...các nước xã hội chủ nghĩa đã hủy hoại môi sinh mà không có tăng trưởng kinh tế...
Mùng sáu vừa qua, trùm khủng bố Al-Qaeda là Osama bin Laden công bố băng hình với các lập luận vừa đe dọa, vừa đả kích, vừa tuyên truyền hướng vào dân chúng Hoa Kỳ. Qua nội dung trình bày, bin Laden phê phán chủ nghĩa tư bản, quy tội cho Mỹ về toàn cầu hóa, nạn nhiệt hoá địa cầu, chế độ tín dụng gia cư và còn kêu gọi dân Mỹ cải đạo theo Hồi giáo vì có giá trị cao hơn. Một số thính giả có thể tò mò muốn biết về lý luận kinh tế hàm chứa bên dưới thông điệp ấy nên Diễn đàn Kinh tế mới trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài "kinh tế học kiểu al-Qaeda". Tiết mục chuyên đề này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây....
Hỏi: Đánh dấu sáu năm sau vụ khủng bố Hoa Kỳ ngày 11 tháng Chín năm 2001, thì từ mươi ngày qua, mạng lưới al-Qaeda liên tiếp tung ra hai băng video có hình ảnh của trùm khủng bố Osama bin Laden, trong các ngày mùng 6 và 11 tháng Chín. Qua băng hình hôm mùng sáu, Osama bin Laden gây ngạc nhiên cho dư luận khi dành thời giờ đả kích chủ nghĩa tư bản về nhiều tội danh để kêu gọi dân Mỹ nên cải đạo theo Hồi giáo, mà là Hồi giáo theo lối diễn giải của ông ta, trong đó có một số khái niệm kinh tế.
Nhiều thính giả có thể tò mò muốn tìm hiểu về kinh tế học theo lý luận của al-Qaeda, cho nên Ban Việt ngữ đề nghị là trong chương trình kỳ này, chúng ta sẽ thử phân tách hiện tượng đó. Câu hỏi đầu tiên là liệu thế giới có một mô hình kinh tế kiểu al-Qaeda hay chăng, nếu có thì thế nào là kinh tế học al-Qaeda"
Tôi thiển nghĩ là vì yêu cầu tuyên truyền, Osama bin Laden tự khám phá ra tài nghệ mới khi phê phán cái mà anh ta gọi là chủ nghĩa tư bản và đề cao giá trị kinh tế của chủ nghĩa Hồi giáo theo cách suy luận riêng. Tự thân thì đây là hiện tượng phản nghĩa - oxymoron - trong một phạm trù đã có hai ý mâu thuẫn với nhau, như nói về một hình tròn ba góc vậy!
Hỏi: Ông có thể giải thích thêm vì sao lại là hiện tượng phản nghĩa - hoặc phi lý như thế"
Đầu tiên, kinh tế học như ta hiểu ngày nay - là khoa nghiên cứu xã hội về sự khan hiếm và về các giải kháp khắc phục sự khan hiếm đó một cách tối hảo, tốt nhất, qua sản xuất, phân khối hay tiêu thụ - thật ra chỉ xuất hiện từ hơn hai trăm nay thôi. Trước đấy, người ta lấy nhiều quyết định kinh tế mà khỏi cần biết về kinh tế học vì căn cứ trên những yếu tố khác.
Yếu tố trước tiên, lâu đời nhất, là căn cứ trên tập quán, có thể cả tập quán tôn giáo, theo đó thì cứ theo đời trước mà làm. Thời thượng cổ, người ta đã có hình thái kinh tế tập quán ấy. Sau đó, khi xã hội con người được tổ chức tinh vi hơn, với quyền lực được tập trung vào tay một thiểu số, thì người dân lấy quyết định kinh tế - ai làm việc gì - theo mệnh lệnh của thiểu số ấy, có thể là mệnh lệnh tôn giáo hay chính trị. Dự án xây dựng hay tu bổ Vạn lý Trường thành của Trung Quốc nằm trong hình thái kinh tế mệnh lệnh đó.
Chỉ tới sau này, là vài trăm năm trở lại đây, loài người mới tìm ra phương cách giải quyết sự khan hiếm bằng loại quyết định có cân nhắc lợi hại và hệ thống hoá cách quyết định ấy. Đó là nền móng ban đầu của kinh tế học, và gần đây người ta thấy là nếu các tác nhân kinh tế càng có tự do thì càng dễ tìm ra giải pháp tối hảo cho mình, và cho cả xã hội.
