Hôm nay,  

Đúng, sai

18/08/202300:00:00(Xem: 1570)

Khanh-Truong-5
Khánh Trường
 
Hai hôm trước một cô em, cũng cầm bút, đến thăm, nhân tiện đề nghị, nếu sức khỏe không cho phép tôi gõ chữ thì cô ấy sẽ giúp, tôi chỉ cần nói qua băng ghi âm, cô em chép lại rồi giao cho tôi nhuận sắc.
   
Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, qua trao đổi riêng, vẫn nhiều lần khuyên tôi nên viết hồi ký.
   
Theo hai người, do một thời chủ trương tạp chí Hợp Lưu, tôi có điều kiện tiếp cận và rành rất nhiều chuyện của giới văn nghệ sĩ cũng như văn học hải ngoại lẫn trong nước, nếu tôi không làm thì rồi mọi sự cố sẽ trôi vào lãng quên, thiệt thòi cho văn học Việt Nam, uổng lắm.
   
Thực ra dù sức khỏe mỗi ngày thêm tệ nhưng nếu cố tôi cũng có thể tiếp tục bày tỏ mọi chuyện qua bàn phím, ngặt nỗi, vì nhiều lý do, tôi chả còn quan tâm đến bất cứ chuyện gì, nhất là những chuyện đã xảy ra trên dưới ba mươi năm trước. Ba mươi năm, thời gian đủ dài để phần lớn nhân sự đã vùi sâu trong đất, số ít còn lại thì gần đất xa trời hay đã rời bỏ cuộc chơi. Mọi chuyện, từ văn chương nghệ thuật đến thời thế, hướng nhìn… đổi thay từng ngày, từng tháng, huống gì khoảng cách thời gian rộng dài như đã! Ba mươi năm, nhiều thế hệ kế tục ra đời, càng lúc càng gần như không hệ lụy với quá khứ. Khơi lại đống tro tàn đã nguội lạnh, dù chỉ để làm chứng tích, phỏng ích gì?! Thời đại mới, với phương tiện truyền thông hiện đại, mọi sự kiện, sự việc, nhìn từ nhiều phía, chủ quan lẫn khách quan, đầy ngập trên mạng, chỉ vài thao tác giản dị, là ai cũng có thể tiếp cận. Tiếng nói của tôi chẳng những không làm giàu thêm kho tư liệu vốn đã mênh mông, ngược lại, do quan điểm riêng khó tránh khỏi, chỉ tổ làm mọi chuyện vốn đã rối mù càng thêm rối.
   
Lợi bất cập hại!
   
Hơn thế, tôi sống đủ lâu để thấy, như người bạn vong niên của tôi, nhà văn Mai Thảo, đã thấy, mọi chuyện đều “chả ra cái đếch gì”. Tất thảy, từ con người, xã hội, quan điểm, biến cố lịch sử… cuối cùng đều... chả ra cái đếch gì! Trời vẫn xanh, mây trắng vẫn bay, cây vẫn đúng mùa đâm chồi, nở hoa, kết trái, người vẫn hết thế hệ này sang thế hệ khác, thể chế kia tàn, chế độ nọ thay, quân chủ suy vong, tư bản lên ngôi, cộng sản ra đời… Chuyện có thể đúng vài mươi năm, thậm chí vài trăm năm, hay lâu hơn, vài ngàn năm, nhưng rồi sẽ sai vào thời kỳ nào đó. Chúng ta ngày nay ai cũng biết trái đất tròn, thế mà đã có lúc người ta xác quyết trái đất phẳng như cái bánh tráng, ai không đồng ý sẽ lập tức bị đưa lên giàn hỏa! Đâu là chân lý đích thực? Vào thời kỳ quân chủ thiên tử là chủ nhân của giang sơn, dân đen là con cái, ông “con trời” cho sống được sống, bảo chết phải chết. Cũng dưới chế độ quân chủ, đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp, đàn bà xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, nếu chửa hoang sẽ bị gọt tóc bôi vôi, ngoại tình sẽ bị bỏ rọ thả trôi sông. Nay, tổng thống nếu lỗi, nhẹ: bị đàn hạch, về vườn trồng rau nuôi gà, hú hí với đấng hiền thê. Nặng: nằm nhà đá nhẩn nha gỡ lịch. Và nam nữ bình quyền, phái “yếu” ngang hàng với các đấng mày râu trong mọi lĩnh vực, đàn bà làm tổng thống, thủ tướng, tư lệnh quân đội, chuyện thường. Tôi đã đọc đâu đó ý này: Điều duy nhất thường hằng là lẽ vô thường, mọi chuyện đã, đang và sẽ đổi thay. Cũng có nghĩa không có gì đúng hoặc sai vĩnh viễn, đúng sai tùy thuộc vào quan niệm, phong tục, tập quán từng vùng miền, từng dân tộc, từng thời điểm, từng bối cảnh…
   

