Hôm nay,  

Gia Trung Tứ Lão

09/09/202207:27:00(Xem: 1793)

2000-vvnm-ng-v-khanh-gray

LTS:  Nhân ngày Việt Báo tròn 30 tuổi, xin trích lại bài viết của cố nhà báo kỳ cựu Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Ông là vị chủ biên sáng lập Việt Báo, và là chánh chủ khảo đầu tiên của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ.

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh sinh ngày 2 tháng 10 năm 1921. Làm báo từ năm 1948, Ông là nhà báo chuyên nghiệp đã sống liên tục với nghề báo suốt 74 năm. Ông từng du học và tham quan về truyền thông tại Nhật Bản và Hoa Kỳ, thời Việt Nam Cộng Hoà, ông là Tổng Thư Ký Việt Nam Thông Tấn Xã, đồng thời là giáo sư dạy về báo chí tại các Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Đà Lạt, người thầy của nghề báo Việt Nam.

Sau hơn 12 năm tù cộng sản, năm 1992, ông cùng vợ rời Việt Nam sang Mỹ đoàn tụ với các con tại San Jose, khi đó Ông đã qua tuổi bẩy mươi, có thể an nhàn nghỉ ngơi bên cạnh con cháu. Nhưng êm ấm mới được dăm ba tháng, chuông điện thoại lại reo.- “Lão Nhị, làm báo lại nhé.” – “Làm thì làm. Sợ gì.” – “Lão Nhị phải xách cái túi xuống ở luôn dưới này. Xuống được không” – “Cái gì? Cái này... Hà hà... để coi, Lão Tứ.” (Lão Nhị-Lão Tứ là cách thức xưng hô trong tù của Ông và nhà thơ Trần Dạ Từ, người cùng nhà văn Nhã Ca sáng lập tờ Việt Báo năm 1992).

 

Chỉ vài ba ngày sau, với một cái túi nhỏ trên tay, Ông cười cười xuất hiện tại Little Saigon. Và từ thứ Bảy ngày 5 tháng 9 năm 1992, Việt Báo Kinh Tế ấn hành số đầu tiên. Liên tục suốt 20 năm, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh giữ mục bình luận “Việt Báo: Trước Thời Cuộc” cho tới những năm tháng cuối đời.

Ông viết bài này vào mùa xuân năm 2005, nhắc đến các văn nghệ sĩ cầm bút của miền Nam: “Cộng sản đã bắt nhốt các văn nghệ sĩ. Nhưng có gông cùm nào nhốt được cái chí chim bằng, có xiềng xích nào trói được trái tim sư tử. Thân bị nhốt trong nhà giam chật hẹp, nhưng tư tưởng của nhà văn có cả một không gian rộng lớn vô tận vô biên để tự do vẫy vùng.” 


Vị cố nhà báo có “chí chim bằng và trái tim sư tử” của chúng ta từ trần tại tư gia vào ngày Chủ Nhật, 12 tháng Tám năm 2012, hưởng thọ 92 tuổi. Với 92 năm sống và 74 năm cầm bút, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh là tấm gương tiêu biểu phẩm giá của người làm báo, tỉnh thức và chân thực. Khi thanh thản ra đi, ông gửi lại cho tương lai niềm tin vào con người và lý tưởng tự do, dân chủ. 

 

***

Vào dịp Xuân mới, tôi muốn ôn lại một chuyện cũ. Đó là chuyện Tứ Lão ở trại tù Cải tạo Gia Trung, nơi giam giữ phần đông các văn nghệ sĩ năm xưa. Trong thời miền Nam Việt Nam còn được sống tự do dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, các nhà văn nhà báo thường ít khi có dịp gặp nhau, nếu có là trong khoảng thời gian ngắn của các dịp lễ tết hay họp báo, hoặc ngắn hơn nữa là dịp tao ngộ qua tách cà-phê ở nhà hàng để rồi sau đó, vội vã người nào việc nấy đi làm phận sự riêng. Nhưng sau khi Saigon sụp đổ, nhờ ơn Bác và Đảng các văn nghệ sĩ bị lùa đi cải tạo theo kiểu “tam cùng” (cùng ăn cùng ở cùng làm), chúng tôi đã có dịp gặp nhau hàng ngày trong nhiều năm liên tiếp, tạo thành mối quan hệ khắng khít với nhau hơn trước rất nhiều.

