Hôm nay,  

Anna Dostoyevskaya: Bí Quyết Nào Để Có Một Trong Những Cuộc Hôn Nhân Hạnh Phúc Nhất Lịch Sử?

14/04/202300:00:00(Xem: 2267)
 
Anna Dostoyevskaya
Theo hồi ký của Anna Dostoyevskaya, người vợ thứ hai của đại văn hào Fyodor Dostoyevsky, vợ chồng bà luôn là chính mình, không bắt chước hay càm ràm nhau, không cố gắng can thiệp vào tư tưởng hay tác động tâm lý đối phương. Và theo cách này, họ đều cảm thấy mình được tự do về tinh thần. (Nguồn: pixabay.com)
 
Làm thế nào để nuôi dưỡng một tình yêu “vững chãi tựa trường thành,” sẽ không bao giờ “để ta ngã” và cho ta một chốn “nương tựa ấm áp?”
 
Mùa hè năm 1865, ngay sau khi bắt đầu viết Tội Ác và Hình Phạt (Crime and Punishment), đại văn hào vĩ đại nhất mọi thời đại lâm vào hoàn cảnh tệ đến không thể tệ hơn. Vừa góa vợ thì bị nằm liệt giường vì chứng động kinh, Fyodor Dostoyevsky (11/11/1821 – 9/2/1881) còn ‘rước thêm vạ vào thân.’ Sau khi anh trai qua đời, Dostoyevsky, vốn đã nợ nần chồng chất vì máu đỏ đen, đã tự đứng ra gánh món nợ của tòa soạn của anh trai. Chủ nợ nhanh chóng kéo đến gõ cửa nhà ông, đe dọa sẽ tống ông vào nhà tù của những con nợ. (Một thập niên trước, ông suýt chút nữa đã dính án tử hình vì đọc những cuốn sách bị cấm; thay vào đó ông bị kết án bốn năm khổ sai tại một trại lao động ở Siberia – cho nên viễn cảnh bị tù đày lần nữa khiến ông phát hoảng.) Trong cơn tuyệt vọng, ông đồng ý bán quyền ấn bản các tác phẩm trong bộ sưu tập của mình cho một nhà xuất bản, một người tên là Fyodor Stellovsky, để trả khoảng nợ 3,000 rúp, tương đương khoảng 80,000 MK ngày nay. Theo một phần của thỏa thuận, ông cũng sẽ phải sáng tác một cuốn tiểu thuyết mới dài ít nhất 175 trang trước ngày 13 tháng 11 năm sau. Nếu không xong đúng thời hạn, ông sẽ mất trắng các quyền đối với tác phẩm của mình, chúng sẽ được chuyển giao cho Stellovsky vĩnh viễn.
 
Chỉ sau khi ký hợp đồng, Dostoyevsky mới phát hiện ra rằng nhà xuất bản đó là một kẻ bóc lột xảo quyệt, thường lợi dụng bắt chẹt các nghệ sĩ đang khốn khó. Stellovsky đã mua lại giấy nợ của anh trai ông với giá rẻ như cho, cho hai người khác buộc Dostoyevsky phải trả hết mọi khoản nợ. Phẫn nộ nhưng không còn cách nào khác, ông phải bắt tay thực hiện hợp đồng. Nhưng ông đã quá say sưa với tác phẩm Tội Ác và Hình Phạt, đến nỗi gần như dành trọn năm 1866 để viết tác phẩm này thay vì Con Bạc (The Gambler), cuốn tiểu thuyết mà ông đã hứa hẹn với Stellovsky. Ngoảnh mặt đã tới tháng 10, Dostoyevsky chỉ còn bốn tuần để viết cho xong cuốn Con Bạc.
 
Bạn bè lo lắng cho sức khỏe của ông, bèn nghĩ ra một kế hoạch ‘huy động’ nguồn lực tập thể - Dostoyevsky sẽ suy nghĩ ra một cốt truyện, rồi mỗi người bạn sẽ viết một phần của câu chuyện, và sau đó ông chỉ cần trau chuốt lại để cho ra sản phẩm cuối cùng. Nhưng, là một người kiên định theo chủ nghĩa lý tưởng ngay cả trong lúc khốn cùng, Dostoyevsky nghĩ rằng thật đáng xấu hổ khi đề tên mình lên tác phẩm của người khác và đã từ chối ý tưởng này.
 
