Liên tiếp trong hai ngày, tin xấu về Việt Nam dồn dập bùng nổ trên các thị trường tài chính quốc tế khi các ngân hàng đầu tư hay công ty thẩm định giá trị trái phiếu đưa ra những dự đoán bi quan về tình hình kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán tại thành phố Sài Gòn đã đóng cửa vì những lý do đáng nghi ngờ.
Việt Long của Đài Á châu Tự do đã có cuộc phỏng vấn cấp thời và đặc biệt sau đây với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, người phụ trách chương trình Diễn đàn Kinh tế của đài từ ngày mới thành lập.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, hôm thứ Năm 29 tháng Nam, một số nhà phân tích, trong đó có kinh tế gia Bill Belchere của tập đoàn đầu tư Macquarie tại Hong Kong đã nêu nhận định rằng kinh tế Á châu có thể lâm vào một cuộc khủng hoảng mới, và chỉ dấu tiên báo biến cố ấy là tình hình tại Việt Nam, nơi có những nhược điểm trầm trọng nhất. Việc Việt Nam sẽ là đồng domino bị đổ đầu tiên càng khiến dư luận đầu tư chú ý đến hai lượng định liên tiếp và đầy bi quan của tập đoàn đầu tư Morgan Stanley và công ty lượng giá Fitch về nạn lạm phát và tình hình chi phó của Việt Nam. Ông nghĩ sao về biến cố đáng ngại này"
Đây là hồi chuông cảnh báo mà Diễn đàn Kinh tế đã nhiều lần gióng lên. Chúng ta có thể thấy trong này có ba loại vấn đề khác nhau.
Thứ nhất, lạm phát đang gia tăng tại châu Á, mà mạnh nhất là tại Việt Nam, với tỷ lệ rất cao là 25% như mới được Tổng cục Thống kê thông báo hai ngày trước. Đã thế, thứ hai, Việt Nam lại bị nhập siêu rất nặng, cao hơn gấp ba năm ngoái nên đồng bạc Việt Nam bị mất giá và họ dự đoán sẽ còn mất giá ít ra là một phần ba. Thứ ba, yếu tố then chốt có thể quyết định về sự sụp đổ hay không tại châu Á nay tùy thuộc vào giá dầu thô. Nếu dầu thô tiếp tục tăng mạnh thì khủng hoảng sẽ bùng nổ và bùng nổ đầu tiên tại Việt Nam, như đã bùng nổ tại Thái Lan vào đầu tháng Bảy năm 1997.
Hỏi: Nhưng tình hình dầu thô có vẻ khả quan hơn trong mấy ngày qua, liệu giá dầu có còn tăng hay không"
Thưa chúng ta mong thế mà chưa thể biết được. Bản thân tôi khi theo dõi thị trường cũng cho rằng giá dầu sẽ nới trong mấy tháng tới, nhưng sau những biến động đột ngột trên thị trường này, việc dự báo thật ra là rất khó.
Hỏi: Trong chương trình ngày Thứ Tư vừa qua, ông có nêu ra hai vấn đề của Việt Nam là lạm phát và nhập siêu và cho rằng lạm phát nguy kịch hơn vì lý do xã hội. Trong khi ấy, dường như giới đầu tư quốc tế lại có vẻ chú ý tới nạn nhập siêu và tỷ giá hối đoái của đồng bạc Việt Nam. Vì sao lại như vậy"
Vì quá chậm trễ và lúng túng trong việc ứng phó với lạm phát, lãnh đạo Việt Nam đã làm mất niềm tin của giới đầu tư mà vẫn cố tuyên truyền và trấn an dư luận. Khi giới đầu tư mất niềm tin, họ nhìn vào sổ sách với con mắt khác và thấy ra nền móng đầy bất trắc của hệ thống ngân hàng bị chìm dưới núi nợ xấu, tức là khó đòi và sẽ mất. Họ thấy ra ngân sách bị bội chi rất nặng vì chế độ bao cấp và trợ giá, và họ e ngại rằng khối dự trữ ngoại tệ còn quá mỏng của Việt Nam sẽ không cho phép xứ này đủ trường vốn để ứng phó như Thái Lan hồi 1997.
Đã thế, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Việt Nam vì mất giá gần hai phần ba và nay phải đóng cửa và những vụ đình công lan rộng vì thợ thuyền Việt Nam lãnh lương không đủ sống. Cho nên, đây là thị trường bất trắc nhất Á châu, còn bất trắc hơn Phillipines.
Hỏi: Trong những ngày tới, Chính quyền Việt Nam có thể làm gì và nên làm gì để khôi phục niềm tin đang bị mất đó"
Câu hỏi này rất khó trả lời vì vấn đề chính là mức độ ưu tiên trong tư duy của những người lãnh đạo Việt Nam. Họ muốn giữ uy tín cho đảng và quyền lợi của một số đại gia đầu tư tại Việt Nam, hay muốn trấn an giới đầu tư nước ngoài về vấn đề ngoại hối, hay ưu lo cho đời sống của người dân khi lạm phát gia tăng, lương thực khan hiếm và chế độ lao động bất công dẫn tới đình công lan rộng"
Nếu muốn giữ uy tín cho đảng và thiểu số có tiền, họ tiếp tục chính sách cũ và khủng hoảng sẽ là tất yếu. Nếu muốn trấn an giới đầu tư nước ngoài, họ phải vét vốn bảo vệ trị giá đồng bạc và chứng tỏ quyết tâm kềm hãm lạm phát, là điều rất khó vì Việt Nam đã bắt đầu bị khiếm hụt chi phó vì nhập siêu quá nặng, nghĩa là không đủ vốn để đánh ngược sóng và sẽ bị sóng dữ quét sạch. Nếu họ ưu tiên chú trọng đến đời sống của người dân và nạn lạm phát thì phải tung ra biện pháp đồng loạt giải quyết vấn đề ngân hàng, phân phối và minh định trách nhiệm của những người đã gây ra lạm phát từ năm ngoái. Cả ba loại biện pháp ấy đều có những nhược điểm vì khả năng quản lý vĩ mô quá tệ, cho nên chỉ còn cách cầu Trời khấn Phật để dầu thô giảm giá, là chuyện nằm ngoài tầm tay của mọi người.
Trong chương trình tới, chúng ta sẽ phân tích kỹ hơn vấn đề này, nhưng cũng nên tránh để sự hốt hoảng sẽ dẫn tới khủng hoảng.
Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.