...Suy trầm khi đà tăng trưởng sản xuất giảm sút trong sáu tháng liên tục; hậu quả là thất nghiệp tăng, lợi tức giảm...
Sau nhiều biến động tài chính suốt tháng Tám, các thị trường lớn trên thế giới bị nạn khan hiếm tín dụng vì nỗi sợ cho vay sẽ mất vốn. Thế rồi, ngày 18 tuần qua, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ hạ lãi suất như nhiều người trông đợi, mà hạ gấp đôi mức độ dự đoán của đa số các kinh tế gia. Quyết định ấy khiến người ta mừng là nguồn tín dụng sẽ được nới lỏng nhờ tiền cho vay được ấn định rẻ hơn, mà cũng làm người ta e sợ là kinh tế toàn cầu có thể bị nạn suy trầm lan ra từ Hoa Kỳ. Vì vậy, Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu một vấn đề đang gây ưu tư cho dư luận mọi nơi qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần qua, quyết định hạ lãi suất của hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ khiến các thị trường chứng khoán đều tăng giá sau hơn một tháng có thể nói là chao đảo thất thường. Nhưng ngay sau đấy, dư luận nhiều nơi đã nói đến một nguy cơ suy trầm kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ Hoa Kỳ.
Do đó, trong chương trình chuyên đề tuần này, chúng tôi đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về nguy cơ nói trên, và về hậu quả đối với Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là về nguyên nhân và hậu quả của quyết định ấy từ Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.
- Thưa ông, một Ngân hàng Trung ương thực sự độc lập và có thẩm quyền thường phải một lúc đu hai dây trên hai cõi khác nhau.
Sợi dây thứ nhất là phải giữ quân bình giá cả, là ngừa nạn lạm phát bằng chính sách tiền tệ và tín dụng. Nếu ngân hàng trung ương sợ lạm phát mà nâng lãi suất quá cao khiến đồng tiền khan hiếm đi thì sẽ gây suy trầm kinh tế. Nếu ngại suy trầm mà hạ lãi suất quá thấp thì lại thổi bùng lạm phát, hoặc thổi lên các trái bóng đầu tư hay đầu cơ và gây bất ổn cho thị trường.
Sợi dây thứ hai còn khó xử lý hơn vì liên hệ đến tâm lý quần chúng.
Đó là tung ra biện pháp cấp cứu nếu cần, để giải trừ nỗi hốt hoảng hầu dân chúng khỏi lo sợ mà xếp hàng rút tiền khỏi ngân hàng - là điều đã xảy ra tại Anh quốc với Ngân hàng Northern Rock. Nhưng cũng chẳng vì thế mà ngân hàng trung ương lại nuôi dưỡng tính ỷ lại khiến người ta cứ lấy rủi ro thái quá rồi tin rằng cuối cùng nhà nước hay ngân hàng nhà nước sẽ giăng lưới cho mình khỏi rớt. Phản ứng ỷ thế làm liều, mà kinh tế học gọi là "moral hazard", cũng là một nguyên do thổi lên các trái bóng đầu tư hay đầu cơ như ta đang chứng kiến ở nhiều nơi. Khi trái bóng bể thì người ta mất tiền, bèn thu vén chi tiêu hay đầu tư, làm cho kinh tế bị suy trầm.
- Hỏi: Thế thì Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã đu dây ra sao khi các thị trường thế giới bắt đầu chao đảo từ cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám"
- Mùng bảy tháng Tám, trong phiên họp định kỳ, sáu tuần một lần, của Ủy ban Tín dụng và Tiền tệ FOMC, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã vừa canh chừng nạn lạm phát vừa muốn trấn an thị trường, rằng các biến động tài chính ấy thật ra không đáng ngại. Vì vậy mà họ giữ nguyên lãi suất ngắn hạn, là lãi suất cơ bản trên đó các ngân hàng mới cộng thêm các loại tiền lời khác nhau tính cho thân chủ. Tôi có cảm tưởng rằng lời trấn an đó vô hiệu.Vì vậy, đúng 10 ngày sau và ở ngoài phiên họp định kỳ của Ủy ban FOMC, Ngân hàng Trung ương Mỹ bất ngờ hạ lãi suất thế chấp, là lãi suất các ngân hàng thương mại phải trả khi cần vay tiền ngân hàng trung ương trong ngắn hạn và thế chấp bằng trái phiếu. Đồng thời, họ cũng mở rộng khung cửa cho các ngân hàng thiếu tiền mặt có thể vay được nhiều hơn của ngân hàng trung ương. Trong khi ấy, ở ngoài chợ, tức là trong nền kinh tế thực tế, tình hình không mấy cải thiện, các ngân hàng và công ty tài trợ vẫn e ngại khi cho vay, nhiều cơ sở đã bị điêu đứng, sa thải nhân viên, thậm chí bị vỡ nợ.
