Hôm nay,  

Chu Thần Cao Bá Quát, người chỉ biết cúi lạy hoa mai

14/04/202211:46:00(Xem: 3582)

Biên khảo văn học/ lịch sử

hoamai
Hoa mai.

Cách đây không lâu, trong lúc đang đi tìm đọc lại những bài thơ cổ điển Việt Nam, tôi chợt bắt gặp hai câu đối của nhà thơ Chu Thần Cao Bá Quát [1]:

 

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái hoa mai

 

Dịch:

 

Mười năm chu du tìm gươm báu

Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai

 

Cả hai câu thơ nói lên cái khí phách hiên ngang của con  người bôn ba khắp chốn mong cầu được kiếm báu để giúp đời, giúp người nhưng lại có bản lĩnh cúi đầu trước cành hoa mai tượng trưng cho cái đẹp, cái thanh tao, cái cốt cách tinh anh của người anh hùng và đồng thời vẽ lên cho ta một cảnh trí thật hào hùng, một tráng sĩ với khát vọng muốn xoay trời chuyển đất, đang chống gươm cúi xuống lạy hoa mai. Hoa mai tuy mỏng manh nhưng lại chịu đựng được mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, khắc phục được mọi thời tiết nắng mưa, bão tuyết thất thường. Nên theo quan niệm của người Á đông, hoa mai biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự kiên cường và sự không khuất phục trước bạo quyền. Viết về hoa mai có thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều, “Mai cốt cách tuyết tinh thần”, nghĩa là cốt cách thanh tao mảnh dẻ như cây mai và tinh thần trong trắng khôi nguyên như tuyết. Cành mai trong thơ của thiền sư Mãn Giác, “Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một cành mai” không chỉ là mùa xuân nắng ấm, mà chính là sự tồn tại bất diệt của cái đẹp,  sự biến hóa vô thường của vạn vật, trở thành cái lẽ sống muôn đời của nhân sinh.

 

Thân thế sự nghiệp

 

cao baquat
Cao Bá Quát.
(Ảnh Internet).

 

Cao Bá Quát tự Chu Thần  (bậc thần tử của nhà họ Chu) sống vào thế kỷ thứ 19, người sau này xếp bút nghiên đứng lên phất cờ chống lại triều đình nhà Nguyễn ở Mỹ Lương. Ông sinh 1809 có hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông nổi tiếng vì văn hay chữ tốt ngoài ra còn là một người đầy tài năng mà tính khí lại hào phóng. Ngay đến như ông vua thi sĩ Tự Đức (1829-1883) đã có lần phải khen ngợi “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh đường, có nghĩa là Văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì đến đời Tiền Hán cũng không có, thơ phú mà như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thì đời Thịnh Đường cũng chẳng thấy ai. Tiền Hán và Thịnh Đường là hai thời kỳ hoàng kim rực rỡ nhất của văn học Trung Quốc, đã để lại những nhân vật bất tử như nhà chép sử Tư Mã Thiên hay những nhà thơ lớn như Lý Bạch, Đỗ Phủ… Không những thế người đương thời còn ca tụng Cao Bá Quát và Nguyễn Văn Siêu, người bạn tâm giao về văn chương với nhà thơ họ Cao, là “Thần Siêu thánh Quát”. Thần Siêu hay Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) đậu tiến sĩ năm 1838, nổi tiếng là nhà thơ, là nhà nghiên cứu của Việt Nam. Còn Thánh Quát đã mang danh là thần đồng ngay từ khi lúc đầu còn để chỏm. Năm 1821, lúc 13 tuổi ông đã lầu thông kinh sử, có tài “xuất khẩu thành thơ” cùng với người anh sinh đôi là Cao Bá Đạt đi thi khảo hạch ở Bắc Ninh và được đậu thủ khoa, nhưng khi đi thi Hương vì còn quá trẻ nên quan trường không cho đỗ. Tuổi còn trẻ mà tài lại cao, nên dễ sinh ra kiêu ngạo. Ông đã có  lần tự phụ nói, “Thiên hạ có bốn bồ chữ, riêng tôi giữ hai bồ, anh tôi Cao Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, còn một bồ chia cho kẻ sĩ khắp thiên hạ. Có lẽ ông chia không đều, một bồ chữ cho thiên hạ thì không đủ, nên thường hay bị ganh ghét đưa đến gặp nhiều trắc trở trên đường hoạn lộ. Năm 1831, thi Hương đỗ Á Nguyên (đỗ thứ nhì) tại trường thi Hà Nội, nhưng sau bị Bộ Lễ kiếm cớ xếp xuống hạng chót trong số 20 người đỗ Cử nhân. Năm 1832, ông đi tới kinh đô Huế thi Hội, không đỗ và mấy lần sau vào  Huế dự thi, nhưng đều bị đánh hỏng. Không đỗ không phải không có tài, mà chỉ vì văn thơ của ông nhiều chỗ vượt ra khỏi khuôn phép nghiêm ngặt hẹp hòi trường thi của triều Nguyễn. Nhưng chính những ngang trái của cuộc đời đã tôi luyện cho ông trở thành một con người có thái độ phản kháng thay vì chỉ cúi đầu “nhai vănnhá chữ, bởi như ông tự nhận ông không thể là tấm bia không chữ “Thế sự hà kham một tự bi.

