Hôm nay,  

Lối Vào Khủng Hoảng

13/10/200800:00:00(Xem: 9219)

<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

Nguyễn Xuân Nghĩa

 

...một phần bị khủng hoảng tài chánh là do khủng hoảng chính trị...

 

Mười ngày đầu tiên của tháng 10, trong đó có bảy ngày kinh doanh, là khoảng thời gian đen tối nhất cho các thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và toàn cầu. Sự hốt hoảng đã trở thành quy luật của một vòng xoáy đi xuống. Theo ánh mặt trời, các thị trường mở cửa từ Á châu qua Âu châu về tới Mỹ châu, mở tới đâu thì sụp tới đó, ngày này qua ngày khác. Viễn ảnh của một tổng khủng hoảng đã trở về ám ảnh mọi người, và thực tế của sự suy sụp kinh tế đã gõ cửa từng nhà...

 

Khi thế giới ngưng tiếng khóc - và lời chửi thề - về những suy sụp kinh tế đang xảy ra sau vụ khủng hoảng tài chánh xuất phát từ Hoa Kỳ, người ta có thể nhìn ra một yếu tố góp phần đáng kể cho tai họa. Đó là cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, một cuộc tranh cử tốn kém và lâu dài nhất lịch sử xứ này!

 

Bài này sẽ riêng chú ý vào khía cạnh ấy.

 

CHÍNH TRƯỜNG HẠI THỊ TRƯỜNG

 

Năm 2000, Thống đốc Texas George W. Bush bên đảng Cộng Hoà ra tranh cử tổng thống cùng Phó tổng thống Al Gore bên Dân Chủ. Vào đầu năm, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ bắt đầu tuột khỏi đỉnh cao kỷ lục sau năm năm tăng trưởng cực kỳ ngoạn mục. Tuột nặng nhất là chỉ số Nasdaq của các công ty "cao kỹ" hi-tech. Chúng ta sẽ còn trở lại chỉ số Nasdaq này.

 

Nói cho dễ hiểu, năm đó, trái bóng đầu tư cổ phiếu bắt đầu bể và - chúng ta quên rồi - trong có mấy tháng đã mất tám ngàn tỷ đô la, so với tổng sản lượng GDP của Mỹ vào khoảng thời gian đó là mất gần 80%! Nếu so với thời nay thì coi như bị mất 11.200 tỷ đô la trong vài tháng, là điều có thể xảy ra nếu các chính khách tiếp tục la làng!

 

Trong cuộc tranh cử, ông Bush - và cả ông Dick Cheney sau khi đứng chung liên danh từ tháng Bảy -  đã nhiều lần cảnh báo rằng kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy trầm (recession) vì nạn sụt giá cổ phiếu đó. Suy trầm là khi kinh tế tăng trưởng chậm hơn trong hai quý liên tiếp (trong sáu tháng liền), nặng hơn thì mới là suy thoái (depression) khi tăng trưởng là số âm. Sâu và rộng hơn thì mới có khủng hoảng (crisis hay great depression).

 

Năm đó, bên đảng Dân Chủ phản công rằng Bush "dèm pha kinh tế" (talk down the economy) vì nhu cầu tranh cử, chứ tình hình vẫn tốt đẹp khả quan.

 

Nạn suy trầm lần trước, từ tháng Bảy năm 1990 tới tháng Ba năm 1991, khiến ông Bush cha đã bị thất cử cuối năm 1992 (ngoài hiệu hứng chia phiếu của Ross Perot). Ông tin rằng mình bị thất cử oan uổng vì kinh tế đã ra khỏi suy trầm 14 tháng trước ngày dân chúng bỏ phiếu mà dân không biết (hãy nhớ đến khẩu hiệu của James Carville cho ông Bill Clinton: "khổ quá, vấn đề là kinh tế mà!" It's the economy, stupid!)

