Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Câu Chuyện Thầy Lang: Lại Nói Sinh Tố, Khoáng Chất

09/05/200800:00:00(Xem: 7264)

Trong góc tiệm phở, cụ Linh và cụ Đặng đang rù rì tâm sự:

-Này cụ ạ, từ ngày tôi uống thêm sinh tố E, “thằng nhỏ” nó mạnh ra phết.

-Vậy à, thế cụ uống bao nhiêu viên"

-Tôi uống có một viên mỗi ngày. Nhưng hình như khi nào uống tới 2 viên thì tốt hơn. Tốt hơn cả mấy chú V, C đấy.(1)

-Vậy thì tôi cũng phải thử mới được. Chứ cứ “Trên bảo, dưới không nghe”mãi, chán quá.

Truyền hình, radio, báo chí thường xuyên phổ biến những quảng cáo, kết quả nghiên cứu cho hay sinh tố này làm tóc óng mượt, làm da mềm mát, khoáng chất kia giúp trẻ mãi không già, ăn ngon ngủ yên, không còn căng thẳng buồn phiền lại thêm thông minh, nhớ dai siêu việt.

Các nhà kinh tế cho hay, hàng năm công chúng tiêu cả nhiều tỷ đô la để mua các sinh tố khoáng chất về dùng thêm.

Cứ theo như thăm dò dư luận thì có tới 70-80% dân chúng đang dùng thêm sinh tố khoáng chất theo ý muốn của mình, do bạn bè rỉ tai, sau khi nghe “khuyến mãi” hoặc do bác sĩ chỉ định.

Vậy thì sinh tố, khoáng chất là gì, công dụng ra sao mà được nhiều người tốn tiền mua về dùng thêm như vậy"

Hiểu biết căn bản

Tiếng Anh, Pháp gọi sinh tố là Vitamins. Vita là life, là sự sống; amin là tên một hóa chất. Vậy thì vitamins là “hóa chất amin cần thiết cho sự sống.”

Từ điển y học Webster định nghĩa vitamins là “một trong những chất hữu cơ, hiện diện với số lượng rất ít trong thực phẩm thiên nhiên và rất cần thiết cho sự chuyển hóa bình thường trong cơ thể”.

Theo các nhà y khoa học, số lượng sinh tố cần thiết cho cơ thể rất ít, tính theo phần ngàn của gram (milligram), đôi khi nhỏ hơn nữa, phần triệu của gram. Chẳng hạn như sinh tố C là sinh tố nên cung cấp cho cơ thể nhiều nhất, mà cũng chỉ có 60mg mỗi ngày, sinh tố B12 chỉ cần 6mcg/ ngày. 1mcg bằng 1/triệu gram.

Sinh tố có tự nhiên trong thực phẩm, đôi khi do cơ thể tạo ra và có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm.

Có 13 loại sinh tố với tên theo mẫu tự A, B, C, D, E, K…Ngoài tên theo mẫu tự, vài sinh tố có tên riêng như B1 còn gọi là thiamine, B6 là pyridoxine.

Sinh tố được chia ra làm hai nhóm:

-Nhóm hòa tan trong dầu mỡ là sinh tố A, D, E, K. Vì tan trong dầu nên nếu tiêu thụ quá nhiều, sinh tố sẽ được dự trữ trong mô bào béo và đôi khi có thể gây độc cho cơ thể.

-Nhóm hòa tan trong nước là các sinh tố B (B1, B2, B3, B5, B6, B12), biotin, folacin,  và sinh tố C. Tiêu thụ quá nhu cầu, các sinh tố này sẽ loại theo nước tiểu ra ngoài do đó tương đối ít gây nguy hại.

Mỗi loại thực phẩm có sinh tố theo tỷ lệ nhiếu ít khác nhau. Có thực phẩm hầu như không có một vài trong số 13 sinh tố cần thiết vừa kể.

Mỗi sinh tố có một nhiệm vụ riêng do đó sinh tố này không thay thế hoặc làm công việc của sinh tố kia.