 

Mặc dù nhiều tác phẩm của Cao Bá Quát bị thất lạc hay bị vua Tự Đức ra lệnh tiêu hủy. Tuy nhiên, hiện nay người ta vẫn tìm được 1353 bài thơ, 11 bài thể ký, 10 truyện ngắn, 21 bài văn. Một số ít bài viết bằng chữ Nôm nhưng phần đông bằng chữ Hán. Trong đó có bài “Sa hành đoản ca” (Bài ca ngắn đi trên bãi cát) là một trong những bài thơ nổi tiếng của họ Cao. Ông viết thủa còn đi thi Hội, khoảng từ năm 1832 đến 1841, nói lên nỗi chán chường sau những ngày tháng chạy theo đuổi công danh qua đường thi cử. Đọc 4 câu thơ dưới đây, ta sẽ xúc động, thấm thía nỗi đau xót xa, phẫn uất của ông đã được gởi kín đáo trong bài thơ: Tâm trạng của một người đi trên cát dài, đi đi mãi, càng đi càng lùi và không lối thoát, cho đến khi mặt trời đã lặn mà vẫn còn bước đi với nước mắt chảy dài vì không thấy tương lai.

 

Trường sa phục trường sa

Nhất bộ nhất hồi khước

Nhật nhập hành vị dĩ

Khách tử lệ giao lạc

 

Dịch:

 

Bãi cát dài, lại bãi cát dài

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn mà vẫn còn đi

Lữ khách trên đường nước mắt tuôn rơi

 

Rồi cuối cùng ông tự hỏi, ta đứng làm gì ở nơi đây?

 

Quân hồ vi hồ sa thượng lập?

 

Dịch:

 

Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?

 

Hỏi mà không có câu trả lời, Cao Bá Quát đã phát phẫn nộ khi đứng trước sự bất lực của chính mình. Khi còn trẻ, ông như bao nhiêu kẻ sĩ thời đó, hăm hở lên đường muốn mang tâm huyết, tài năng của mình ra để nhập thế giúp đời, giúp người. Nhưng con đường công danh duy nhất để lập thân dưới thời các vua nhà Nguyễn là thi cử để ra làm quan. Theo đuổi con đường khoa bảng đã lâu mà chưa thành đạt, ông cảm thấy mệt mỏi, chán nản và bế tắc. Trong bài “Độc dạ cảm hoài” (Đêm một mình cảm nghĩ), ông đã ngậm ngùi than thở:

 

Ỷ chẩm khan trường kiếm

Hô đăng kiểm tệ cừu

Cưỡng liên tâm lực tại

Cơ ngọa bất câm sầu

 

Dịch:

 

Tựa gối nhìn thanh kiếm dài

Rọi đèn xem lại áo bông rách

Bực bội vì tâm lực vẫn còn

Mà bị giam cầm nằm một chỗ buồn không chịu nổi

 

Nhưng Cao Bá Quát không chỉ biết nhìn đời qua lăng kính màu đen đầy bi lụy. Ông là con người có khí phách, hiên ngang, đầy khát vọng muốn vươn lên, vượt khỏi lẽ tầm thường của một xã hội phong kiến đương thời, trèo lên tận đỉnh núi cao nhất, hát vang thật xa để gởi tấm lòng của mình cho trời cao cho đất rộng như trong bài thơ Quá Dục Thúy Sơn” (Qua núi Dục Thúy):

 

Ngã dục đăng cao
Hạo ca ký vân thủy

 

Dịch:

 

Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất
Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước

 