Ở Tây Tạng, đàn bà được quyền có nhiều chồng, em trai sẽ thay vị trí của anh nếu ông ta qua đời. Phong tục này bắt nguồn từ quan niệm không muốn tài sản của gia tộc rơi vào tay người khác, Ở Alasca, khách đến nhà nếu ngủ lại đêm, vợ sẽ chung giường với khách. Lý do: thời tiết nơi này rất khắc nghiệt, luôn dưới độ âm, vợ là cái “mền da” giúp khách “lên mây” để sau đó mệt nhoài say giấc trong vòng tay ấm áp của nữ gia chủ. Tại một vài bộ lạc ở Châu Phi, trẻ gái buộc phải cắt âm hạch, để sau này lớn lên khỏi tò te rí ré, hoặc không được xem là trưởng thành nếu chưa mất đi cái mà một thời mọi dân tộc, không loại trừ Đông Tây cực kỳ coi trọng, ví như bảo vật giá đáng nghìn vàng: tiết trinh! Đại Hàn, một trong hai con rồng của châu Á, chỉ đứng sau Nhật, được xem là quốc gia văn minh tiến bộ về mọi mặt, thế nhưng ở nhiều làng mạc nông thôn chuyện anh em  chú bác thành phu thê là chuyện “thường ngày ở huyện”, dù qua truyền thông, báo chí, sách vở, kể cả giáo dục học đường người ta đã cảnh báo hôn nhân cận huyết có thể mang đến nhiều hậu quả tai hại, trẻ chậm phát triển, thậm chí xác suất dị tật, quái thai rất cao. Tại một quốc gia Trung Đông nhỏ bé tôi không nhớ tên, dân số chỉ trên một triệu hai trăm ngàn, rất giàu có và tiên tiến, nhờ tài nguyên dầu mỏ, GDP bình quân đầu người cao ngất ngưởng (nếu tôi nhớ không lầm hình như trên 50.000 đô một năm). Hầu hết công dân có mức sống no đủ trên trung bình, y tế và giáo dục miễn phí, di chuyển trên những chiếc xe hơi đắt giá cáo cạnh, ngụ cư trong những ngôi nhà trần cao cửa rộng, tiện nghi hiện đại, máy điều hòa không khí hoạt động quanh năm, mùa hè mát lạnh, mùa đông ấm áp, do chính phủ cấp miễn phí, hoặc chỉ trả tượng trưng một đô la. Đất nước này xem chuyện dựng vợ gã chồng trong quan hệ cận huyết là chuyện tất nhiên, không việc gì phải bàn cãi lôi thôi. Ngay tại Giao Chỉ ta, vào thời nhà Trần, để duy trì quyền lực của dòng họ hầu không lọt vào tay ngoại tộc, hôn nhân cận huyết cũng được chấp thuận. Đức Trần Hưng Đạo mà hậu thế tôn xưng là bậc Thánh vì đức độ và võ công tái thế, hai lần chiến thắng giặc Nguyên, lấy cô ruột của mình làm vợ. Ngày nay nhiều dân tộc thiểu số ở miền cao miền xa vẫn xem hôn nhân cận huyết là tập tục cần phải duy trì, anh em ruột được quyền lấy nhau thoải mái.
   