Khoáng chất cũng có trong thực phẩm với nhiều loại và với tỷ lệ nhiều ít khác nhau. Các khoáng thường được nói tới là calci, iodine, sắt, magnesium, phosphor, selelium, kẽm.

Ngoại trừ calci với nhu cầu hàng ngày từ 1-2 gram, các khoáng khác chỉ cần trên dưới 100mg mỗi ngày.

Để có đủ các loại sinh tố, khoáng chất ta chỉ cần phối hợp, tiêu thụ nhiều loại thực phẩm khác nhau trong mỗi bữa ăn.

Dùng thêm

Nếu phần ăn đã có đủ các loại sinh tố, khoáng chất cho nhu cầu cơ thể thì có phải uống thêm không" Nếu cần thì trong những trường hợp nào" Sinh tố có gây ra tác dụng nguy hại nếu dùng quá nhiều, quá lâu không" Và liệu có nên dùng thêm để phòng tránh bệnh này, chữa trị bệnh kia.

Đây là đề tài được nói tới rất nhiều của cả thường dân cũng như giới y khoa học.

Điều này cũng dễ hiểu, vì chúng ta đang sống trong thời kỳ mà mọi người đều có ý thức cao về vấn đề tự bảo vệ sức khỏe và cũng vì khám chữa bệnh bây giờ quá tốn kém, nhiêu khê, mất nhiều thì giờ. Cho nên, ai ai cũng muốn tìm những phương thức sẵn có để bồi dưỡng cơ thể, tránh bệnh tật. Dùng thêm sinh tố, khoáng chất là chuyện rất phổ biến, vì sinh tố khoáng chất sẵn có trên thị trường, mua lúc nào cũng được và cũng được giới thiệu với nhiều lời “khuyến mãi” hấp dẫn.

 Nên để ý là các sản phẩm này được xếp vào loại dinh dưỡng phụ thêm, chứ không thay thế cho thực phẩm và cũng không là dược phẩm. Nhà sản xuất không cần xin phép chính quyền trước khi tung ra thị trường, trừ khi gây ra nguy hại cho sức khỏe công chúng. Tới khi đó thì chính quyền mới can thiệp, yêu cầu thu hồi.

Một số người nghiêng về việc cần dùng thêm, vì:

-Cho là thực phẩm càng ngày càng kém phẩm chất vì đất trồng trọt kém mầu mỡ, nhiều hóa chất trừ sâu, phân bón hóa học khiến cho sản phẩm nom đẹp chứ ít dinh dưỡng.

-Nhiều người dường như thích ăn thực phẩm tạp nham hơn là thực phẩm nhiều dinh dưỡng, do đó họ sợ là sẽ thiếu sinh tố khoáng chất.

-Mọi người làm việc cực nhọc hơn và ăn uống ít hơn vì không có thì giờ, đưa tới thiếu sinh tố khoáng chất.

-Đọc nghe các lời giới thiệu nói dùng thêm sẽ tăng cường sinh lực, bồi bổ trí óc, ăn ngủ điều hòa, trẻ mãi không già…

Do đó họ cảm thấy yên tâm hơn, nếu uống thêm mấy viên hỗn hợp sinh tố, khoáng chất. Điều này thực ra cũng hợp lý, nếu dùng vừa phải sau khi đã tham khảo ý kiến với bác sĩ gia đình.

Giới chức dinh dưỡng, y tế thường dè dặt hơn với các ý kiến như:

-Nên để ý là chưa có sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu về việc dùng thêm một số lượng lớn sinh tố khoáng chất có thể phòng tránh được bệnh và đưa tới tuyệt hảo về sức khỏe.

-Khoa Trưởng Danh Dự khoa Dinh Dưỡng Stanley Gerhoff, Đại Học uy tínTufts, tâm sự như sau: “Không gì làm vui lòng chúng tôi hơn là khi có thể thông báo cho công chúng rằng dùng liều lượng lớn một hoặc nhiều chất dinh dưỡng sẽ mang đến phúc lợi cho sức khỏe. Trước khi nói được như vậy, một số tiêu chuẩn cần được xác định: sản phẩm phải hữu hiệu, an toàn với số lượng dùng rõ ràng. Các chất chống oxy hóa chưa hội đủ các tiêu chuẩn này. Kết quả nhiều nghiên cứu đã bị các khoa học gia, truyền thông và các doanh nhân sản xuất antioxidant bóp méo. Công chúng trở nên bối rối, khó mà phân biệt thực, hư.