Năm 1841, tức là mười năm sau khi đậu Cử nhân, ông mới được triệu vào kinh đô Huế giữ chức Hành tẩu bộ Lễ, một chức quan nhỏ trong nguồn máy hành chánh của triều đình nhà Nguyễn. Được ít lâu họ Cao được cử làm sơ khảo trường thi ở Thừa Thiên. Lúc chấm bài thấy 24 quyển viết hay nhưng lỡ phạm húy, ông lấy muội đèn làm mực chữa. Việc làm bị phát giác, ông bị kết tội trảm quyết (tử hình), sau đổi xuống thành tội giảo giam hậu, tức được giam lại đợi lệnh. Sau 3 năm tù, có lúc bị nhục hình, lúc bị tra tấn, ông được tạm tha, được đổi thành “Dương trình hiệu lực”, tức là đi sứ để lấy công chuộc tội. Khoảng cuối năm 1843, ông được triều đình phát phối đi Đà Nẵng, chờ ngày lên tàu theo phái đoàn do Đoàn Trí Phú dẫn đầu đi sứ sang Indonesia, lúc đó đang là thuộc địa của Hòa Lan từ năm 1800. Chính nhờ chuyến đi “dương trình” này mà họ Cao có dịp trông ra biển rộng trời cao, được nhìn thấy sự phát triển của nền văn minh thế giới. Điển hình trong bài thơ “Hồng mao hỏa thuyền ca” (Bài ca về tàu hơi nước của người Anh), ông tỏ ra khâm phục nền kỹ thuật tân tiến của phương Tây. Nhưng khi nhìn thấy cảnh người bản xứ phải kéo xe cho người da trắng, ông đâm băn khoăn, trăn trở cho quê hương mình còn đang trong tình trạng nghèo đói, lạc hậu và có nguy cơ bị các nước khác xâm lược.

mo-cbq

Khu tưởng niệm Cao Bá Quát tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
(Ảnh Internet)

 

Trở về lại đất nước, ông được cử làm bộ Lễ. Vì tính khinh thế ngạo vật, con đường ra làm quan của Cao Bá Quát không phẳng lặng mà ba chìm bảy nổi, lúc được vời ra làm quan lúc bị thải về nhà, lúc được triệu vào kinh lúc phải khăn gói về quê. Cuối cùng, năm 1850, ông phải đi làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, một nơi xa xôi, hẻo lánh trên xứ Bắc. Thấm thía cái chua chát của kẻ gần như bị đi đày, ông làm hai câu đối treo trước thư phòng:

 

Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái

Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi

 

Cũng chính nơi đây, ở cái xứ “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, ông có dịp nhìn thấy cảnh nghèo nàn, đói khổ và cộng thêm cái bất công của một xã hội quan liêu, thủ cựu, hẹp hòi mà người dân cùng đinh phải chịu đựng. Những bài thơ như “Đạo phùng ngã phu (Đi đường gặp người đói),  Cái tử (Người ăn xin), Quan chẩn (Quan phát chẩn), Mộ kiều quy nữ (Cô gái về qua cầu chiều), Hiếu lũng quán phu (Thợ tát nước trên đồng cao buổi sáng)… đã tả chân cuộc sống lầm than của đại đa số dân đen thời đó. Như bài thơ Mộ kiều quy nữ đã kể về một cô gái phải bán cái áo để mua cám cho gia đình ăn. Không áo ấm cô phải chịu rét đi qua cầu gió lồng lộng thổi, nhưng cô vui vì có cám cho người thân đang tựa cửa chờ. Trong bài Hiếu lũng quán phu, ông đã vẽ lên cảnh những người tát nước trên đồng cao vào buổi sáng sớm trong sương mù dày đặc. Dù trời rét, bụng đói, môi run run, họ chỉ khoác chiếc áo tơi ngắn mà cứ phải luôn tay thoăn thoắt kéo dây gầu. Bài thơ Đạo phùng ngã phu lại mang đầy tính nhân bản, người đọc cảm nhận được tấm lòng nhân hậu của họ Cao trước những con người đói khổ. Gặp một người nghèo hành nghề thuốc và bói toán phải bán cả tráp rỗng để về quê, mấy ngày không có hột gạo trong bụng, ông khuyên thôi hãy dừng khóc, cuộc đời này mấy ai được ung dung, thư thả, hãy ăn cùng tôi, nhưng từ từ đừng nuốt vội, ăn nhanh quá không tốt đâu.

