<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Nguyễn Xuân Nghĩa - RFI
Hệ thống tài chánh ngân hàng không thiếu nước mà các ống nước, tức là các ngân hàng, đã bị nghẹt vì ngân hàng hết dám cho vay.
Do hoàn cảnh khác nhau, khả năng cứu nguy ngân hàng của mỗi nước mỗi khác, cam kết của nhóm G7 cónguy cơ không trấn an được giới đầu tư. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa giải thích như sau với Đức Tâm của đài RFI ở Paris trong chương trình phát thanh sáng 12 tháng 10.
Hỏi 1: Thân chào chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa anh, cách đây hai hôm, giới chức tài chính của nhóm G-7 là bảy nước công nghiệp hàng đầu đã họp với nhau. Và hôm qua lại có cuộc họp của nhóm G-20. Xin anh cho biết mục đích chính của G-20 này là gì"
- Mục đích của hàng loạt hội nghị quốc tế tại thủ đô Hoa Kỳ trong tuần này là để đối phó với nạn khủng hoảng tài chánh và sự hốt hoảng của thị trường chứng khoán có thể đe dọa cả nền kinh tế toàn cầu trong những ngày sắp tới.
- Về bối cảnh thì tại thủ đô Mỹ, ta có hội nghị hàng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI và Ngân hàng Thế giới Banque Mondiale, quy tụ hơn 180 quốc gia hội viên. Năm nay, tuần này, cuộc khủng hoảng tài chánh Hoa Kỳ đã lan khắp địa cầu nên tất cả các quốc gia đều quan tâm theo dõi và tham dự vào nỗ lực giải quyết, với một số biện pháp cấp bách để trấn an các thị trường tài chánh và chứng khoán sau một chuỗi dài những ngày suy sụp trong sự hốt hoảng toàn cầu.
- Mở đầu là hôm Thứ Sáu mùng 10, nhóm G-7 đã có hội nghị thu hẹp giữa bảy quốc gia giàu mạnh nhất và hôm sau, Thứ Bảy 11 họ tiếp tục họp tại Phủ tổng thống với Tổng thống Bush trước khi mở rộng ra hội nghị của nhóm G-20 giữa bảy quốc gia nói trên, thêm Liên hiệp Âu Châu và 12 nước được xếp loại là "tân hưng", hạng hai sau thất hùng đó. Đấy là Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Brésil, Liên bang Nga, Mexico, Nam Hàn, Saudi Arabia, Argentine, Indonesia, Nam Phi và Turkey. Nhóm G-20 này sản xuất ra 90% tổng sản lượng của thế giới.
- Ta cũng không quên là gần như trong cùng lúc vào tuối tuần này, Âu Châu có hội nghị do Chủ tịch Luân phiên năm nay là Pháp triệu tập tại Paris để 15 quốc gia hội viên của hệ thống tiền tệ Âu Châu, tức là khối Euro, và nước Anh ở ngoài khối Euro cùng tham gia giải quyết vấn đề toàn cầu này.
- Trước đó, Thứ Bảy mùng bốn tuần trước, Âu Châu cũng có một thượng đỉnh quy tụ lãnh đạo bốn nước Anh, Đức, Pháp, Ý nhằm đề ra giải pháp cứu vãn và trấn an thị trường mà không đẩy lui được hốt hoảng khiến các thị trường chứng khoán đều suy sụp nặng trong suốt một tuần.
Hỏi 3: Sau phiên họp của giới chức lãnh đạo tài chánh và ngân hàng, một trong những cam kết của nhóm G-7 là không để một ngân hàng nào phá sản. Anh nghĩ thế nào về tính khả thi của cam kết này"
- Hội nghị các Tổng trưởng Tài chính của nhóm G-7 có đưa ra một thông cáo năm điểm nguyên tắc, trong đó có lời cam kết chủ yếu nhằm trấn an thị trường Âu-Mỹ là các chính quyền liên hệ sẽ không để một ngân hàng nào phá sản. Thật sự, người ta và thị trường chờ đợi nhiều chi tiết rõ rệt hơn mà chưa thấy, vả lại cũng khó thấy được ngay vì nhóm G-7 đã phải tranh đấu không ít với nhau để đạt được sự cam kết mới chỉ là nguyên tắc ấy. Trước đó, hầu như các đại cường kinh tế này đành chấp nhận tình trạng "đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ". Bây giờ những cam kết mới của G-7 chỉ có tính cách khả thi khi ngần ấy quốc gia đều có hoản cảnh, trước tiên là tiền bạc, tung ra đảm bảo cho các ngân hàng của mình.
- Tôi xin giải thích như thế này, tình hình kinh tế tài chánh và ngân sách của mỗi nước lại mỗi khác và cái giá phải trả cho lời cam kết ấy nhiều khi vượt quá khả năng tài chánh của quốc gia. Trong trường hợp đó, các nước khác có đồng ý châm tiền cấp cứu hay không, và cử tri của họ ở nhà có chịu không" Đó là một vấn đề mà ta có thể suy ra khi Nhật Bản đề nghị lập ra một quỹ cấp cứu chung, mà dường như Thủ tướng Đức không chịu, dù mới chỉ là một quỹ chung cho riêng Âu Châu. Lý do là riêng trong phạm vi Âu Châu, tình hình mỗi nước lại mỗi khác.
