Hôm nay,  

Làm Thơ Chung Để Chữa Lành

24/07/202000:00:00(Xem: 2582)

Lam Tho chung de chua lanh 01

Làm thơ, lặng lẽ trước trang giấy.

 
Một nhà thơ khi sáng tác, thường là từ cảm xúc riêng. Có khi ngồi lặng lẽ nửa khuya, có khi lặng lẽ nhìn ra suối hay góc rừng, và có khi chợt thức dậy lúc rạng sáng và nhớ tới một vấn đề… Làm thơ là ngồi một mình với chữ nghĩa, đối diện trang giấy trắng và nhìn vào tâm hồn mình. Trên nguyên tắc, không ai làm thơ với “hai mình” hay nhiều người. Tuy nhiên, có một thể loại thơ cần nhiều người chung tay sáng tác. Các bài thơ này được gọi là “community poems” (thơ cộng đồng) hay “group poems” (thơ nhóm) do nhiều nhà thơ cùng sáng tác. Chủ đề sẽ được chọn, thường là từ các cảm xúc được chia sẻ trong xã hội. Và làm thơ chung vì một tập thể nhiều nhà thơ có cùng một cảm xúc, và muốn nói cùng một tiếng nói để chữa làm các vết thương trong xã hội. Đặc biệt, thể loại thơ làm chung còn dùng như một phương pháp dùng văn học trị liệu cho một số bệnh nhân trầm cảm. Nhìn về khía cạnh chính trị, làm thơ chung có thể xem như một thỉnh nguyện thư ký tên nhiều nhà thơ để gửi cho cuộc đời.

Có nhiều phương pháp làm thơ chung, nhưng một cách tổng quát, có thể giải thích về cách sáng tác một bài thơ chung. Thí dụ, một nhóm nhà thơ tụ họp, ngồi thành hình tròn, chọn ra một chủ đề tổng quát cho bài thơ sẽ sáng tác chung. Chủ đề bài thơ có thể là một vấn đề xã hội cả nhóm cùng quan tâm, hay là một cảm xúc mà cả nhóm thi sĩ dễ dàng chia sẻ. Người điều hợp sẽ gợi ý các nhà thơ tham dự bằng cách đọc cho mọi người nghe một bài thơ có sẵn trong quá khứ từ một nhà thơ nào đó có cùng chủ đề (thí dụ, các nhà thơ lưu vong tại Quận Cam muốn làm bài một thơ chung về hoàn cảnh hoang mang, có thể đọc bài thơ gợi ý từ cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương nhan đề “Phương Xa” với các dòng cảm xúc tương tự như: Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỉ / Một đôi người u uất nỗi chơ vơ / Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị / Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.). Sau đó, các nhà thơ trong vòng tròn được mời mỗi người làm một bài thơ độc lập cho chủ đề chung đó, thời lượng khoảng 10 hay 15 phút. Người điều hợp yêu cầu các thi sĩ (đang ngồi vòng tròn) hãy chuyển bài thơ mỗi người mới viết đó sang người bên cạnh. Rồi mỗi người từ bài thơ được chuyền sang đọc, sẽ viết ra vài dòng thơ mình thích từ bài thơ của bạn bên cạnh. Mỗi người đọc lớn bài thơ bạn bên cạnh, rồi đọc những câu thơ ưa thích đã chọn và viết các dòng ưa thích này lên một tấm bảng hay trên một tờ giấy rời. Sau đó, sắp xếp các dòng thơ được chọn để làm thành một bài thơ chung, gọi là thơ cộng đồng, hay thơ nhóm.

Cách làm thơ tập thể này là một cách để khuyến khích mọi người lắng nghe nhau, để hiểu những kinh nghiệm và cảm xúc của bạn thơ trong nhóm qua thơ, để xóa những ngăn cách và rào cản có thể có giữa những người làm thơ. Nhưng không nhất thiết là các thi sĩ phải ngồi chung thành hình vòng tròn; họ có thể từ nhiều tiểu bang gửi bài thơ do họ sáng tác tới người điều hợp sau khi được cho biết chủ đề bài thơ đang kêu gọi góp thơ làm chung. Một vài tạp chí truyền thông Hoa Kỳ, như NPR (National Public Radio) thỉnh thoảng chọn đề tài làm thơ cộng đồng về các quan tâm xã hội, như người da đen dễ bị cảnh sát bắt hay bắn chết hơn so với da trắng, bất kể nhiều trường hợp vô tội và không vũ khí. Các thi sĩ tham dự cho NPR trong các bài thơ này có thể tới vài chục hay cả trăm người từ nhiều tiểu bang, và cả từ ngoài Hoa Kỳ gửi tới tham dự.