 

Y! tử thả hưu lệ,
Nhất quỹ dữ tử hoan.
Du du nghịch lữ trung,
Bách niên thùy tự khoan?
Mạn dã! Mạc sậu yết,
Bạo doanh phi tráng nhan

 

Dịch:

 

Thôi, ông đừng khóc nữa
Một bữa ăn đây, cùng ông vui
Đời người như quán trọ
Trăm năm mấy ai được ung dung
Hãy thong thả, đừng vội nuốt
(Đang đói) ăn nhanh đầy bụng không tốt đâu

 

Đứng trước những cảnh lầm than của đất nước, họ Cao trăn trở vì chưa làm được gì và tự thẹn là một kẻ sĩ (nhà nho) mà lại tầm thường đến thế, như trong bài “Độc dạ - Thành thị huyên ty địa” (Đêm ngồi một mình - Thành thị nơi ở thấp ồn):

 

Thái bình vô nhất lược

Lộc lộc sỉ vi nho 

 

Dịch:

 

Không có lấy một sách lược gì làm cho đời được thái bình.

Thẹn mình là một nhà nho mà lại tầm thường đến thế!

 

Cái bi phẫn của cuộc đời đã đẩy họ Cao đến hành động. Cuối năm 1850, lấy cớ chịu tang cha, ông xin thôi chức giáo thụ ở Quốc Oai. Năm 1854, miền Bắc bị nạn châu chấu, mùa màng mất sạch, dân tình đói khổ vô cùng. Cao Bá Quát cùng với một số hào mục tôn Lê Duy Cự lên làm minh chủ phất cờ chống quân triều Nguyễn. Ông cho thêu hai dòng chữ lớn trên lá đại kỳ:

Bình Dư­ơng, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn

Mục Dã, Minh Điều hữu Võ, Thang.

 

Có nghĩa là ở Bình Dư­ơng và Bồ Bản không có những ông vua hiền như­ Nghiêu, Thuấn. Thì ở Mục Dã, Minh Điều có những ng­ười như Võ, Thang đứng lên chống lại. Cuộc nổi dậy mau chóng bị vua Tự Đức cho quân triều đình tới dẹp tan. Theo chính sử, đầu năm 1855 Cao Bá Quát bị bắn chết tại trận. Vua Tự Đức cho bêu đầu ông khắp các tỉnh miền Bắc và chu di tam tộc họ Cao. Nhưng cũng có thuyết khác cho là ông bị bắt, bị giam ở kinh đô Huế và sau đó bị chém đầu. Trong thời gian bị giam cầm, nhà thơ họ Cao đã làm mấy câu đối nổi tiếng còn lưu truyền rộng rãi trong dân gian:

 

Một chiếc cùm lim chân có đế,
Ba vòng dây xích bước còn vương.

 

Trong tù, hai chân bị cùm, hai tay bị xích trói mà vẫn „đế vương” và trước khi ra pháp trường, vẫn ứng khẩu làm hai câu thơ ngạo đời thì chỉ có mình Cao Bá Quát, người biết cúi lạy hoa mai:

 

Ba hồi trống giục, đù cha kiếp,
Một nhát gươm đưa, đ... mẹ đời!

 

Cuối cùng

 

Nhà văn Pháp Stephane Hessel trong cuốn “Indignez-vous!” (Hãy phẫn nộ!) viết “Thái độ xấu nhất là sự thờ ơ”. Họ Cao không thể nhắm mắt thờ ơ trước cảnh nghèo đói, bất công của xã hội, im lặng vô cảm trước cái đau của dân tộc. Và “Khi bất công trở thành luật, phản kháng trở thành nghĩa vụ”[2], Cao Bá Quát đã đứng dậy coi sự phản kháng thành nghĩa vụ của chính mình để đạp đổ những bất công đang ngự trị. Mặc dù cuộc nổi dậy của ông đã bị thất bại.

 

Nguyễn Du (1765-1820) và Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là hai nhà thơ nổi danh sống đồng thời với Cao Bá Quát. Nhưng khác với họ Cao, Nguyễn Du con người đã trải qua ba triều đại, nhìn thấy tương lai tăm tối của dân tộc, trước khi nhắm mắt ông đã để lại một câu hỏi:

 

Bất tri tam bách dư niên hậu 
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(Độc Tiểu Thanh ký, Nguyễn Du)

 

Ba trăm năm sau, ai là người thương xót ông (Tố Như) mà nhỏ lệ? Một con người tài hoa đã phải sống trong một thời đại oan trái, đau thương mà ông và cả một dân tộc đã phải gánh chịu, đã đẩy cả một nước vào vòng nô lệ. Ba trăm năm sau, ai là người biết đến điều đó? 