Trong hoàn cảnh ấy, khi một tôn giáo, lại diễn dịch theo lý luận của một tổ chức khủng bố - nhuốm mùi mệnh lệnh và bạo động - muốn nói tới một hình thái kinh tế học thì ta có hiện tượng gọi là phản nghĩa, là một sự phi lý.
Hỏi: Nhưng, xin hỏi ông ngay tại đây là đạo Hồi, như một tôn giáo, cũng bao hàm trong giáo luật của họ nhiều chỉ dẫn hay mệnh lệnh về sinh hoạt kinh tế chứ"
Điều đó đúng và là đề tài lý thú mà nhạy cảm nên tôi nghĩ là nên thận trọng khi phân tích. Yếu tố chính hàm chứa bên trong vẫn là tinh thần mệnh lệnh, thật ra cũng giống nhiều tôn giáo khác, với mức độ cưỡng hành cao hay thấp, chặt hay lỏng ở tùy nơi mà thôi.
Vì thế giới quan của đạo Hồi, là Thượng đế Allah đã sinh ra vạn vật, nên nhân sinh quan hay xã hội quan của họ đề ra tinh thần san xẻ vì bình đẳng, rồi thể hiện trong kinh tế qua một số mệnh lệnh chi phối sinh hoạt của giáo dân. Thí dụ như chế độ thuế vụ để san xẻ tài sản, gọi là Zakaat, với thuế suất 2,5% - mà bin Laden có nhắc tới - hay chế độ cho vay không lấy lãi, chứ lấy lãi thì bị cấm, gọi là Riba. Hoặc cách phân bố rủi ro, gọi là Gharar, theo đó việc phòng ngừa hiểm tai, tức là bảo hiểm, có bị cấm, việc cho vay mà không chịu rủi ro cũng bị cấm, v.v...
Tuy nhiên, theo thời gian cách suy diễn và áp dụng các quy luật hay tập tục ấy có đổi, cụ thể là nới lỏng hơn so với nhiều thế kỷ trước. Từ hơn nửa thế kỷ nay, từ thời suy tàn của chủ nghĩa thực dân, một số nhà lý luận Hồi giáo có du nhập kinh tế học Tây phương để hiện đại hoá triết lý công bằng kinh tế hàm chứa trong giáo luật của họ. Vì vậy, nếu có nói tới kinh tế học Hồi giáo thì không sai, như ta thấy trong sinh hoạt kinh tế tại các xứ Hồi giáo Đông Nam Á, như Indonesia hay Malaysia, hay tại Bắc Phi như Maroc, Tunisie, v.v...
Nhưng, nói đến kinh tế học kiểu al-Qaeda thì lại là chuyện khác!
Hỏi: Ông vừa đề cập tới một số khía cạnh đặc biệt về quan niệm kinh tế của đạo Hồi, cho nên dù ông có nói rằng đó là nhạy cảm, chúng tôi vẫn muốn hỏi thêm vài điều về cách một số nhà lý luận muốn hiện đại hoá giáo luật cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Tôi xin được ngắn gọn nói về hai hướng hiện đại hoá, chứ mỗi xứ lại mỗi khác.
Về tư tưởng chỉ đạo thì họ muốn tìm ra giải pháp thứ ba, khác với chủ nghĩa cộng sản ở một bên và chủ nghĩa tư bản ở bên kia, hầu phát huy được tinh thần bình đẳng trong giáo luật mà vẫn đạt mức tăng trưởng cần thiết cho xã hội. Họ cố dung hợp được quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân với tập thể. Kết quả chủ yếu là vẫn duy trì chế độ công hữu với loại phương tiện sản xuất lớn và chỉ có chế độ kinh tế tư nhân trong một số phạm vi hạn chế.
Thật ra, khi một thiểu số ưu tú muốn tìm ra giải pháp ích quốc lợi dân như vậy, thay vì cho mọi người được tự do quyết định lấy về việc sung dụng tài nguyên, là sản xuất hay tiêu thụ, thì họ dễ rơi vào chủ nghĩa chỉ huy và bao cấp, mà bên trong xã hội vẫn có bất công và độc quyền.
