Hôm nay,  

Cảm nhận nhân đọc phân đoạn 1-3 tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư

21/10/202309:04:00(Xem: 1910)
Cảm nhận

PTCAA_TranhPCK

Phế tích của ảo ảnh, tranh sơn dầu của họa sĩ Phan Chánh Khánh, 30”x30”, lấy cảm hứng từ tập thơ Phế tích của ảo ảnh của nhà thơ Trịnh Y Thư.



Với tôi, Trịnh Y Thư, trước hết là một nhà thơ, với thi phẩm Phế Tích Của Ảo Ảnh; là một nhà văn, với các tác phẩm Chỉ Là Đồ Chơi, Theo Dấu Thư Hương; là một dịch giả các tác phẩm ngoại quốc nổi tiếng như Cái Cười Và Sự Lãng Quên, Jane Eyre, Đời Nhẹ Khôn Kham, Căn Phòng Riêng; là một  cầm thủ ghi-ta cổ điển, một nhạc sĩ sáng tác. Với tư cách nào Trịnh Y Thư cũng chinh phục được người đọc, người nghe. Nói riêng về lãnh vực thơ văn, văn phong trữ tình mà không thiếu ánh sáng lóng lánh của trí tuệ. Có đủ cả hai như thế là do Trịnh Y Thư vừa có trái tim nhạy cảm của nhà thơ vừa có nội lực dồi dào của tri thức. Điều đó càng khẳng định hơn khi gần đây, Trịnh Y Thư đã phổ biến trên các trang web một số truyện ngắn, và các trích đoạn của tiểu thuyết sắp xuất bản “Đường Về Thủy Phủ”. Tôi cũng như một số bằng hữu không khỏi ngỡ ngàng về cuộc dấn thân mới mẻ trong lãnh vực tiểu thuyết của anh, không riêng là lần đầu thể hiện, mà thể hiện một cách rất mới và rất khác từ lời văn cho đến kết cấu câu truyện. Không lặp lại ai, không theo một khuôn mẫu nào, chỉ là nổi bật một Trịnh Y Thư bản lĩnh, can đảm, nghiêm khắc và nhân ái.
    Tôi viết những cảm nhận ở đây căn cứ vào những trích đoạn đã phổ biến, không đặt nó vào bối cảnh toàn diện của cuốn tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”, vì cuốn sách chưa ra đời, nhưng cũng có được cái nhìn về thủ pháp bố cục truyện và văn phong của nhà văn Trịnh Y Thư. Qua trích đoạn này, được cấu trúc từ phi hiện thực để giải mã hiện thực, khiến anh có một thái độ khách quan khi đặt vấn đề đối với những sự kiện liên hệ đến ý thức hệ và sự kiện lịch sử, và cũng làm cho diễn biến câu truyện có những gút mở thú vị hơn. Bất cứ một gợi mở tiểu đề nào của Trịnh Y Thư cũng đưa tới người đọc một dấu hỏi, và không dễ hài lòng, phải đọc tới đọc lui một số đoạn văn, phải đọc cho tới dấu chấm cuối cùng của câu truyện, để tìm câu trả lời thỏa đáng cho nghi vấn của mình. Bạn phải lần theo sợi chỉ tự sự của một nhân vật ảo để tự tìm thấy chủ đề mà tác giả muốn nói đến. Cho dù như vậy đi nữa, bạn cũng vẫn không thôi băn khoăn về nó. Bạn muốn tìm thấy tác giả? Vô ích. Ở đây chỉ có câu hỏi, vấn đề khơi gợi. Cứ tưởng như bạn đang được mời tham dự một trò chơi, cách nắm bắt điều khiển tùy vào bạn. Không biết đó có phải là một trong những tố chất khiến tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ” có lực hút người đọc?
    Ở trích đoạn 1-3 trong tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”, mặt khác theo tôi, nó cũng có thể đứng độc lập là truyện ngắn. Một kiểu truyện không có cốt truyện, Trịnh Y Thư có một lối dựng truyện rất lạ, hư cấu từ sự xuất hiện của nhân vật cho đến những cảnh ngộ mà nhân vật đó sống. Ở đây có hai nhân vật, Tôi và Gã Nhà Văn, trong đó, Tôi lại là một nhân vật của Gã Nhà Văn. Nhưng Gã Nhà Văn chỉ được nhận diện qua lòng thù hận bởi nhân vật của Gã. (Cho nên tôi đã cãi với chính mình, thật ra chỉ có một nhân vật xưng là Tôi thôi). Có lúc tôi ngừng lại giữa một trạng thái như phân thân, tự hỏi, mình đang lạc vào truyện của nhân vật Gã Nhà Văn, hay truyện của Trịnh Y Thư? Hay chẳng là của ai vì tình tiết diễn biến câu truyện cứ thế bật ra từ suy tư của một nhân vật ảo.
     “Tôi thù gã nhà văn khôn tả. Tôi thù gã đến độ tôi muốn giết chết gã…