Trong khung cảnh ấy, ngày 18 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Mỹ mới cắt cả hai loại lãi suất mà họ có thẩm quyền chi phối, là lãi suất liên ngân hàng khi các ngân hàng thiếu tiền và cần vay của nhau trong ngắn hạn, và lãi suất thế chấp vốn mới được hạ đúng tháng trước. Cả hai lãi suất đều giảm 50 điểm, là 0,50%, một tỷ lệ khá bất thường. Nói cho dễ hiểu thì từ nỗi lo sợ lạm phát còn được họ khẳng định tháng trước, định chế có thẩm quyền về tiền tệ của Mỹ đã chuyển qua nỗi lo đối nghịch, là sợ kinh tế bị suy trầm.
- Hỏi: Bây giờ, ta mới nói qua nguy cơ suy trầm đó. Trước hết, thế nào là suy trầm"
- Theo định nghĩa phổ thông trên thế giới, suy trầm, hay "recession" nói theo Anh ngữ, là khi đà tăng trưởng sản xuất có giảm sút trong hai quý liền, tức là trong sáu tháng liên tục. Thí dụ như quý này tăng trưởng với tốc độ 2,5% quy ra toàn năm mà hai quý sau chỉ còn 2,0% hay 1,9% thì đó là suy trầm, với hậu quả là thất nghiệp tăng, lợi tức giảm.
Nặng hơn thế là nạn suy thoái kinh tế, hay "depression", tức là không có tăng trưởng dù là thấp hơn quý trước, mà là suy giảm hoàn toàn. Gặp trường hợp ấy, thất nghiệp tăng vọt, hàng hoá giảm giá mà bán vẫn không chạy vì chẳng ai mua, ta gọi là nạn giảm phát, ngược với lạm phát. Và suy thoái mà kéo dài hay lan rộng thì ta có nạn khủng hoảng.
- Hỏi: Sau khi định nghĩa như vậy về mức độ từ nhẹ đến nặng, thưa ông, dư luận thế giới dự đoán ra sao" Kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm không, và nếu bị, các nền kinh tế khác có bị ảnh hưởng không"
- Kinh tế Hoa Kỳ đang có một hiện tượng lạ, là trái bóng tín dụng gia cư đã căng phồng, bên trong có mầm ung thối dễ vỡ là loại tín dụng đầy rủi ro, gọi là sub-prime hay thứ cấp. Bên ngoài trái bóng ấy lại là các trái bóng tín dụng loại khác, và cũng căng phồng mà không nhất thiết là vì cốt lõi bên trong có trái bóng tín dụng thứ cấp sẽ bể. Kiến trúc tài chính đầy sáng tạo của Hoa Kỳ đã sản sinh ra nhiều trái bóng lồng vào nhau như vậy.
Khi thị trường gia cư suy sụp sau năm năm tăng trưởng ngoạn mục, sinh hoạt kinh tế liên hệ đến nhà đất tất nhiên sẽ sút giảm. Nhưng khi trái bóng tín dụng thứ cấp có thể vỡ thì các trái bóng kia bể theo. Và sau nhiều năm liền hưởng lợi nhờ tiền rẻ, lãi suất thấp, kinh tế Mỹ có thể sẽ bị suy trầm, một phần vì sinh hoạt kinh tế thực tế, phần kia là vì nỗi e ngại của các tác nhân kinh tế vì nạn bể bóng tín dụng. Thống kê tháng Tám cho thấy số người có việc làm đã giảm nhẹ và chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ cũng vậy. Do đó, giới kinh tế dự đoán là Mỹ có thể sẽ bị suy trầm kể từ cuối năm nay. Nặng hay nhẹ thì chưa ai có thể biết được.
- Hỏi: Thưa ông, dù chưa thể dự đoán là sẽ bị nặng hay nhẹ thì giới hữu trách Hoa Kỳ cũng có thể biết là có khi bị suy trầm. Họ không có biện pháp ngăn chặn được hay sao"
- Hiển nhiên là có, nhưng, như tôi có nói về cái thế đu dây ở trên, biện pháp nào cũng có thể gây phản ứng phụ, như liều thuốc có công phạt, và dễ đổ bệnh khác.