Hỏi: Đó là trên bình diện tư tưởng, tức là còn một bình diện khác là thực tế thì sao"
Trong áp dụng, mà thật ra vẫn xuất phát từ xã hội quan nhuốm mùi tôn giáo, người ta có thấy giá trị của tín dụng nên định nghĩa lại chữ "lãi suất", hay tiền lời cho vay, như cho vay ít mà về sau đòi nợ nhiều, nhưng lại không gọi khoản sai biệt ấy là tiền lời.
Họ cũng định lại thuế suất cao hơn, như 5-10%, áp dụng trong nông nghiệp tùy loại đất đai và tiêu tưới. Một số nơi còn hạn chế quyền kinh doanh cho riêng người theo đạo, chứ dân nước ngoài chỉ có thể liên doanh hay mượn danh nghĩa của dân địa phương để làm ăn và trả tiền thuê tên cho họ. Điều này thật ra không mấy khác hoàn cảnh của nhiều xứ theo kinh tế thị trường nhưng dưới định hướng xã hội chủ nghĩa, ở đây là định hướng Hồi giáo.
Đấy là vài thí dụ đáng chú ý, nhưng đáng chú ý hơn cả là ở nơi có giáo luật khắt khe nhất thì thiểu số cao cấp trong hàng giáo phẩm hay hệ thống chính trị có lắm đặc quyền nhất, nên có mức công bằng xã hội thấp nhất, như trường hợp nhiều xứ Trung Đông. Ngược lại, tại Đông Nam Á, ta thấy khuôn khổ thông thoáng hơn cũng cho phép người dân được lắm quyền hạn kinh tế hơn, và nhờ đó mức sống cải thiện đáng kể. Việc có Ngân hàng Hồi giáo hay Chứng khoán Hồi giáo đã thành bình thường và phổ biến ở nhiều nước.
Hỏi: Bây giờ, ta mới trở lại chuyện al-Qaeda và lời kêu gọi của Osama bin Laden. Ông ta cho rằng chủ nghĩa Hồi giáo theo xu hướng diễn giải của họ có giá trị hơn chủ nghĩa tư bản. Điều ấy đúng sai ra sao"
Thưa ông, ta không nên quên rằng Osama bin Laden là con nhà tỷ phú tại Saudi Arabia, gia đình có quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo xứ này và làm giàu rất mạnh nhờ kỹ nghệ xây cất. Trong khi ấy, bin Laden có thể là một thiên tài về tổ chức, nhưng là tổ chức sự hủy diệt chứ chẳng xây dựng gì cả. Vì vậy, mình nên "trừ bì" gia giảm những lý luận tuyên truyền của anh ta.
Hỏi: Hình như ông đơn giản cho rằng đây chỉ là một màn tuyên truyền mà thôi"
Có thể là vừa tuyên truyền vừa hăm dọa, nghĩa là khủng bố tinh thần.
Theo lý luận của truyền thống Hồi giáo cổ điển, trước khi trừng phạt ai, thì cần tỏ lượng khoan hồng để cảm hoá kẻ sai lầm. Việc bin Laden cố thuyết phục dân chúng Hoa Kỳ cải đạo có thể hàm chứa một lời hăm dọa, rằng nếu không thì bị trừng phạt! Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đang bị cô lập trong một khu vực hiểm trở, có thể là bin Laden chỉ muốn tỏ rằng mình vẫn còn sống và tung ra hai băng hình với mục đích tuyên truyền mà thôi. Tôi không dám nói nhiều về chuyện này vì e rằng mình sẽ lạc đề qua chuyện an ninh!
Hỏi: Nhưng xét vào nội dung của băng video 26 phút mà ông nói, thì Osama bin Laden có nêu ra chỉ dẫn gì đáng chú ý về kinh tế hay hình thái kinh tế kiểu al-Qaeda chăng"
Qua 26 phút nói năng, giải ra 4.100 chữ Anh ngữ, phân thành 50 đoạn dài ngắn, thì bin Ladden quơ quào nhiều điều hàm hồ và sai lầm về lịch sử mà ta không kể ở đây. Về kinh tế và xã hội thì anh ta mượn màu Mác xít hoặc cực tả để đả kích chủ nghĩa tư bản và Mỹ.
