Trang kinh dị: Con Ma Nhà Xác
(Tiếp theo số 497...)
Dù đã từng thực nghiệm phẫu thuật trên nhiều cái xác án mạng, nhưng nghe bác Tám bảo con dao vẫn còn cắm sâu trong người cô gái, Lệ lè lưỡi kêu khẽ:
-Ôi chao, ghê quá đi!
Công nhún vai:
-Ai bảo Lệ chọn ngành phẫu nghiệm, con gái mà khoái mấy cái chuyện rùng rợn.
Lệ bẽn lẽn cười:
-Lúc còn học ở trung học, Lệ mê những sách trinh thám của ông Thế Lữ lắm, nên Lệ có mộng ước làm bác sĩ mổ... thây ma để được làm việc chung với những chàng thám tử tài ba như Lê Phong vậy đó.
Cô gái lại rùng vai tỏ vẻ ghê sợ:
-Lệ đâu có ngờ sự thật lại phũ phàng như thế này.
Công cười chế giễu cô bạn khốn khổ:
-Thám tử Lê Phong của người đẹp đâu rồi, sao không đến bảo vệ cho nàng"
Lệ ném sang Công một cái nhìn nhiều ngụ ý:
-Có chứ, có một thám tử đang ở bên cạnh Lệ, Lệ cảm thấy được an toàn lắm.
Công hiểu rõ nàng muốn ám chỉ ai, nhưng chàng vẫn cử giả vờ xoay tròn tìm kiếm:
-Đâu, ông thám tử ấy đâu, tôi không thấy"
Lệ cúi đầu thẹn thùng nói nhỏ, chỉ để cho mỗi nàng nghe thôi:
-Người ta đã nói thế mà cứ làm như không biết!
Bác Tám mở cánh cửa phòng nhận xác, hướng dẫn Công và Lệ đến một chiếc giường phủ một tấm vải trắng lớn, bên dưới cồm cộm một cái xác chết. Bác Tám vừa giở tấm vải vừa chặc lưỡi:
-Bác sĩ xem coi có thảm thương không, hà..., chẳng biết ai mà ác độc quá chừng, người ta bụng mang dạ chửa như thế này...
Lệ hồi hộp bước đến để nhìn cho rõ. Khuôn mặt trắng bệch của một cô gái trong độ tuổi chỉ ngoài hai mươi hiện ra dưới tấm vải mở, nhăn nhó trong một trạng thái hẳn là kinh hoàng và đau đớn lắm. Hai cái mi mắt của cái xác mở hé, để lộ đôi thủy tinh màu nâu đục ngầu. Có lẽ nào cái chết tức tưởi đã không thể làm cho nàng nhắm mắt yên nghỉ được. Con ngươi trừng trừng, mà Lệ rùng mình ớn lạnh, có cái cảm giác như chúng đang hướng về nàng. Bác Tám chắc cũng nhận thấy như thế, bác đã chứng kiến không biết bao nhiêu những cái chết oan ức như thế này, trong những hình thái còn rùng rợn hơn nhiều. Ông già đưa bàn tay với những ngón khô đét nhăn nheo vuốt mắt cái thây, lẩm nhẩm cầu nguyện:
-Nam Mô A Di Đà Phật, hồn sống khôn thác thiêng hãy cởi bỏ mọi oán thù, siêu thăng đi đầu thai làm kiếp khác. A Di Đà Phật, hồn hãy an nghỉ và nhắm mắt ra đi, đừng luyến tiếc cõi thế gian này...
Ông lão trịnh trọng đặt bàn tay lên đôi mắt của cô gái, chậm rãi vuốt xuống. Nhưng thật kỳ dị, khi bàn tay bác Tám đã rời khỏi khuôn mặt của cái xác chết, thì Lệ đã đưa tay lên miệng kêu khẽ:
-Trời, nó vẫn còn... mở kìa...
Đôi mắt của cái thây ma vẫn cứ trợn trừng. Nó không chấp nhận lời khấn nguyện của ông già. Cứ nhìn cái vầng trán nhăn tít và đôi mắt long lên tia hận thù thế kia, vong hồn của nó chắc còn lẩn quẩn đâu đây. Da dẻ Lệ nổi gai ốc, nhớ đến câu chuyện cô gái ma ngồi bó gối nhìn trăng trên bậc tam cấp của nhà xác. Trí tưởng tượng còn đưa nàng đi xa hơn, có thể nào trong đêm nay, eo ơi, cô gái này cũng sẽ trỗi dậy đi lang thang trong cái nghĩa địa hoang vắng, hay ngồi than khóc trong bụi chuối rậm bên hiên nhà.