-Tại Hoa Kỳ, trên mỗi sản phẩm phụ thêm, các nhà sản xuất đều phải ghi rõ là “Các điều ghi ở đây chưa được cơ quan Thực Dược Phẩm đánh giá. Sản phẩm này không có mục đích để chẩn đoán, điều trị hoặc chữa lành bệnh”. Các quốc gia khác chắc  cũng có ghi chú tương tự, để lưu ý người dân, tránh bị lừa đảo lợi dụng.

-Chuyên gia dinh dưỡng Karen Miller-Kovach nhận thấy là một số không nhỏ sản phẩm có sinh tố khoáng chất nhiều gấp bội nhu cầu cơ thể và đưa tới mất cân bằng. Một số khác lại có các chất rẻ tiền như sinh tố nhóm B hoặc nhiều sinh tố C mà quần chúng ưa thích. Sản phẩm căn cứ trên thị hiếu của dân chúng nhiều hơn là nhu cầu dinh dưỡng.

-Đối với cơ thể, quá nhiều một vài sinh tố khoáng chất có thể gây nguy hại cho sức khỏe. 

Giáo sư Đại học John Hopkins Benjamin Caballero đưa ra một thí dụ: “Nếu đã tiêu thụ thực phẩm có đầy đủ sinh tố A mà lại còn dùng thêm tới 100% nhu cầu thì cơ thể sẽ dễ dàng tích tụ quá nhiều sinh tố này và tăng rủi ro bệnh loãng xương”.

-Ngày 16-4-2008 vừa qua, các khoa học gia tại Bệnh viện Đại học Copenhagen, Đan Mạch, đã công bố kết quả kiểm điểm hơn 70 nghiên cứu về tác dụng của các chất chống oxy hóa vitamins E, A, Beta carotene đối với tuổi thọ. Theo các bác sĩ Goran Bjelakovic và Christian Gluud của nhóm nghiên cứu, “không có bằng chứng nào hỗ trợ cho ý kiến là dùng thêm các antioxidant có thể giảm rủi ro tử vong ở người khỏe mạnh hoặc ở người đang bị nhiều bệnh”. Nhóm đề nghị nên có những điều khoản quy định về việc dùng các chất antioxidant, tương tự như quy định liều lượng tối đa đối với thuốc chống đau paracetamol (Tylenol). Đại diện Hội Dinh Dưỡng Anh quốc Catherine Collins cũng đồng quan điểm về các quy luật này.

-Một số khoáng chất cũng vô hiệu hóa lẫn nhau để được hấp thụ. Chẳng hạn kẽm tranh đua với sắt mà sắt lại kèn cựa với sự hấp thụ calcium.

Hội Dinh Dưỡng Hoa Kỳ và các tổ chức y khoa đáng tin cậy đều đồng ý là phương thức hữu hiệu nhất để cung cấp cho cơ thể các vitamins và khoáng chất cần thiết là qua một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đa dạng và hợp lý.

Tuy nhiên, trong mấy trường hợp đặc biệt như sau, đôi khi cũng nên dùng thêm sinh tố, khoáng chất:

-Người cao tuổi thường ăn không đầy đủ các chất dinh dưỡng vì sức khỏe kém. tâm trạng buồn rầu, răng lợi lung lay, tác dụng phụ khi uống nhiều thuốc, khẩu vị giảm, ăn uống ít đi, nhất là nếu lại sống đơn côi, trong nhà dưỡng lão. Ngoài ra, cơ thể họ cũng không hấp thụ được một số chất dinh dưỡng như sinh tố D, B12…Các vị này cần phải dùng thêm các đa sinh tố khoáng chất để bổ sung cũng như để tăng cường hệ miễn nhiễm, bảo vệ cơ thể với rủi ro bệnh tật.

