– Mõ Sàigòn<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Ung Ngã Phúc người huyện Tấn ninh, tỉnh Vân nam, nổi tiếng là người hiếu học, nhưng gia cảnh bần hàn nên đành xếp chuyện bút nghiên, lo mần ăn sinh sống.
Ngày nọ, Phúc chạy vội về nhà, gặp mẹ là Ung thị đang ngồi cắn hạt dưa, bèn mau mắn nói:
- Thiên hạ lúc này no đủ, nên từ mặc ấm chuyển sang mặc đẹp, khiến lụa là bán chạy hơn tôm. Nay con tính cùng với Tử Nha đi Thiểm tây cất hàng về bỏ mối. Có đặng hay không"
Ung thị ngập ngừng đáp:
- Lúc hoạn nạn thì sống chết có nhau, nhưng lúc hết hoạn nạn thì sống có nhau là… chết. Nay con tính góp chung vô một hụi, thì e lời chưa được bao nhiêu, thời tình cảm bấy lâu sẽ tanh bành bay theo gió. Chẳng uổng lắm ư"
Ngã Phúc! Đang phớn phở là vậy, bỗng dưng bị mẹ tạt cho một thau nước vào mặt, bèn ú ớ nói:
- Vậy theo ý mẹ, thời hùn hạp không được hay sao"
Ung thị chắc nịch đáp:
- Chín người mười ý. Tìm được sự đồng thuận trong chuyện hùn hạp làm ăn, thường khó hơn là tìm được tình yêu trong tuổi già bóng xế. Vậy nếu con muốn thử thời vận, thì cứ việc ra khơi. Chớ đừng tính chuyện góp vốn ăn chung mần chi nữa!
Phúc nghe mẹ phân giải như vậy, lòng rúng động lo âu, lẩm bẩm mà rằng:
- Mẹ không thể cho ta một đời sống giàu sang, cũng không thể cho ta ăn sung mặc sướng, cũng không thể tìm vợ cho ta được, nhưng mẹ có thể giúp cho ta những lời khuyên. Điều mà mẹ có được nhờ đánh đổi bao uất ức nhọc nhằn. Bây giờ ta chưa vợ - mà lại không nghe mẹ - rồi lỡ xảy chuyện gì. Hối kịp hay sao"
Nay nói về Quan Hiếu liêm họ Sử ở Thiểm tây, có một người con gái tên là Liên Kiều, đã đến tuổi cập kê, nhưng chưa ưng ý đám nào hết cả. Vợ là Hàn thị, thấy vậy, mới nhân buổi Liên Kiều qua làng bên cắt tóc, mới bàn với chồng rằng:
- Sống khỏe mạnh an vui, là một tài sản to lớn không phải người nào cũng có được, nhưng một khi muốn khỏe mạnh an vui, thì trước tiên phải có chút… tình cái đã. Nay con mình đang ở tuổi đẹp nhất của thời con gái, mà chàng chọn lựa quá cao, thì chữ duyên kia biết chừng mô mới dính"
Họ Sử nghệch mặt đi một chút, rồi lững thững đáp:
- Muốn vợ đẹp thì phải có sự nghiệp công danh. Chớ không thể muốn vợ đẹp với hai bàn tay trắng!
Lúc Liên Kiều đang trên đường trở về, bất chợt mưa to, liền nhắm đại mái hiên bên đường mà dzọt, gặp lúc Ngã Phúc cũng chung đường bang tới, khiến cảnh ngộ chung xuồng dễ gần gũi với nhau, nên chỉ một đôi câu lại cảm như thiết thân từ bao đời kiếp trước. Khi chia tay, Phúc quyến luyến mà nói rằng:
- Muốn người ta tưởng nhớ tới mình, thì trước hết mình phải tưởng nhớ người ta cái đã. Muốn người ta nặng lòng với mình, thì trước hết mình phải trao trọn trái tim cho người ta cái đã. Có điều, gia thế hai đường cách biệt, nên cho dẫu có hết dạ yêu em, cũng… ngày vui không có!
Kiều từ nào tới giờ chỉ đùa giỡn với bọn nô tỳ, nay bỗng nghe lời động đậy con tim, bèn ngỡ như nốc đường uống mật, liền tha thiết nói:
- Chúng ta tuy rằng mới gặp nhau lần đầu, nhưng thiếp có cảm giác đã hiểu nhau từ lâu, nên mong mỏi xin chàng. Đừng đem sự sang hèn mà xẻ chia tình hai đứa!