 

Hoàn cảnh những người văn nghệ sĩ miền Nam Việt Nam trong trại tù cải tạo Gia Trung, gần Pleku, có lẽ khắt khe hơn những thành phần khác, nên đã có một bài thơ nhiều anh em đã biết, tôi xin nhắc lại như sau:

 

“Cây sậy chân tay quều quào của chúng ta,

“Có thể hết bưng nổi cái sọ dừa cứng đầu,

“Nguyễn. Và Nguyễn. Và Nguyễn nữa. Sắp chết.

“Sắp đến lượt Lưu. Đến lượt Doãn. Đến lượt Lê.”

(Nguyễn và Nguyễn là nhà báo Nguyễn Viết Khánh và nhà văn Nguyễn Sĩ Tế. Lưu là nhà văn Mặc Thu Lưu Đức Sinh. Doãn là nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Lê là người làm thơ, tức Lê Hà Vĩnh bút hiệu Trần Dạ Từ).

 

Chính trong bối cảnh gần đất xa trời đó, nhóm Gia Trung Tứ Lão ra đời. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến bộ Tứ này. Nay vì trong bốn đã có hai ra đi, tức đã mất đi một nửa nên chúng tôi muốn nói rõ hơn chuyện này một chút để tránh mọi sự hiểu lầm. Việc thành lập nhóm Tứ lão không phải là chuyện cố ý để tách rời khỏi các anh chị em văn nghệ sĩ khác mà chỉ do một sự tình cờ, đúng hơn là một cái “duyên”. Chúng tôi cũng không uống máu ăn thề hay họp nhau theo kiểu Đào viên kết nghĩa vì làm như vậy là tự cho chân vào cùm trong biệt giam.

 

sd nvk
Từ trái: Mặc Thu Lưu Đức Sinh - Nguyễn Sỹ Tế - Trần Dạ Từ Ký họa CHÓE



Tứ Lão có Lưu Đức Sinh, Nguyễn Sĩ Tế, Trần Dạ Từ và tôi. Tôi được biết nhiều hơn như một ký giả, nhưng báo chỉ là cái vỏ, còn cái ruột vẫn là văn. Chúng tôi là giống đa tình, nhạy cảm. Và cái “duyên” gắn bó là cả bốn đều thích thơ Đường và chuyện chưởng, nên hay gặp nhau trong giờ nghỉ để đấu láo cho đỡ buồn. Đấu láo để có vẻ tếu, nhằm tránh cái nhìn soi bói của đám cán bộ công an coi tù cũng như đánh lạc hướng những tay sai “ăng-ten” nghe lén của chúng. Thật ra giữa những chuyện tếu, khi có thời cơ vắng người chúng tôi lại rỉ tai nhau về những chuyện cần cảnh giác trong trại, nhất là những tin tức bên ngoài do người nhà đi thăm nuôi lén cho biết.

 