- Hỏi: Nếu vậy, xin lập tức hỏi ông là họ có những phương thuốc nào trong tay"
- Tùy mức công hiệu nhanh chậm - nhanh là ba tháng, chậm là chín tháng, tới cả năm hoặc còn lâu hơn - các nước nói chung chứ chẳng riêng Mỹ đều có hàng loạt biện pháp sau đây.
Thứ nhất là biện pháp tiền tệ, như hạ lãi suất để bơm thêm tiền vào kinh tế là điều ngân hàng trung ương Mỹ đã làm khi cắt lãi suất từ 5,25% xuống còn 4,75%. Biện pháp này sẽ công hiệu từ ba đến sáu tháng sau, và nếu chưa đủ thì còn có thể cắt nữa. Vì vậy, người ta dự đoán là tới cuối năm, lãi suất ngắn hạn tại Mỹ còn giảm 25 điểm và đến giữa năm tới có thể còn hạ thêm 50 điểm, nếu kinh tế chưa ra khỏi suy trầm.
Thứ hai là biện pháp ngân sách, tức là gia tăng công chi cho nhiều dự án tạo ra công ăn việc làm, hoặc giảm thuế để dân chúng có thêm tiền tiêu xài trong kinh tế. Loạt biện pháp này chậm công hiệu mà vẫn có thể được áp dụng, nhất là việc tăng chi. Việc giảm thuế thì khó hơn vì Chính quyền Bush đã cắt thuế ba đợt và đang bị suy yếu nên khó yêu cầu Quốc hội cho giảm thuế. Còn lại, tăng chi là chuyện hấp dẫn và ăn khách trong mùa tranh cử hiện nay. Mà sở dĩ họ tăng chi được vì bội chi ngân sách của Mỹ thật ra chỉ bằng 1,9% Tổng sản lượng GDP, vẫn còn thấp so với nhiều nước khác.
- Hỏi: Ngoài tiền tệ và ngân sách thì ta còn biện pháp nào khác nữa để chặn đà suy trầm"
- Để chặn đà suy trầm hay giải phóng sản xuất thì ta có thể cải tổ cơ cấu kinh tế, là loại biện pháp thuộc diện chính sách, chuẩn bị công phu và phải có sự phê chuẩn của Quốc hội mà cũng lâu công hiệu vì còn đợi các doanh nghiệp hay công đoàn chấp hành.
Thí dụ dễ thấy là việc giải phóng thị trường lao động của Pháp hiện nay để ra khỏi ách tắc của đạo luật một tuần làm việc 35 tiếng. Một thí dụ khác là giản hoá luật lệ để nâng cao năng suất lao động hay tư bản. Loại biện pháp này đòi hỏi nhiều năm mới thật sự có kết quả trong khi các nước đang lo ứng phó với nguy cơ suy trầm trước mắt. Phải nói thêm là nếu biện pháp chữa trị có công hiệu thì cũng có thể công phạt nếu áp dụng không đúng liều lượng so với bệnh tình. Và chỉ áp dụng được căn cứ trên tình hình từng nước.
- Hỏi: Cứ theo tình hình hiện nay thì Hoa Kỳ có khả năng áp dụng các biện pháp ấy không"
- So với các nền kinh tế có trọng lượng là Nhật Bản, Liên hiệp Âu châu và Trung Quốc, thì Mỹ hiện có khả năng thi hành nhiều biện pháp ngăn ngừa suy trầm hơn cả. Thứ nhất, lãi suất vẫn cao nên còn mức hạ, bội chi ngân sách vẫn thấp nên có thể tăng chi để kích cầu. Các nước kia không được vậy và lại có bệnh tình riêng, cho nên nếu có bị suy trầm thì thật ra khó xoay trở hơn. Kết quả thì rủi ro suy trầm toàn cầu thực ra có xác suất xảy ra khá cao. Chúng ta có thể đoán biết được điều ấy trong vài tuần nữa qua báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF trong phiên họp định kỳ vào tháng 10 này.
- Hỏi: Nếu vậy, xin ông trình bày ngắn gọn về khả năng ứng phó của các nước khác, trước hết là Nhật Bản.
