Hôm nay,  

Krishnamurti và Bài Ca Về Người Yêu

16/02/202400:00:00(Xem: 1890)
 
Hình 1 hình chính

Jiddu Krishnamurti. Hình chụp lại từ đoạn video đăng tải trên Krishnaurti foundation.

  
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian.

Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu.   

Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên, đối với khung cảnh u tịch của núi rừng và biển xanh mênh mông của Thái Bình Dương nhìn từ các dãy núi ở Ojai.

Trong cuốn sách “The First and Last Freedom” (Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng), Krishnamurti viết rằng, “Khi có tình yêu thì không có tự ngã.”

Đúng thế, khi tình yêu chân thật hiện hữu, con người không còn thấy có ngăn cách, có hầm hố giữa họ với nhau. Điều đó cũng có nghĩa là bức tường tự ngã sẽ bị đổ xuống khi hai người đến với nhau bằng tình yêu chân thực. Nhưng tình cảm của con người là thế giới phức tạp. Nó dường như luôn luôn có hai mặt: yêu và ghét, thương và hận, bạn và thù. Tình cảm đó nằm trong một tâm hồn được hun đúc và nuôi dưỡng từ lâu đời bởi tham, sân và si, như Đạo Phật đã nói. Nói vậy, không có ý muốn nói rằng trên thế gian này không có tình yêu chân thật. Tất nhiên, không những có mà còn có không ít. Đối với Krishnamurti thì ông sống với tình yêu thiên nhiên và vượt lên tình cảm tương đãi. “Bài Ca Về Người Yêu” là một minh chứng. Phải chăng đó là thứ tình yêu cao khiết! Xin dịch lại bài thơ này để cống hiến bạn đọc nhân kỷ niệm 38 năm ngày tạ thế của Kirishnamurti.
 
Bài Ca Về Người Yêu
 
Này! Hãy lắng nghe,
Tôi sẽ hát cho bạn nghe bài ca về Người Yêu của tôi.
 
Nơi triền dốc xanh mượt của những dãy núi u tịch
Tiếp giáp dòng nước xanh lung linh của đại dương rì rào,
Nơi con suối sủi bọt reo hò trong hạnh phúc,
Nơi những hồ nước trong veo phản chiếu bầu trời tĩnh lặng,
Ở đó bạn sẽ gặp Người Yêu của tôi.
 
Trong thung lũng nơi mây giăng thưa thớt
Đang đi tìm ngọn núi để nghỉ ngơi,
Trong làn khói lặng yên bay lên trời,
Trong xóm nhỏ nhìn về hướng mặt trời lặn,
Trong những đám mây mỏng đang tan biến nhanh
Ở đó bạn sẽ gặp Người Yêu của tôi.
 
Giữa những ngọn tùng bách cao vút đang lắc lư,
Giữa những bụi cây run sợ đang bám chặt vào mặt đất,
Giữa những dây leo dài treo lơ lửng,
Ở đó bạn sẽ gặp Người Yêu của tôi.
 
Trong cánh đồng đã cày xới nơi những con chim líu lo đang kiếm ăn,
Trên con đường rợp bóng uốn khúc theo dòng sông đầy nước im lìm,
Hai bên bờ nước tràn ngập,
Giữa những cây bạch dương cao ngất đang đùa chơi với gió,
Trong thân cây chết vì bị sét đánh hồi mùa hè năm ngoái,
Ở đó bạn sẽ gặp Người Yêu của tôi.
 
Trong bầu trời xanh trong lành,
Nơi trời và đất giao thoa
Trong không khí đứng lặng,
Vào buổi sáng đốt trầm hương,
Giữa những bóng râm vào giữa trưa,
Giữa những chiếc bóng đổ dài vào buổi chiều,
Giữa những đám mây rực rỡ và sáng chói lúc mặt trời lặn,
Trên chân trời giáp biển vào cuối ngày,
Ở đó bạn sẽ gặp Người Yêu của tôi.
 
Trong hình bóng của các vì sao,
Trong sự yên tĩnh sâu thẳm của đêm đen,
Trong ánh trăng phản chiếu lên mặt nước lặng yên,
Trong sự im lặng khôn cùng trước rạng đông,
Giữa tiếng thì thầm của cây cối đang thức giấc,
Trong tiếng hót của muôn chim vào buổi sáng,
Giữa sự thức dậy của bóng tối,
Giữa những đỉnh núi xa xa ngập nắng,
Trong khuôn mặt ngái ngủ của địa cầu,
Ở đó bạn sẽ gặp Người Yêu của tôi.
 
