và tôi, hiểu được nổ lực ủng hộ các hoạt động cho Tự do, Dân chủ của cộng đồng người Việt hải ngoại, sự can thiệp của chính giới ngoại quốc. Anh cho biết rất vui mừng và an lòng hơn khi đang đấu tranh âm thầm nhưng trực diện với chính quyền độc tài.
Thỉnh thoảng, tôi hỏi chồng tôi về những anh chị em trong đảng Dân chủ Nhân dân, và rất sợ khi phải nghe tin dữ.
Vào trung tuần tháng Hai, tôi nhận được điện thư từ một người lạ, báo cho tôi biết có thể có một người tên là Nguyễn Bắc Truyễn ở Sài Gòn đã bị bắt. Chồng tôi cũng chưa nhận ra đó là Minh Chính vì không biết tên thật của Truyễn. Sau khi kiểm chứng tôi được biết đó là Minh Chính, là người đã liên lạc với tôi lúc trước, tên thật là Nguyễn Bắc Truyễn đã bị bắt vào giữa tháng 11/2006. Vì vậy tôi đã là người đầu tiên nhận được tin Truyễn bị bắt.
Thật sự tôi đã cầu nguyện đó không phải là Minh Chính bị bắt, mà là ai đó, người nhầm người, tin vịt… Nhưng rồi những dữ kiện nhận được sau đó đã là sự thật. Thêm một anh em của đảng Dân Chủ Nhân Dân bị rơi vào tay Cộng sản. Tôi đã lại rơi nước mắt vì thương cảm cho một người nữa rơi vào tù tội. Thật quá đau lòng khi biết được những thủ đoạn tồi tệ họ đã đối xử với Truyễn sau khi anh bị bắt. Tài sản của anh đã bị tướt đoạt công khai, công an đã ngụy tạo một món nợ to lớn để hàng ngày kéo tới công ty của anh, tịch thu tất cả mọi thứ gọi là để trả nợ Truyễn đã thiếu họ. Hơn 40 công nhân viên làm việc cho Truyễn bị đột ngột mất việc vì ông chủ là một người tranh đấu cho dân chủ đã bị bắt. Cô thư ký của công ty cũng bị tình nghi liên lụy nên đã bị giam 3 ngày vô cớ.
Mọi thứ có trong tay của Truyễn, người thanh niên trẻ có bằng cấp Luật sư nhưng thành công trong thị trường kinh doanh , thành công trong khai thác mỏ đá trên miền cao nguyên Việt Nam, có tấm lòng chia sẻ, độ lượng, mỗi tháng đi thăm viếng, giúp đở người nghèo. Một ông chủ duy nhất ở Sài Gòn có tiêu chuẩn nâng đở cho công nhân viên, được báo Tuổi Trẻ của nhà nước ca tụng, đã mất tất cả, đã phút chốc trở thành người tù lương tâm. Ngày anh bị đưa ra tòa xử án cũng là ngày anh bị mất đi hạnh phúc gia đình, nhưng những hình ảnh chúng ta được nhìn thấy anh lúc nào cũng có nụ cười trên môi. Ra tòa vẫn mĩm cười, ngồi trong xe đi tù vẫn cười tươi chào mọi người.
Mẹ già mãnh liệt tin vào đứa con út của bà không làm gì nên tội. Các ông công an có hỏi Bà cũng trả lời: con tôi không làm gì sai trái, những điều nó nói lên chẳng qua chỉ là sự thật mà tại sao các ông bắt nó". Ôi tấm lòng bao la che chở của Mẹ! Giờ Mẹ già phải gói gém, mỗi tháng vào nhà tù thăm con. Sáng sớm tinh mơ, 3, 4 giờ sáng đã lên đường để kịp thăm con từ trại giam Bố Lá, Bình Dương cho đến Z30 Xuân Lộc, Đồng Nai.. Có khi vì quá lo lắng và nhớ thương con, Bà đã đấu tranh gay gắt để được gặp con hàng tuần, được ôm hôn con và bảo với con rằng: Mẹ không có gì buồn con cả, hãy an tâm và đợi ngày mãn tù. Thêu cho con cái bản tên, mua cho con từng viên thuốc cảm đến viên thuốc trị ghẻ.
Sự dấn thân và hy sinh của người Luật sư trẻ, thành đạt trong đời sống, Nguyễn Bắc Truyễn và cũng như nhiều luật sư trẻ khác: Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Nguyễn Văn Đài.. v.v.. đã mở ra niềm hy vọng cho con đường tranh đấu dân chủ, cho một nước Việt Nam yên bình và nhân bản. Xin cám ơn và trân trọng sự hy sinh gian nan và dũng cảm của tất cả mọi người!
San Jose, Ca.
Đầu Thu 2007