NGUYỆT NGA HỘI NGỘ THÚY KIỀU

Lấy một trường hợp cho dễ hiểu. Giả sử như có một cuộc hội ngộ của ba nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm. Và ba cụ muốn có một bài thơ chung. Như thế, chúng ta chọn ra ba tác phẩm Lục Vân Tiên (của cụ Nguyễn Đình Chiểu), Truyện Kiều (của Nguyễn Du), và Chinh Phụ Ngâm (thơ Hán văn của Đặng Trần Côn, nơi đây sử dụng bản Việt dịch tương truyền của Đoàn Thị Điểm). Chúng ta chọn 2 câu lục bát từ ba tác phẩm trên, theo thứ tự ghép lại thành một bài thơ 6 dòng lục bát. Hai câu đầu là từ Lục Vân Tiên, 2 câu giữa là Truyền Kiều, và 2 câu cuối là Chinh Phụ Ngâm. Bài thơ mới dự kiến sẽ có 6 dòng, như sau:

Nguyệt Nga nhuốm bệnh thở than,
Năm canh luỵ ngọc xốn xang lòng vàng.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.

Như thế, bài thơ trên có chủ đề về cô Nguyệt Nga. Nếu người điều hợp khác, có thể sẽ chọn các câu khác, và chủ đề có thể là cô Kiều hay người chinh phụ, với cùng nỗi buồn nữ tính. Do vậy, chủ đề thơ chung thường thu hẹp vào vấn đề xã hội, có khi là thời sự trực tiếp, có khi là về nỗi buồn đại dịch khi xã hội phong tỏa và toàn dân cách ly, và tương tự. Ba nhà thơ trên (Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm), nếu kể thêm bản chữ Hán là bốn vị (thêm Đặng Trần Côn) không hề có vấn đề tâm lý gì, và nếu muốn, chỉ có thể nói rằng bốn nhà thơ có bệnh thương người, có lòng từ bi với thân phận phụ nữ thời ảnh hưởng Nho giáo. 

THƠ NHƯ GẮN KẾT CỘNG ĐỒNG

Một số bài thơ chung tại Hoa Kỳ có góp mặt của vài chục thi sĩ, có khi cả trăm thi sĩ. Báo eMissourian ngày 1 tháng 5/2020 có bản tin nói về bài thơ cộng đồng nhan đề “I Am From” (Tôi tới từ…). Bản tin ghi rằng cư dân tiểu bang Missouri hôm 1 tháng 4/2020 đã khởi động National Poetry Month (Tháng Thi Ca Toàn Quốc) bằng cách chia sẻ 2 bài thơ cộng đồng. Có gần 100 người, tuổi nhỏ nhất là 9 tuổi và cao niên nhất là 84 tuổi, đã nộp bài thơ với chủ đề “home” (nhà, quê nhà), và ba nhà thơ địa phương (Maria Brady-Smith, Aimée Appell và Nathan Adam) sử dụng gần 100 bài thơ trên, trích mỗi bài 2 hay 3 câu và ghép lại thành 2 bài thơ cộng đồng. Một bài thơ là ghép từ trích thơ các nhà thơ người thành niên làm thành bài có nhan đề  “I Am From” (Tôi xuất thân từ) , và bài thơ khác là ghép từ các trẻ em để làm thành bài thơ “Home Is” (Nhà là).

