Tuổi Nhớ Răng

24/03/202300:00:00(Xem: 1282)

Picture3
Hình ghép.
 
Sau khi nhổ răng, tôi xin anh nha sĩ trẻ mấy cái răng chết, khá thê thảm, để mang về. Lần trước cũng vậy. Anh tỏ vẻ thông cảm. “Bác giữ làm kỷ niệm?” “Vâng. Chúng nó theo tôi bảy mươi mấy năm rồi. Chiến đấu giỏi lắm. Giữ xác lại để nhớ.” Đúng. Răng kề cận người hơn tình nhân. Ở với người trung thành hơn vợ. Nói cắn là cắn, nói nhai là nhai, nói nhe là nhe, nói ngậm là ngậm. Tuyệt nhiên vâng lời, không cãi cọ gì. Chỉ có già đi, lỏng chân, rồi vĩnh biệt.

Tôi dàn dựng một “công trình” trực quan, visual pop art, bằng tất cả những chiếc răng tử vong của tôi đã nhổ trong thời gian mười năm qua. 26 tử sĩ, chỉ còn 6 chiến sĩ sống sót, mỗi chiếc đóng mỗi nơi rãi rác, ba răng ở hàm trên, ba răng ở hàm dưới. Đến tuổi đời nào đó, ai cũng phải xin viện trợ răng giả. Đối với thế hệ di tản, tị nạn, thế hệ đầu tiên, răng giả thường đẹp hơn răng thật. Thành thật mà nói, răng giả chẳng những làm đẹp, còn làm giảm bớt căng thẳng, không còn lo âu về đau răng, không cần nhớ đánh răng, thanh thản huýt gió. Đi ngủ tháo ra ngâm nước như cởi cái quần ngủ bỏ giặt.

Ở Việt Nam, thời của tôi, răng được xác định rõ ràng, Răng khểnh, cười có duyên. Răng hô, răng sún được sắp hạng sau lé với lùn. (Nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún.) Người nào sún thường bị nghi ngờ nói láo kinh niên. Nói chung, văn hóa người Việt, không quan tâm hàm răng đều đặn. Màu răng trắng không được ưu ái. Tôi còn nhớ tấm bảng quảng cáo lớn về kem đánh răng Hynos ở chợ Bến Thành. Anh chà và da đen cười, thấy hai hàm trắng toát. Cảm giác hơi sợ.
 
Ngược lại, văn hóa răng của người Việt đi từ răng đen. Răng đen có một thời hấp dẫn, “Các cô hàng xén răng đen / cười như mùa thu tỏa nắng” (Bên Kia Sông Đuống, Hoàng Cầm.) Sau thời răng đen sang tây học là thời răng trắng. Tuy gọi trắng nhưng thật sự màu ngà, hoặc màu tự nhiên, có sao để vậy. Vẫn có duyên, vẫn cười tươi, cười duyên, vẫn yêu nhau thắm thiết. Chúng tôi thời đó không mấy người biết đến nha sĩ để tắm răng, kỳ cọ dơ bẩn. Cứ uống bia, uống nước là sạch. Cứ uống rượu, hút thuốc là giết vi trùng.

Ở bên này, hàm răng ấp chiến lược thì ngại ngùng khi cười trước đám đông. Phong trào niềng răng xuất hiện hầu hết trong miệng các em trẻ. Một số người lớn muốn theo kịp thời trang, đành chịu đau nhức, ăn cháo một thời gian, để răng được sánh vai đứng thẳng hàng.

Đã có vợ, lấy chồng, thường không quan trọng chuyện răng thẳng hàng, trắng tinh. Thuở mới quen nhau, nam nữ nhìn mặt, nhìn người. Dung nhan đẹp gái, đẹp trai, dễ thương là chủ yếu. Thân thể đừng quá thiếu thốn, nhan sắc vẫn là điểm nhấn khi chọn lựa. Nói như vậy là lý luận hơi nhiều. Thực tế, khi mới gặp nhau, nhìn thấy đối phương, tự nhiên lòng hồi hộp, sung sướng, thích thú, rồi khi ra về thì không nở.

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…

                                        (Paris. Thơ Nguyên Sa.)
 