    Tôi thấy khuôn mặt tôi đanh lại, tiếng nói tôi nhỏ nhẹ như thì thầm với trái tim của gã. Trái tim ơi, sau phút giây này mi sẽ vĩnh viễn nằm im trong cái lồng ngực thâm u mông muội ấy và ngàn đời mi chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng của trí huệ. Mi sẽ nằm mãi trong cái ngục tối ấy cho đến khi vũ trụ này tan biến trở về cõi huyền tẫn mịt mù như thuở hồng hoang khi vạn vật mới chỉ là khối cát bụi hỗn huyễn, ngu ngơ. Mi sẽ không còn khả năng nhân danh những điều diệu kỳ, cao đẹp hay bất cứ cái gì để thỏa mãn lòng tham đê hèn vô độ của mi. Sẽ không có luân hồi cho mi, sẽ không có kiếp nào cho mi nữa, mi sẽ không bao giờ đầu thai lên cõi trần làm bất cứ sinh vật gì. Mi sẽ đời đời kiếp kiếp nằm sâu trong ngục tối của cõi a tỳ để ăn năn sám hối về những gì mi đã gây cho ta…”
    Nhân vật Tôi xuất hiện với một tâm thái vừa thù hận, vừa ảnh hưởng của triết lý Phật Giáo, về nhân quả, luân hồi.
    “Nhưng tôi chẳng thể nào giết chết gã nhà văn bằng mũi dao nhọn như thế được, bởi tôi chỉ là người con gái chân yếu tay mềm, và quan trọng hơn, giết gã như thế, máu từ vết thương trên người gã sẽ bắn vọt ra làm ô uế tấm áo lụa màu trắng tinh khiết trên người tôi. Và bởi tôi chỉ là ảo ảnh. Tôi chỉ hiện hữu trong thần trí tưởng tượng của gã, một thần trí tưởng tượng chẳng liên quan gì đến suy nghĩ trong đầu óc tôi lúc này”.
    Nhân vật này phủ nhận nhân vật kia, nói khác, một thần trí tưởng tượng và một thực-thể-ảo xung đột nhau, là sự va chạm giữa ảo và thực, tuy cả hai ảo thực đều thuộc phạm trù triết lý siêu hình. Tôi cho rằng với cấu trúc như vậy, đưa đến hai hiệu quả khả dĩ có thể, tác giả độc lập với nhân vật của mình, phó thác cho nó tự do suy tưởng, và nhân vật cũng không lệ thuộc vào tác giả, làm câu truyện có  tính phổ quát hơn. Một cấu trúc quả là lợi hại. Tôi nói thế vì trong việc viết lách đã có chút kinh nghiệm thất bại khi bị ràng buộc vào mối liên quan giữa mình với nhân vật.
    “Nhưng rồi chuyện gì xảy ra và họ bị lùa vào đây sống như bầy súc vật, tôi nói thế bởi lý do giản dị là bản năng súc vật của họ không thể không chui ra từ đáy sâu bản ngã họ, gầm gào múa nanh múa vuốt để sinh tồn trong vũng bùn nhầy nhụa hôi tanh này. Họ chẳng là con người cả đấy ư? Nhưng một khi biến thành súc vật rồi, linh hồn họ còn không? Họ còn cơ hội quay trở lại làm người không? Hay cuộc sống vẫn mãi thản nhiên trôi chảy?”
    Điều này đã khẳng định trong lịch sử tất cả những nhà tù, lò sát sinh con người, từ ngàn xưa cho đến nay, không ai không thấy, nhất là nạn nhân, không khỏi khiếp sợ khi bị rơi vào tình huống con người bị kích động bản năng súc vật. Tôi cảm thấy nỗi đau của tác giả khi viết những đoạn như vậy, phải chăng đó cũng chính là nỗi phiền muộn nặng nề vô vọng của anh khi nghĩ về thân phận con người, sự tàn bạo của con người, và phải dùng đến một nhân vật hư cấu để ám chỉ? Đó cũng là cách để bớt phẫn nộ – đây là hiệu quả thứ ba của thủ pháp Trịnh Y Thư:
    “Quả thật tôi không tin tưởng gì cả vào sự tốt lành của cuộc sống và sự hiện hữu của tôi nơi đây, trên thế gian này, hoàn toàn là không do chủ ý của tôi”.
    Nhân vật “Tôi”, nàng luôn giãy giụa để trốn thoát, để được sống với cái bản nguyên chính của nàng lúc mới được gã nhà văn tạo dựng: “Tấm áo lụa màu trắng tinh khiết”. Gã Nhà Văn thì cũng đầy chán chường trong cuộc sống thừa thãi ham muốn, cô đơn, gã trốn chạy bấu víu vào nhân vật tưởng tượng của mình để rốt cuộc thấy rằng “Tốt hơn anh chỉ nên sống với ảo ảnh”.  Ở đâu trên thế gian này cũng bùng nổ những cuộc trốn chạy. Nơi nào để nương náu cùng với nỗi cùng quẫn, cô đơn của con người? Một cái kén ảo như Gã Nhà Văn kia chăng?