 

Nguyễn Công Trứ, người đã hăm hở hát bài  “Chí làm trai”, muốn lên đường vẫy vùng bốn bể cho phỉ sức:

 

Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

 

Rồi trải qua bao nhiêu thăng trầm ”khóc lộn cười”, cuối cùng cũng phải than thân trong bài “Làm quan bị cách”:

 

Ra trường danh lợi vinh liền nhục

Vào cuộc trần ai khóc lộn cười.

 

Để rồi khi về hưu, Nguyễn Công Trứ đã lấy triết lý “hưởng lạc” như một tuyên ngôn chống lại những “giáo điều” do phong kiến đặt ra.

 

Nhà thơ Cao Bá Quát khác hẳn với Nguyễn Du, không chấp nhận than thân “Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?” (Truyện Kiều), cũng không trách phận như Nguyễn Công Trứ “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng” (Bài ca ngất ngưởng). Cao Bá Quát muốn chuyển đổi số mệnh, muốn thay đổi thời cuộc và cũng không muốn chết tầm thường nơi chốn văn chương “Dũng phu na tử hàn mặc trường” (Là người dũng cảm, đâu có chịu chết ở nơi văn tự - Đằng tiên ca). Cao Bá Quát đã đứng lên phất cờ chống lại triều đình nhà Nguyễn với ước mong cứu dân tộc ra khỏi lầm than, đưa đất nước ra khỏi nghèo hèn, lạc hậu. Cuộc nổi dậy bị thất bại đã mang đến hậu quả là cả dòng họ Cao bị chu di, nhưng chính điều đó đã làm Chu Thần Cao Bá Quát và thơ văn của ông trở lên bất tử.

 

– Lương Nguyên Hiền

 

 

[1] Có thuyết cho rằng câu đối “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm, Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”  do Tri phủ nhà Hán là Dương Ngài Tuấn Mỹ tặng Phó sứ Nguyễn Tử Giản trong đoàn sứ bộ vua Tự Đức phái sang triều cống nhà Thanh năm 1868. Sự kiện này được ghi chép trong Yên Thiều Bút Lục của Nguyễn Tử Giản (1823-1890).  Tuy nhiên nhiều sách báo, kể cả sách giáo khoa vẫn dựa theo tài liệu được công bố từ năm 1972 cho rằng hai câu đố trên của nhà thơ Chu Thần Cao Bá Quát.

 