Khi đã là vợ chồng, biết nhau quá rồi, để dành tiền vui hơn. Thế hệ của chúng tôi thích tiền xếp thẳng hàng hơn răng thẳng.
 
Răng giả có nhiều điểm lợi, ví dụ, răng thật bị hô, bị sún, bị xiết. Khi rụng hết răng, tuy không nói ra, nhưng lòng mừng như tự nhiên được phép lạ. Một hàm răng giả tròng lên lợi, hết hô, hết sún, hết xiết, nếu có bảo hiểm trả tiền, thật tuyệt vời. Vì vậy, nha sĩ thường giàu hơn bác sĩ.

Răng giả ăn không ngon, cắn trệu trạo, vô cảm, không thật sự tiếp xúc với thực phẩm. Ai nói? Không đúng. Tôi đã có lần ngồi chung bàn với một số anh em nghệ sĩ cao tuổi hơn. Hết mọi người trong bàn đều trang bị răng giả, ngoài trừ tôi lúc đó, còn 15 cái răng thật. Uống bia thì giống nhau, vì răng và bia là họ hàng. Đến phần ăn bắp nướng. Các anh cạp rột rột, răng giả chạm cùi bắp, vang vang đều đặn, rột rột. Chỉ có tôi là e dè, gặm nhấm nhu mì, để dành lực lượng răng vào việc hữu ích hơn. Quả tình, thật không bằng giả.

Trong hai chục năm qua, nghệ thuật Dental implants, trồng răng giả, từ từ thịnh hành. Cái hàm giống như một thiết bị, răng được vặn vít vào xương. Vững như trời trồng. Nhưng nếu ai bị dị ứng, hoặc hệ thống phòng thủ trong người nhạy cảm, không chấp nhận răng ngoại quốc đến ăn nằm, sẽ phản kháng. Một số ít người phải lấy răng vít ra, mang lại hàm răng giả. Không sao. Không có gì quan trọng. Răng vốn chỉ dùng để nhai.   
 
Nhưng phức tạp ở răng giả, mang hoặc trồng, đều phụ thuộc vào xương hàm và lợi. Xương hàm và lợi thay đổi theo thời gian, theo mập ốm, theo bệnh tật, theo tuổi già. Khi xương hàm thay đổi, răng trồng không giữ được vị trí cũ, nếu nặng thì liểng xiểng, liêu xiêu. Muốn đẹp, phải làm lại. Còn lợi thay đổi, mập lên, mang hàm răng giả không vừa, giống như mặc quần áo chật. Nếu lợi teo lại, quần áo rộng rãi và hay sút, đôi khi, răng đi đường răng, lợi đi đường lợi. Dán răng. Lượm răng. Thật là nhiêu khê.
Nhưng rồi, cảm ơn sự tiến bộ của khoa học. Kỹ thuật mới ra đời: Stem Cell Dental Implants (Nha khoa cấy tế bào gốc.) Nghĩa là trồng răng một cách tự nhiên. Răng mới mọc lên từ chỗ răng rụng như thuở mới mọc răng lớn lên. Như cây trồng từ hạt mầm, từ máu huyết, mọc lên vừa vặn, răng mới trám vào chỗ hở.

tuoi nho rang 2
(Hình trên nét)
Tế bào gốc nha khoa là gì?

“Cơ thể chứa nhiều loại tế bào khác nhau. Ngay từ khi sinh ra, với tư cách là một hạt bụi nhỏ, bạn không được trang bị tất cả các loại tế bào khác nhau cần thiết trong cơ thể. Tế bào gốc là thứ giúp bạn tạo ra tất cả các cơ quan và hệ thống khác nhau tạo nên con người bạn. Chúng là một tế bào không phân biệt có khả năng thay đổi thành mọi tế bào trong cơ thể bạn.

Tế bào gốc có thể được tìm thấy trong hầu hết các mô của cơ thể và giúp tạo ra và bổ sung cho cơ thể. Chúng thường được chôn sâu, ở những nơi khó tìm,  thưa thớt và ẩn giữa các tế bào có bề ngoài giống nhau.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra, ngay cả những chiếc răng cũng chứa một kho tế bào gốc, loại tế bào này được tìm thấy ở răng sữa và cả răng trưởng thành. Những tế bào này có đầy đủ khả năng tự tái tạo.