Về Đường thi, chúng tôi đã có 3 người là nhà thơ, còn về chuyện chưởng tôi lãnh phần chính. Ở ngoài đời từ năm 1960, tôi đã từng dịch nhiều đoạn chuyện chưởng từ chữ Hán theo sách báo của Hong Kong, không phải vì tôi muốn kiếm thêm tiền mà vì thích chuyện chưởng. Bởi vậy tôi nhớ được các chuyện chưởng nên có thể “quay phim” những đoạn mà tôi cho là hay, tôi cũng bình luận theo kiểu Mao Tôn Cương đôi khi đượm vẻ tiếu lâm nên khi chúng tôi nói chuyện, nhiều anh em tù nhân khác cũng xúm lại nghe để rồi cùng phá lên cười ha hả, xôm trò vô cùng. Về việc dịch tiểu thuyết võ hiệp từ chữ Hán ra tiếng Việt, người tâm đắc với tôi nhất là anh Mặc Thu. Chúng tôi đều đồng ý về một điểm: Giỏi chữ Hán không có nghĩa là đã biết dịch chuyện chưởng cho hay. Dịch chuyện chưởng là phải thấu được ngôn ngữ và tác phong đặc biệt của tiếng Việt trong chuyện chưởng. Nếu không, chuyện chưởng Việt ngữ sẽ trở thành ngô nghê, lạc lõng và khó hiểu. Về điểm này tôi xin nói thêm tôi rất kính phục các vị dịch chuyện chưởng đi trước tôi vào thời đó như Hàn Giang Nhạn và Tiền Phong, tôi chẳng khi nào mạo muội muốn tranh tài với mấy vị đàn anh trong môn “võ công” này.

 

Vậy danh xưng “Tứ lão” ở đâu mà ra? Sự thật chúng tôi không bao giờ tự coi như một nhóm riêng nên không có chuyện đặt tên cho nhóm. Nhưng sau nhiều tháng họp thành thói quen như vậy, một hôm tình cờ tôi quay lại cuốn Thiên Long Bát Bộ, có đoạn nói đến Tứ đại ác nhân. 1)Đệ nhất Ác Đoàn Diên Khánh, Ác quán mãn doanh, 2)Đệ nhị Ác Diệp Nhị Nương, Vô Ác bất tác, 3)Đệ tam Ác Nam Hải Ngạc Thần, Hung thần Ác sát, 4)Đệ tứ Ác Vân Trung Hạc, Cùng hung cực Ác. Nên ghi nhớ hỗn danh của kẻ ác nhất có chữ Ác đứng đầu. kẻ ác nhì có chữ Ác đứng thứ hai, kẻ ác ba có chữ Ác thứ đứng thứ ba và kẻ ác bốn có chữ Ác đứng thứ tư. Cách dùng chữ của Kim Dung quả thật đã vào hàng cao thủ đệ nhất thiên hạ. Sau khi kể xong chuyện này bỗng có một bạn thính giả đứng ngoài xem nói: “Mấy ông có 4 người, vậy không giống tứ ác rồi sao”. Mọi người cùng rú lên cười và chúng tôi cũng cuời híp mắt, thích thú. Chuyện cuời nghe qua rồi bỏ mà. Hôm sau chúng tôi lại ngồi với nhau, nhưng trước khi định làm gì, không hiểu sao cả bốn bỗng im lặng rồi bốn cái mồm cùng nhếch ra cười và nói “Tứ Ác họp”. Chúng tôi đã bắt đầu yêu trò giễu này.

 

Vài ngày sau, Trần Dạ Từ nói: “Trong chuyện họ gọi Đệ nhất Ác là Lão Đại, vậy trong chúng ta ai là Lão Đại đây?” Chúng tôi đồng ý anh nào lớn tuổi nhất là Lão Đại. Mặc Thu và tôi xấp xỉ tuổi nhau, nhưng vì Mặc Thu có vẻ tiên phong đạo cốt, trông già hơn cả bọn nên tôi đề nghị Mặc Thu là Lão Đại. Mọi người hoan ngênh. Tôi là Lão Nhị, Nguyễn Sĩ Tế là Lão Tam và Trần Dạ Từ là Lão Tứ. Từ đó và cả sau khi ra khỏi tù Cải tạo, bốn danh xưng “ác” bám lấy chúng tôi khi nói chuyện với nhau. Bốn anh ác đó chỉ là “giả tưởng”, hoặc như về sau có anh nào bị ai - hay bà nào - gọi là ác thật, thì cố nhiên đó là chuyện cấm ngoại cuộc không ai được biết. Thật ra anh em chúng tôi đều hiền khô chớ không ác, nhưng mỗi người một vẻ khác nhau.

