Thế giới rất cần biết rõ và đầy đủ hơn về tình trạng vi phạm nghiêm trọng nhân quyền ở Việt Nam để không bị lầm lạc bởi luận điệu tuyên truyền xảo trá của chế độ Việt cộng. Tiếp tay với Văn Bút Quốc Tế trong công cuộc vận động bênh vực các nhà dân chủ đối kháng bị đàn áp khốc liệt ở Việt Nam, thi hữu Nguyên Hoàng Bảo Việt, hội viên Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, đã viết thư thỉnh cầu Trung Tâm Văn Bút Hung-Gia-Lợi công nhận tù nhân Nguyễn Khắc Toàn là hội viên danh dự.
Sau đây là bản dịch bức thư phúc đáp của văn hữu János Benyhe, Tổng Thư Ký Trung tâm Văn Bút Hung-Gia-Lợi đề ngày 15 tháng 11 năm 2004, Ngày Văn Bút Quốc Tế Đoàn Kết với Nhà Văn bị cầm tù:
"Bạn Nguyên Hoàng Bảo Việt thân mến,
Chúng tôi thật vô cùng xúc động, bàng hoàng khi được bạn cho biết những tin tức liên quan đến thân phận đau thương của nhà viết tiểu luận và nhà báo Nguyễn Khắc Toàn. Văn hữu của chúng ta bị giam nhốt từ hai năm qua chỉ vì đã lên tiếng bảo vệ nhân quyền và dân quyền ở Việt Nam.
Trung tâm Văn Bút Hung-Gia-Lợi đã xem xét lời đề nghị của bạn. Trường hợp văn hữu Nguyễn Khắc Toàn đã khiến cho chúng tôi rất bất bình, công phẩn. Để phản đối sự nhốt tù bất công đối với văn hữu Việt Nam, Trung tâm Văn Bút Hung-Gia-Lợi chúng tôi quyết định trao tặng danh hiệu và quy chế Hội viên Danh dự của Magyar PEN Club cho nhà văn kiêm nhà báo Nguyễn Khắc Toàn. Chúng tôi cũng biết thêm rằng, văn hữu tù nhân Nguyễn Khắc Toàn còn được sự ủng hộ của Ân Xá Quốc Tế, Đài Quan Sát Nhân Quyền, Phóng Viên Không Biên Giới, Hiệp Hội Báo Chí Thế Giới, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả cũng như Hội Văn Bút Quốc Tế của chúng ta.
Quyết Định của chúng tôi sẽ được thông báo ngay cho bà Sara Whyatt, Giám đốc Chương Trình của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù.
Xin bạn nhận những lời cầu chúc tốt lành nhứt của chúng tôi.
Thân ái,
János Benyhe
Tổng Thư Ký Trung tâm Văn Bút Hung-Gia-Lợi (Magyar PEN Club)".
Sơ lược về tiểu sử, thân thế, quá trình hoạt động và án tù của nhà báo Nguyễn Khắc Toàn
Sinh năm 1955 tại Hà nội, giải ngũ sau năm 1976 với cấp bực trung úy bộ đội cộng sản Bắc Việt, ông Nguyễn Khắc Toàn tốt nghiệp cử nhân sư phạm toán học. Ông trở thành nhà báo kiêm nhà viết tiểu luận và dùng bút hiệu Trần Minh Tâm và Đặng Kim Giang. Ông bị bắt ngày 8 tháng giêng năm 2002 vì tham gia phong trào vận động thiết lập một nhà nước pháp trị, tôn trọng tự do dân chủ và bảo đảm công bằng xã hội. Ông chỉ có ngòi bút và lý tưởng trong sáng, và tình thương của một người Mẹ tuyệt diệu, đối diện với guồng máy trấn áp tàn bạo và quỷ quyệt nhứt lịch sử Việt Nam hiện đại. Trong những tài liệu, bài viết thuộc loại "quốc cấm" của ông có những bản tin tường thuật các cuộc biểu tình của nông dân và cựu chiến binh cộng sản nghèo khổ kéo về Hà nội từ nhiều tỉnh quê trên mọi miền đất nước bất hạnh. Giàu lòng thương người cô thế, ông không thể im lặng trước cảnh người dân không biết sợ nữa khi xuống đường tố cáo và phản đối cán bộ cộng sản tham nhũng, áp bức, bốc lột, cướp nhà chiếm đất, khinh miệt nhân phẩm, chà đạp nhân quyền, chẳng những không kém mà còn hơn cả thời thực dân cai trị. Ông dứt khoát chọn lựa chỗ đứng của người trí thức chân chính, chấp nhận rủi ro bị nhốt tù còn hơn cúi đầu làm thân nô dịch, sau khi bị lừa dối bắt đi vào một cuộc chiến phi nghĩa và tàn khốc. Ngày 20 tháng 12 năm 2002, ông bị buộc tội "gián điệp" và bị kết án 12 năm tù kèm theo 3 năm quản chế. Phiên tòa xử kín. Người duy nhứt được phép tham dự là thân mẫu của bị cáo nhưng không thể đến vì đau yếu. Hai luật sư Trần Lâm và Đàm Minh Hiếu, mỗi người có 50 tuổi đảng, đã biện hộ cho ông Nguyễn Khắc Toàn. Các luật sư khẳng định rằng nhà dân chủ đối kháng không thể bị buộc tội "gián điệp", chiếu theo điều luật của CHXHCHVN. Ngày 22 tháng 4 năm 2002, tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ngay sau khi bị bắt giữ, ông Nguyễn Khắc Toàn bị biệt giam tại nhà lao B14, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Tháng 9 năm ấy, thân phụ ông qua đời, ông không được về thọ tang. Bà Trần Thị Quyết, người mẹ thương yêu vô vàn của ông năm nay 82 tuổi, hiện cư ngụ tại nhà số 21 ngõ Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi vụ án phi pháp kết thúc, ông bị đưa về giam tại trại lao công cưỡng bách Ba Sao, tỉnh Hà Nam. Cảnh sống lao lung vô nhân đạo khiến cho sức khoẻ của ông thêm suy yếu nhưng ông nhứt quyết không ký tên nhận tội để đơn kháng cáo được cứu xét "thuận lợi". Thái độ của ông - kẻ sĩ bất khuất trước bạo quyền - được sự ủng hộ đồng tình của bà mẹ ông và ông Nguyễn Xuân Phúc, em trai ông. Một mực kêu oan cho con, bà Trần Thị Quyết đã nói câu "trước sau như một" khi nhận xét về lập trường của con bà. Mới đây, tòa án nhân dân Hà Nội đã bác đơn kháng cáo của nhà dân chủ đối kháng. Ông Nguyễn Khắc Toàn thà tiếp tục bị đày đọa trong trại tù tập trung Goulag Việt Nam hơn là bán rẻ linh hồn và phẩm giá con người cho một chế độ lạm dụng chính nghĩa dân tộc, nổi tiếng độc tài và tham nhũng, để đổi lấy một thứ tự do giả hiệu và tồi tệ mà thế giới văn minh tiến bộ không ngừng lên án.
Genève ngày mồng một tháng giêng năm Ất Dậu 2005