    Và có phải “Bà sống thật với đời sống này nên bà hạnh phúc. Chẳng lẽ hạnh phúc lại giản dị tới mức đó sao? Nếu thế tại sao người ta phải tốn biết bao giấy mực để nói về hạnh phúc mà chẳng bao giờ tìm ra lời giải đáp?”
    Thế nào là sống thật với đời sống này? Đơn giản hóa tối thiểu suy tư? Bình thường hóa những nghịch lý, bất công, đôi khi đến vô nhân đạo của cuộc sống và con người? An phận với thuyết Định Mệnh? Một hạnh phúc có được như thế có thực sự là nghĩa của hạnh phúc không? Vẫn mãi là câu hỏi từ xưa đến giờ, như thể hỏi và tìm là hành trình của cuộc sống.
    “Còn lại một mình trong căn phòng lạ bên bờ biển hiu quạnh, tôi không biết mình đang ở đâu trên mặt hành tinh này. Sự thanh vắng của vùng biển lạnh lẽo heo hút càng khiến tôi thấy cô độc. Cuộc sống này có gì vui đâu mà người ta thèm sống đến thế? Tôi tự hỏi trong lúc dõi tia mắt qua ô kính cửa sổ nhìn những cánh hải âu chao lượn ngoài trời. Câu hỏi có lẽ đã được nhiều người hỏi trước tôi. Có lẽ nó là câu hỏi có từ khi con người mới bắt đầu có ý thức về cuộc sống, và bởi thế tôi không nên tìm kiếm câu trả lời”.
    Tôi thấy không yên ổn và thương cảm khi nhân vật này sau bao phẫn nộ, thù hận, tra vấn, để rồi “Trong lúc gã đi vào tôi, đầu tôi hất ra đằng sau, hai mắt nhắm nghiền và tôi cố trôi theo dòng nghĩ tôi là người đàn bà của gã.”
    An phận, thúc thủ. Trôi theo dòng nghĩ, trôi theo dòng đời?
Đọc hết trích đoạn 1-3 này tôi vẫn bị vướng mắc trong dấu hỏi, thêm cả buồn bã nữa. Cả câu truyện không là truyện này là một chuỗi tra vấn của nhân vật, chạm đến mọi khía cạnh về cuộc sống và bản chất con người, làm sao để tìm được hạnh phúc giữa nghịch cảnh và những mâu thuẫn nội tại con người? Dưới cấu trúc dựa vào hư cấu để hiện thực một cuộc truy tìm và lôi ra ánh sáng những điều tội tệ nhất trong thẳm sâu bản ngã con người, mà vì một số những rào cản về đạo lý, hoặc vì dối trá, người ta đã không thẳng thắn thừa nhận. Nếu dụng ý của tác giả là để người đọc “phản quang” lại mình, thì với trích đoạn 1-3 “Đường Về Thủy Phủ” này, anh đã thành công. Đặt không gian truyện trên một nền ảo toàn bộ như thế, có thể, vô hình trung, Trịnh Y Thư đã khiến cho ta thấy một nhân sinh quan nhuốm chút ít màu sắc giáo lý nhà Phật, cái thực tướng của con người kia chỉ là giả, là tạm, thì sao phải trăn trở với quá nhiều hệ lụy của cuộc sống, của lòng tham và thù hận. Sáng tỏ được điều này thì, với riêng tôi, khả dĩ tìm được một điểm tựa yên bình sau khi viết một bài, chẳng nhiều cảm nhận mà toàn là câu hỏi.
    Tuy thế, có lúc tôi được đi vào dưới hai hàng cây bóng mát, nghỉ ngơi sau một đoạn đường nắng bỏng. Bóng mát của văn chương trữ tình làm tôi vương vấn.
    “… Có những con đường với hai hàng cây cổ thụ san sát nhau đan thành cái vòm trên cao trông như họng một con quái thú đang nuốt chửng chúng tôi vào…”
    “… Tôi quấn mảnh khăn lụa che mái tóc rồi bước ra ghềnh đá đen đúa sát gần mực nước. Sóng biển vỗ tung tóe vào ghềnh đá dưới chân tôi. Đang là mùa hè nhưng gió biển vẫn lạnh căm. Tôi không biết đây là đoạn biển nào, ở đâu, chỉ biết phong cảnh xung quanh trông hoang sơ, vắng vẻ lắm. Bên cạnh cái khách sạn không quá mươi phòng chúng tôi ngủ đêm nay là một quán ăn nhỏ lụp xụp le lói ánh đèn, xa hơn tí nữa vài nóc nhà rầu rầu ẩn hiện dưới làn sương lam chiều lờ mờ, ảm đạm”.
    “… vài nóc nhà rầu rầu ẩn hiện dưới làn sương lam chiều lờ mờ, ảm đạm,”
    Tất cả kéo tôi trở lại là mình với những cảm xúc dịu dàng. Ở đó tôi gặp Nhà Thơ Trịnh Y Thư.
    Cho dù dưới làn sương tất cả hiện hữu cũng chỉ là ảnh ảo.

