NHỮNG CÂU CA DAO TỤC NGỮ VỀ DU LỊCH
Bảo Phương |
Ngân Hà giới thiệu với các bạn một bài luận hay của bạn Vincent Bảo Phương viết tại lớp và được thầy Văn Tường khen là biết nhận xét và phân tích rõ ràng. Được phê là giỏi với 18 điểm.
*
Ai trong chúng ta cũng biết rằng, khi đi du lịch chúng ta đựơc nhìn thấy nhiều điều mới lạ, và trau dồi thêm kiến thức. Vì vậy, trong văn chương của nước ta có nhiều câu ca dao, tục ngữ và danh ngôn liên quan đến du lịch như: “ Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, hay câu danh ngôn “Chỗ quê hương là đẹp hơn cả.”…
Trong câu “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, có nghĩa là khi chúng ta đi ra ngoài, chúng ta mới có cơ hội nhìn ngắm, nhận xét và học hỏi môi trường bên ngoài, tăng thêm kiến thức, sự hiểu biết của mình. Chúng ta được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều loại người trong các tầng cấp khác nhau, biết được người hay cũng như kẻ dỡ, hiểu được lẽ phải mà noi gương hay những điều xấu xa để tránh né. Ngược lại, nếu chỉ biết ở trong gia đình mà không chịu đi đến đâu thì sự hiểu biết của chúng ta sẽ bị giới hạn.
Còn câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” có nghĩa là: Khi chúng ta bước chân đi tới bất cứ nơi nào, không ít thì nhiều, chúng ta học được những điều mới mẻ, tạo cho trí óc của chúng ta khôn ngoan hơn. Ví dụ như khi em được nhìn thấy cuộc sống và những sinh hoạt của người Nhật, nên em hiểu được văn hóa và nền văn minh của người Nhật.
Em đuộc đi rất nhiều nơi, đến mỗi vùng, mỗi quốc gia, em đều học được về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của sắc dân đó. Ngoài ra, được nhìn ngắm những phong cảnh đẹp, những di tích giúp em biết thêm về lịch sử, địa lý, nhân văn và con người cũng như đất nước của họ. Mặc dù đã đi đây đi đó nhiều, nhìn thấy không biết bao nhiêu danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên thế giới, nhưng em vẫn thấy không nơi nào đẹp bằng quê hương của mình. Vì quê hương còn nghèo nàn khốn khó về vật chất nên tình yêu quê hương trong em càng dạt dào với tấm lòng chân thành luôn hướng về tình tự dân tộc thơm đượm dòng sữa mẹ.
So lại, thấy ba câu này không có mâu thuẫn với nhau mà còn bổ túc cho nhau. Hai câu trên nhắc nhở cho ta hãy đi đây đi đó để học hỏi, gặp người này người nọ, tiếp xúc giao thiệp để mở mang trí khôn. Nhưng câu thứ ba vẫn nhắc nhở rằng, dù đến đâu, dù nơi đó có to lớn, đẹp hơn quê hương mình thì trong trái tim của người Việt Nam cũng phải nhớ rằng, nơi ta sinh ra đời, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có mồ mã của cha ông tổ tiên cũng là nơi đáng yêu, đáng quý với vẻ đẹp của hồn quê muôn đời ghi khắc. Câu “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn,” là vậy…
Nói tóm lại, trong ba câu ca dao tục ngữ và danh ngôn kể trên giúp chúng ta học hỏi thêm những ưu điểm và khuyết điểm. Mặc dù sống ở bất cứ đâu, chúng ta phải luôn luôn hướng về quê hương của mình. Còn khi đi ra bên ngoài là để học hỏi, tìm hiểu thế giới, phong cảnh và con người bên ngoài, để khi lớn lên, có dịp và điều kiện phục vụ quê hương của mình.