Vậy thì, chỉ còn cách bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết, và phải viết thật nhanh.
 
Ngày 15 tháng 10, ông gọi điện cho một người bạn là thầy dạy viết tốc ký (stenography), muốn hỏi nhờ thuê học trò giỏi nhất của bạn. Không do dự, vị giáo sư giới thiệu một cô gái trẻ tên là Anna Grigoryevna Snitkina. (Thời đó, tốc ký là bộ môn hoàn toàn mới mẻ và nó đòi hỏi kỹ thuật cao đến mức trong số 150 sinh viên ghi danh theo học chương trình chung với Anna, 125 người đã bỏ học trong vòng một tháng.)
 
Anna, cô gái trẻ 20 tuổi, theo học ngành tốc ký ngay sau khi tốt nghiệp trung học với hy vọng trở nên độc lập về tài chánh bằng chính sức lao động của mình, đã rất phấn khích khi nhận được lời đề nghị - Dostoyevsky là nhà văn mà người cha vừa lìa đời của cô rất yêu thích, và cô đọc truyện của ông từ bé. Nghĩ tới việc không chỉ được gặp mà còn được giúp ông trong công việc khiến cô vui cả ngày.
 
Ngày hôm sau, cô có mặt tại nhà Dostoyevsky lúc 11 giờ 30, “không sớm, không trễ,” đúng y giờ hẹn với Dostoyevsky – một cách diễn đạt ông ưa thích, thể hiện sự nghiêm khắc của ông. Mất tập trung và cáu kỉnh, ông hỏi một loạt câu hỏi về quá trình luyện tập của Anna. Dù cô trả lời từng câu một cách nghiêm túc và gần như khô khan, để tỏ ra như là mọi thứ chỉ là vì công việc, nhưng dần dần ông đã nói chuyện nhẹ nhàng hơn. Đầu giờ chiều hôm đó, họ bắt đầu hợp tác viết tiểu thuyết – ông đọc; cô viết tại chỗ bằng kỹ thuật viết tốc ký, sau đó sẽ viết lại ở nhà vào ban đêm.
 
Trong hai mươi lăm ngày tiếp theo, Anna đến nhà Dostoyevsky mỗi trưa và ở lại làm việc cho đến bốn giờ. Giữa các buổi đọc-viết của họ là những khoảng nghỉ ngắn, uống trà và trò chuyện. Càng ngày, ông càng trở nên tử tế và ấm áp hơn, và cuối cùng đã gọi Anna bằng tên thân mật, “golubchik” – tiếng Nga có nghĩa là “bồ câu nhỏ.” Ông rất trân trọng sự nghiêm túc trong công việc và khả năng đồng cảm phi thường của cô. Tinh thần rạng rỡ của Anna đã xua tan bầu tâm trạng tối tăm nhất của ông, và kéo ông ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực ám ảnh. Cô cảm động trước lòng tốt của ông, sự tôn trọng ông dành cho cô, cách ông nghiêm túc lắng nghe và quan tâm đến những ý kiến của cô, và đối xử với cô như một cộng tác viên chứ không phải là người giúp việc. Nhưng cả hai đều không biết rằng chính sự tôn trọng và thiện cảm lớn lao mà họ dành cho nhau lại gieo một hạt giống cho một tình yêu huyền thoại.
 
Trong hồi ký về cuộc hôn nhân của mình có tựa là Dostoevsky Reminiscences (được viết hoàn toàn bằng kỹ thuật tốc ký), Anna kể lại một cuộc trao đổi tiền định diễn ra trong những lúc nghỉ giữa giờ:
 
Mỗi ngày, anh tâm sự với tôi như bằng hữu, sẽ kể về vài chuyện không vui trong quá khứ. Tôi không thể cầm lòng mà xúc động trước những lời kể về những khó khăn của anh, những bất hạnh mà anh chẳng thể nào tìm được lối thoát. Thực sự là không thể.
 