 

Vấn đề ở đây là quán tính của nhận thức, người ta chỉ biết thực hư về sau, và trong hiện tại thì chỉ dự đoán mà thôi. 

 

Tính từ đợt suy trầm ấy trở đi, từ đầu năm 1991 đến năm tranh cử 2000, thì thì kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng đều trong gần 10 năm. Hãy trở lại chuyện Nasdaq và 10 năm ngoạn mục nói trên.

 

Năm 1991, Chiến tranh lạnh kết thúc và cuộc cách mạng kỹ nghệ thông tin điện tử bùng nổ đã thổi lên ảo giác của nền "kinh tế tri thức", của nền "kinh tế mới", khiến kinh tế đã tách khỏi sức hút của trái đất và thoát khỏi sự thăng trầm cố hữu của chu kỳ kinh doanh. Sau đó, "cổ tức hoà bình" nhờ Liên Xô sụp đổ khiến Hoa Kỳ cắt giảm quân phí rất mạnh nên ngân sách được bội thu (dư thừa ngân sách). Đấy là thời hoàng kim của Clinton, kéo dài nhờ ông điều chỉnh lại chánh sách (theo hướng trung dung và gần với quan điểm Cộng Hoà hơn) sau khi đảng Dân Chủ mất đa số tại Quốc Hội năm 1994 vì đường lối kinh tế bao cấp của ba năm đầu.

 

Nhưng, kinh tế thật ra chưa thoát khỏi vật lý hay dịch lý, cho nên, có lên là cũng có xuống!

 

Theo chu kỳ kinh doanh thì sau sáu bảy năm tăng trưởng, kinh tế sẽ có lúc điều chỉnh và sản xuất đình trệ, trung bình từ nhiều thập niên là mất khoảng một năm. Lần ấy, từ 1991 đến năm tranh cử 2000 thì cuộc hẹn với suy trầm có thể xảy ra, cho nên liên danh Bush-Cheney không nói quá. Huống hồ lại còn có vụ bể bóng cổ phiếu.

 

Sau đó, qua năm 2001 là vụ khủng bố 9-11 vào tháng Chín, chiến tranh tại Afghanistan vào tháng 10, rồi sự sụp đổ hàng loạt của các công ty bê bối, bất lương vào tháng 12 (vụ Enron, Adelphia, Tyco, WorldCom, Arthur Anderson....)

 

Quả nhiên là kinh tế Mỹ bị suy trầm mất một năm, từ tháng 11 năm 2001 đến tháng 11 năm 2002 (dữ kiện về thời điểm suy trầm trong bài này là theo thống kê và định nghĩa chính thức và có thẩm quyền của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia NBER.)

 

Trở lại vụ bể bóng cổ phiếu năm 2000 khiến thị trường chứng khoán mất tám ngàn tỷ. Nếu ta vạch lại đường tuyến của chỉ số Nasdaq trong khoảng thời gian từ năm 1992 tới 2002  mà so với đường tuyến của chỉ số DJIA vào thời kỳ tổng khủng hoảng - từ năm 1921 tới cuối năm 1932, ta thấy hai đường tuyến đồng dạng, mà Nasdaq bốc còn cao hơn. Trong năm năm, chỉ số Nasdaq đã tăng gấp hai lần rưỡi mức gia tăng của chỉ số Dow Jones trước khi bị sụp vào tháng 10 năm 1929. Sau cùng, trái bóng cổ phiếu Nasdaq đã bể và dot.com thành dot.coma! Nếu có muốn so sánh tính chất tương đồng thì vụ sụt giá cổ phiếu cao kỹ năm 2000 mới đáng dẫn tới hậu quả như vụ Tổng khủng hoảng năm 1929. Vậy mà không!