Bác Tám lắc đầu thở ra, càng làm cho tình thế tồi tệ và ghê rợn hơn, bác kéo tấm vải xuống khỏi bụng của cô gái. Một con dao nhọn, chắc là dao nhà bếp cắm ngập sâu vào cái bụng tròn trĩnh của nàng. Sức đâm quá mạnh, nên lưỡi dao ngập sâu và biến mất trong da thịt, chỉ còn nhú lên cái cán. Bằng con mắt nhà nghề, Lệ đã ước lượng được ngay, có thể con dao sẽ chạm vào đầu đứa trẻ trong bụng của cô gái. Dù lưỡi dao có đi trệch hướng thì đứa trẻ cũng đã chết theo người mẹ mất rồi. Bác Tám rầu rầu nói với Công:
-Thôi, cậu với cô Lệ làm phẫu nghiệm đi, viết cái báo cáo kẹp chung vô với tờ trình án mạng của cảnh sát, ngày mai tui đưa ông giám đốc ký duyệt sớm, rồi mình gởi qua cho cảnh sát họ điều tra và truy nã hung thủ. Cô với cậu cứ thong thả làm việc nghe, tui qua phụ mấy ông làm tiết canh, khi nào xong tui qua báo cô cậu hay.
Lệ mở cái tủ kính lấy đồ giải phẩu đặt trên chiếc khay nằm trong chiếc xe đẩy nhỏ bằng kim loại không rỉ sét, mà người ta thường hay gọi là I nốc xy đáp. Giải phẫu tử thi không phải là trách nhiệm của Công, chàng chỉ giữ vai phụ việc cho Lệ, nàng bảo thế nào thì chàng làm theo thế ấy. Lệ kéo chiếc khẩu trang lên mũi, bắt đầu công việc, nàng rút tờ trình của cảnh sát tại hiện trường nằm trong cái túi nhựa nylon trắng treo ở đầu giường ra xem, để có một khái niệm tiên khởi về vụ án mạng. Lệ đọc nhanh những hàng chữ viết vội và vắn tắt của viên cảnh sát: Thành phố Cần Thơ ngày 15.5.1960. Chúng tôi là cảnh sát viên Nguyễn Văn Y và Lê Thành Trí đang đi tuần trên đường phố trong khu vực trách nhiệm gần Cầu Cái Khế, bên cạnh Dinh Ông Tướng, thì có một đồng bào là bà Trần Thị Lắm với nét mặt hốt hoảng chạy đến báo tin có một án mạng tại Hẻm Cây Mít, đường Cống Quỳnh, rất gần điểm tuần tra của chúng tôi. Chúng tôi lập tức gọi được một chiếc xe cảnh sát tuần cảnh chở chúng tôi và bà Lắm đến hiện trường. Tôi nhìn đồng hồ thì lúc đó là 6 giờ 5 phút chiều.
Tại hiện trường, là một căn nhà nhỏ vách lá, lợp tôn, rất nhiều đồng bào hiếu kỳ đang vây kín bên ngoài. Chúng tôi buộc phải giải tán họ để rộng chỗ làm việc và quan sát. Một người đàn bà đang nằm bất động trên một vũng máu bên trong nhà, ngoài ra không còn ai khác. Cảnh sát viên Trí thận trọng khám động mạch cổ và đi đến kết luận rằng nạn nhân đã chết. Nạn nhân là một cô gái khoảng hơn hai mươi tuổi, chúng tôi chưa tìm thấy giấy tờ tùy thân (sẽ báo cáo bổ sung khi tìm thấy), nằm chết trong tư thế nghiêng về phía tay phải. Quan sát kỹ thì thấy có một con dao, phần lưỡi dài ít nhất hai tấc cắm sâu vào bụng dưới của nạn nhân. Chúng tôi giữ nguyên hiện trạng của nạn nhân chờ thanh tra hình sự đến. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi ghi nhận lời khai của nhân chứng là bà Trần Thị Lắm. Trước khi án mạng xảy ra, bà Lắm là người hàng xóm cư ngụ sát vách với căn nhà có án mạng, bà đã nghe tiếng cãi vả dữ dội của vợ chồng nạn nhân, tiếng la hét và đánh nhau. Bà Lắm nghe một tiếng hét rùng rợn của người đàn bà, bà chạy qua xem thì thấy người chồng tên là Tấu nhảy qua rào sau chạy trốn, trong khi người vợ đang oằn oại trong vũng máu. Bà Lắm bèn chạy đi tìm cảnh sát và gặp toán tuần tra gần nhất là tôi, cảnh sát viên Nguyễn Văn Y và đồng sự là Lê Thành Trí. Bà Lắm còn khai thêm là tên Tấu, nghề nghiệp lơ xe đò, hay nhậu nhẹt say sưa về nhà đánh chửi vợ rất tàn nhẫn. Nay chúng tôi làm báo cáo này và đồng ký tên xác nhận. Kính trình.