 […]
 
Fyodor Mikhailovich luôn nói về những khó khăn tài chánh của mình với câu từ tốt đẹp. Tuy nhiên, những câu chuyện của anh quá thê lương, đến nỗi có một lần tôi không thể kiềm chế mà buộc miệng hỏi: “Fyodor Mikhailovich, sao chú chỉ nhớ đến những bất hạnh? Hay chú thử kể xem mình đã từng hạnh phúc như thế nào.”
 
“Hạnh phúc? Nhưng tôi đã hạnh phúc bao giờ đâu mà biết. Ít ra thì cũng không phải là loại hạnh phúc mà tôi hằng mơ ước. Tôi vẫn đang mong chờ nó đây.”
 
Cả hai đều không biết rằng mình đang ở trong niềm hạnh phúc đó, ngay lúc đó. Trên thực tế, Anna, trong cơn bốc đồng muốn xua tan những tối tăm tiêu cực, đã khuyên ông kết hôn lần nữa và tìm kiếm hạnh phúc gia đình. Bà kể lại cuộc nói chuyện:
 
“Vậy là cô cho rằng tôi có thể kết hôn một lần nữa?” anh ấy hỏi. “Rằng ai đó có thể đồng ý làm vợ tôi? Vậy thì tôi nên chọn ai làm vợ - người thông minh hay người tốt bụng?”
 
“Tất nhiên là thông minh rồi.”
 
“Ừm, không đâu… nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn một người tử tế, để cô ấy rũ lòng thương hại mà yêu lấy tôi.”
 
Khi trò chuyện về chủ đề hôn nhân, anh ấy hỏi tôi tại sao tôi không kết hôn với chính mình luôn đi. Tôi trả lời rằng có hai người theo đuổi tôi, cả hai đều là những người tuyệt vời và tôi rất tôn trọng họ, nhưng không yêu họ - mà tôi thì muốn kết hôn chỉ vì tình yêu.
 
“Vì tình yêu, chắc chắn rồi,” anh tán thành tôi một cách chân thành. “Chỉ sự tôn trọng thôi thì chưa đủ cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc!”
 
Buổi đọc-viết cuối cùng của họ diễn ra vào ngày 10 tháng 11. Với sự trợ giúp của Anna, Dostoyevsky đã tạo ra kỳ tích – ông đã hoàn thành toàn bộ cuốn tiểu thuyết trong 26 ngày. Ông bắt tay cô, trả 50 rúp đúng theo thỏa thuận ban đầu – tương đương 1,500 đô la ngày nay – với lời cảm ơn hết sức chân thành.
 
Ngày tiếp theo, sinh nhật 45 tuổi của Dostoyevsky, ông quyết định mừng ‘song hỷ lâm môn’ bằng một bữa tiệc tối tại một nhà hàng. Anna được mời. Cô gái trẻ chưa bao giờ tiệc tùng ở nhà hàng và lo lắng đến mức gần như là quyết định không đi – nhưng rồi cô đã đi, và Dostoyevsky đã rất tử tế với cô từ đầu đến cuối.
 
Nhưng khi niềm hân hoan với kỳ tích qua đi, ông chợt nhận ra rằng mối quan hệ hợp tác với Anna đã trở thành ánh sáng đời ông tự lúc nào, và giờ ông sẽ không bao giờ gặp lại cô gái này nữa. Anna cũng chẳng vui vẻ gì, không còn hoạt bát như mọi ngày, thay vào đó chỉ là cảm giác trống vắng. Bà kể lại:
 
“Tôi đã quá quen với những ngày chạy ù đi làm trong náo nức, những buổi gặp gỡ vui vẻ và những cuộc trò chuyện sôi nổi với Dostoyevsky, đến nỗi chúng đã trở thành một phần tất yếu đối với tôi. Tất cả nếp sinh hoạt trước đây chợt không còn hứng thú, và dường như trở nên vô vị, trống rỗng.”
 
Không thể tưởng tượng nổi xem cuộc sống của mình sẽ ra sao mà không có cô gái ấy, Dostoyevsky hỏi Anna liệu có thể giúp ông hoàn thành Tội Ác và Hình Phạt hay không. Ngày 20 tháng 11, đúng mười ngày sau khi dự án đầu tiên kết thúc, ông mời cô đến nhà và chào đón cô với niềm hào hứng khác thường. Họ tản bộ đến phòng làm việc, rồi tại đó, ông ngỏ lời cầu hôn theo cách tuyệt vời và cảm động nhất.
 