[2] Thomas Jefferson [1743-1826] là người soạn thảo chính Tuyên ngôn Độc lập  và là tổng thống thứ ba (1801-09) của Hoa Kỳ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta hàng ngày đọc tin thời sự, dễ dàng nhìn về thế giới Hồi giáo dường như đầy những bạo lực, và nhìn về một quốc gia Iran như một tuyến đầu tua tủa những dàn phóng phi đạn hướng về thế giới tự do. Chúng ta cũng từng thấy các chính phủ Hồi giáo theo các hệ phái khác nhau đã kình nhau, thậm chí trong một nước, như Iraq, cùng từng sinh khởi nội chiến. Tuy nhiên, vẫn có một Hồi giáo khác, một Hồi giáo rất mực hòa bình, một hệ phái ít được báo chí hàng ngày tường thuật chỉ vì họ không gây ra các biến cố hung hăng nào. Đó là Hồi giáo Sufi, một khuynh hướng rất mực thần bí có từ nhiều thế kỷ qua, và là nơi rất mực thơ mộng của Hồi giáo: một nơi của những dòng chữ về vẻ đẹp của sa mạc, của tịch lặng, của yêu thương. Các tác phẩm văn học Sufi ghi trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nội dung tư tưởng thần bí của Hồi giáo Sufi. Khuynh hướng này trong tiếng Anh gọi tắt là Sufism
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
Nhắc đến GS Nguyễn Văn Sâm, người ta biết ông nhiều trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu di sản Hán-Nôm và văn học Nam Bộ hơn là nhà văn, nhà thơ. Điều này không phải do sáng tác của ông chưa chín, mà có lẽ chính sự đóng góp quá lớn của ông ở mảng khảo cứu, dịch thuật Hán-Nôm đã làm che khuất những tác phẩm văn chương giá trị của ông...
Mấy tháng đầu năm 2023 này sao mà mưa bão liên miên... Làm như thiên nhiên muốn bù đắp cho tình trạng hạn hán kéo dài cả thập niên trước đây ở tiểu bang Cali. Dường như không hẳn thế mà xem ra còn ngược lại: Đợt biến động khí hậu này liên tiếp cũng đã và đang gây nên quá nhiều thiệt hại trên hầu hết các vùng của lãnh thổ Hoa Kỳ, đe dọa nặng nề đến môi trường sống của toàn thể dân cư nữa!
Mùa hè năm 1865, ngay sau khi bắt đầu viết Tội Ác và Hình Phạt (Crime and Punishment), đại văn hào vĩ đại nhất mọi thời đại lâm vào hoàn cảnh tệ đến không thể tệ hơn. Vừa góa vợ thì bị nằm liệt giường vì chứng động kinh, Fyodor Dostoyevsky (11/11/1821 – 9/2/1881) còn ‘rước thêm vạ vào thân.’ Sau khi anh trai qua đời, Dostoyevsky, vốn đã nợ nần chồng chất vì máu đỏ đen, đã tự đứng ra gánh món nợ của tòa soạn của anh trai. Chủ nợ nhanh chóng kéo đến gõ cửa nhà ông, đe dọa sẽ tống ông vào nhà tù của những con nợ. (Một thập niên trước, ông suýt chút nữa đã dính án tử hình vì đọc những cuốn sách bị cấm; thay vào đó ông bị kết án bốn năm khổ sai tại một trại lao động ở Siberia – cho nên viễn cảnh bị tù đày lần nữa khiến ông phát hoảng.)
Phải chăng ‘nhìn thấu tim đen’ là một lối nói hàm ý? Vì sao tim lại đen mà không đỏ? Vì trái tim tối tăm, tính toán, mưu đồ. Nhìn thấu tâm lý là nhìn trái tim cả đen lẫn đỏ, cả xấu lẫn tốt, cả buồn lẫn vui, cả thất vọng lẫn hy vọng. Những người giỏi nhìn ra tâm lý người khác, tâm lý đám đông thường trở thành những bậc cao nhân, hoặc ít nhất là thầy bói.“Giỏi nhìn ra tâm lý” là một cụm từ ngụ ý người có học thuật, có tập luyện, có kinh nghiệm nắm bắt những ý nghĩ âm thầm, những cảm giác tâm tư, và cá tính người đối diện. Học tâm lý mà không có khả năng thông tuệ thì chỉ từ chương, ít dùng được vào việc gì quan trọng, ngoài trừ lãnh lương làm cố vấn ở các trường học, các cơ sở nhân viên, hoặc các nhà tù. Muốn nhìn xuyên tâm lý phải bẩm sinh nhạy cảm, cảm nhận sắc bén, và tấm lòng tốt thường làm khả năng thông cảm, đồng cảm mạnh mẽ, dễ dàng nối kết với tâm tình người khác. Đến cấp bậc cao nhân thì khả năng “nhận thức sáng tạo” là lực chủ yếu để nhìn xuyên tâm hồn.
John Steinbeck sinh tại Salinas, California năm 1902 - một thành phố cách xa bờ biển Thái Bình Dương vài dặm, gần Thung Lũng Salinas màu mỡ và cách San Jose khỏang 70 dặm Anh. Nơi đây đã được dùng làm bối cảnh cho nhiều tiểu thuyết của ông...
Nói dối là một đặc tính trong thời đại hôm nay, đầu thế kỷ 21. Có ba loại người: Nói dối chuyên nghiệp vì có mục đích. Nói dối luôn miệng vì thói quen. Nói dối khi cảm thấy cần thiết hoặc sợ hãi. Nói không đúng sự thật nhưng tưởng mình nói thật, cũng là một cách dối. Nói thật và nói dối trên căn bản đối nghịch nhau, nhưng đôi khi, cả hai là một. Vì hầu như vô tình hay cố ý, ít ai thực sự nói thật. Chẳng phải thích thú khi nhìn rõ tim đen của người đang ba hoa cố thuyết phục mình một chuyện gì có lợi cho anh ta? Chẳng phải tức cười khi biết anh này muốn tán tỉnh, nhưng cố nói những lời nghiêm túc? Lào sao biết được? Hãy tập nhìn xuyên giả dối. Tìm người nói thật và đúng sự thật là chuyện hiếm hoi, trước hết, vì ngày nay, sự thật lớn là gì, không ai biết. Còn sự thật nhỏ, chỉ thật một cách tương đối, mỗi người tin khác nhau.
Đây chỉ là cách nói nhẹ đi, thay cho lối nói có thể bị coi là sỗ sàng, làm khó chịu, xúc phạm. Tôi chỉ muốn nói từ CHẾT...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.