Tiếp tục đi, kìa biển cả đang khiêu vũ,
Và lắng nghe giọng nói Người Yêu của tôi.
 
Trong tiếng cười hạnh phúc của trẻ thơ
Bạn có thể nghe Người Ấy.
Tiếng thánh thót của sáo
Là giọng nói của Người Ấy.
Tiếng kêu hoảng hốt của con chim lẻ loi
Khiến trái tim của bạn nhỏ lệ,
Vì bạn nghe giọng nói của Người Ấy.
Tiếng gầm thét của đại dương muôn đời
Đánh thức những ký ức
Đã bị lãng quên
Bởi giọng nói của Người Ấy.
Làn gió hiu hiu làm xao động
Những ngọn cây uể oải
Mang đến cho bạn âm thanh
Của giọng nói của Người Ấy.
 
Sấm sét giữa núi rừng
Làm đầy tâm hồn bạn
Với sức mạnh
Của giọng nói của Người Ấy.
Trong tiếng gầm của một thành phố lớn,
Qua những âm thanh về đêm,
Tiếng kêu đau khổ,
Tiếng reo hò vui sướng,
Qua sự xấu xa của giận dữ,
Có giọng nói Người Yêu của tôi.
 
Trong những hòn đảo xanh tươi xa xôi,
Trên giọt sương mềm mại,
Trên ngọn sóng vỡ tan,
Trên sự lấp lánh của biển,
Trên cánh của con chim đang bay,
Trên chiếc lá non của mùa xuân,
Bạn sẽ nhìn thấy khuôn mặt Người Yêu của tôi.
 
Trong đền thờ linh thiêng,
Trong hội trường khiêu vũ,
Trên khuôn mặt thánh thiện của nhà tu khổ hạnh,
Trong bước đi lảo đảo của gã say rượu,
Với kỹ nữ và gái trinh,
Bạn sẽ gặp Người Yêu của tôi.
 
Trên những cánh đồng hoa,
Trong những thành phố bẩn thỉu và nhơ uế,
Với sự thanh khiết và xấu xa,
Trong đóa hoa ẩn giấu thiên thần,
Có Người Yêu của tôi.
 
Ôi! Biển cả
Đã đi vào trái tim tôi,
Trong một ngày,
Tôi đang sống một trăm mùa hạ.
Này, bạn,
Tôi nhìn thấy khuôn mặt mình trong bạn,
Khuôn mặt Người Yêu của tôi.
 
Đây là bài ca về tình yêu của tôi.
(từ The Immortal Friend)
 
Krishnamurti và cái duyên với Thung Lũng Ojai, Nam California
 
Krishnamurti 02
Cảnh rừng núi ở Thung Lũng Ojai, California. (Photo: https://unsplash.com)
                
Jiddu Krishnamurti sinh ngày 12 tháng 5 năm 1895 tại miền Nam Ấn Độ trong một gia đình trung lưu mà cha mẹ theo đạo Bà La Môn. Trong hơn 65 năm, cho đến khi qua đời ở tuổi chín mươi, ông diễn thuyết khắp thế giới cho số khán giả rất lớn, không phải dựa vào quyền thế mà là một người yêu sự thật, theo Ellen Sklarz trong bài viết “Krishnamurti and the Ojai Valley” được đăng trên trang mạng https://ojaihistory.com. Ông đã đối thoại với nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo, khoa học gia, giáo sư, nhà văn, nhà tâm lý, học sinh, nhân vật nổi tiếng và những người thích thú khác.

Nhiều năm trước, Krishnamurti nói với một người bạn, “Nếu tôi không có nơi nào để đi trên thế giới này, tôi muốn về Ojai. Tôi muốn ngồi dưới gốc cây cam; nó sẽ che nắng cho tôi, và tôi có thể sống bằng trái cây.” Lần đầu tiên ông đến Thung Lũng Ojai là vào năm 1922 với người em Nityananda (còn gọi là Nitya), bị bệnh lao và cần sống ở vùng khí hậu ấm và khô.