Dostoyevsky nói với Anna rằng ông muốn hỏi ý kiến cô về cuốn tiểu thuyết mới mình đang viết. Nhưng khi bắt đầu kể cốt truyện, thì nhân vật chính trong truyện rành rành là một phiên bản của chính bản thân ông, hay đúng hơn là ông đang tự soi lại chính mình – một nghệ sĩ ở cùng độ tuổi, cũng đang gặp khó khăn, đã trải qua một tuổi thơ khắc nghiệt với nhiều mất mát, cũng mắc phải căn bệnh nan y, một người “u ám, đa nghi; sở hữu một trái tim dịu dàng … nhưng không có khả năng bày tỏ cảm xúc của mình; một chàng nghệ sĩ có tài, có lẽ vậy, nhưng vẫn là một kẻ thất bại, cả đời chưa một lần đạt được thành công trong việc thể hiện ý tưởng của mình dưới những hình thức mà anh ta mơ ước, và không ngừng dằn vặt bản thân về thực tế phũ phàng đó. Nhưng nỗi dằn vặt lớn nhất của nhân vật chính là anh ta đã trót đem lòng yêu một cô gái trẻ trong tuyệt vọng – một nhân vật tên là Anya, khác so với cái tên thực của cô chỉ một chữ duy nhất. Anh cảm thấy mình không xứng với một cô gái dịu dàng, duyên dáng, khôn ngoan và hoạt bát; và sợ rằng mình không có gì đáng giá để mang dâng cho nàng.
 
Sau đó, Anna mới nhận ra rằng Dostoyevsky đã yêu mình và rất sợ bị từ chối, nên mới thăm dò khả năng tiếp nhận của cô qua câu chuyện hư cấu này.
 
Tình cảm đó có hợp lý không, Dostoyevsky hỏi cô, rằng nhân vật nữ chính của cuốn tiểu thuyết có thể nào sẽ đi yêu một con người đầy thiếu sót đó? Bà kể lại những lời của đại văn hào:
 
“Người đàn ông già nua, ốm yếu, nợ nần chồng chất này có thể mang đến cho một cô gái trẻ tràn đầy sức sống những gì? Phải chăng yêu hắn là nàng phải hy sinh rất lớn? Rồi sau này liệu nàng có hối hận khi gắn kết cuộc đời mình với hắn? Và tóm lại, có hợp lý không khi cho một cô gái trẻ, khác biệt về tuổi tác và tính cách, đi yêu nhân vật chàng nghệ sĩ này? Liệu đó phải nó là lệch lạc về tâm lý? Đó là những điều tôi muốn hỏi em, Anna Grigoryevna.”
 
“Nhưng mà tại sao lại không thể? Bởi vì, như ông nói, nhân vật Anya của chú đâu chỉ là một cô nàng ưa nghe những lời tán tỉnh sáo rỗng; trái tim nàng nhân hậu và bao dung, thì tại sao nàng lại không thể yêu chàng nghệ sĩ của ông? Anh ta nghèo và bệnh tật thì sao chứ? Nàng hy sinh chỗ nào đâu? Nếu thực sự yêu người đó, nàng cũng sẽ thấy hạnh phúc, và chẳng bao giờ phải hối tiếc bất cứ điều gì!”
 
Tôi đã cao giọng nói mấy câu này. Fyodor Mikhailovich nhìn tôi đầy phấn khích. “Vậy là em thực sự tin rằng nàng có thể yêu chàng thật lòng, và yêu cho đến hết đời?”
 
Anh im lặng, như thể đang ngập ngừng lựa lời, rồi nói tiếp với giọng run run: “Hãy thử đặt mình vào vị trí của nàng. Hãy tưởng tượng rằng chàng nghệ sĩ nghèo đó là tôi; rằng tôi đã thú nhận tình yêu dành cho em, và ngỏ lời cầu hôn em. Em nói xem. Em sẽ trả lời thế nào?”
 
Khuôn mặt anh lúc này thực sự rất bối rối, thể hiện rõ sự dằn vặt nội tâm, rồi thì tôi hiểu rằng đây không phải là một cuộc tán gẫu về văn chương; rằng nếu trả lời qua loa, thoái thác, tôi sẽ giáng một đòn chí tử vào lòng tự tôn và lòng kiêu hãnh của người đàn ông này. Tôi nhìn khuôn mặt ưu tư đã trở nên thân thương với tôi và nói: “Em trả lời rằng em yêu chàng, và sẽ yêu cho đến hết đời.”
 