Tế bào gốc nha khoa có thể có ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học y tế do khả năng tương thích với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một vấn đề với việc chèn tế bào gốc là cơ thể có thể từ chối chúng thông qua phản ứng miễn dịch. Nhưng ngoài vai trò tiềm năng trong các thủ tục y tế khác, ứng dụng rõ ràng thực sự là để thay thế răng. Các nghiên cứu đang bắt đầu chỉ ra những lộ trình hữu hình để cấy ghép răng bằng tế bào gốc nha khoa.” (Trích: Verywell Heath. Why stem cells replace dental implants. Steven Lin, DDS. 26 tháng 10, 2021.)

  “Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Nha khoa, Tiến sĩ Jeremy Mao, giáo sư Y khoa Nha khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia, đã trình bày chi tiết công trình của ông trong việc chế tạo từ xương hàm, nơi các tế bào gốc của cơ thể có thể được định hướng để phát triển. Khung tế bào gốc có thể dẫn đến sự thành hình  những chiếc răng hoàn toàn mới để thay thế những chiếc răng bị mất! Khi phương pháp này trở nên phổ biến trên thị trường, nó có thể giúp “cấy ghép” nhanh hơn (chỉ chín tuần) và thời gian phục hồi ngắn hơn so với cấy ghép nha khoa thông thường.” (Trích: https://www.arizonabiltmoredentistry.com/stem-cells-regrow-teeth/)

Tuy nhiên, ngay giờ phút này, kỹ thuật Nha khoa cấy răng bằng tế bào gốc vẫn còn trong phòng thí nghiệm. Hẹn một tương lai gần. Nhanh lên kẻo muộn.

Không ai có thể ngờ, một hôm mình nhớ răng. Thế giới bao la, đời người hỗn loạn, thiếu gì thứ để nhớ. Nhưng nhớ răng, không buồn như nhớ người qua đời, không vui như nhớ lễ lạc, không ngậm ngùi như  nhớ tình nhân, chỉ lan man lãng mạn nhớ lại nụ cười trong những tấm hình cũ, lúc răng chưa tử vong. Lúc đó, ít ai thương mến răng của mình. Bây giờ mất rồi, nhớ lại, thật tội nghiệp. Đám răng trung thành chiến đấu thực phẩm với mình bảy mươi mấy năm. Không ai làm thơ, viết nhạc ca tụng răng. Nói về bạc bẽo, chuyện này thật là bạc bẽo.

Tôi để dành tất cả những răng đã qua đời như vật liệu quí báu, quan trọng để tạo hình. Tôi đã định ra một dàn dựng từ lâu. Một tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo. Nhưng trước hết, khi chiếc răng cửa bị gãy:

Thường thì người ta hay rụng răng hàm, răng nanh trước. Tôi mất răng cửa. Khốn nạn vì nó trình diện đứng trước hàng đầu khi cười. Không có nó, cửa sổ mở không treo màn, thấy hết gia cảnh nghèo khó bên trong. Trong khi chờ đợi làm răng giả, khá lâu, cười nói che miệng hoài cũng chán. Và không thể nhớ hoài, thỉnh thoảng vẫn bị lộ tẩy. Vã lại, anh hùng mà che miệng nói, trông y như tiểu nhân. Có vẻ ám muội, mưu đồ. Tôi mang cái xác răng cửa ra, tự chế tạo hai cái móc, mua ở Home Depot. Bây giờ cái răng như con cua có hai càng. Mỗi càng móc vào mỗi cái răng hai bên như các bạn cũ gặp nhau, quàng vai đi ở giữa. Tha hồ cười nói, nhưng không thể ách xì. Kinh nghiệm này, tôi đã trải qua. Khi ách xì, hơi mạnh tống răng treo văng mất. May lắm mới tìm lại được.

Chuẩn bị tác phẩm đã lâu. Lúc này nên hoàn tất.
tuoi nho rang 3

(Ghi chú: răng đẹp này mượn trên nét. Nếu răng tôi thật mà đẹp như thế này, chắc cười mãi không thôi.)