- Trong tháng qua, ta được biết là Nhật có thể bị suy trầm - mà chưa vì hiệu ứng từ Mỹ - và có khi lại rơi vào nạn giảm phát đã từng gặp từ 1991 đến 2005. Người ta phải đợi xem thống kê Tankan của Ngân hàng Trung ương Nhật vào tháng tới thì mới đoán biết được. Nhưng tân Thủ tướng Yasuo Fukuda mới nhậm chức hôm nay sẽ phải sớm ưu lo vì lãi suất Nhật hiện chỉ còn là 0,50% tức là hết chỗ hạ, mà bội chi ngân sách lại hết chỗ tăng vì đã lên tới 6,5% GDP.
Xin nói luôn, rằng trường hợp Liên hiệp Âu châu có khá hơn một chút mà vẫn đáng ngại. Âu châu mới là nơi mà trái bóng gia cư căng phồng còn lớn hơn Hoa Kỳ, và có thể bể. Lãi suất do Ngân hàng Trung ương Âu châu ấn định là 4% thì tương đối cao và còn hạ được, nhưng định chế này khó đạt đồng thuận của nhiều quốc gia có hoàn cảnh và mục tiêu trái ngược, như Pháp và Đức chưa hoàn toàn đồng ý về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Âu châu.
Về ngân sách thì Thỏa ước Maastrich năm 1992 có cho phép các hội viên được bội chi đến 3% GDP nên họ còn xoay trở được, nhất là nước Đức có mức bội chi cực thấp. Tuy nhiên, sự xoay trở ấy cũng bị hạn chế vì Liên Âu gồm có 27 quốc gia hội viên và biện pháp chính sách kinh tế tài chính nào cũng phải được tất cả đồng ý thì mới thành hình.
- Hỏi: Còn trường hợp Trung Quốc thì sao, xứ này đang có tốc độ tăng trưởng trên 11% và sợ lạm phát hơn là giảm phát như Nhật Bản, họ có khả năng ứng phó thế nào với nguy cơ suy trầm toàn cầu"
- Trung Quốc duy trì chế độ ngoại hối gần cố định đồng thời giữ lãi suất ở mức thấp so với lãi suất tại Mỹ. Họ đang sợ lạm phát nên đã và còn tăng lãi suất khiến sai biệt về lãi suất sẽ mở rộng thêm và đấy là một vấn đề. Nếu không khéo điều chỉnh cả lãi suất và hối suất, Trung Quốc có thể vẫn bị lạm phát trong khi đà tăng trưởng sẽ giảm mạnh, từ giữa năm tới trở đi, với hậu quả khó lường về xã hội và cả chính trị. Và cả Trung Quốc, Âu châu lẫn Nhật Bản đều bị ảnh hưởng nếu Mỹ bị suy trầm và nhập khẩu ít hơn.
- Hỏi: Câu hỏi cuối mà thính giả chờ đợi, thưa ông, nếu Hoa Kỳ bị suy trầm, dù là nhẹ, trong khi nạn suy trầm lại lan rộng qua các xứ khác vì khả năng ứng phó kém, thì tình hình sẽ ra sao cho Việt Nam"
Khi kinh tế toàn cầu bị suy trầm, hậu quả đầu tiên là giá nguyên nhiên vật liệu, kể cả nông, khoáng sản lẫn dầu khí sẽ giảm. Trái bóng thương phẩm, là các loại sản phẩm ấy, đã tăng giá trong nhiều năm qua sẽ bị bể. Việt Nam có thể đỡ sợ lạm phát nhập khẩu và lấy làm mừng. Nhưng, nền kinh tế xứ này lệ thuộc vào ngoại thương đến 60% nên suy trầm sẽ đánh sụt số xuất khẩu mà vẫn không làm giảm được nhập khẩu, cán cân vãng lai sẽ bị thâm hụt nặng hơn.
Và nguy hại nhất là nguồn đầu tư từ nước ngoài vào có thể sút giảm nên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đà tăng trưởng có thể sụt trong năm tới, và thất nghiệp sẽ tăng. Trong khi ấy, những thăng trầm của thị trường quốc tế sẽ tác động mạnh hơn vào thị trường nội địa, mạnh hơn thời kỳ chưa gia nhập tổ chức WTO. Đây là viễn ảnh đáng lo cho Việt Nam vì khả năng ứng phó kém với lãi suất thấp, bội chi cao và mức linh động kinh tế rất hẹp.