Tôi sẽ không kể lại hết những lời lẽ đầy dịu dàng và yêu thương mà anh ấy đã nói khi đó; chúng rất thiêng liêng đối với tôi. Tôi choáng váng, gần như vỡ oà trước niềm hạnh phúc quá lớn, mãi một thời gian dài sau đó, tôi vẫn chưa thể tin được nó đã xảy ra.”
 
Fyodor và Anna kết hôn vào ngày 15 tháng 2 năm 1867. Họ gắn bó với nhau cho đến khi Dostoyevsky qua đời mười bốn năm sau đó. Dù phải gánh chịu nhiều khó khăn về tài chánh, cũng như bi kịch khủng khiếp về cái chết của hai đứa con, họ vẫn yêu thương nhau. Anna đã một tay đưa gia đình thoát khỏi cảnh nợ nần bằng cách để chồng bà trở thành tác giả tự xuất bản đầu tiên của Nga. Bà tỉ mỉ nghiên cứu thị trường sách, nghiên cứu các nhà cung cấp, hoạch định kế hoạch phân phối và đưa Dostoyevsky trở thành một thương hiệu quốc gia. Ngày nay, nhiều người coi bà là nữ doanh nhân thực thụ đầu tiên của Nga. Nhưng bên dưới sự nhạy bén trong kinh doanh đó của bà, lại là một trái tim bao la, dịu dàng, đã dành tình yêu cho cả tài năng lẫn những bất hạnh của một người đàn ông.
 
Trong lời bạt cho cuốn hồi ký của mình, Anna đã suy ngẫm về bí quyết dẫn đến cuộc hôn nhân chân chính và sâu sắc của bản thân – một trong những tình yêu đẹp nhất trong lịch sử văn hóa sáng tạo:
 
Cả cuộc đời tôi, tôi luôn cảm thấy một bí điều bí ẩn nào đó đã khiến chồng tôi không chỉ yêu và tôn trọng tôi như nhiều người chồng vẫn yêu và tôn trọng vợ mình, mà anh ấy gần như tôn thờ tôi, như thể tôi là một ưu vật trời ban cho anh. Điều này không chỉ xảy ra khi chúng tôi mới bước vào hôn nhân, mà vẫn y nguyên như vậy trong tất cả những năm về sau, cho đến khi anh ấy lìa đời. Trong khi, thực tế thì tôi có ngoại hình không quá nổi bật, cũng không có tài năng thiên phú hay trí tuệ thiên tài. Học vấn của tôi chỉ ở mức trung học. Nhưng bất chấp tất cả, tôi vẫn nhận được sự tôn trọng sâu sắc, gần như là sự tôn thờ của một người đàn ông xuất chúng.
 
Bí ẩn này đã được giải tỏa phần nào khi tôi đọc Ghi chú của V.V. Rozanov cho một bức thư của Strakhov đề ngày 5 tháng 1 năm 1890, trong cuốn Literary Exiles của ông. Để tôi trích ra đây:
 
“Không ai, kể cả ‘bạn bè,’ có thể khiến chúng ta tốt đẹp hơn. Nhưng sẽ là một niềm hạnh phúc lớn lao khi được gặp một người hoàn toàn khác biệt trong đời. Họ có những khuynh hướng khác và quan điểm hoàn toàn khác với ta. Họ luôn giữ mình là chính mình mà không hề bắt chước hay càm ràm ta (mà đôi khi người ta thường vậy) và cũng không cố gắng tiêm nhiễm tư tưởng của họ vào đầu ta, vào mớ suy nghĩ hỗn độn và rối rắm của ta. Họ sẽ ở đó, vững chãi tựa trường thành, che chắn cho những điên rồ và phi lý của ta, những điên rồ mà đời ai cũng sẽ có. Tình bạn tỏa sáng trong những khi mâu thuẫn chứ không phải những lúc thuận hòa! Quả thật, Chúa đã ban Strakhov cho tôi như một người thầy, ban cho tôi tình bạn quý báu với anh. Với tôi, anh luôn cho cảm giác là một bức tường vững chắc mà tôi có thể dựa vào, hay đúng hơn là nương tựa. Và bức tường đó sẽ không để ta ngã, mang cho ta ấm áp.”
 