-Với phụ nữ ở tuổi mãn kinh, giảm estrogen đưa calci vào xương, cần hỏi ý kiến bác sĩ để dùng thêm calci và sinh tố D để phòng tránh bệnh loãng xương.

-Phụ nữ có thai và cho con bú, cần được bác sĩ hướng dẫn dùng thêm sắt, calci, folic acid cho nhu cầu của mẹ và con. Con cần calci để tạo xương. Sắt để mẹ có thêm hồng huyết cầu. Folic acid để con tránh được khuyết tật nứt đốt sống (spina bifida) với liệt hạ chi, chậm phát triển tâm trí.

-Hóa chất trong thuốc lá giảm sự hấp thụ các sinh tố C, B6, niacin, folic acid. Quý vị thường xuyên “nhớ nhà châm điếu thuốc” cần dùng thêm các chất này. Tuy nhiên cũng xin thưa là, việc bổ sung sinh tố không tránh cho quý vị khỏi những rủi ro của thuốc lá như ung thư phổi, ho…

-Uống rượu như uống nước suối, cơ thể không tiêu hóa, hấp thụ được nhiều sinh tố khoáng chất như A, D, B12, niacin, folic acid, selenium, magnesium, phosphor, kẽm. Ấy là chưa kể, nếu “lấy rượu thay cơm” thì hậu quả còn tai hại hơn nữa cho sức khỏe.

-Ăn theo chế độ riêng như chỉ ăn rau trái thì cần thêm sinh tố B12 vì sinh tố này chỉ có trong thực phẩm từ động vật.

-Nếu không ăn được vài thực phẩm vì bị dị ứng hoặc bất dung cũng cần dùng thêm các sinh tố khoáng chất mà thực phẩm này có nhiều. Chẳng hạn, nếu không dùng được sữa, phó mát và không tắm nắng mặt trời mươi phút mỗi ngày thì cần dùng thêm calci, sinh tố D để xương vững chắc.

-Nếu đang bị bệnh gan mật, ruột, tụy tạng hoặc sau giải phẫu ống tiêu hóa, cơ thể sẽ không tiêu hóa, hấp thụ được một cách hoàn hảo và ta sẽ thiếu các chất dinh dưỡng. Trong các trường hợp này, bác sĩ sẽ giúp ta lựa chọn các sinh tố, khoáng chất mà cơ thể cần.

-Một vài loại dược phẩm như thuốc lợi tiểu, thuốc chống acid bao tử, thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng, thuốc viên ngừa thai cũng làm mất một số sinh tố khoáng chất trong cơ thể, và ta phải dùng thêm để bồ sung, sau khi được bác sĩ xác định nhu cầu.

Lựa chọn

Trước khi quyết định mua dùng thêm sinh tố khoáng chất, nên cân nhắc:

-Có thực là mình cần phải dùng thêm sinh tố khoáng chất để phụ thêm cho chế độ dinh dưỡng.

-Sản phẩm định mua, khi vào cơ thể, liệu có thực hiện đúng điều mà nhà sản xuất giới thiệu.

-Các chất nằm trong sản phẩm có đúng là các chất mà nhà sản xuất ghi trên nhãn hiệu.

-Thành phần sản phẩm có căn cứ vào kết quả các nghiên cứu mới nhất về dinh dưỡng.

-Sản phẩm có được bảo đảm là hữu hiệu và không gây hại cho người tiêu thụ

-Sản phẩm dùng thêm này có tác động qua lại với dược phẩm hoặc các chất phụ thêm mà ta đang dùng.

-Không cần trả thêm tiền cho quảng cáo là sản phẩm hoàn toàn hữu cơ, vì bản chất của sinh tố đã là chất hữu cơ.

-Dù là thiên nhiên nhưng sinh tố khoáng chất cũng có thể gây nguy hại cho cơ thể, nếu dùng thêm quá nhiều.

-Không có sinh tố khoáng chất nào có thể trực tiếp tăng cường sinh lực cho một người không thiếu các chất dinh dưỡng này.

-Sinh tố khoáng chất chỉ là “chất mồi”, cần thiết với số lượng rất ít cho các chức năng cơ thể.