Tôi đã đứng trước gương soi và chụp nhiều tấm hình về hàm răng của mình. Giờ đây, xem xét thật kỹ lưỡng. Dùng tất cả răng chết, sắp đặt theo thứ thự, theo độ cao thấp, theo độ xiên xẹo, theo độ lòi sỉ, giống như bộ răng cũ lúc còn sống đoàn tụ bên nhau. Dùng loại keo đặc biệt dán đồ sứ, dán chúng lại với nhau, từ nay không cách nào chia ly. Nếu như, có thể dáng hết những người thân yêu đã qua đời như dán hàm răng, thì hạnh phúc biết mấy. Điều “không bao giờ chia ly” là giấc mơ lớn nhất khi làm người và giấc mơ này luôn luôn đau đớn khi thức dậy.

Bây giờ, tôi đã có mấy đoạn răng thật, móc nối vào những chiếc răng sống sót, soi gương thấy lại “mình” và răng mình như xưa. Cảm giác này thật sung sướng, khoan khoái. Đứng đó, trước nhân gian, tự cười rất lâu mà không mỏi miệng.

Tuy có hàm răng giả chính hiệu từ nha sĩ, nhưng mỗi khi muốn làm người chân thật, tôi lại mang răng tử sĩ của mình. Nhất là những khi ngồi uống rượu một mình, hoặc bưng ly cà phê nóng trước hoàng hôn, nhai nhai hàm răng không, nhai nhai hàm răng cũ, cảm giác thân quen, ấm áp, phất phơ một chút bùi ngùi. Không ai có thể ngờ, một lúc nào đó, con người lại bước vào tuổi nhớ răng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sáng thứ bảy, 3 tháng 6, thành phố Santa Ana còn chìm trong tinh sương, các thiện nguyện viên trẻ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA đã lăng xăng bận rộn chuẩn bị cho chương trình hội luận khai mạc VietBookFest, Hội Chợ Sách đầu tiên giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt, và đây cũng là hội chợ sách Việt có tầm vóc đầu tiên tại Hoa Kỳ, một ngày "festive" với nhiều sinh hoạt chữ nghĩa từ sáng đến chiều, bao gồm hội luận buổi sáng, chợ sách buổi trưa, và chương trình đọc thơ và trình diễn nhạc buổi chiều.
Chúng ta hàng ngày đọc tin thời sự, dễ dàng nhìn về thế giới Hồi giáo dường như đầy những bạo lực, và nhìn về một quốc gia Iran như một tuyến đầu tua tủa những dàn phóng phi đạn hướng về thế giới tự do. Chúng ta cũng từng thấy các chính phủ Hồi giáo theo các hệ phái khác nhau đã kình nhau, thậm chí trong một nước, như Iraq, cùng từng sinh khởi nội chiến. Tuy nhiên, vẫn có một Hồi giáo khác, một Hồi giáo rất mực hòa bình, một hệ phái ít được báo chí hàng ngày tường thuật chỉ vì họ không gây ra các biến cố hung hăng nào. Đó là Hồi giáo Sufi, một khuynh hướng rất mực thần bí có từ nhiều thế kỷ qua, và là nơi rất mực thơ mộng của Hồi giáo: một nơi của những dòng chữ về vẻ đẹp của sa mạc, của tịch lặng, của yêu thương. Các tác phẩm văn học Sufi ghi trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nội dung tư tưởng thần bí của Hồi giáo Sufi. Khuynh hướng này trong tiếng Anh gọi tắt là Sufism
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
Nhắc đến GS Nguyễn Văn Sâm, người ta biết ông nhiều trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu di sản Hán-Nôm và văn học Nam Bộ hơn là nhà văn, nhà thơ. Điều này không phải do sáng tác của ông chưa chín, mà có lẽ chính sự đóng góp quá lớn của ông ở mảng khảo cứu, dịch thuật Hán-Nôm đã làm che khuất những tác phẩm văn chương giá trị của ông...
