Tăng và Giảm Mức Lưu Hoạt
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA
...Đông Á bị kẹt giữa hai chuyển động ngược của kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc...
Đúng một tuần sau khi Ủy ban Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ xác nhận sẽ tiếp tục gia tăng mức lưu hoạt tiền tệ để kích thích kinh tế thì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại quyết định giảm mức lưu hoạt tiền tệ bằng cách nâng lãi suất huy động và cho vay thêm 25 điểm, tức là 0,25%. Biện pháp khá bất ngờ của Bắc Kinh khiến các thị trường tài chính thế giới bị chấn động, cổ phiếu và vàng tuột giá trong khi Mỹ kim lên giá. Hai động thái trái ngược này cho thấy nhiều mâu thuẫn phức tạp của kinh tế thế giới và cũng là bài toán nan giải cho Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về bài toán đó qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
Chúng ta đang chứng kiến hai hiện tượng trái ngược giữa hai bờ Thái bình dương. Tại Hoa Kỳ, kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi và khi lãi suất đã hạ tới số không thì Ngân hàng Trung ương chỉ còn biện pháp "gia tăng mức lưu hoạt có định lượng" hay "quantitative easing" mà ông gọi là "in bạc bơm vào kinh tế". Hậu quả là Mỹ kim càng sụt giá nặng khi tư bản đang chảy qua Á châu làm nhiều nước Đông Á bị động vì tiền lên giá và phải can thiệp vào thị trường ngoại hối. Thế rồi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa quyết định nâng lãi suất thêm 25 điểm kể từ Thứ Tư 20, nhằm tiết giảm mức lưu hoạt tiền tệ để ngăn lạm phát. Quyết định bất ngờ ấy cũng lại gây chấn động cho các thị trường tài chính thế giới và khiến Mỹ kim lên giá.
Trong chương trình tuần trước, ông dí dỏm nói đến sự chuyển động của đồng Mỹ kim và đồng Nhân dân tệ Trung Quốc trong bài "Hai Đồng Bạc Múa Đôi". Bây giờ, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu xem đồng bạc Việt Nam bị kẹt thế nào trong cái nhịp múa đôi trái chiều đó. Trước hết, xin ông vui lòng trình bày cho bối cảnh của những chuyển động phức tạp này.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói về bối cảnh thì ngẫu nhiên sao hôm Thứ Ba 19, Ngân hàng Thế giới vừa công bố tại Tokyo bản Báo cáo Cập nhật về Kinh tế Đông Á trong đó định chế này nói đến triển vọng hồi phục mạnh mẽ nhưng rủi ro gia tăng tại Đông Á. Đó là khung cảnh chung của các nền kinh tế đang phát triển tại Đông Á. Trong khi ấy, các nền kinh tế đã phát triển là ba khối Âu-Mỹ-Nhật thì chưa sáng sủa. Hậu quả của sự trái chiều này là Hoa Kỳ sẽ còn phải kích thích kinh tế khi lãi suất đã giảm tới sàn và bội chi cùng công trái đều tăng vọt lên trời.
- Vì Chính quyền Mỹ bị tê liệt khi đã tăng chi ào ạt để kích thích kinh tế mà vô hiệu thì còn lại Ngân hàng Trung ương phải in bạc bơm tiền theo lối bất thường là "quantitative easing" làm Mỹ kim sụt giá. Một số nhà nghiên cứu còn báo động là Mỹ có thể bị "giảm phát" là khi hàng mất giá mà bán không được và thất nghiệp không giảm, thậm chí bị rơi vào cái gọi là "bẫy xập thanh khoản", là tiền rẻ và dư dôi mà sản xuất vẫn không tăng. Nhưng, với các nước khác, nạn tiền rẻ và Mỹ kim sụt giá khiến hàng Mỹ thành quá rẻ, dễ bán hơn nên Bộ Ngân khố Mỹ phải giải thích là Mỹ không có chủ ý đánh hạ đồng đô la để cạnh tranh nhờ xuất khẩu rẻ hơn.
- Trong khi ấy, kinh tế Trung Quốc cũng có vấn đề là kế hoạch kích thích kinh tế bằng tăng chi ngân sách và bơm tín dụng ào ạt trong hai năm 2008-2009 đã nâng mức đầu tư và sản xuất, nhưng lại thổi lên nguy cơ bong bóng và lạm phát. Vì vậy, Bắc Kinh mới tìm cách hút bớt tiền ra khỏi kinh tế khi nâng mức dự trữ pháp định của ngân hàng và phát hành công khố phiếu. Rồi sau cùng thì phải tăng lãi suất vốn đang thực tế ở vào số âm. Nghĩa là trong khi Mỹ tăng mức lưu hoạt để kích thích thì Trung Quốc giảm mức lưu hoạt để giảm nhiệt.
Việt Long: Đúng là ta đang gặp hiện trượng trái chiều. Ở giữa là các nước Đông Á khác bị kẹt vì đồng Mỹ kim sụt giá thì đồng Nhân dân tệ sụt theo khiến đồng tiền các nước này mới lên giá và người ta đã thấy hậu quả là các nước này phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để giảm giá đồng bạc. Nguy cơ của chiến tranh ngoại hối vì vậy mới gia tăng như ông có phân tích kỳ trước.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, và trong chuyện này, ta thấy ra hai vấn đề.
- Thứ nhất là tiền quá rẻ của các nước công nghiệp hoá đã tràn vào các thị trường ta gọi là "tân hưng" để tìm cơ hội kiếm lời; loại tiền gọi là "nóng" ấy làm đồng bạc của các nước này lên giá. Thứ hai, khi đồng bạc lên giá như vậy thì hàng hóa của họ cũng tăng giá và khó bán hơn trong khi Mỹ kim sụt giá và đồng Nguyên của Trung Quốc cũng sụt theo vì ràng vào tiền Mỹ. Cho nên vấn đề ngoại hối đẩy qua vấn đề mậu dịch và nhiều nước đã phải can thiệp hoặc kiểm soát ngoại hối, bằng cách hoặc mua vào ngoai tệ và bán ra nội tệ để giảm giá đồng bạc, hoặc như Thái Lan vừa qua, tăng thuế suất trên đầu tư của nước ngoài để hạ nhiệt loại tư bản nóng ấy.
- Để sơ kết về bối cảnh, chúng ta thấy các nước Đông Á bị kẹt giữa hai chuyển động ngược của kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc và gặp bài toán rất khó giải quyết ở ba mặt một lúc. Không phải là bài toán "lưỡng nan" ở hai vế mâu thuẫn mà ở ba vế. Thứ nhất là vẫn phải kích thích sản xuất và xuất khẩu, trong khi vẫn phải canh chừng lạm phát khi tiền chảy vào quá nhiều và quá rẻ, và thứ ba là tránh cho đồng nội tệ khỏi lên giá. Xứ nào áp dụng chế độ tự do ngoại hối, tức là để đồng tiền tự điều chỉnh theo quy luật cung cầu, thì bị thiệt nhất nên họ đành phải can thiệp vào thị trường ngoại hối mặc dù họ đều biết là không thể mãi mãi dùng đồng bạc rẻ để xuất khẩu.
Việt Long: Bây giờ, ta mới nói đến trường hợp Việt Nam, một quốc gia cũng cần xuất khẩu và có chế độ kiểm soát ngoại hối, nhưng lại đang lo sợ là đồng bạc mất giá so với Mỹ kim trong khi lạm phát vẫn là nguy cơ rất đáng ngại.