Nhuốm mùi Mác-xít vì giải thích mọi quyết định của Mỹ từ lợi nhuận của tư bản là điều sai với thực tế. Lợi nhuận doanh nghiệp, kể cả của giới tài phiệt như ta ưa nói, chưa đến 10% tổng sản lượng GDP, chưa bằng 1/6 của lương bổng. Mà hơn 90% lực lượng lao động Mỹ làm việc trong xí nghiệp loại trung hay nhỏ. Các tập đoàn kinh doanh lớn của họ thật ra không có nhiều quyền hạn và ảnh hưởng như vậy.
Nhuốm mùi cực tả, kể cả việc viện dẫn một nhà tư tưởng Mỹ là Noam Chomsky, như khi giải thích chiến tranh, đả kích toàn cầu hoá, nói tới nạn nhiệt hóa địa cầu hay hủy diệt môi sinh như hậu quả của tư bản chủ nghĩa.
Thật ra, các nước xã hội chủ nghĩa đã hủy hoại môi sinh mà không có tăng trưởng kinh tế, như đã ta thấy tại Trung Quốc thời Mao, Liên Xô thời Stalin hay Brezhniev, và cả tại Việt Nam thời chủ quan duy ý chí đòi "vắt đất ra nước thay trời làm mưa", hay "đẩy sóng ra khơi nối chân trời gần lại", là khi dân bị đói mà đồng bằng ngập mặn, bị hạn hán hay lũ lụt vì chính sách thủy lợi tai hại.
Trái lại, trong kinh tế thị trường thì người dân và giới tiêu thụ mới có sự chọn lựa và nếu quan tâm đến vệ sinh hay môi sinh thì họ có quyền đòi chính quyền và giới sản xuất phải có biện pháp xử lý, là chuyện đang xảy ra ngày nay.
Hỏi: Đó là mấy mặt tiêu cực của tư bản chủ nghĩa theo lý luận của Osama bin Laden. Chứ ông ta có nói gì về mặt tích cực của đạo Hồi theo lối suy diễn của ông ta không"
Tôi không nhắc tới các ưu điểm về mặt thần học của Hồi giáo theo lý luận của bin Laden. Nếu chú ý đến kinh tế học thì thấy anh ta nhắc tới sự bóc lột của kẻ có tư bản, hay thuế suất hay lãi suất tín dụng địa ốc điên rồ, trong khi lại khẳng định rằng đạo Hồi không đánh thuế, chỉ có loại "thuế từ thiện" là Zakkat với tô suất 2,5%. Nói chung thì đả kích rất mạnh mà đề nghị rất ít và lại là những chuyện đã lỗi thời ngay trong thế giới Hồi giáo.
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông. Liệu việc tuyên truyền như vậy cho đạo Hồi kiểu al-Qaeda sẽ có tác dụng không"
Tôi trộm nghĩ là, trước tiên, ta nên nghi ngờ loại tư tưởng cao thượng mà biện minh cho hành động sát nhân. Lý luận của Osama bin Laden hay mạng lưới al-Qaeda thuộc xu hướng sát nhân ấy và tuần qua đã bị nhiều nhà lý luận Hồi giáo đả kích và sẽ khó thuyết phục được thành phần Hồi giáo ôn hoà hay hiện đại hơn.
Tuy nhiên, và điều này không mâu thuẫn với điều trên, ta không nên đánh giá thấp sự mê muội của một số người. Xưa kia, lý luận cách mạng vô sản kiểu Mác kiểu Mao vẫn huy động được nhiều nhóm đặc công khủng bố, như Lữ đoàn đỏ của Ý hay Nhật, nhóm Baader-Meinhof của Đức, Con đường sáng của Peru. Ngày nay, vẫn có người từ bỏ đạo Hồi ôn hoà hoặc các tôn giáo khác để theo con đường khủng bố tự sát vì loại tư tưởng cao đẹp mà sát nhân của al-Qaeda. Cho nên, dù bin Laden có bị cô lập, dư luận không nên đánh giá thấp hậu quả của lời tuyên truyền này, vì vẫn mê hoặc loại khủng bố tự phát, nội hoá hay địa phương, nhân danh al-Qaeda để tấn công các xã hội tự do.