-Các sinh tố khoáng chất phối hợp với nhau để tác động lên cơ thể, vì thế không nên dùng riêng rẽ từng thứ mà tập hợp nhiều thứ để có sự cân bằng với nhau.

-Nên đọc kỹ nhãn hiệu và theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

-Dùng khi ăn, để tránh gây khó chịu cho dạ dày

-Cất giữ sinh tố khoáng chất xa tầm với của con trẻ

-Đừng nói với trẻ em rằng sinh tố khoáng chất là “viên kẹo”, kẻo chúng tưởng thật và lấy ăn.

Kết luận

Một chế độ ăn uống hợp lý với tuổi tác và hiện trạng cơ thể vẫn là điều cần thiết để có đầy đủ các chất dinh dưỡng, kể cả sinh tố khoáng chất.

Bác sĩ Benjamin Caballero, Giáo sư Đại học Y tế Công Cộng John Hopkins có ý kiến: “Nhiều người có ảo tưởng là sinh tố khoáng chất có thể bù đắp cho việc ăn uống cẩu thả. Nếu ta tiêu thụ thực phẩm táp nham (junk food) mỗi ngày thì sinh tố là vấn đề vô nghĩa đối với mình. Không gì có thể thay thế được một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Chúng ta không biết chất nào trong chế độ này là tác giả của một điều kiện sức khỏe tốt. Nhưng điều mà ta biết rõ là những ai ăn uống hợp lý đều ít bệnh hơn”.

Vì sinh tố khoáng chất dùng thêm không bao giờ có thể thay thế cho sự ăn uống đầy đủ sáu chất dinh dưỡng căn bản: chất đạm, chất béo, tinh bột, sinh tố, khoáng chất và nước.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Texas-Hoa Kỳ

(1) Viagra, Cialis là hai thuốc điều trị Rối Loạn Cương Dương

+++

Ngày Viêm Gan Toàn Cầu: Những Điều Quý Vị Cần Biết

Ngày 19 tháng Năm năm nay đánh dấu Ngày Viêm Gan Toàn Cầu đầu tiên. Là một người Mỹ gốc Á Châu, hẳn quý vị đã biết phần nào căn bệnh viêm gan B mãn tính - căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng của mình. Nhưng các dữ kiện bạn biết có đầy đủ và đúng hay không"

Có rất nhiều giả thuyết không đúng về căn bệnh viêm gan B mãn tính, và cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình là có được các thông tin đúng. Đây là một vài điều quý vị nên biết về bệnh viêm gan B, và các hiểu lầm thông thường về căn bệnh này.

Ba điều quý vị nên biết về bệnh viêm gan B mãn tính:

- Người Mỹ gốc Á Châu có tỉ lệ nhiễm vi khuẩn viêm gan B mãn tính cao gấp 10 lần so với các người Mỹ khác

Mặc dù người Á Châu chỉ chiếm 4% trên tổng dân số, chúng ta lại chiếm đến 40% trường hợp bị nhiễm vi khuẩn viêm gan B mãn tính trong toàn Hoa Kỳ. Sự thật, hiện trên 800,000 người Mỹ gốc Á Châu đang sống với căn bệnh viêm gan B mãn tính. 

- Gần 2 phần 3 người Mỹ gốc Á Châu bị nhiễm vi khuẩn viêm gan B mãn tính mà không biết họ hiện đang bị nhiễm

Vì nhiều người trong chúng ta không thử máu khám nghiệm bệnh viêm gan B, chúng ta không biết mình đang bị nhiễm vi khuẩn. Điều này chứng tỏ chúng ta không quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.

- Bệnh viêm gan B mãn tính được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì cứ trong 3 người thì có 1 người bị nhiễm bệnh không hề có dấu hiệu hoặc triệu chứng bệnh

Ngay cả khi quý vị không có triệu chứng bệnh, quý vị vẫn có nguy cơ cao bị bệnh gan, ngay cả bị ung thư. Trên thực tế, người Mỹ gốc Á Châu có tỉ lệ bị ung thư cao gấp 3 lần người Mỹ da trắng gây ra do bệnh viêm gan B.