 

Trong bốn người, Nguyễn Sĩ Tế có vẻ đạo mạo nhất, ăn nói nhỏ nhẻ chậm rãi, ít khi nóng nảy lớn tiếng, anh giỏi chữ Hán hơn tôi nên tôi học được ở anh rất nhiều. Tác phong của anh đúng là một nhà mô phạm làm tôi liên tưởng đến một nhân vật trứ danh trong cuốn Tiếu Ngạo Giang Hồ. Đó là vị Thái sư thúc tổ Phong Thanh Dương, ẩn dật trong một hang núi của đỉnh Hoa Sơn. Mặc Thu có vẻ tiên phong đạo cốt nên tôi thấy anh giống Trương Tam Phong, Chưởng môn nhân phái Võ Đang trong cuốn Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Trần Dạ Từ giống anh chàng Quách Tĩnh trong cuốn Anh Hùng Xạ Điêu, võ công đầy mình nhưng lại rút về trấn ải thủ đồn, một tay điều binh khiển tướng để giữ sao cho thành (hay Tòa soạn) khỏi sập tiệm. Còn Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh thì sao? Tôi chỉ là một lãng tử đơn thân khăn gói quả mướp, xách kiếm đi hoang để.... “Tiếu Ngạo Giang Hồ”.

 

Cộng sản đã bắt nhốt các văn nghệ sĩ. Nhưng có gông cùm nào nhốt được cái chí chim bằng, có xiềng xích nào trói được trái tim sư tử. Thân bị nhốt trong nhà giam chật hẹp, nhưng tư tưởng của nhà văn có cả một không gian rộng lớn vô tận vô biên để tự do vẫy vùng. Trong những tháng tôi bị biệt giam, chân bị cùm đau nhức đêm ngày, cơ thể bị teo lại vì bị bỏ đói, cán bộ Cộng sản bảo tôi bị “bao vây kinh tế”, tức là một cách tra tấn không có dụng cụ cực hình để ép tôi phải khai ra những gì họ nghi là tôi biết mà không chịu nói. Lạ lùng thay lúc tôi tin tôi sắp chết lại lúc đầu óc tôi sáng tác được chuyện khoa học giả tưởng, chuyện hư cấu diễm tình mà sau khi ra khỏi biệt giam tôi có dịp kể lại cho các anh em trong tù nghe. Nhiều người tưởng đó là những tiểu thuyết tôi đã đọc từ trước khi đi cải tạo.

 

Tôi không phải là một người anh hùng. Nhà văn nhà báo không phải là những người anh hùng. Chúng tôi cũng biết sợ như bất cứ ai. Trong tù Cải tạo Cộng sản, bất cứ ai dù trước là ông quan, ông tướng, ông tá, khi đi lao động gặp lúc có những nhu cầu của cơ thể con người, tất cả đều biết chụm chân đứng nghiêm như lính, hướng về anh cán bộ mặt còn non choẹt để hô lớn: “Báo cáo cán bộ, xin phép cán bộ cho tôi đi tiểu”. Nếu không làm như vậy mà tự ý đi ra bờ ruộng bờ rừng, cán bộ quản chế sẽ nổ súng bắn bỏ không chút nương tay. Năm xưa nếu Hàn Tín không chịu nhục luồn chôn thì về sau làm sao có cơ hội làm Tướng và trả ơn bát cơm Phiếu mẫu? Ở tù Cộng sản cũng có những người tù anh hùng. Những người đó không trở về. Họ còn ở đó, trong lòng đất lạnh. Giờ đây những nấm mồ hoang đó có thể đã bị san bằng không còn chút di tích. Chúng tôi đã trở về.