Phúc thẫn thờ đáp:
- Nàng giàu. Ta nghèo. Số phận đã chọc ghẹo con người. Có phải vậy không"
Kiều sợ tan vỡ mối tình đầu, bèn lo lắng nói:
- Thiếp là con một. Muốn nắng có nắng, muốn mưa có mưa. Xin chàng hãy vững tin vào sự chân thành của thiếp, mà yên lòng chờ đợi. Chớ đừng tuyệt vọng bi quan, rồi làm bậy làm bạ, thì chẳng những thiếp vuột mất tình yêu, mà không khéo trượng phu lại hông nằm trong tay nữa!
Rồi xin địa chỉ của Phúc, hẹn đôi ngày gặp lại. Tối ấy, lúc về đến nhà, Kiều thấy mẹ đang ngồi coi phim tập, bèn chạy tới ngồi cạnh bên, mà hỏi rằng:
- Tình yêu là điều đẹp nhất trong phim. Có phải vậy không"
Hàn thị lúng liếng đáp:
- Phải! Phải!
Kiều lại hỏi:
- Tình yêu phải trải qua những trở lực, cản ngăn, rồi đoàn tụ, thì mới cảm được nỗi hạnh phúc của một kiếp người. Có phải vậy chăng"
Hàn thị cao hứng đáp:
- Phải! Phải!
Lúc ấy, Kiều mới quàng tay qua eo mẹ, rồi đem chuyện gặp Ngã Phúc ra mà kể. Lúc kể xong, mới mừng rơn nói:
- Giàu nghèo trong phim còn xáp vô được. Hà huống là đời thường. Phải vậy không… măm"
Hàn thị bật ngửa đáp:
- Ậy! Ậy! Sao con lại đánh đồng hai chuyện ấy với nhau được" Một bên là giải trí, nên có đói rách vẫn còn sống nhăn răng, còn bên kia là thực tế, là cơm nợ áo tiền, là thiếu xu teng thì không thể nào vui được. Con không phân biệt đặng hay sao"
Rồi lắc đầu không chịu. Đã vậy còn cao giọng nói:
- Thương mà không biết chọn lựa thì còn hại hơn thương. Thiệt là không đúng!
Kiều buồn so đứng dậy, thất thểu về phòng, mà cảm như … cả trăm chim nhạn đều bay ngoài đường, bèn lấy chồng giấy hoa tiên, hý hoáy viết: "Chỉ cần hai ta ở bên nhau, là hạnh phúc nhất trên cõi đời này. Thiếp nhiều lần tin như vậy, nhưng mẹ của thiếp, lại chẳng khoái điều này. Thiếp hỏi: "Mẹ ở với cha đã quá ngày mừng lễ bạc, mà vẫn thích phim tập hơn cha, là nghĩa làm sao"". Mẹ đáp: "Phim làm mẹ vui. Cha làm mẹ buồn. Cứ thế mà suy thì cha không bằng phim vậy.". Thiếp lại hỏi: "Cha làm quan, trước mắt là hưởng bổng lộc của triều đình, sau lưng nhận quà trên mức tình cảm, nên mẹ mới có nhiều hột để đeo. Sao lại trách cha không bằng phim như thế"'. Mẹ tức tối đáp: "Mẹ như miếng gỗ giữa dòng, ôm chịu nỗi cô đơn, nên với… hột cũng nhiều khi không khoái.". Thiếp lại hỏi: "Mẹ lấy chồng giàu mà không sướng. Nay để cho con lấy chồng nghèo. Xem thử ra sao!". Mẹ gạt đi nói: "Phụ nữ sợ già hơn sợ… ma, mà một khi không muốn già thì phải quần là áo lượt, mỹ phẩm đều chi, lại thêm… hai-lai cho đời mau tươi sáng. Nay con chấp nhận lấy chồng nghèo, thì với tuổi thanh xuân, mần răng con níu"". Thiếp. Phần muốn giữ trọn lòng hiếu thảo, phần không muốn tình mẹ con mất đi màu thân thiết, nên bặm gan viết lá thư này, những mong chàng cố công dùi mài kinh sử, đặng bảng hổ đề tên, thì lúc võng lọng vinh quy ắt có thiếp trong hàng đó vậy…". Đoạn, gọi Tiểu Miên là kẻ hầu cận thân tín đến, đưa cho lá thư cùng năm chục lạng bạc, mà nói rằng:
- Ta gặp công tử lần đầu, đã cảm như… thịt xương từ muôn ngàn kiếp trước, nên muốn dzớt ngay kẻo lâu ngày hư chuyện. Ngặt một nỗi công tử chỉ là hàng dân giả, mà hai đấng sinh thành lại kết danh nọ với bằng kia, thành thử mối lương duyên e tan tành không đậu - thế nên - với số bạc này, ngươi hãy nhắn công tử phải chăm lo việc học, đừng vì chuyện mưu sinh, mà bỏ đi mối ân tình của lòng ta đang có.