Các hiểu lầm thông thường về bệnh viêm gan B mãn tính

- Bệnh viêm gan B chỉ lây qua đường tình dục

Sự thật, phần lớn người bị nhiễm bệnh viêm gan B từ khi được Mẹ sinh ra - điều này đặc biệt đúng nếu bạn sanh đẻ tại các nước Á Châu. Vì thế, cho dù quý vị có sinh hoạt tình dục một cách an toàn, quý vị vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh viêm gan B. Hơn nữa, thông thường nếu trong nhà có người bị nhiễm bệnh, quý vị và gia đình nên đi khám nghiệm truy tầm viêm gan B.

- Quý vị có thể vẫn là "người mang bệnh khỏe mạnh" của căn bệnh viêm gan B mãn tính.

Nhiều người tin vào điều này, nhưng đây không phải là sự thật. Một khi quý vị đã bị nhiễm bệnh viêm gan B mãn tính, quý vị nên xt nghiệm thường xuyên về bệnh gan và các biến chứng tiềm tàng. Tham khảo với bác sĩ của quý vị về các xt nghiệm này, và những phương thức ngăn ngừa tránh bị tổn thương gan nghiêm trọng.

- Quý vị có thể đã được tim chủng miễn nhiễm bệnh viêm gan B mãn tính

Điều này có thể không đúng. Một nghiên cứu gần đây cho biết 20% người Mỹ gốc Á Châu tin rằng họ đã được chích ngừa miễn nhiễm vi khuẩn viêm gan B nhưng thật ra họ thiếu ngăn ngừa chống bệnh.

- Quý vị có thể lây bệnh viêm gan qua đường ăn uống

Quý vị không thể lây viêm gan qua đường ăn uống hoặc dùng chung muỗng nĩa với gia đình và người khác.

Bây giờ quý vị đã biết một số dữ kiện, hãy tham khảo cùng bác sĩ để xét nghiệm bệnh viêm gan B mãn tính- và đừng quên khuyến khích cả khích gia đình của mình. Chỉ đơn giản một cuộc thử máu xét nghiệm mà phần lớn thường được miễn phí tại nhiều nơi.

Nếu quý vị không bị bệnh viêm gan B, hãy chích ngừa để phòng ngừa. Trong trường hợp xét nghiệm viêm gan B dương tính, quý vị cũng đừng quá hoang mang. Vẫn có những cách chữa trị để giúp bạn sống khỏe mạnh, và có khi chỉ là việc uống một viên thuốc mỗi ngày.

Vậy quý vị đừng sợ hãi và đừng để những thông tin sai lạc ngăn chặn việc chăm sóc sức khỏe của mình. Thay vào đó, hãy chủ động thử nghiệm bệnh viêm gan B nhân Ngày Viêm Gan Toàn Cầu (World Hepatitis Day), để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như của cộng đồng.