 

Tứ lão đều đã đến được nước Mỹ. Lão Đại đến muộn nhất nhưng anh lại là người rời nước Mỹ sớm nhất và cũng ra đi vĩnh viễn sớm nhất. Năm 2002 Mặc Thu từ trần ở Việt Nam trong khi về thăm quê nhà. Tôi có duyên may được góp phần xây dựng tờ Việt Báo nên từ hơn 12 năm qua tôi và Trần Dạ Từ làm việc sát cánh bên nhau, ngay cả trong những năm gần đây tôi không còn ở Nam California. Riêng với anh Nguyễn Sỹ Tế, tôi ít khi được gặp anh. Nhưng tôi còn nhớ hình ảnh lần chót tôi tình cờ được thấy anh. Lúc đó khoảng năm 1997, tôi đang đi bộ trên vỉa hè đường Bolsa, chợt nhìn thấy Nguyễn Sĩ Tế đang chống gậy đi chầm chậm trên vỉa hè đường phía bên kia. Trông anh đã có vẻ yếu rồi, mắt đeo kính đen có vẻ thị lực cũng rất yếu. Tôi muốn chạy băng qua đường để nắm tay anh, nhưng qua làm sao được vào giờ đường Bolsa đông xe nhất. Giòng đời của nước Mỹ ồn ào và sống động đã ngăn cách anh và tôi. Bây giờ nghĩ lại, phải chăng điềm báo trước tôi nhìn thấy anh lần chót? Nguyễn Sĩ Tế không còn nữa.

 

Năm 2002, khi được tin Mặc Thu qua đời tôi viết bài “Thắp Nén Hương Lòng” để tiễn anh về chốn cửu tuyền.

Bài viết này cũng là một giọt lệ trong không gian trừu tượng để đưa anh Nguyễn Sĩ Tế về Thế giới bên kia, đến Văn miếu trên cao thẳm, nơi có những mộ bia ghi công đức của những bực thầy vĩ đại ở cõi Thế này.

 

Tháng 12 năm 2005.