Vào tháng 8 và tháng 9 năm 1922 tại Ojai, Krishnamurti đã trải qua sự “thay đổi cuộc đời” mãnh liệt, theo Pupul Jayakar trong tác phẩm “Krishnamurti: A Biography” được xuất bản lần đầu năm 1986. Điều này được mô tả nhiều cách như là một sự tỉnh thức tâm linh, một biến đổi tâm lý, và một sự hồi sinh thể chất. Các biến cố ban đầu đã diễn ra trong 2 giai đoạn khác biệt: đầu tiên là kinh nghiệm tâm linh ba ngày, và 2 tuần sau đó, tình trạng kéo dài hơn mà Krishnamurti và những người xung quanh ông gọi là một tiến trình. Tình trạng này đã tái diễn thường xuyên và với cường độ khác nhau, cho đến khi ông qua đời.

Theo các nhân chứng, sự kiện trên đã bắt đầu vào ngày 17 tháng 8 năm 1922 khi Krishnamurti phàn nàn về sự đau đớn ở gáy của ông. Qua 2 ngày kế tiếp các triệu chứng càng tồi tệ hơn, gia tăng cơn đau và nhạy cảm, biếng ăn, và đôi khi mê sảng. Ông ấy dường như rơi vào bất tỉnh nhưng sau đó đã kể lại rằng ông biết rõ những gì xảy ra chung quanh mình, và trong lúc ở trong trạng thái đó ông đã trải nghiệm “sự hợp nhất thần bí.” Ngày hôm sau các triệu chứng và kinh nghiệm mạnh mẽ hơn, đạt tới đỉnh điểm với cảm giác về “sự bình an vô cùng.” Tiếp theo, rõ ràng có liên quan đến, các sự kiện này là tình trạng được biết như là tiến trình đã bắt đầu ảnh hưởng ông, vào tháng 9 và tháng 10 năm đó, nhưng thường lệ xảy ra hầu hết vào ban đêm. Sau đó tiến trình này diễn ra không liên tục, với các mức độ đau đớn, khó chịu về thể xác, và nhạy cảm khác nhau, đôi khi rơi vào trạng thái giống như trẻ con, và thỉnh thoảng mất ý thức rõ ràng, được giải thích là cơ thể của ông chịu đựng cơn đau hay ông mất tâm thức.

Krishnamurti đã mô tả sự kiện trên trong cuốn sổ tay của ông như sau: “… thức dậy sớm với cảm giác mạnh mẽ về sự khác biệt, về thế giới khác vượt xa tất cả suy nghĩ … có sự nâng cao của nhạy cảm. Nhạy cảm, không chỉ với vẻ đẹp mà còn với tất cả mọi thứ khác. Ngọn cỏ xanh đến ngạc nhiên; rằng một ngọn cỏ chứa toàn bộ quang phổ màu sắc; nó mãnh liệt, rực rỡ và một thứ nhỏ như vậy lại rất dễ bị phá hủy …”

Vấn đề sức khỏe dai dẳng của Nitya thỉnh thoảng tái hiện trong suốt thời gian này. Vào ngày 13 tháng 11 năm 1925, Nitya qua đời tại Ojai vì bị bệnh dịch và lao. Dù sức khỏe tồi tệ của Nitya, cái chết của ông ấy không được dự kiến, và nó chấn động một cách mạnh mẽ niềm tin của Krishnamurti vào Thông Thiên Học và vào các nhà lãnh đạo của Hội Thông Thiên Học. Ông đã nhận được lời khẳng định của họ bất kể tình trạng sức khỏe của Nitya, và đã tin rằng “Nitya là cần thiết cho sứ mệnh cả đời của ông và do đó Nitya không được phép chết,” một niềm tin được chia sẻ bởi Annie Besant và những người chung quanh Krishnamurti. Jayakar viết rằng “niềm tin của ông [Krishnamurti] vào các bậc Thầy và hệ thống đẳng cấp đã trải qua một cuộc cách mạng toàn diện.”  

Vì vậy, vào năm 1929, Krishnamurti đã từ bỏ vai trò đạo sư mà ông đã được kỳ vọng đảm nhiệm, giải tán Hội Thông Thiên Học với số tín đồ rất đông, và trả lại tất cả tiền bạc và tài sản mà đã được cống hiến cho công tác này, theo tài liệu về cuộc đời của Krishnamurti được đăng trên trang mạng www.jkrishnamurti.org.

