Trong phần Câu Chuyện Thể Thao kỳ này, chúng tôi xin được cùng quý độc giả tìm hiểu chi tiết về môn đánh Gôn (Golf) hay còn gọi là “Khổng Cầu”.
Môn đánh Golf là một môn thể thao rất được giới trung niên ưa chuộng và ngày càng được phổ biến nên cũng thu hút được khá nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Đây là môn thi đấu được diễn ra trên các sân cỏ được quy định theo đẳng cấp với nhiều chướng ngại vật như cây cối, ao hồ và mặt sân lồi lõm v.v.. qua hình thức tranh tài là các tuyển thủ phải dùng các loại gậy quật quả bóng nhỏ để cuối cùng đưa vào vị trí của 1 lỗ nhỏ gọi là “Hole” hoặc “Cape” với số lần quật ít nhất sẽ đoạt giải thắng.
Tuy trông qua hình thức đứng cầm gậy quật quả bóng bất động trên sân cỏ sẽ đưa đến cảm giác khiến ta thấy có vẻ như thông thường và đơn giản nhưng khi thi đấu người tuyển thủ đanh Golf cần phải tập trung tinh thần ở mức cao độ để nhắm hướng bay của bóng, đo lường sức cản trở của không khí của gió v.v… với những tính toán rất chi li nhỏ nhặt do chu vi của Hole và quả bóng quá nhỏ so với hình dáng và sức vóc con người. Đồng thời, vì tính cách quật bóng riêng biệt với đối phương khi thi đấu nên áp suất về tinh thần đối với những tuyển thủ đánh Golf rất mạnh, và trong môn đánh Golf giới chuyên nghiệp thường cho rằng yếu tố tinh thần chiếm hết 70% còn lại 30% là mặt kỹ thuật. Chính vì vậy mà qua hình thức đánh “Putt”, tức ở cự ly ngắn khoảng 30 cm từ vị trí quả bóng đến Hole ngay cả những danh thủ chuyên nghiệp cũng thường gặp thất bại.
Tuy trên căn bản môn đánh Golf là sự tranh tài dành cho cá nhân nhưng thực tế vẫn có những trận đấu giữa các đội tuyển, và trong cả 2 trường hợp thi đấu cá nhân hoặc đội tuyển thì sẽ có 1 người cùng đi chung với tuyển thủ đánh Golf gọi là “Caddie” để mang theo các dụng cụ sử dụng và giúp đỡ ý kiến về kỹ thuật cho người đánh Golf. Chính vậy mà trong làng Golf quốc tế thường có câu: “danh tuyển thủ, hảo trợ ngôn”.
Đối với các tay đánh Golf bán chuyên nghiệp nếu không có ý định luyện tập để trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp thì dù từ lứa tuổi trung niên cũng có khả năng bắt đầu tập chơi môn đánh Golf với tính cách vừa giải trí tiêu khiển vừa vận động cơ thể bổ ích cho sức khoẻ nên trên thế giới hiện nay số người thuộc giới trung niên tìm hiểu và tập chơi môn đánh Golf đang có chiều hướng ngày càng tăng dần. Nếu người đánh Golf thực hiện được số lần quật trong 1 Round (gồm 18 Hole) ít hơn số tuổi của mình sẽ được gọi là “Age Shooter”, vốn là một thuật ngữ nhằm bày tỏ sự kính trọng trong làng Golf quốc tế. Trường hợp người đánh Golf thực hiện được 1 Round với số lần quật bằng với số tuổi của mình thì gọI là “Age Shoot”.
Tuy nhiên, trên thực tế danh hiệu “Age Shoot” được công nhận kèm theo điều kiện gay gắt là phải thực hiện 1 Round trên sân Golf tiêu chuẩn 18 Hole với chu vi từ 6000 yard trở lên (1 yard = 0, 9144m), vì vậy từ lứa tuổi thiếu niên đến khoảng 60 tuổi cho dù có cố gắng đến đâu cũng khó đạt được kỷ lục này hoặc nói cách khác là hoàn toàn bất khả thi. Ngược lại, từ 60 tuổi trở lên thì có nhiều khả năng hoàn thành kỷ lục này hơn.
Trong môn đánh Golf, hình thức “Hole In One” tức quật 1 lần đưa bóng vào Hole luôn là mục tiêu của những tuyển thủ. Trường hợp những tay đánh Golf bán chuyên nghiệp thực hiện được thành tích Hole In One này thì trong giới đánh Golf có tập quán là sẽ dùng quỹ của Câu Lạc Bộ để tổ chức tiệc mừng hoặc trồng cây kỷ niệm tại sân Golf, do đó có nhiều người đã tự đóng tiền phí để chuẩn bị cho những dịp này gọi là “Quỹ Bảo Hiểm Hole In One”. Riêng tại Nhật Bản thì ngoài những tập quán nói trên còn có những giải thưởng đặc biệt như tiền mặt hoặc quà tặng dành cho giới đánh Golf bán chuyên nghiệp khi đạt thành tích Hole In One này.
Ngoài ra, Golf còn là một môn thể thao dành cho những tầng lớp có mức thu nhập kinh tế cao trong xã hội để trang trải nhiều tiền phí tổn như mua dụng cụ, đóng tiền mướn sân tập dợt, đóng tiền Hội Viên Câu Lạc Bộ v.v…
So với các quốc gia Âu Mỹ vốn có nhiều câu lạc bộ và những sân Golf danh tiếng kèm theo chi phí đắt đỏ dành cho giới trung lưu và thượng lưu giải trí qua hình thức đánh Golf, một số nước châu Á có nền kinh tế phát triển cao như Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan v.v.. cũng có khá nhiều sân Golf hạng sang với chi phí cao không kém. Ngoài ra cũng có những sân Golf mang tính cách đại chúng dành cho giới bình dân tham gia. Và đặc biệt là tại Nhật Bản, môn đánh Golf còn được xem như là một cơ hội để các thương gia doanh nhiệp gặp gỡ trao đổi các dịch vụ thương mại sau thời gian đánh Golf tiêu khiển, đồng thời hiện tượng những hội viên gia nhập vào các câu lạc bộ đánh Golf không phải với mục đích vui chơi mà là để tìm đối tượng đầu tư cũng trở nên phổ biến. Qua đó, những tay đánh Golf ở Nhật Bản mỗi khi thi đấu đều phải đóng thuế sử dụng sân Golf, ngoại trừ những giải đấu thuộc cúp quốc gia và những hội viên dưới tuổi thành niên.
Về lịch sử thì tuy Anh Quốc được xem như là vùng đất phát triển môn thể thao đánh Golf này nhưng về các chi tiết khởi nguồn thì có rất nhiều giả thuyết cho rằng môn đánh Golf xuất phát từ Scotland với cách viết là Gowf, hoặc đã xuất hiện từ lâu đời tại Hòa Lan, Trung Hoa v.v… Nhưng những giả thuyết này vẫn không có những bằng chứng cụ thể.