 

Vụ Tổng khủng hoảng ấy xảy ra sau giai đoạn hồ hởi của nước Mỹ từ khi Thế chiến I kết thúc, nước Mỹ đã thống nhất hệ thống chuyển vận trong một hải đảo bát ngát và bắt đầu vươn ra ngoài, trong một thế giới vô cương! Vậy mà, trong ba năm của vụ khủng hoảng từ 1930 đến 1932, Mỹ đã mất phân nửa tổng sản lượng nội địa (tăng trưởng giảm 50% GDP), với nạn thất nghiệp 25% và số nhà bị tịch biên là 50%. Hậu quả của nó kéo dài và lan rộng qua xứ khác vì chánh sách ứng phó bất cập của Chính quyền Franklin D. Roosevelt (tăng thuế, can thiệp vào kinh tế bằng chế độ bao cấp và bảo hộ mậu dịch).

 

Nó chỉ chính thức kết thúc với (nhờ) Thế chiến II: kỹ nghệ tăng cường sản xuất chiến cụ rồi thanh niên tòng quân ra trận.

 

Nhưng, sau vụ sụt giá cổ phiếu Nasdaq, Hoa Kỳ năm 2000-2002 - nghĩa là trong thời chiến tranh - lại không bị khủng hoảng nguy ngập như trong giai đoạn 1929-1931.

 

Sự thật của thời đó và ngày nay:  kinh tế Mỹ đã trở nên đa diện, tinh vi hơn và có cơ chế ứng phó linh động hơn, với những kiến thức cập nhật hơn về kinh tế học. Một chuyên gia kinh tế có uy tín và thẩm quyền vì đã nghiên cứu sâu rộng về vụ khủng hoảng ấy chính là Giáo sư Ben Bernanke, ông đang là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.

 

Vậy mà "tổng khủng hoảng" vẫn có trên đầu môi của các chính khách và được rao truyền liên tục trên mặt báo hay truyền hình trong suốt một chu kỳ tranh cử kéo dài kỷ lục là hơn 18 tháng! Từ đó mới gieo tật "tự kỷ ám thị" cho dân chúng. Sau khi hồ hởi sảng, dân Mỹ bắt đầu hốt hoảng bậy (nếu có so sánh thì vụ khủng hoảng hiện nay gần với vụ hồ hởi sảng và hốt hoảng bậy năm 1873, nhưng bài phân tách này sẽ quá dài trong khi giấy mực đang đắt!)

 

 Chúng ta cần nhớ lại chuyện đó, và nhất là nhớ lại rằng trong cuộc tranh cử năm 2000, liên danh Bush-Cheney không hề nói đến chữ "khủng hoảng", hay "Tổng khủng hoảng 1929-1933" để hù họa cử tri. Người nói đến Tổng khủng hoảng là Nghị sĩ John Kerry, trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2004: "lợi tức dân chúng sa sút như trong thời Tổng khủng hoảng"!

 

Và từ năm 2007, sau sáu năm tăng trưởng đều dù không cao - khi kinh tế Mỹ vẫn è lưng lãnh gánh nặng chiến tranh - thì hầu hết các chính khách bên đảng Dân Chủ đều nói đến suy thoái (depression) hay khủng hoảng (crisis), hoặc tổng khủng hoảng (great depression). Nếu tò mò, hãy gõ những chữ đó trên phần tin tức của Google thì sẽ thấy.

 

Trong đà hứng khởi của tranh cử, ứng cử viên phó Tổng thống là Nghị sĩ Joe Biden còn huênh hoang nói sảng để đả kích ông Bush, rằng khi Tổng khủng hoảng xảy ra năm 1929, Tổng thống Roosevelt đã lập tức lên truyền hình trấn an dư luận. Thật ra, Rooselevelt chỉ nhậm chức vào tháng Ba năm 1933 và thời đó, dân Mỹ chưa có truyền hình trong nhà.