Tiểu Miên dạ dạ mấy tiếng rồi ngơ ngác nói:
- Ba năm triều đình mới mở khoa thi, mà giá cả sinh hoạt vô cùng đắt đỏ, thì với số bạc này. Mần răng sinh sống"
Kiều ghé miệng vào tai, thì thào đáp:
- Kiến tha lâu đầy tổ. Mỗi tuần ta sẽ lấy của mẹ ta một ít, một đống ít cọng lại sẽ thành nhiều, nên chuyện gạo cơm chẳng cần chi thắc mắc.
Miên lại hỏi:
- Nếu trong ba năm mà phu nhân định hôn sự cho tiểu thư, thì tiểu thư tính làm sao"
Kiều mạnh bạo đáp:
- Ta treo sẵn sợi dây lên xà nhà. Khi mẹ tính chuyện ép duyên, ta sẽ chỉ sợi dây đang nằm chơi trên đó.
Chiều ấy, Ngã Phúc đang ngồi ở ngạch cửa thả hồn theo mây gió, bất chợt thấy một người con gái bước vô, bèn mở to mắt mà hỏi rằng:
- Bước đi nhanh mà không vội. Áo hai tà nhưng toát vẻ cao sang, dáng nghiêng nghiêng mà vững hơn bàn hơn thạch. Dám hỏi danh tính là chi" Sao lại bước vô chốn…. người dưng như thế"
Miên đáp:
- Tôi là người hầu cận của tiểu thư, vâng mệnh mang đến cho công tử bức thư và số bạc này. Công tử hãy đọc đi, rồi suy nghĩ thế nào cứ bày ra cho biết, đặng tôi về thưa lại…
Rồi kính cẩn trao thư. Phúc liền mở ra đọc. Lúc đọc xong, mới rưng rưng mà nói rằng:
- Nghiệp dày đức mỏng, mà được tiểu thư ưu ái thế này, thì cho dù có phải làm ngựa trâu, cũng quyết báo đền trong muôn kiếp.
Rồi nhìn thẳng vào mắt của Tiểu Miên. Vội vã nói:
- Ta muốn… lại quả với tiểu thư của cô vài hàng. Có đặng hay chăng"
Tiểu Miên vội vã đáp:
- Đời mênh mông mà tìm được tri âm, thì đợi cả đời còn được. Hà huống chỉ một bức thư. Chờ chi không viết"
Phúc nghe vậy, liền chạy vào trong lôi tờ giấy đặt ở bàn, rồi cắm cúi viết: "Nói gần nói xa, chẳng bằng cất tiền vô mà nói thật. Tiểu sinh, nhận được ân tình, cảm như đất khô hạn bỗng mưa nguồn trút xuống, nên không biết được mưa nặng nhẹ thế nào, để che hứng cho mau, kẻo ân trời tan biến. Nay cảm thương vì lòng tri kỷ, nên tự nguyện với lòng: Sẽ cưng chiều quý trọng tiểu thư, cho dù… tan hay cưới.".
Tiểu Miên đứng ở cạnh bàn, liếc mắt đọc, rồi lẩm bẩm nói:
- Mẹ nó! Muốn cưng chiều thì phải ở cạnh người ta. Chớ có đâu… cưng chiều quý trọng cho dù tan hay cưới! Lại nữa, thương yêu thì phải làm cho người ta được vui vẻ, chớ không phải buồn phiền. Đằng này trả lời trớt hướt trớt he, thì thiệt là không đúng!