Còn nhiều nữa những quốc gia thuộc châu Phi, châu Á, Trung, Cận Đông… cho đến bây giờ vẫn nhất định bảo lưu những tập quán mà chúng ta xem là lạc hậu, phi đạo đức, phản khoa học.

Tóm lại, phong tục, tập quán thường phát sinh do điều kiện xã hội, thổ nhưỡng, khí hậu, thời điểm...  Nếu dùng cái nhìn của vùng miền hay lãnh thổ này phê phán phong tục tập quán của đất nước nọ e sẽ khiên cưỡng.
   
Đâu là chân lý bất di?
   
Dân tộc ta và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á như Trung Hoa, Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân, Indonesia… xem cơm là món chính trong bữa ăn. Chủ yếu của dân Mễ là các loại đậu và bắp. Phương Tây là bánh mì làm từ lúa mạch và thịt gia cầm, tôm cá. Món mắm tôm, mắm nêm, mắm cái đối với chúng ta sao mà thơm… bát ngát, ăn bún riêu nếu thiếu tí mắm ruốc nào khác chi đóng thùng sơ mi cà vạt quần tây bảnh chọe nhưng lại lết thết đôi dép râu cụ Hồ! Đặc sản mắm Bò Hóc của Campuchia người phương Tây nghe mùi đã bịt mũi nôn ọe, hét toáng, sao thối thế!
   
Tiêu chuẩn nào để đánh giá chuyện đúng, sai, phải, trái?
   
Những câu hỏi đã, đang và sẽ không bao giờ có giải đáp thỏa đáng.
 