 

Hiện nay, dù cả thế giới và dân Mỹ đều đang hốt hoảng, chúng ta chưa thấy mấy con số hãi hùng của vụ Tổng khủng hoảng thời đó: sản lượng Mỹ có tăng chậm hơn nhưng vẫn tăng, số nhà bị kéo vẫn chỉ ở khoảng 5-6%, thất nghiệp hiện là 6,1% và có lên tới 7,5% vào năm tới thì vẫn chưa thể so sánh với thời kỳ u ám ngày xưa. 

 

Nói lại cho rõ: nền kinh tế Hoa Kỳ ở bên dưới vẫn vận hành bình hoà, không tăng trưởng ngoạn mục thì vẫn còn tăng trưởng, hơn 2% vào quý hai. Mà sau sáu năm có tăng trưởng (từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 10 của năm nay), nếu có suy trầm thì cũng là chuyện bình thường, có thể hiểu và thấy trước được.

 

Nhưng, nó bị nguy cơ suy thoái, tức là nặng hơn suy trầm, vì khủng hoảng tài chánh ở trên đổ xuống. Và một phần bị khủng hoảng tài chánh là do khủng hoảng chính trị. Cuộc tranh cử 2007-2008 góp phần đáng kể cho cuộc khủng hoảng tài chánh ấy vì đánh vào niềm tin của thị trường, của dân chúng.

 

Chính trường đã hại thị trường như vậy!

 

NGUYÊN ỦY SÂU XA

 

Chúng ta lại trở lại nguyên nhân sâu xa trong quá khứ, để đặt vấn đề vào đúng kích thước của nó.

 

Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter và Quốc hội Dân Chủ thời đó ban hành đạo luật có mục tiêu xã hội mà không tính ra hậu quả kinh tế. Đó là Community Reinvestment Act với chỉ tiêu đề ra là các ngân hàng phải thỏa mãn nhu cầu tín dụng của cộng đồng, của cả những người không có khả năng đi vay. Mục đích cao quý phải đạo này là để giúp dân chúng vay tiền mua nhà.

 

Chủ trương "hữu sản hoá" đó được mọi người cổ võ, huống hồ Hoa Kỳ còn có hai công ty "bán công" Fannie Mae và Freddie Mac có thể tái tài trợ - bơm tiền vào thị trường gia cư bằng cách mua lại các khoản nợ địa ốc - với sự bảo đảm mặc nhiên của nhà nước. Các chủ đầu tư tư nhân của hai công ty này thoải mái kiếm lời nhờ làm nghiệp vụ ích quốc lợi dân.

 

Qua năm 1995, Tổng thống Bill Clinton còn đặt ra định mức cho các ngân hàng là phải cấp phát tín dụng cho các cộng đồng nghèo. Nghĩa là còn tiến xa hơn Carter trên con đường xã hội. Fannie Mae và Freddie Mac thành công lớn, các chủ đầu tư hay doanh gia quản trị đều thành triệu phú nhờ giúp dân nghèo dễ có nhà, từ đó kiểm soát phân nửa dư nợ tín dụng gia cư của toàn quốc. Và đầu tư bằng cách mua giấy nợ của hai công ty này là cách an toàn nhất cho nhiều người, nhiều nước. Doanh nghiệp đầu tư quốc doanh CICC của Trung Quốc đã tung vào đó 400 tỷ Mỹ kim!

 

Một nguyên nhân khác, là sự hồ hởi sảng nhờ tiền rẻ. Từ 2003 tới 2005, khi Hoa Kỳ còn đang ở trong thời chiến, lãi suất liên ngân hàng đã được hạ rầt thấp, từ 6,50 xuống còn có 1% và duy trì cả năm ở mức cực thấp ấy, gần số âm nếu so với lạm phát.

