Hôm nay,  

Tuổi Nhớ Răng

24/03/202300:00:00(Xem: 3449)

Picture3
Hình ghép.
 
Sau khi nhổ răng, tôi xin anh nha sĩ trẻ mấy cái răng chết, khá thê thảm, để mang về. Lần trước cũng vậy. Anh tỏ vẻ thông cảm. “Bác giữ làm kỷ niệm?” “Vâng. Chúng nó theo tôi bảy mươi mấy năm rồi. Chiến đấu giỏi lắm. Giữ xác lại để nhớ.” Đúng. Răng kề cận người hơn tình nhân. Ở với người trung thành hơn vợ. Nói cắn là cắn, nói nhai là nhai, nói nhe là nhe, nói ngậm là ngậm. Tuyệt nhiên vâng lời, không cãi cọ gì. Chỉ có già đi, lỏng chân, rồi vĩnh biệt.

Tôi dàn dựng một “công trình” trực quan, visual pop art, bằng tất cả những chiếc răng tử vong của tôi đã nhổ trong thời gian mười năm qua. 26 tử sĩ, chỉ còn 6 chiến sĩ sống sót, mỗi chiếc đóng mỗi nơi rãi rác, ba răng ở hàm trên, ba răng ở hàm dưới. Đến tuổi đời nào đó, ai cũng phải xin viện trợ răng giả. Đối với thế hệ di tản, tị nạn, thế hệ đầu tiên, răng giả thường đẹp hơn răng thật. Thành thật mà nói, răng giả chẳng những làm đẹp, còn làm giảm bớt căng thẳng, không còn lo âu về đau răng, không cần nhớ đánh răng, thanh thản huýt gió. Đi ngủ tháo ra ngâm nước như cởi cái quần ngủ bỏ giặt.

Ở Việt Nam, thời của tôi, răng được xác định rõ ràng, Răng khểnh, cười có duyên. Răng hô, răng sún được sắp hạng sau lé với lùn. (Nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún.) Người nào sún thường bị nghi ngờ nói láo kinh niên. Nói chung, văn hóa người Việt, không quan tâm hàm răng đều đặn. Màu răng trắng không được ưu ái. Tôi còn nhớ tấm bảng quảng cáo lớn về kem đánh răng Hynos ở chợ Bến Thành. Anh chà và da đen cười, thấy hai hàm trắng toát. Cảm giác hơi sợ.
 
Ngược lại, văn hóa răng của người Việt đi từ răng đen. Răng đen có một thời hấp dẫn, “Các cô hàng xén răng đen / cười như mùa thu tỏa nắng” (Bên Kia Sông Đuống, Hoàng Cầm.) Sau thời răng đen sang tây học là thời răng trắng. Tuy gọi trắng nhưng thật sự màu ngà, hoặc màu tự nhiên, có sao để vậy. Vẫn có duyên, vẫn cười tươi, cười duyên, vẫn yêu nhau thắm thiết. Chúng tôi thời đó không mấy người biết đến nha sĩ để tắm răng, kỳ cọ dơ bẩn. Cứ uống bia, uống nước là sạch. Cứ uống rượu, hút thuốc là giết vi trùng.

Ở bên này, hàm răng ấp chiến lược thì ngại ngùng khi cười trước đám đông. Phong trào niềng răng xuất hiện hầu hết trong miệng các em trẻ. Một số người lớn muốn theo kịp thời trang, đành chịu đau nhức, ăn cháo một thời gian, để răng được sánh vai đứng thẳng hàng.

Đã có vợ, lấy chồng, thường không quan trọng chuyện răng thẳng hàng, trắng tinh. Thuở mới quen nhau, nam nữ nhìn mặt, nhìn người. Dung nhan đẹp gái, đẹp trai, dễ thương là chủ yếu. Thân thể đừng quá thiếu thốn, nhan sắc vẫn là điểm nhấn khi chọn lựa. Nói như vậy là lý luận hơi nhiều. Thực tế, khi mới gặp nhau, nhìn thấy đối phương, tự nhiên lòng hồi hộp, sung sướng, thích thú, rồi khi ra về thì không nở.

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…

                                        (Paris. Thơ Nguyên Sa.)
 
Khi đã là vợ chồng, biết nhau quá rồi, để dành tiền vui hơn. Thế hệ của chúng tôi thích tiền xếp thẳng hàng hơn răng thẳng.
 
Răng giả có nhiều điểm lợi, ví dụ, răng thật bị hô, bị sún, bị xiết. Khi rụng hết răng, tuy không nói ra, nhưng lòng mừng như tự nhiên được phép lạ. Một hàm răng giả tròng lên lợi, hết hô, hết sún, hết xiết, nếu có bảo hiểm trả tiền, thật tuyệt vời. Vì vậy, nha sĩ thường giàu hơn bác sĩ.