Trên thực tế, vợ chồng tôi là hai người “hoàn toàn khác nhau, có quan điểm khác nhau, hoàn toàn không giống nhau.” Nhưng chúng tôi luôn là chính mình, không bắt chước hay càm ràm nhau. Cũng không ai cố gắng can thiệp vào tư tưởng của người kia. Vợ chồng tôi không ai cố tác động tâm lý đối phương. Và theo cách này, cả hai chúng tôi đều cảm thấy mình được tự do về tinh thần.
 
Fyodor Mikhailovich, vốn đã suy nghĩ rất nhiều về những vấn đề sâu xa nhất của trái tim con người trong sự cô độc, chắc chắn đánh giá cao việc tôi không can thiệp vào đời sống tinh thần và trí tuệ của anh. Cho nên là, có nhiều lúc anh ấy nói với tôi rằng, “Em là người phụ nữ duy nhất hiểu anh!” (Đó là điều anh ấy coi trọng hơn tất cả.) Anh ấy coi tôi như một tảng đá mà anh ấy cảm thấy mình có thể dựa vào, hay đúng hơn là nương tựa. “Và tảng đá – tôi – sẽ không để anh bị ngã; mang đến cho anh những ấm áp.”
 
Tôi tin rằng chính điều này giải thích cho sự tin tưởng đáng kinh ngạc mà chồng dành cho tôi và trong mọi hành vi của tôi, dù tôi cũng chưa từng làm gì vượt quá giới hạn. Chính những thái độ hỗ tương này đã giúp cả hai chúng tôi trải qua mười bốn năm vợ chồng với niềm hạnh phúc lớn nhất đời người.
 