– Khánh Trường
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có thể khẳng quyết, trong dòng văn học Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, chắn chắn Song Thao là nhà văn viết Phiếm uyên bác và mạnh mẽ. Ông đi nhiều, đọc nhiều, viết chuyên cần. Chỉ trên mười năm ông đã trình làng 31 tập Phiếm, mỗi tập trên 300 trang. Đề tài của ông đa dạng, bao quát, từ cây kim sợi chỉ đến vũ trụ bao la với lỗ đen, mặt trăng, sao hỏa, phi thuyền…, đến chuyện đời thường, những địa danh ông từng đặt chân đến. Chúng ta sẽ còn được đọc nữa những tập Phiếm sẽ ra trong tương lai.
Những năm trên dưới hai mươi, tôi xem văn chương là một thứ đạo, những cuốn sách, những thi phẩm không khác kinh thánh, các nhà văn, nhà thơ ngang bằng các giáo chủ. Tôi mê văn chương, tôn sùng những người tạo ra nó. Bước vào tuổi trung niên, say mê vẫn còn, nhưng bình tĩnh hơn, chừng mực hơn. Cho đến khi phần lớn đời mình gắn liền với sách vở như nghiệp dĩ, văn chương, ban đầu tôi viết vì nhu cầu nội tâm, muốn tỏ lộ những buồn vui đau đớn hài mãn… qua chữ nghĩa, trước tiên cho mình, thứ đến cho người, với mong muốn xẻ chia.
Tuần này tôi trân trọng giới thiệu Đỗ Kh. Nhà văn Đỗ Kh., hẳn không xa lạ gì với người yêu văn chương tiếng Việt, ở hải ngoại nói riêng, trong nước nó chung. Ba mươi bốn năm trước, Đỗ Kh. (lúc bấy giờ ông còn ký bút hiệu Đỗ Khiêm) là tác giả đầu tiên tôi chọn để trình làng nhà xuất bản Tân Thư do tôi chủ trương. CÂY GẬY LÀM MƯA cũng là tác phẩm đầu tiên tác giả này đến với thế giới văn chương tiếng việt. Ngoài CGLM, Tân Thư còn in của ông một tập truyện nữa, KHÔNG KHÍ THỜI CHƯA CHIẾN. Với bút pháp rất riêng cộng kiến thức và trải nghiệm sâu rộng qua những chuyến đi khắp mọi nơi trên hành tinh này, Đỗ Kh. cho chúng ta những bài viết lý thú.
Mặt trời như chiếc nong đỏ ối sắp chạm mái ngói phủ rêu của dãy phố cổ. Bức tường bên trái loang lổ, tróc lở, chồng chéo những dòng chữ thô tục cạnh các bộ phận sinh dục nam nữ đủ cỡ đủ kiểu vẽ bằng than hoặc mảnh gạch vỡ. Bức tường thấp, có chiếc cổng gỗ đã mất hẳn màu sơn, xiêu vẹo, quanh năm nằm trong vị thế mở ngõ. Chiếc cổng dẫn vào ngôi miếu nhỏ. Bên trong miếu, trên bệ thờ bằng xi măng hai ba bài vị chẳng hiểu viết gì, chẳng biết thờ ai. Trước bài vị, lư hương chỉ toàn chân nhang. Từ lâu không còn ai đến đây hương khói, ngôi miếu đã biến thành giang sơn riêng của dơi, chuột cùng các loại côn trùng. Cạnh ngôi miếu, một tàn cổ thụ rậm lá với những rễ phụ chảy thõng thượt, bò ngoằn ngoèo trên mặt đất.
Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1994, dưới thời Bill Clinton. Khởi từ dấu mốc đó Việt Nam dần dần thân thiện hơn với người anh em “sen đầm đế quốc” này, thời kỳ ngăn sông cách chợ đã được khai thông, nhiều người xuất ngoại thăm thân nhân, du lịch hoặc công tác. Giới văn nghệ sĩ không ngoại lệ. Thuở đó gần như tháng nào tôi cũng đón ít nhất một văn, thi, nhạc, họa… sĩ. Phải chăng tại fake news, một người nhà quê như tôi bỗng biến thành “tay chơi” có số má dưới mắt nhìn các vị cầm cọ, cầm bút trong nước?
Hầu hết mọi người già thường mắc phải chứng quên những chuyện gần, nhưng lại nhớ những chuyện xưa, có khi hàng sáu bảy chục năm trước. May mắn (hay xui xẻo?), tôi có một trí nhớ khá tốt, dù gần hay xa tôi đều không quên. Tuy nhiên tôi lại vướng phải nhược điểm là chỉ nhớ sự việc nhưng lại không nhớ thời điểm. Nhược điểm này theo tôi từ ngày thơ trẻ cho đến hôm nay. Khác hẳn một vài người quen, chả hạn nhà văn Hoàng Khởi Phong, anh có một trí nhớ xuất chúng về những con số. Số điện thoại, số nhà của ai đó, chỉ nhìn hoặc nghe qua một lần là ghim ngay vào não, nhiều năm sau, hỏi, anh trả lời vanh vách. Nhà văn Cung Tích Biền cũng không kém, xuất thân là giáo sư dạy sử, ngoài những chi tiết liên quan đến chuyên môn như tên, đế hiệu các vị vua, ngày lên ngôi, ngày chết, những hành trạng của họ suốt thời gian trị vì, và mọi biến cố lịch sử… trải dài từ thời lập quốc, bốn nghìn năm trước, đến bây giờ. Như Hoàng Khởi Phong, anh nhớ rõ mọi con số, kể cả những chi tiết liên quan.
Tuổi già thường sống với dĩ vãng. Nhiều chuyện tưởng đã vĩnh viễn ra khỏi trí nhớ, thế mà bất chợt bỗng hiện về, có khi mồn một từng chi tiết nhỏ, tựa mới xảy ra hôm qua, hôm kia, có khi nhập nhòa hư thực bất phân. Chuyện này không lâu, chỉ 23 mươi năm, trước một năm ngày tôi bị tai biến. Nhớ, vì có một chi tiết, lạc đề, nhưng vui.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con. Tôi thích vì rất hợp tạng. Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con. Tôi thích vì rất hợp tạng. Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn "Ba Điều Bốn Chuyện" này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi.
CTA BACK TO SCHOOL BANNER
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.