Răng giả ăn không ngon, cắn trệu trạo, vô cảm, không thật sự tiếp xúc với thực phẩm. Ai nói? Không đúng. Tôi đã có lần ngồi chung bàn với một số anh em nghệ sĩ cao tuổi hơn. Hết mọi người trong bàn đều trang bị răng giả, ngoài trừ tôi lúc đó, còn 15 cái răng thật. Uống bia thì giống nhau, vì răng và bia là họ hàng. Đến phần ăn bắp nướng. Các anh cạp rột rột, răng giả chạm cùi bắp, vang vang đều đặn, rột rột. Chỉ có tôi là e dè, gặm nhấm nhu mì, để dành lực lượng răng vào việc hữu ích hơn. Quả tình, thật không bằng giả.

Trong hai chục năm qua, nghệ thuật Dental implants, trồng răng giả, từ từ thịnh hành. Cái hàm giống như một thiết bị, răng được vặn vít vào xương. Vững như trời trồng. Nhưng nếu ai bị dị ứng, hoặc hệ thống phòng thủ trong người nhạy cảm, không chấp nhận răng ngoại quốc đến ăn nằm, sẽ phản kháng. Một số ít người phải lấy răng vít ra, mang lại hàm răng giả. Không sao. Không có gì quan trọng. Răng vốn chỉ dùng để nhai.   
 
Nhưng phức tạp ở răng giả, mang hoặc trồng, đều phụ thuộc vào xương hàm và lợi. Xương hàm và lợi thay đổi theo thời gian, theo mập ốm, theo bệnh tật, theo tuổi già. Khi xương hàm thay đổi, răng trồng không giữ được vị trí cũ, nếu nặng thì liểng xiểng, liêu xiêu. Muốn đẹp, phải làm lại. Còn lợi thay đổi, mập lên, mang hàm răng giả không vừa, giống như mặc quần áo chật. Nếu lợi teo lại, quần áo rộng rãi và hay sút, đôi khi, răng đi đường răng, lợi đi đường lợi. Dán răng. Lượm răng. Thật là nhiêu khê.
Nhưng rồi, cảm ơn sự tiến bộ của khoa học. Kỹ thuật mới ra đời: Stem Cell Dental Implants (Nha khoa cấy tế bào gốc.) Nghĩa là trồng răng một cách tự nhiên. Răng mới mọc lên từ chỗ răng rụng như thuở mới mọc răng lớn lên. Như cây trồng từ hạt mầm, từ máu huyết, mọc lên vừa vặn, răng mới trám vào chỗ hở.

tuoi nho rang 2
(Hình trên nét)
Tế bào gốc nha khoa là gì?

“Cơ thể chứa nhiều loại tế bào khác nhau. Ngay từ khi sinh ra, với tư cách là một hạt bụi nhỏ, bạn không được trang bị tất cả các loại tế bào khác nhau cần thiết trong cơ thể. Tế bào gốc là thứ giúp bạn tạo ra tất cả các cơ quan và hệ thống khác nhau tạo nên con người bạn. Chúng là một tế bào không phân biệt có khả năng thay đổi thành mọi tế bào trong cơ thể bạn.

Tế bào gốc có thể được tìm thấy trong hầu hết các mô của cơ thể và giúp tạo ra và bổ sung cho cơ thể. Chúng thường được chôn sâu, ở những nơi khó tìm,  thưa thớt và ẩn giữa các tế bào có bề ngoài giống nhau.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra, ngay cả những chiếc răng cũng chứa một kho tế bào gốc, loại tế bào này được tìm thấy ở răng sữa và cả răng trưởng thành. Những tế bào này có đầy đủ khả năng tự tái tạo.

Tế bào gốc nha khoa có thể có ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học y tế do khả năng tương thích với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một vấn đề với việc chèn tế bào gốc là cơ thể có thể từ chối chúng thông qua phản ứng miễn dịch. Nhưng ngoài vai trò tiềm năng trong các thủ tục y tế khác, ứng dụng rõ ràng thực sự là để thay thế răng. Các nghiên cứu đang bắt đầu chỉ ra những lộ trình hữu hình để cấy ghép răng bằng tế bào gốc nha khoa.” (Trích: Verywell Heath. Why stem cells replace dental implants. Steven Lin, DDS. 26 tháng 10, 2021.)