Để có các chỉ dẫn kín đáo và các thông tin về bệnh viêm gan B mãn tính, hoặc để tìm dịch vụ xét nghiệm HBV gần nơi quý vị cư ngụ, gọi số 1-888-311-3331 hoặc truy cập mạng www.ThinkB.org.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều phụ nữ không nhận ra rằng những ly rượu, ly bia mà họ thường uống cùng bạn bè, hoặc để thư giãn trong “giờ nhậu của mẹ” (wine mom moment, một số bà mẹ thích nhâm nhi vài ly rượu hoặc lon bia để thư giãn sau khi bận rộn chăm sóc con cái và gia đình) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy điều này có vẻ không vui, nhưng lại là sự thật: Rượu, bia thực sự có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Cảm giác từ việc bẻ các khớp ngón tay cho kêu rôm rốp có thể rất khác nhau tùy theo từng người. Có người thấy rất ‘đã,’ thậm chí là bị ghiền, cũng có người thấy khó chịu hoặc sợ hãi. Dù việc bẻ khớp thường được nhiều người coi là một thói quen không tốt, nhưng nếu có thể hiểu được cơ chế hoạt động đằng sau việc bẻ khớp, ta sẽ hiểu tại sao lại có nhiều người ‘ghiền’ đến vậy.
Cael là một thiếu niên 15 tuổi bình thường – cho đến khi cậu được phát hiện có cột sống bị cong vẹo bất thường. “Em cảm thấy mình giống như Thằng Gù ở Nhà thờ Đức Bà vậy đó,” Cael nói với CBC News, nhớ lại quãng thời gian hai năm chờ đợi để được phẫu thuật cột sống, đầy cảm xúc và khốc liệt, và trong thời gian đó, đường cong cột sống của cậu đã phát triển lên tới 108 độ.
Vào những năm 1990, sau khi tốt nghiệp trung học ở Bồ Đào Nha, công việc đầu tiên của Ricardo Da Costa là vận động viên ba môn phối hợp (triathlete) chuyên nghiệp – bao gồm bơi lội, đạp xe, và điền kinh. Trong quá trình tham gia các cuộc thi, một trong những vấn đề lớn nhất mà anh và các vận động viên khác phải đối mặt là các vấn đề về tiêu hóa, nhưng không có ai để tâm hoặc tìm cách giải quyết vấn đề này.
Aspirin nổi tiếng với khả năng giảm đau từ các cơn đau cơ và đau đầu; giúp giảm sốt; và liều lượng thấp có thể làm loãng máu, giảm nguy cơ đông máu gây đột quỵ và đau tim. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng Aspirin cũng có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của ung thư ruột kết
Tháng 4 năm 2024, một phụ nữ ở Sacramento, California, Mỹ bị ngộ độc chì nghiêm trọng và tử vong sau khi sử dụng thuốc mỡ trị trĩ của Việt Nam có tên “Cao Bôi Trĩ Cây Thầu Dầu”. Thử nghiệm thuốc mỡ bôi trĩ này cho thấy nó chứa 4% chì (cứ 100 gram thuốc thì có 4 gram chì), đây là lượng rất nguy hiểm. Chì là một chất kim loại nặng độc hại cho cơ thể. Tiếp xúc với bất kỳ lượng chì nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Rụng tóc (alopecia) thường xảy ra trên da đầu, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Rụng tóc là một tình trạng phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở Úc, khoảng một nửa đàn ông ở độ tuổi 50 thường có dấu hiệu hói đầu, và hơn 1/4 phụ nữ trong cùng độ tuổi cho biết tóc họ bị thưa đi. Thường thì vấn đề này là do di truyền. Nếu thấy mình đang bị rụng tóc và đang lo lắng về điều đó, quý vị nên đi khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị nào. Rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có khả năng đảo ngược tình trạng rụng tóc, nhưng lại có rất ít sản phẩm đã được kiểm nghiệm khoa học về hiệu quả.
Hàm răng của bệnh nhân có vẻ như được chăm sóc khá tốt, nhưng nha sĩ James Mancini, giám đốc lâm sàng của Trung Tâm Nha Khoa Meadville ở Pennsylvania, cảm thấy phần nướu có vấn đề. Tình cờ, Mancini có quen biết với bác sĩ của bệnh nhân đó nên đã liên lạc để chia sẻ sự lo ngại – và rồi họ ‘lần’ ra bệnh thật! Mancini cho biết: “Thực ra, Bob mắc bệnh ung thư bạch cầu (leukemia). Dù ông ấy không thấy mệt mỏi hay có các triệu chứng khác, nhưng vấn đề xuất hiện ở phần răng miệng. Khi bác sĩ của Bob biết được tình trạng, Bob đã được điều trị ngay lập tức.”
Thời nay, nhiều người thường bị đau cổ vai gáy, lại còn kèm theo cả đau đầu. Nỗi đau này có thể gây ra thêm nỗi đau khác, không chỉ về mặt vật lý mà còn về mặt tâm sinh lý. Xét về mặt sinh lý, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những cơn đau ở cổ thường khiến cho người ta bị thêm chứng đau đầu. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal of Headache and Pain là nghiên cứu đầu tiên cung cấp những dấu hiệu khách quan về sự liên quan của cơ bắp với tình trạng đau nhức đầu.
Một nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc trong ngày, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, so với những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi về già.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.