Thung Lũng Ojai – chữ Ojai bắt nguồn từ tiếng của người Thổ Dân Mỹ ở vùng Ventura có nghĩa là “Mặt Trăng” -- vào các thập niên 1920s, 30s, và 40s hoàn toàn khác với ngày nay. Dân cư thưa thớt hơn nhiều, đường sá thì chưa được tráng nhựa, nhà không khóa cửa, và không bị kẹt xe. Thế Chiến Thứ Hai đã không chạm đến thung lũng này, và sự tĩnh mịch và nét lộng lẫy hoang sơ của nó xoa dịu hầu hết mọi người đến đây. Krishnamurti cũng thích vẻ đẹp nguyên sơ, sự yên lặng, và khí hậu của thung lũng này. Ojai giúp ông thoát khỏi đám đông đổ xô đến nghe ông nói chuyện tại Châu Âu, Ấn Độ, Úc và khắp Hoa Kỳ.

Cuộc sống của Krihnamurti tại thung lũng thì bình lặng. Đội chiếc mũ Mỡ Tây Cơ rộng vành để che nắng lúc đi bộ, ông hòa nhập và ca hát với những người hái trái cam tại vườn East End trong thung lũng. Ông đi bộ xuyên qua những ngọn đồi Topa Topa và Đỉnh Chief. Ông tới Ojai Theater, nếu có phim Disney, phim thú vật, hay nhạc cổ điển Mỹ như “Oklahoma,” “Brigadoon,” hay “Annie Get Your Gun” đang trình chiếu.

Có người nói rằng Krisnamurti đã gián tiếp thiết lập khí hậu tri thức và xã hội của Thung Lũng Ojai. Từ những ngày đầu khi đến đây, ông đã thu hút nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đến đây để phỏng vấn ông và tham dự các buổi nói chuyện hàng năm của ông tại Oak Grove ở Meiners Oaks. Trong số những người đó có Aldous Huxley và bác sĩ David Bohm, Jackson Pollack, Christopher Isherwood, và Ann Morrow Lindbergh. Những ngôi sao điện ảnh Hollywood như Charlie Chaplin, Elsa Lanchester, Greta Garbo, và Charles Laughton cũng đến thung lũng này để nghe ông, khi danh tiếng của ông vang xa khắp thế giới.

Krishnamurti gặp mọi người – nổi tiếng hay vô danh, trí thức hay không – lắng nghe và hỏi họ về những vấn đề sâu thẳm của cuộc sống có liên quan đến tất cả mọi người. Những cuộc thảo luận và nói chuyện sâu sắc đó lúc đầu đã được ghi lại như những phúc trình bằng miệng, và nhiều năm sau bằng thu âm và thu hình. Nhưng hầu hết mọi người đều biết những lời dạy này qua sách vở.
 
Trong hai mươi năm cuối đời, Krishnamurti đã có ba hay bốn tháng mỗi năm ở Thung Lũng Ojai để nghỉ ngơi sau lịch trình dài du thuyết. Ở đây hàng ngày ông đi bộ, làm vườn, nghỉ ngơi, thăm bạn bè, và thực hiện vài cuộc phỏng vấn trước các buổi nói chuyện vào tháng Năm hàng năm tại Oak Grove. Ông cũng quan tâm đến các hoạt động của Tổ Chức Krishnamurti Foundation of America (KFA) và Trường Oak Grove School do ông sáng lập tại đây, và thường xuyên gặp gỡ nhân viên và phụ huynh để thảo luận và khám phá các vấn đề trọng tâm của công việc học đường.

Cuối cùng, tình cảm của Krishnamurti đối với Thung Lũng Ojai đã được biểu lộ trong ước muốn của ông tại Madras vào tháng 1 năm 1986, khi sức khỏe của ông xuống dốc. Yêu cầu được trở về Ojai càng nhanh càng tốt, ông đã đến nơi với vẻ mệt mỏi và suy nhược sau chuyến bay dài đi qua Singapore và Tokyo tới Los Angeles. Krishnamurti đã từ trần ở tuổi 90 vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Thung Lũng Ojai.

Trong bối cảnh nhân loại đang sống trong thế giới đầy hận thù, bạo lực và chiến tranh hiện nay, câu nói thời danh của Krishnamurti trong “The First and Last Freedom,” rằng, “Chỉ có tình yêu mới có thể giải quyết được tất cả những khó khăn của loài người chúng ta,” đích thật là giải pháp toàn diện và rốt ráo.

Nhưng, e rằng trái tim của con người đã ngày càng bị xơ cứng và chai lì!
 
Huỳnh Kim Quang
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.