  “Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Nha khoa, Tiến sĩ Jeremy Mao, giáo sư Y khoa Nha khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia, đã trình bày chi tiết công trình của ông trong việc chế tạo từ xương hàm, nơi các tế bào gốc của cơ thể có thể được định hướng để phát triển. Khung tế bào gốc có thể dẫn đến sự thành hình  những chiếc răng hoàn toàn mới để thay thế những chiếc răng bị mất! Khi phương pháp này trở nên phổ biến trên thị trường, nó có thể giúp “cấy ghép” nhanh hơn (chỉ chín tuần) và thời gian phục hồi ngắn hơn so với cấy ghép nha khoa thông thường.” (Trích: https://www.arizonabiltmoredentistry.com/stem-cells-regrow-teeth/)

Tuy nhiên, ngay giờ phút này, kỹ thuật Nha khoa cấy răng bằng tế bào gốc vẫn còn trong phòng thí nghiệm. Hẹn một tương lai gần. Nhanh lên kẻo muộn.

Không ai có thể ngờ, một hôm mình nhớ răng. Thế giới bao la, đời người hỗn loạn, thiếu gì thứ để nhớ. Nhưng nhớ răng, không buồn như nhớ người qua đời, không vui như nhớ lễ lạc, không ngậm ngùi như  nhớ tình nhân, chỉ lan man lãng mạn nhớ lại nụ cười trong những tấm hình cũ, lúc răng chưa tử vong. Lúc đó, ít ai thương mến răng của mình. Bây giờ mất rồi, nhớ lại, thật tội nghiệp. Đám răng trung thành chiến đấu thực phẩm với mình bảy mươi mấy năm. Không ai làm thơ, viết nhạc ca tụng răng. Nói về bạc bẽo, chuyện này thật là bạc bẽo.

Tôi để dành tất cả những răng đã qua đời như vật liệu quí báu, quan trọng để tạo hình. Tôi đã định ra một dàn dựng từ lâu. Một tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo. Nhưng trước hết, khi chiếc răng cửa bị gãy:

Thường thì người ta hay rụng răng hàm, răng nanh trước. Tôi mất răng cửa. Khốn nạn vì nó trình diện đứng trước hàng đầu khi cười. Không có nó, cửa sổ mở không treo màn, thấy hết gia cảnh nghèo khó bên trong. Trong khi chờ đợi làm răng giả, khá lâu, cười nói che miệng hoài cũng chán. Và không thể nhớ hoài, thỉnh thoảng vẫn bị lộ tẩy. Vã lại, anh hùng mà che miệng nói, trông y như tiểu nhân. Có vẻ ám muội, mưu đồ. Tôi mang cái xác răng cửa ra, tự chế tạo hai cái móc, mua ở Home Depot. Bây giờ cái răng như con cua có hai càng. Mỗi càng móc vào mỗi cái răng hai bên như các bạn cũ gặp nhau, quàng vai đi ở giữa. Tha hồ cười nói, nhưng không thể ách xì. Kinh nghiệm này, tôi đã trải qua. Khi ách xì, hơi mạnh tống răng treo văng mất. May lắm mới tìm lại được.

Chuẩn bị tác phẩm đã lâu. Lúc này nên hoàn tất.
tuoi nho rang 3

(Ghi chú: răng đẹp này mượn trên nét. Nếu răng tôi thật mà đẹp như thế này, chắc cười mãi không thôi.)


Tôi đã đứng trước gương soi và chụp nhiều tấm hình về hàm răng của mình. Giờ đây, xem xét thật kỹ lưỡng. Dùng tất cả răng chết, sắp đặt theo thứ thự, theo độ cao thấp, theo độ xiên xẹo, theo độ lòi sỉ, giống như bộ răng cũ lúc còn sống đoàn tụ bên nhau. Dùng loại keo đặc biệt dán đồ sứ, dán chúng lại với nhau, từ nay không cách nào chia ly. Nếu như, có thể dáng hết những người thân yêu đã qua đời như dán hàm răng, thì hạnh phúc biết mấy. Điều “không bao giờ chia ly” là giấc mơ lớn nhất khi làm người và giấc mơ này luôn luôn đau đớn khi thức dậy.

Bây giờ, tôi đã có mấy đoạn răng thật, móc nối vào những chiếc răng sống sót, soi gương thấy lại “mình” và răng mình như xưa. Cảm giác này thật sung sướng, khoan khoái. Đứng đó, trước nhân gian, tự cười rất lâu mà không mỏi miệng.

Tuy có hàm răng giả chính hiệu từ nha sĩ, nhưng mỗi khi muốn làm người chân thật, tôi lại mang răng tử sĩ của mình. Nhất là những khi ngồi uống rượu một mình, hoặc bưng ly cà phê nóng trước hoàng hôn, nhai nhai hàm răng không, nhai nhai hàm răng cũ, cảm giác thân quen, ấm áp, phất phơ một chút bùi ngùi. Không ai có thể ngờ, một lúc nào đó, con người lại bước vào tuổi nhớ răng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.