Lệ tìm thấy một trang giấy kẹp thêm vào tờ trình: Báo cáo bổ sung. Chúng tôi có tìm thấy một cái xách tay của nạn nhân, bên trong có nhiều vật dụng cá nhân và một vài giấy tờ lặt vặt, kèm với một thẻ căn cước có hình của nạn nhân. Nạn nhân tên là Nguyễn Thị Hường, sanh năm 1937 tại xã Long Tuyền, quận Bình Thủy, tỉnh Phong Dinh, nghề nghiệp: nội trợ. Cái xách tay và những vật tùy thân của cô Hường đã được chúng tôi giao nạp cho ông thanh tra hình sự Huỳnh Bá Thân, thuộc Ty Cảnh Sát Cần Thơ. Cảnh sát viên Nguyễn Văn Y và cảnh sát viên Lê Thành Trí kính trình.
Đọc xong tờ trình của cảnh sát viên Y, Lệ xúc động phác họa trong ý nghĩ cuộc đời bất hạnh của Hường, nếu lời khai của bà Lắm là đúng, rằng tên Tấu là một người chồng hư hỏng. Hường đã vật vã sống bao nhiêu năm, cay đắng chịu đựng bao nhiêu sự đau khổ trong cõi địa ngục đó. Giờ đây, dưới ánh sáng của ngọn đèn vàng treo ngay trên đầu giường, Lệ nhận ra rất nhiều vết bầm trên khuôn mặt của của cô gái, chứng tỏ nàng đã bị chồng đánh đập dã man trước khi chết. Đôi mắt của Hường vẫn hé mở, trừng trừng nhìn Lệ, ánh lên những tia căm thù, uất hận, khiến nàng rùng mình buộc phải quay mặt xuống vùng bụng của cô gái. Con dao cắm quá sâu vào phía bụng dưới của cái xác chết, Lệ không thể dùng tay rút ra được ngay, vì máu sẽ phun vọt lên dưới sức ép của không khí bên ngoài, chắc chắn Lệ và Công sẽ lãnh đủ. Lệ phải mở rộng vết đâm để quân bình áp suất trong khoang bụng và không khí. Bằng một động tác khéo léo để cho Công phải lé mắt, Lệ rạch hai đường dọc phía trên và phía dưới lưỡi dao để mở thành bụng của Hường, thẳng băng và đẹp không chê vào đâu được đến đỗi Công không thể không gục gặc đầu tỏ vẻ khen ngợi. Lệ thận trọng kéo nhẹ mũi dao, đường cắt rạch đến đâu, máu đen ứa ra đến đấy. Dẫu đã quen với mùi xác chết, nhưng mùi máu tanh tưởi xộc lên mũi, làm Công và Lệ phải lùi lại xoay đầu tránh. Mới chỉ có vài ba tiếng đồng hồ mà thịt da người chết đã bắt đầu dậy lên mùi thối rửa. Cái mùi ấy thật kỳ dị, nó nặng nề hơn cả mùi súc vật chết, mà người ta gọi là âm khí. Bất cứ một con người chết nào cũng đều toát ra mùi tử khí nồng nặc như thế, khiến cho những con người sống phải rờn rợn rùng mình, liên tưởng đến những chuyện ma quái thuộc về thế giới bên kia.
Khi mũi rạch của con dao mổ đã mở được khoang bụng của cái thây, Côn nhanh chóng dấp nhiều tấm vải gạc thấm máu, rồi chàng ném chúng vào một cái chậu thiếc đặt bên dưới. Chợt Công nghe tiếng kêu ú ớ kinh hoảng của cô bạn phía sau cái khẩu trang che miệng:
-Á... anh Công ơi, xem này... ghê quá!
Công cúi đầu nhìn vào theo ngón tay chỉ của Lệ, chàng giật mình suýt đánh rơi nắm vải gạc trong tay. Giữa những cơ quan nội tạng xếp lớn ken đặc, từ những vũng máu đen còn ứ nhầy nhụa trong bụng cô gái, Công đã nhìn thấy mũi con dao bén cắm ngập vào cái sọ tròn nhỏ của cái bào thai đã tượng hình người. Nhưng cái đó vẫn chưa kinh khủng bằng đôi mắt mở to đầy vẻ kinh dị và rùng rợn của đứa bé. Một cái thai nhi không bao giờ mở mắt trước khi nó được người mẹ cho ra đời theo con đường mà tạo hóa đã ấn định. Nhưng ở đây, con dao của Tấu đã ngập lút quá sâu trong bụng của Hường, đến đỗi nó cắm ngập luôn vào sọ đứa nhỏ. Khoa học ngày nay vẫn chưa biết được là liệu một cái bào thai đã thành hình người có cảm xúc hay không, đã phát triển hệ thần kinh khá đầy đủ để phản ứng trước những tác động bên ngoài, như mũi dao chẳng hạn, để nó phải mở mắt trừng trừng như thế này. Từ đôi thủy tinh nhỏ như hai hòn bi của đứa trẻ, dường như chúng cũng chiếu ra những tia hờn oán, y hệt như của mẹ nó. Lệ rùng mình ớn lạnh tự hỏi, có lẽ nào đứa trẻ này nó cũng có linh hồn, để cảm nhận được những phiền lụy của cuộc đời.