 

Tiền rẻ đã thổi lên trái bóng gia cư và trong trái bóng này, loại tín dụng "thứ cấp" (sub-prime) là loại dễ bể nhất. Nhưng không ai sợ vì bề nào cũng có lưới đỡ - hay sức đảm bảo của Fannie Mae và Freddie Mac và của chính quyền vì việc cho vay đó là "phải đạo". Nhờ tiền rẻ cùng nhiều phát minh tinh xảo để "chứng phiếu hoá" các giấy nợ, hệ thống ngân hàng đầu tư cùng các công ty tài trợ, quỹ đầu tư đối xung (hedge funds) thì lạc quan đánh giá sai hiểm tai (rủi ro) tín dụng và bán cho nhau giấy nợ để lấy tiền đầu tư tiếp. Thậm chí còn bỏ vốn riêng - và đi vay thêm gấp bội so với số vốn của mình- để làm ăn theo lối rủi ro ấy.

 

Họ truyền cho nhau những gói nợ bên trong có loại nợ bất trắc nhất là tín dụng sub-prime.

 

Y như trong thời kỳ trước Tổng khủng hoảng và thời bong bóng Nasdaq, người ta đã hồ hởi sảng và trở thành bất cẩn. Nhiều doanh nghiệp tài chánh còn có hoạt động bất lương, kể cả Fannie Mae và Freddie Mac, vốn có ưu thế "bán công" và không bị kiểm soát chặt chẽ, mà chưa thấy ai bị truy tố. Tới khi kinh tế tăng trưởng mạnh và lạm phát bắt đầu tăng thì Ngân hàng Trung ương nâng lãi suất, từ 1% vào tháng Sáu năm 2006 lên 5,75%, thị trường gia cư bị đình đọng, giá nhà hết tăng. Hiện tượng tiền rẻ bắt đầu chấm dứt và trái bóng gia cư bị xì, giá nhà bắt đầu sụt. (Vậy mà, ngay cả khi thị trường gia cư đã đình đọng, Fannie Mae và Freddie Mac tiếp tục bơm thêm tiền vào thị trường tín dụng thứ cấp sub-prime vì một lý do dễ hiểu: thương vụ càng cao, giới quản trị hai doanh nghiệp này càng lãnh lương bổng hậu.)

 

Nhạc đã lắng và mây đã chìm khi thành phần thiếu khả năng mua nhà bắt đầu bị điêu đứng, trễ hạn trả nợ loại sub-prime và nhà bị tịch biên. Tài sản đảm bảo cho các gói nợ được lưu truyền bỗng mất giá và gói nợ trở thành cục than hồng. Điều kỳ lạ là không ai biết bên trong các gói nợ này, mức độ ung thối cao hay thấp, nhiều hay ít. Khủng hoảng tín dụng xảy ra từ đó, từ tháng Bảy năm ngoái và tích tụ dần dần thành khủng hoảng tài chánh khi các ngân hàng hết dám cho vay, nạn cạn kiệt thanh khoản bóp nghẹt sinh hoạt kinh tế.

 

Trong khi ấy, các chính trị gia đang bận tranh cử nên sẵn sàng tri hô rằng khủng hoảng đã tới, như họ báo động trước. Và khi các ngân hàng đầu tư sụp đổ, các chính khách đổ lỗi cho nhau.

 

Nặng nhất là tội "giản chánh" (deregulation) của Chính quyền Bush và đảng Cộng Hoà vì đòi giản lược hành chánh luật lệ cho thị trường được sinh hoạt tự do. Người ta quên mất là đạo luật Sarbannes-Oxley nhằm tăng cường kiểm soát kế toán và quản trị được ban hành sau vụ Enron năm 20001, mới gây ách tắc cho nhiều doanh nghiệp nhỏ khiến họ không muốn yết giá trên thị trường chứng khoán.

 

Như cũng quên rằng quyết định cải cách hệ thống ngân hàng theo chiều hướng giản chánh lại do Tổng thống Bill Clinton ban hành năm 1999, với sự đồng lòng của Tổng trưởng Ngân khố Robert Rubin và Lawrence Summers (cả hai ông này đang là cố vấn kinh tế cho Nghị sĩ Barack Obama).