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Anna Dostoyevskaya on the Secret to a Happy Marriage: Wisdom from One of History’s Truest and Most Beautiful Loves” của Maria Popova, được đăng trên trang themarginalian.org.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
Nhắc đến GS Nguyễn Văn Sâm, người ta biết ông nhiều trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu di sản Hán-Nôm và văn học Nam Bộ hơn là nhà văn, nhà thơ. Điều này không phải do sáng tác của ông chưa chín, mà có lẽ chính sự đóng góp quá lớn của ông ở mảng khảo cứu, dịch thuật Hán-Nôm đã làm che khuất những tác phẩm văn chương giá trị của ông...
Mấy tháng đầu năm 2023 này sao mà mưa bão liên miên... Làm như thiên nhiên muốn bù đắp cho tình trạng hạn hán kéo dài cả thập niên trước đây ở tiểu bang Cali. Dường như không hẳn thế mà xem ra còn ngược lại: Đợt biến động khí hậu này liên tiếp cũng đã và đang gây nên quá nhiều thiệt hại trên hầu hết các vùng của lãnh thổ Hoa Kỳ, đe dọa nặng nề đến môi trường sống của toàn thể dân cư nữa!
Phải chăng ‘nhìn thấu tim đen’ là một lối nói hàm ý? Vì sao tim lại đen mà không đỏ? Vì trái tim tối tăm, tính toán, mưu đồ. Nhìn thấu tâm lý là nhìn trái tim cả đen lẫn đỏ, cả xấu lẫn tốt, cả buồn lẫn vui, cả thất vọng lẫn hy vọng. Những người giỏi nhìn ra tâm lý người khác, tâm lý đám đông thường trở thành những bậc cao nhân, hoặc ít nhất là thầy bói.“Giỏi nhìn ra tâm lý” là một cụm từ ngụ ý người có học thuật, có tập luyện, có kinh nghiệm nắm bắt những ý nghĩ âm thầm, những cảm giác tâm tư, và cá tính người đối diện. Học tâm lý mà không có khả năng thông tuệ thì chỉ từ chương, ít dùng được vào việc gì quan trọng, ngoài trừ lãnh lương làm cố vấn ở các trường học, các cơ sở nhân viên, hoặc các nhà tù. Muốn nhìn xuyên tâm lý phải bẩm sinh nhạy cảm, cảm nhận sắc bén, và tấm lòng tốt thường làm khả năng thông cảm, đồng cảm mạnh mẽ, dễ dàng nối kết với tâm tình người khác. Đến cấp bậc cao nhân thì khả năng “nhận thức sáng tạo” là lực chủ yếu để nhìn xuyên tâm hồn.
John Steinbeck sinh tại Salinas, California năm 1902 - một thành phố cách xa bờ biển Thái Bình Dương vài dặm, gần Thung Lũng Salinas màu mỡ và cách San Jose khỏang 70 dặm Anh. Nơi đây đã được dùng làm bối cảnh cho nhiều tiểu thuyết của ông...
Nói dối là một đặc tính trong thời đại hôm nay, đầu thế kỷ 21. Có ba loại người: Nói dối chuyên nghiệp vì có mục đích. Nói dối luôn miệng vì thói quen. Nói dối khi cảm thấy cần thiết hoặc sợ hãi. Nói không đúng sự thật nhưng tưởng mình nói thật, cũng là một cách dối. Nói thật và nói dối trên căn bản đối nghịch nhau, nhưng đôi khi, cả hai là một. Vì hầu như vô tình hay cố ý, ít ai thực sự nói thật. Chẳng phải thích thú khi nhìn rõ tim đen của người đang ba hoa cố thuyết phục mình một chuyện gì có lợi cho anh ta? Chẳng phải tức cười khi biết anh này muốn tán tỉnh, nhưng cố nói những lời nghiêm túc? Lào sao biết được? Hãy tập nhìn xuyên giả dối. Tìm người nói thật và đúng sự thật là chuyện hiếm hoi, trước hết, vì ngày nay, sự thật lớn là gì, không ai biết. Còn sự thật nhỏ, chỉ thật một cách tương đối, mỗi người tin khác nhau.
Đây chỉ là cách nói nhẹ đi, thay cho lối nói có thể bị coi là sỗ sàng, làm khó chịu, xúc phạm. Tôi chỉ muốn nói từ CHẾT...
Sau khi nhổ răng, tôi xin anh nha sĩ trẻ mấy cái răng chết, khá thê thảm, để mang về. Lần trước cũng vậy. Anh tỏ vẻ thông cảm. “Bác giữ làm kỷ niệm?” “Vâng. Chúng nó theo tôi bảy mươi mấy năm rồi. Chiến đấu giỏi lắm. Giữ xác lại để nhớ.” Đúng. Răng kề cận người hơn tình nhân. Ở với người trung thành hơn vợ. Nói cắn là cắn, nói nhai là nhai, nói nhe là nhe, nói ngậm là ngậm. Tuyệt nhiên vâng lời, không cãi cọ gì. Chỉ có già đi, lỏng chân, rồi vĩnh biệt.
Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ. Cô thấy anh và cô đi dạo tại những nơi chốn thơ mộng của vùng đất cố đô nơi cô sinh ra và lớn lên. Những giấc mơ lạ, bởi cô gặp anh và kết hôn với anh khi cô đã vào Nam. Anh là người miền Nam và không hề ra thăm miền đất đó bao giờ. Nhưng trong giấc mơ cô thấy cô và anh thật rõ, khi thì ngồi bên nhau trong ngôi nhà cổ của ba mạ cô ở khu Gia Hội, khi thì thơ thẩn bên bờ sông Hương gần ngôi trường Trung học thân yêu của cô, khi thì đứng dưới bóng mát ngôi nhà thờ uy nghiêm sừng sững trên một ngọn đồi.
Trong buổi tiếp kiến ban biên tập nguyệt san “Phụ nữ Giáo hội Thế giới” của báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh, trong tuần qua, dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người và nói: “Phụ nữ có khả năng nói ba ngôn ngữ: lý trí, trái tim và đôi tay”. Có phải Đức Thánh Cha muốn nói: Đối với phụ nữ ba điều này là một: Một người phụ nữ thông minh họ có thể dùng đầu óc mình để thành đạt trong học vấn, trong nghề nghiệp nhưng đồng thời với trí óc thông minh, trái tim mẫn cảm, họ cũng dùng thêm đôi tay của mình để tạo ra những sản phẩm đẹp đẽ và đầy trí tuệ, đầy tình yêu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.