Mấy tháng đầu năm 2023 này sao mà mưa bão liên miên... Làm như thiên nhiên muốn bù đắp cho tình trạng hạn hán kéo dài cả thập niên trước đây ở tiểu bang Cali. Dường như không hẳn thế mà xem ra còn ngược lại: Đợt biến động khí hậu này liên tiếp cũng đã và đang gây nên quá nhiều thiệt hại trên hầu hết các vùng của lãnh thổ Hoa Kỳ, đe dọa nặng nề đến môi trường sống của toàn thể dân cư nữa!
Mùa hè năm 1865, ngay sau khi bắt đầu viết Tội Ác và Hình Phạt (Crime and Punishment), đại văn hào vĩ đại nhất mọi thời đại lâm vào hoàn cảnh tệ đến không thể tệ hơn. Vừa góa vợ thì bị nằm liệt giường vì chứng động kinh, Fyodor Dostoyevsky (11/11/1821 – 9/2/1881) còn ‘rước thêm vạ vào thân.’ Sau khi anh trai qua đời, Dostoyevsky, vốn đã nợ nần chồng chất vì máu đỏ đen, đã tự đứng ra gánh món nợ của tòa soạn của anh trai. Chủ nợ nhanh chóng kéo đến gõ cửa nhà ông, đe dọa sẽ tống ông vào nhà tù của những con nợ. (Một thập niên trước, ông suýt chút nữa đã dính án tử hình vì đọc những cuốn sách bị cấm; thay vào đó ông bị kết án bốn năm khổ sai tại một trại lao động ở Siberia – cho nên viễn cảnh bị tù đày lần nữa khiến ông phát hoảng.)
Phải chăng ‘nhìn thấu tim đen’ là một lối nói hàm ý? Vì sao tim lại đen mà không đỏ? Vì trái tim tối tăm, tính toán, mưu đồ. Nhìn thấu tâm lý là nhìn trái tim cả đen lẫn đỏ, cả xấu lẫn tốt, cả buồn lẫn vui, cả thất vọng lẫn hy vọng. Những người giỏi nhìn ra tâm lý người khác, tâm lý đám đông thường trở thành những bậc cao nhân, hoặc ít nhất là thầy bói.“Giỏi nhìn ra tâm lý” là một cụm từ ngụ ý người có học thuật, có tập luyện, có kinh nghiệm nắm bắt những ý nghĩ âm thầm, những cảm giác tâm tư, và cá tính người đối diện. Học tâm lý mà không có khả năng thông tuệ thì chỉ từ chương, ít dùng được vào việc gì quan trọng, ngoài trừ lãnh lương làm cố vấn ở các trường học, các cơ sở nhân viên, hoặc các nhà tù. Muốn nhìn xuyên tâm lý phải bẩm sinh nhạy cảm, cảm nhận sắc bén, và tấm lòng tốt thường làm khả năng thông cảm, đồng cảm mạnh mẽ, dễ dàng nối kết với tâm tình người khác. Đến cấp bậc cao nhân thì khả năng “nhận thức sáng tạo” là lực chủ yếu để nhìn xuyên tâm hồn.
John Steinbeck sinh tại Salinas, California năm 1902 - một thành phố cách xa bờ biển Thái Bình Dương vài dặm, gần Thung Lũng Salinas màu mỡ và cách San Jose khỏang 70 dặm Anh. Nơi đây đã được dùng làm bối cảnh cho nhiều tiểu thuyết của ông...
Nói dối là một đặc tính trong thời đại hôm nay, đầu thế kỷ 21. Có ba loại người: Nói dối chuyên nghiệp vì có mục đích. Nói dối luôn miệng vì thói quen. Nói dối khi cảm thấy cần thiết hoặc sợ hãi. Nói không đúng sự thật nhưng tưởng mình nói thật, cũng là một cách dối. Nói thật và nói dối trên căn bản đối nghịch nhau, nhưng đôi khi, cả hai là một. Vì hầu như vô tình hay cố ý, ít ai thực sự nói thật. Chẳng phải thích thú khi nhìn rõ tim đen của người đang ba hoa cố thuyết phục mình một chuyện gì có lợi cho anh ta? Chẳng phải tức cười khi biết anh này muốn tán tỉnh, nhưng cố nói những lời nghiêm túc? Lào sao biết được? Hãy tập nhìn xuyên giả dối. Tìm người nói thật và đúng sự thật là chuyện hiếm hoi, trước hết, vì ngày nay, sự thật lớn là gì, không ai biết. Còn sự thật nhỏ, chỉ thật một cách tương đối, mỗi người tin khác nhau.