- Thứ hai, trong thế giới toàn cầu hoá, với các quan hệ đầu tư và tài chánh đã chằng chịt giữa các ngân hàng của các nước với nhau, người ta có thể bảo đảm cho ngân hàng hay trương chủ của nước khác đang đầu tư vào nước mình không" Vấn đề quốc tịch và quyền lợi quốc gia hay quốc dân có thể gây ra mâu thuẫn về pháp lý và tài chính làm cho lời cam kết không thành.
- Sở dĩ ta thấy vấn đề ấy vì mâu thuẫn ngoại giao đã bùng nổ giữa hai nước Âu Châu, cùng là thành viên của Minh ước NATO là Anh và Iceland khi ba ngân hàng của Iceland vỡ nợ. Chính quyền xứ ày đang kẹt tiền và còn phải ngỏ lời xin vay Liên bang Nga ngân khoản trị giá hơn năm tỷ cấp cứu. Cho nên Iceland chỉ có thể cứu được các trương chủ của họ, tức là có bảo đảm đấy chứ, nhưng không căng tấm thảm bảo đảm cho các trương chủ hay khách hàng của Anh và mâu thuẫn đã xảy ra. Từ một chuyện của Iceland ta suy ra nhiều vấn đề khác. Thí dụ như đảm bảo cho mọi thân chủ, khách nợ, mọi doanh nghiệp tài chánh, mà dân chúng ở nhà không chịu thì sao" Như dân Mỹ và dân Anh đã phản đối kế hoạch tung tiền cấp cứu doanh nghiệp của họ thì lời cam kết mới này có giá trị không" Cho nên giải pháp kỹ thuật đòi hỏi trước hết một sự cam kết chính trị. Và đòi hỏi sự thông hiểu để thông cảm của người dân đang cực kỳ hốt hoảng trong ngần ấy quốc gia.
Hỏi 4: Vậy thì theo anh một loạt các hội nghị vừa qua và của nhóm G-7 có trấn an được thị trường hay không"
- Chúng ta đã chứng kiến một thực tế là các kế hoạch cấp cứu ban hành tuần trước như tại Mỹ hay Anh đã không trấn an được thị trường. Sau đó là tuần này còn có thêm lời cam kết mới là sẽ còn châm thẳng tiền vào ngân hàng và mở rộng địa bàn cấp cứu. Lý do là thị trường quốc tế đã quá hốt hoảng nên không còn bình tĩnh chờ đợi sự công hiệu của kế hoạch cấp cứu, sớm lắm thì phải ba bốn tuần mới bắt đầu thấy được.
- Vì vậy, theo như tôi dự đoán, các chính quyền liên hệ, trước nhất là nhóm G-7 và bây giờ là nhóm G-20 đang tiến tới một bước quyết định còn táo bạo hơn. Sau khi các ngân hàng trung ương đã cố bơm thanh khoản là tiền mặt vào thị trường tiền tệ như người xối nước mà vẫn không khai thông được ách tắc tín dụng, người ta mới khám phá là hệ thống tài chánh ngân hàng đó không thiếu nước mà là các ống nước, tức là các ngân hàng, đã bị nghẹt vì các ngân hàng hết dám cho vay và hết dám cho nhau vay.
- Vì vậy, chính là các chính quyền và cả ngân hàng trung ương sẽ phải đem tiền bước thẳng vào hệ thống tài chánh ngân hàng để nắm lấy quyền quản trị, hầu ngân hàng này sẽ cho ngân hàng khác vay theo nhu cầu để khai thông nạn ách tắc tín dụng. Điều ấy có nghĩa là chính quyền hay công quỹ của các nước sẽ lãnh nhận rủi ro tín dụng nếu có, và hệ thống tín dụng sẽ vận hành trở lại mà khỏi sợ bị mất nợ. Điều ấy cũng có thể có nghĩa là trong ngắn hạn, thị trường không thể quyết định về việc ai cho ai vay, giữa người muốn vay và người có tiền cho vay, và cho vay bao nhiêu. Chính các chính quyền sẽ giải quyết việc phân phối tài sản ấy, cho tới khi hệ thống tài chánh vận hành bình hòa. Mà cũng vì vậy, các nước phải vượt qua được sự tính toán quốc gia và toàn cầu trong cách phân phối tài nguyên cấp cứu mà mình vừa nói ở trên.
- Sau này, khi cơn hoảng loạn đã tạm nguôi, từng nước mới trở lại bài toán chi thu của mình sau khi đã rút vốn tung tiền cấp cứu. Tiền đó không phải từ trên trời rơi xuống mà phải từ đâu đó mà ra. Có thể là các nước sẽ bị bội chi ngân sách nặng hơn, phải phát hành công khố phiếu để vay tiền làm lãi suất sẽ tăng, phải in giấy bạc ra xài làm lạm phát và lãi suất cũng tăng. Những vấn đề ấy nặng nhẹ tùy nơi tùy nước và có thể là Quỹ Tiền tệ Quốc tế MFI sẽ phải nghiên cứu thêm. Sau khi kinh tế suy trầm vì cuộc khủng hoảng này, người ta còn phải nghĩ đến việc xây dựng lại một kiến trúc tài chánh mới cho thế giới. Kết luận ở đây, là chúng ta đang chứng kiến những chuyển động lớn mà vài chục năm nữa mình mới thấy hết được hậu quả, nếu như những quyết định tuần này có thể đẩy lui được cơn khủng hoảng vì hốt hoảng.
Đài Phát thanh Quốc tế Pháp xin chào chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.