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
LTS: Chiều Thơ Nhạc Ra Mắt Sách O Xưa | Nhã Ca đã được tổ chức vào chiều thứ Sáu, 10 tháng 2 cuối tuần qua. Gia đình Nhã Ca/Trần Dạ Từ và Việt Báo xin cảm ơn quý bạn hữu gần xa đã đến tham dự sinh hoạt cùng chúng tôi. Cũng xin cảm ơn các thân hữu, độc giả, khách tham dự đã gửi bài viết đến tòa soạn. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng các bài quý vị gửi đến.
Nhã Ca làm thơ trước khi viết văn, chị làm thơ từ Huế và khi vào trong Nam chị mới bắt đầu viết văn cùng anh Trần Dạ Từ – cũng là một thi sĩ nổi tiếng với những bài “thơ Tình”. Không biết hai anh chị yêu thơ của nhau trước rồi mới yêu người hay yêu người rồi mới bật ra thơ. Nhưng phải nói là cả hai người làm thơ này đã là hai tác giả nổi tiếng về “thơ Tình” cho những người đang yêu nhau từ thời 1964 cho đến bây giờ. (Nếu người ta còn thích đọc “thơ Tình” như tôi.)
Phạm Duy từng là một anh bộ đội. Phạm Duy từng là một văn nghệ sĩ, một cán bộ văn hóa, phục vụ khắp các chiến trường những năm đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp, từ 1945 đến 1951. Chỉ sau hai năm đầu toàn dân cùng một lòng chung nhau chống Pháp đã bắt đầu có sự phân rã, vì lý do ý thức hệ tư tưởng chính trị. Những thành phần Quốc gia hiểu ra họ cần một môi trường chống Pháp không cùng hàng ngũ với Mặt trận Việt Minh. Từ 1947, đã có phong trào dinh tê [rentrer, trở về]. Người Quốc gia cùng nhau rời bỏ hàng ngũ kháng chiến để trở về thành phố, những vùng có quân Pháp chiếm đóng. Năm 1948 đã hình thành Lực lượng Quốc gia Việt Nam, có chính phủ và quân đội riêng, nằm trong khối Liên Hiệp Pháp. Vua Bảo Đại đứng đầu.
Chúng tôi chào đời vào buổi không mấy vui. Cái vui chưa đúng là vui, không đáng nhớ. Cái buồn đi lố cái gọi là buồn, phải kèm thêm từ “thảm”. Trốn đi đâu cũng chẳng thể ra ngoái nỗi nhớ. Cuộc đời thì dài dặc, niềm vui biến đâu mất tiêu. Cứ nghe cha đêm khuya thở dài. Mẹ ru con toàn nỗi nhớ // Chiều chiều ra đứng ngõ sau / nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều // Nhớ ai không nhớ, nhớ người thất thế sa cơ // Chiều chiều én liệng truông mây / cảm thương chú Lía bị vây trong thành //
Chúng ta đều rõ là Âu, Mỹ đón Tết Dương Lịch mỗi năm vào ngày 01.01. Hằng năm, người Á Châu nói chung và người Việt Nam nói riêng đều đón Tết theo Âm Lịch. Như vậy người Á Chân có dịp mừng Năm Mới đến hai lần.
LTS: Trải dài suốt mấy thế hệ, từ thời kháng chiến chống Pháp, cuộc chiến hai mươi năm, và rồi tha hương, tên tuổi Phạm Duy luôn luôn gắn bó với tình tự dân tộc, là một huyền thoại trong khu làng âm nhạc, văn nghệ Việt Nam. Hiếm ai trong chúng ta không cảm thấy lòng dạt dào yêu quê Mẹ Việt Nam hơn khi nghe nhạc và ca từ của Ông. Cả một cuộc đời dài sáng tác, Ông đã để lại cho đời sau một gia sản tinh thần khổng lồ với “ngàn lời ca” mà có lẽ trước và sau Ông khó ai bì kịp. Đúng ngày này 10 năm trước, ngày 27 tháng 1 năm 2013, người nhạc sĩ nổi trôi cùng mệnh nước 93 năm đã kết thúc cuộc hành trình “trên đường về nơi cõi hết”. Nhân ngày giỗ Ông năm thứ 10, Việt Báo hân hạnh đăng tải dưới đây loạt bài của nhà văn Cung Tích Biền. Loạt bài gồm 4 phần, mỗi phần là cái nhìn ở mỗi chặng đường soi giọi bước chân của người nhạc sĩ.
mưa bụi lướt về trong mơ ướt sũng một thời trí nhớ thì thầm cổ tích như thơ bay vào trong con giấc ngủ mẹ ru con lời dịu dàng nguyện cho mưa về tốt lúa nguyện cho khắp cõi bình an nguyện người người xa nhà lửa
Sinh thời, Hemingway, tác giả của “Ngư ông và biển cả” vào bất cứ lúc nào cũng có nuôi chừng vài chục con mèo. Ngôi nhà của ông ở Key West, Florida, trở thành viện bảo tàng có khoảng 40 cho đến 50 con mèo sáu ngón (polydactyl cat). Tất cả đều được đặt tên của những nhân vật nổi tiếng. Đám mèo sáu ngón này là hậu duệ của con mèo Snow White do một vị thuyền trưởng tặng cho Hemingway.
... Nếu thế thì mỗi bài thơ là một sự cách tân, mỗi thi sĩ là một người làm mới sự vật. Có những điều chỉ ngôn ngữ thi ca mới nói được, chỉ thi ca mới có cái “thần” giúp chúng ta thấu thị tận đáy sâu của bản ngã. Người làm thơ là người nắm trong tay quyền năng “soi sáng” sự vật, quyền năng cho sự vật một đời sống mới, quyền năng “đi vào linh hồn của sự vật[1],” và không ai có thể tước đoạt quyền năng đó từ tay hắn...
Ngày nay nhân loại có quá nhiều thú vui không kể xiết. Người ta tìm kiếm, ngụp lặn trong thú vui và cho đó là hạnh phúc. Nhưng này bạn ơi, Thú vui không phải là hạnh phúc, Mà nhiều khi nó là nguồn gốc của khổ đau. Niềm vui lớn nhất của nhân loại ngày hôm nay.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.