 

Trong khi ấy, nhiều lời báo động hay đề nghị tăng cường giám sát Fannie Mae và Freddie Mac do Tổng thống Bush hay nhiều nhân vật Cộng Hoà (kể cả McCain) lại không được phe Dân Chủ chấp thuận. Nhiều dân biểu nghị sĩ Dân Chủ (kể cả Obama) là khách xộp của hai công ty này và được yểm trợ tiền bạc hoặc quyền lợi rất hậu hĩnh để khỏi bị kiểm soát chặt chẽ. Vì tư lợi, người ta dồn bao nhiêu rủi ro vào hai doanh nghiệp "bán công" đang làm chủ phân nửa khối dư nợ tín dụng gia cư bên trong có bao nhiêu nợ thối thì không ai biết.

 

Vấn đề vì vậy không đơn giản là 1) hãy để kinh tế thị trường tự điều chỉnh chứ nhà nước đừng quá can thiệp và kiểm soát thị trường (theo quan điểm tự do bên Cộng Hoà) hay 2) nhà nước phải kiểm soát để điều tiết hay ngăn chặn những bất toàn của thị trường (quan điểm cấp tiến bên Dân Chủ). Vấn đề là dân Mỹ tiêu thụ quá khả năng vì hồ hởi sảng, là doanh gia Mỹ tham lam và bất cẩn, là Hoa Kỳ có luật lệ bất cập mà lại không thi hành nghiêm minh vì sự ung thối đạo đức của các đại diện dân cử.

 

Cho nên, trong toàn bộ cuộc khủng hoảng tài chánh, ngoài các doanh gia bất cẩn và bất lương sẽ phải bị điều tra và truy tố nếu có tội, thì cả Hành pháp và Lập pháp thuộc cả hai đảng đều có trách nhiệm. Nhưng bây giờ họ đổ vấy cho nhau.

 

Khi khủng hoảng tài chánh bùng nổ, khi giải pháp cấp cứu cần được kịp thời ban hành để nạn cạn kiệt tín dụng trong hệ thống ngân hàng không bóp nghẹt sinh hoạt kinh tế bên dưới, thì lại là lúc bên Lập pháp lo tranh cử: toàn bộ Hạ viện và một phần ba Thượng viện cần xin phiếu cử tri. Nhu cầu tranh cử đã lấn lướt nhu cầu cấp cứu tài chánh nên Hoa Kỳ mất hai tuần tranh cãi, từ 15 đến 29 tháng Chín thì kế hoạch cấp cứu mới được ban hành. Nó xuất hiện quá trễ, nền kinh tế bên dưới bắt đầu suy trầm. Và thị trường từ hết niềm tin đã biến thành hốt hoảng.

 

Nghị sĩ Barack Obama đã vượt lên trong hoàn cảnh đó và có hy vọng thắng cử mà đảng Dân Chủ không thể mơ ước trước ngày 15 tháng Chín.

 

TỔNG KẾT

 

Dân tộc nào cũng có lãnh đạo xứng đáng với mình, vụ khủng hoảng này là một minh chứng ê chề. Cuộc bầu cử tới đây cũng vậy!

 

Nếu nhớ lại từ nguồn cội xa xưa, chúng ta có thể tin rằng Hoa Kỳ không bị tổng khủng hoảng như lần trước - mức độ nguy ngập có khác nhau. Nhưng có thể bị suy trầm nặng hơn mọi dự đoán, nếu kế hoạch cấp cứu tài chánh không kịp khôi phục niềm tin của dân chúng.

 

Điều đáng ngại nhất là từ suy trầm có khi tuột thành suy thoái lâu hơn nếu chủ trương kinh tế của đảng Dân Chủ và Obama được áp dụng, y như dưới thời Franklin Roosevelt: tăng chi cho các dự án đầu tư công cộng (để tạo ra công ăn việc làm theo giải pháp bao cấp cố hữu), tăng thuế để giảm bội chi ngân sách, và bảo hộ mậu dịch để "bảo vệ công ăn việc làm cho dân Mỹ" (và trả nợ yểm trợ cho các nghiệp đoàn đã giúp Obama đắc cử), v.v...