 

– Nguyễn Thị Khánh Minh

(Oct. 11/2023)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch...
Người viết chơi với Phạm Thiên Thư từ những năm học trung học đệ nhất cấp khoảng 58-59. Thư đến nhà tôi ở ấp Cả Trắc, khu Ông Tạ và chúng tôi thường kéo nhau ra quán cà phê vợt ở đầu ngõ đi vào ấp. Trong những lần uống cà phê, Thư nói sôi nổi về việc lập học hội Hồ Quý Ly, để thực hiện việc nghiên cứu, viết văn, làm thơ. Mục đích là tiến tới làm một tập san văn nghệ...
Chúng tôi vẫn biết Hoàng Cầm là người cùng quê và là bạn với một ông anh họ từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng không ngờ nhà thơ lại theo xe ra đón chúng tôi ở phi trường Nội Bài. Hôm đó Hoàng Cầm mặc một cái màu đỏ xậm trông rất hào hoa dù Hà Nội năm đó vẫn còn rất nghèo...
Mở đầu cho sê-ri bài viết về phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm thập niên 50 tại Bắc Việt Nam, là một tư liệu hiếm quý về/của nhà thơ Phùng Quán. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Nước Mỹ thế kỷ XX cống hiến cho nhân loại sự phong phú và đa dạng của các trào lưu, chủ đề và tiếng nói trong văn học. Một số tác giả và tác phẩm kinh điển đã xuất hiện trong thời kỳ này, góp phần phát triển truyền thống văn học có từ những thế kỷ trước. Riêng trong lĩnh vực tiểu thuyết, văn học hiện đại, thịnh hành vào đầu thế kỷ XX ở Châu Âu với kỹ thuật “dòng ý thức” trong tiểu thuyết của James Joyce và Virginia Woolf, lan rộng sang Mỹ, tìm cách tách rời các hình thức truyền thống thế kỷ XIX để cách tân và hình thành một dòng văn học mới với phong cách độc đáo, táo bạo và mở ra những cánh cửa thú vị bất ngờ cho người đọc đi vào ngôi nhà nghệ thuật. Kỷ nguyên văn học hiện đại phương Tây bắt đầu từ hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX và, không thể nghi ngờ, Mỹ là quốc gia có những đóng góp to tát. Các tiểu thuyết gia lớn trong thời kỳ này, ta có thể nhắc đến F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway và William Faulkner.
Bước đi như vậy rõ ràng là không cần lưu dấu; nhưng chính là bước đi siêu tuyệt của bậc đại nhân, đại sĩ: không dấu tích mà lại tràn đầy công đức, lợi ích cho dân tộc, đạo pháp và nhân loại nhiều thế kỷ sau.
Một chương trong tiểu thuyết Đường Về Thủy Phủ của nhà văn Trịnh Y Thư...
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của nước Việt trong thế kỷ 20. Ộng có địa vi cao cả trên thì văn đàn miền Nam và là người duy nhất được tôn xưng là thi bá...
Những phân đoạn này thuộc vào phần có tựa là “Dưới những gốc nho biển,” nằm trong tiểu thuyết “Đường về thủy phủ.” Tuy nhiên, cũng như phân đoạn [1-3] tôi đã nói ở trên, nó vẫn mang đủ những yếu tố của một truyện ngắn. Hẳn nhiên người đọc sẽ thấy rõ đây là dụng ý của tác giả. Và chỉ đến lúc đọc xong trọn “Đường về thủy phủ,” thì mới có một suy nghiệm tổng thể, và có thể bật ra cách ráp nối những mảnh hình, những sự kiện, và lóe sáng một sợi dây xuyên suốt tác phẩm qua bản chất của các nhân vật, để từ đó hiểu rõ hơn chủ đề của nhà văn Trịnh Y Thư...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.