Thời sự nước Úc: Vay Nợ để làm gì" - Hoàng Đ.Thư
Cuối tuần qua, phe đối lập liên bang cho tung ra một chiến dịch quảng cáo truyền hình nhằm tấn công chính phủ Liên Bang với luận điệu rằng thủ tướng Kevin Rudd đã điều hành sai lạc nền kinh tế của Úc khiến cho nước Úc bây giờ phải mắc nợ $300 tỷ Úc Kim. Đoạn quảng cáo 30 giây này không hề nhắc đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vốn là một trong những nguyên nhân chính khiến cho kinh tế Úc bị trì trệ cần được kích hoạt để bảo đảm công ăn việc làm cho người dân.
Đoạn phim chiếu cảnh lãnh tụ đối lập liên bang Malcolm Turnbull ngồi trong một văn phòng trang hoàng rất khiêm tốn, chỉ mặc áo sơ-mi và đeo cà-vạt chứ không mặc vét, đàng sau lưng là một lá cờ Úc. Ông Turnbull nói trong đoạn quảng cáo: “Kevin Rudd và Wayne Swan đã không còn kiểm soát được nền kinh tế Úc rồi. Cách đây 18 tháng chúng ta không hề có nợ nần gì cả và có tiền mặt trong ngân hàng. Còn bây giờ thì họ đã vùi chúng ta vào một món nợ hơn $300 tỷ Úc Kim”.
Ông Brian Loughnane, tổng quản liên bang (federal director) của đảng Tự Do cho biết sở dĩ phe liên đảng chuyên chú đặt trọng tâm vào món nợ vì họ thấy nhân dân Úc dường như rất quan tâm về vấn đề này. Một điều khác mà không ai bên phe đối lập muốn xác nhận là việc quần chúng Úc, cũng như những quốc gia Tây Phương khác, thường có thành kiến rằng các đảng phái bên cánh Tả - như đảng Lao động ở Úc và đảng Dân Chủ ở Hoa Kỳ - thường tắc trách hơn phe bảo thủ cánh Hữu - như đảng Tự Do ở Úc và Cộng Hòa ở Hoa Kỳ - về vấn đề quản trị kinh tế.
Thế nhưng, sự thật thì sao" Có phải phe đối lập đã khoác bộ mặt đạo đức giả về vấn đề nợ nần hay chăng"
Chỉ mới cách đây chưa đầy hai năm thì “mượn nợ” chẳng những không phải là một điều xấu xa mà còn được khuyến khích nữa, miễn sao kẻ vay mượn nợ là người dân Úc chứ không phải là chính phủ Howard là được.
Theo nhiều nhà phân tích kinh tế chính trị thì phương pháp điều hành kinh tế chủ yếu của chính phủ Howard trong suốt hơn một thập niên qua là chuyển nợ từ chính phủ sang tư nhân. Trong hơn một thập niên mà nền kinh tế Úc được chính phủ Liên đảng lèo lái thì vào nhiệm kỳ cuối cùng của ông Howard, người dân Úc đã phải chi ra trung bình là 59% mức thu nhập của họ để trả nợ, một sự tăng vọt đáng kể so với mức trung bình là 41% trước đó.
Trong suốt thời gian ấy thì người dân Úc đua nhau mượn nợ, vì cho rằng đấy là một việc làm đầy trách nhiệm. Mượn nợ để mua nhà, mượn nợ để trả học phí đại học, mượn nợ để mua cổ phần, mượn nợ để đầu tư....
Chưa đầy hai năm về trước, ông Howard vẫn còn tuyên bố với dân chúng Úc rằng mức nợ cá nhân ngày càng cao là một sự phản ảnh trung thực về việc dân chúng Úc ngày càng khá giả hơn!
Nợ thẻ tín dụng tăng vọt trong thời John Howard. Và đặc biệt nhảy vọt là phương pháp mượn nợ mua cổ phiếu “margin lending” - mượn nợ với lời cam kết sẽ phải lập tức trả dứt nợ nếu giá cổ phiếu sụt xuống dưới một mức đã quy định (Đây chính là một trong những lý do khiến cho nhiều công ty cỡ lớn như Allco, Centro và ABC Learning bi vỡ nợ). Đấy là cách thức mà chính phủ Tự Do cho là điều hành kinh tế có trách nhiệm: khuyến khích người dân mượn nợ để đánh bạc, để cá độ rằng những cổ phần mà họ mua sẽ chỉ tăng chứ không có sụt! Chính vì thế mà trong nhiệm kỳ cuối cùng của ông Howard, tổng số nợ cá nhân của người dân Úc đã vọt lên hơn 1,000 tỷ (one trillion) Úc Kim!
Nếu vậy thì phương pháp nào là phương pháp có trách nhiệm hơn trong việc quản lý kinh tế: dồn tiền công quỹ để kiến thiết quốc gia, tu bổ trường học, cải thiện dịch vụ y tế, xây đường xá hay là thúc dẩy dẫn dụ dân chúng đánh bạc rồi sau đó khoanh tay bàng quan tọa thị khi dân chúng bị thua bạc"
Để hiểu rõ thêm về sự việc này, xin mời quý độc giả theo dõi bản phỏng dịch bài phân tích của Kenneth Davidson được đăng tải trên nhật báo The Age tuần qua, tựa đề “It’s What You Do With Debt That Matters” - Chuyện Quan Trọng Là Vay Nợ Để Làm Gì.
*
Đã đến lúc phe Đối Lập phải bị quy trách nhiệm về khả năng quản trị kinh tế tồi tệ của chính phủ Howard. Sự khoe khoang hãnh diện nhất của họ là việc đã giảm thiểu công nợ từ $96 tỷ Úc Kim khi vừa thắng chính quyền năm 1996 xuống còn 0 vào năm 2007 khi họ bị hất cẳng.
Công nợ (government debt - nợ mà chính phủ thiếu) phần lớn là nợ mà chúng ta thiếu chính chúng ta. Là những người đóng thuế, chúng ta là kẻ phải trả món nợ này. Tuy vậy, là người đóng tiền cho các quỹ hưu trí (superannuation funds) thì món nợ này là một phần tài sản để dành cho tiền hưu trí của chúng ta (qua dạng công khố phiếu). Những người có trí nhớ dai chắc chắn sẽ nhớ rằng trong kỳ vận động bầu cử liên bang năm 1996, công nợ hoàn toàn không hề được đề cập đến. Thay vào đó, đảng Tự Do đã có một chiếc xe vận tải nhắc về mức nợ ngoại quốc (foreign debt), với số tiền nợ tăng đều đặn xuất hiện để làm phông cho bất kỳ những nơi nào mà ông Peter Costello - lúc đó là phát ngôn nhân kinh tế của phe đối lập do ông Howard lãnh đạo - xuất hiện.
Sau khi phe liên đảng đắc cử thì chiếc xe vận tải này được dẹp biến vào một xó thật nhanh chóng, và không hề được nhắc đến nữa. Từ dạo ấy cho đến nay, số nợ ngoại quốc đã leo lên đến khoảng $600 tỷ, phần lớn là vì chính phủ Howard đã không hề yểm trợ những chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở, kiến thiết quốc gia mà chính phủ Lao động tiền nhiệm đã đề ra như nền tảng của chính sách kỹ nghệ của Lao động, một chính sách vốn được hoạch định với mục đích nâng cao mức xuất cảng và xây dựng những kỹ nghệ khả dĩ cạnh tranh được với những mặt hàng phải nhập cảng.