 

Họ đem lý luận đấu tranh giai cấp vào quản lý kinh tế và tạo ra thế đối nghịch giàu/nghèo - giàu là thiểu số... có tội, nghèo là đa số (phiếu) mà cần được bảo vệ - và vô hình chung họ trừng phạt những người chưa là tỷ phú tài phiệt nhưng là chủ đầu tư hay chủ các tiểu doanh nghiệp, đầu máy tạo ra công ăn việc làm và lương lậu cho người khác.

 

Phải chăng vì vậy mà Obama càng lên điểm, thị trường chứng khoán càng tuột giá"

 

Câu hỏi này không phải vô lý vì những kẻ đầu tư bất lương thì đã bị thị trường trừng phạt, và phá sản. Nhưng giới đầu tư bình thường và cẩn trọng lại bị mắc oan! Khi cổ phiếu mất giá, ai ai cũng thấy mình nghèo đi và hiệu ứng phồn thịnh (wealth effect) tác động ngược, làm mọi người càng thu vén chi tiêu và kinh tế càng sa sút, là chuyện sẽ xảy ra năm tới.

 

Nhìn ra bên ngoài, các xứ khác tất nhiên là đả kích "tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ" và đổ lỗi cho Hoa Kỳ về mọi tai họa họ đã gặp. Họ có lý một phần nhưng chỉ một phần thôi. Hoa Kỳ quả là không xứng đáng lãnh đạo thế giới khi để khủng hoảng lãnh đạo bùng nổ ngay giữa cơn khủng hoảng tài chánh và lây lan xuống kinh tế.

 

Còn khả năng ứng phó của từng nước trước cơn hoảng loạn toàn cầu này sẽ ra sao" Chúng ta còn có dịp nghiêng mình ngó xuống đáy vực sau khi xem tiếp bi hài kịch chống đỡ của nhóm G-7, Ngân hàng Thế giới và IMF...

 

Bi hài kịch vì một vấn đề rất cụ thể: các nước sẽ cấp cứu từng ngân hàng và từng thân chủ của mình hay sẽ cứu chung tất cả" Thí dụ, bảo đảm ký thác hay trái phiếu của một ngân hàng Mỹ có bao gồm cả khách hàng có quốc tịch Âu châu không" Nếu mà không thì còn gì là kinh tế thị trường toàn cầu" Nếu bao đảm chung cho tất cả, ngân sách quốc gia có đủ hay chăng"

 

Khi thấy dân Mỹ bất bình về kế hoạch cấp cứu bằng 700 tỷ, và dân Anh biểu tình tại London để chống một kế hoạch tương tự của Thủ tướng Gordon Brown, và khi thấy Anh và Iceland tranh chấp nặng vì chuyện phân biệt quốc tịch của trương chủ trong các ngân hàng Iceland bị phá sản, ta thấy lãnh đạo các nước đều lâm thế kẹt: làm sao cấp cứu kinh tế thị trường mà không bị cử tri trừng phạt vì phản ứng "quốc gia" của họ"

 

Làm sao cân nhắc và thuyết phục cử tri cùng thị trường về yếu tố quốc gia và quốc tế" Kiểm soát thị trường toàn cầu hóa tới chừng nào là đủ, chừng nào là quá" Những vấn đề ấy sẽ còn ám ảnh chúng ta, và có thể dẫn tới hậu quả nguy hại đã thấy hồi Tổng khủng hoảng: giải pháp cấp cứu nhất thời và quyết định bảo vệ quyền lợi quốc gia qua chánh sách bảo hộ mậu dịch lại gieo mầm cho nhiều vấn đề lâu dài về sau, mà trong cơn hốt hoảng trước mắt, không mấy ai chịu để ý.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.