Cổ Ngữ Trong Văn Việt
Em thích học tiếng Việt tại Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam vào mỗi ngày Chủ Nhật và em thích học tiếng Việt nhiều hơn nữa khi em và em Kaeley được mẹ dạy cho hai chị em học thêm môn Cổ văn và Đức dục ở nhà. Em rất thích dùng cổ ngữ trong văn Việt để lời nói thêm văn hoa, bóng bẩy và mang nhiều ý nghĩa sâu đậm. Thí dụ như câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy), câu “Nhân vô thập toàn” (Không ai mười phần hoàn toàn cả, ai cũng có khuyết điểm), câu “Nhập gia vấn húy, nhập quốc vấn tục” câu này cũng tương tự như câu “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc” (Phải biết cách sống và cư xử sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, câu “Dục tốc bất đạt” (Vội vàng hấp tấp thì việc không thành đạt được), câu “Vạn sự khởi đầu nan” (Mọi công việc đều khó khăn lúc ban đầu), câu “Nhất cử lưỡng tiện” (Cùng một lúc mà làm được hai ba việc cho đỡ tốn kém, đỡ mất thì giờ), câu “Nhàn cư vi bất thiện” ( Nhàn rỗi quá sẽ đưa ta đến những việc làm không tốt). Nhiều lắm những câu rất hay em không thể kể hết được.
Còn nhỏ nên em thích ăn uống, vui đùa trong sự hòa khí, không cãi cọ vì thế em rất thích câu “Dĩ thực vi tiên, dĩ hòa vi quý) (Lấy việc ăn uống là trước, lấy sự hòa thuận, êm thắm là quý). Sự học mênh mông vô tận nên em thích học hỏi và thích biết nhiều nhưng em không quên câu “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (Cái đáng quý là phẩm chất cao chứ không phải số lượng nhiều), vì thế khi học điều gì hoặc làm điều gì, em luôn chuyên cần vào một việc và quyết tâm học cho đến cùng thì sự học và việc làm mới có kết quả mỹ mãn và giá trị.
Tính em rất cẩn thận để tránh những việc rắc rối xẩy ra vì “Cẩn tắc vô ưu” (Cẩn thận thì không phải lo âu). Cổ ngữ trong tiếng Việt thật là phong phú, càng học em càng thấy mình cần phải học nhiều hơn nữa. Ai cũng phải đi học để có kiến thức và phải biết sử dụng kiến thức của mình cho đúng. “Nói có sách, mách có chứng” (Dựa vào sách vở mà nói, dựa vào chứng cớ mà thưa gửi). Tuy nhiên người có học vấn chưa đủ, phải có đức hạnh mới là người toàn diện và được sự kính trọng của người chung quanh. “Tiên học lễ, hậu học văn” (Trước hết là phải học lễ nghĩa, đạo đức, sau tới học chữ nghĩa, văn chương) và phải nhớ “Tu thân tích đức” (Sống hoàn thiện, giữ sự đức hạnh và tiết nghĩa cho mình). Nhận thức được điều này nên em rất thích học môn Đức dục với mẹ. Những câu truyện ngắn trong Cổ Học Tinh Hoa được mẹ mang ra giảng vào mỗi buổi tối thật là bổ ích cho trí tuệ của hai chị em. Em thích nhất truyện “Thương mẹ già yếu”. Truyện kể rằng Hàn Bá Du là một người con có hiếu. Những khi có lỗi, mẹ thường đánh đòn. Một hôm Bá Du phải đòn, khóc mãi. Mẹ thấy vậy hỏi Bá Du” “Mọi khi mẹ đánh, con biết lỗi, con cam chịu ngay. Lần này sao con khóc dai thế"” Bá Du thưa: “Mọi khi mẹ đánh con thấy đau, con biết mẹ còn mạnh khỏe. Lần này mẹ đánh con không thấy đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, nên con thương mẹ mà con khóc.” Các bạn nghĩ gì về Hàn Bá Du" Thật là một người con có hiếu, đáng được khâm phục, phải không các bạn" Bá Du bị đòn không oán giận mà còn thương mẹ nhiều hơn. Bá Du là một tấm gương sáng cho những người con hư hỏng không biết ơn cha mẹ dạy dỗ mà còn mang lòng oán hận.
Thật hãnh diện sao hai chị em rất là ngoan ngoãn nên chẳng bao giờ bị bố mẹ đánh đòn nhưng em nghĩ nếu có bị đòn đi chăng nữa thì em và em Kaeley cũng giống như Hàn Bá Du sẽ cam chịu đau để sửa lỗi lầm của mình chứ không bao giờ oán giận vì khi cha mẹ còn khuyên bảo, dạy dỗ hay đánh đòn có nghĩa là cha mẹ còn thương đấy. Đúng như câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.