Nhà thơ Brady-Smith nhận định, “Mỗi bài thơ gửi tới góp vào đều hay riêng. Nhưng trích ra và ghép thành 2 bài thơ này, để 2 bài thơ này thăng hoa vượt trên bất cứ những gì mà từng người chúng ta có thể sáng tạo riêng. Trong cách này, nó mô tả cái cốt tủy của cộng đồng chúng ta… Với giúp đỡ từ hơn 30 người thiện nguyện đọc lên – nhóm 30 người này cũng từ nhiều lứa tuổi – chúng ta để để lại cho National Poetry Month một cộng đồng giọng đọc các bài thơ. Chúng nhắc chúng ta một lần nữa rằng không tinh cờ mà các bài thơ này được sáng tạo ngay bây giờ. Chúng ta đang ở giữa một trận khẩn cấp quốc gia đòi hỏi cộng đồng chúng ta ra đứng bên nhau để cùng vượt thắng nỗi khó khăn chỉ xảy ra một lần trong đời mình này.”

Bạn có thể nghe đọc thơ thiếu niên, bài “Home Is” (Nhà là) ở đây: https://youtu.be/ULW3XDYRR-0
Sau đây, chúng ta dịch các dòng cuối cùng của bài thơ “I am from…” (Tôi tới từ):
.
Tôi tới từ kỷ niệm của rất là xa, rất xa xưa
trân quý trong trái tim và tâm trí của những ngày bây giờ là quá khứ
một nơi ẩn trú nơi đã luôn luôn chờ đợi tôi
  .
Tôi tới từ 5 thế hệ của tiếng cười và nước mắt
Trị giá 50 năm, nhiều hơn hay ít hơn…
Tôi luôn luôn đang về nhà.
(ngưng trích)

THƠ NHƯ PHÁP TRỊ LIỆU

Không chỉ tạo một cảm xúc cộng đồng, thơ nhóm còn dùng để trị liệu tâm lý. Tiến sĩ Perie Longo --- tác giả nhiều thi tập và bản thân từng được thành phố Santa Barbara bổ nhiệm làm Thi Khôi (Poet Laureate of Santa Barbara) các năm 2007-2009, bản thân có giấy hành nghề Thi Ca Trị Liệu (Registered Poetry Therapist) --- đã dùng thể loại thơ nhóm để chữa trị các bệnh nhân có vấn đề rối loạn tâm lý.


Bà Longo kể về một trường hợp dùng thể loại thơ cộng đồng để trị liệu cho một nhóm tại trung tâm chăm sóc Sanctuary Centers vào năm 2019. Trong cương vị người điều hợp và là người hướng dẫn trị liệu, thi sĩ Longo chọn chủ đề trong bài thơ nhan đề “Things I Didn’t Know I Loved” (Điều Tôi Không Biết Rằng Tôi Đã Yêu Thương) của cố thi sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet (1902-1963), người nhiều lần bị tù vì quan điểm chính trị và cuối đời phải lưu vong. Một phần của bài thơ này, nơi đây dịch như sau (ghi nhận: nhà thơ này ngắt dòng bất định):

Tôi đã không biết rằng tôi đã ưa thích mưa
dù là mỏng như lưới bụi hay như đập dữ dội vào kính
tim tôi đưa tôi quấn vào lưới hay bị giam một giọt mưa
và bay lên tới các đất nước bất định mà tôi đã không biết tôi đã yêu thương
mưa nhưng vì sao tôi đột nhiên khám phá tất cả các đam mê này khi ngồi
bên cửa sổ trên chuyến xe lửa từ Prague tới Berlin.

Phần trích bài thơ này, dùng làm gợi ý, trao cho những thành viên trong nhóm thơ trị liệu. Hai người tình nguyện đọc lớn lên để tất cả trong nhóm đều nghe 2 lần, nhằm nhận ra từng chữ và từng nghĩa. Kế tiếp, nhóm này thảo luận, xem dòng thơ nào họ thích nhất, rồi thảo luận về nơi họ đã yêu thương, những người họ nhớ và những việc họ trước đó không nói nhưng ước mơ họ sẽ có. Việc thảo luận nhằm tập trung người trong nhóm chú tâm vào những gì họ [những người được trị liệu bằng thơ] sắp viết. Sau khi thảo luận, mỗi người ra một góc riêng để viết bài thơ riêng của từng người. Sau khoảng 10 phút, họ trở lại ngồi vòng tròn, từng người đọc thơ của họ, hoặc trọn bài hoặc những dòng họ thích. Sau đó, người điều hợp trích và ghép thành một bài thơ chung. Bài thơ “cộng đồng” này có nhan đề “I Never Knew I Loved…” (Tôi Chưa Bao Giờ Biết Rằng Tôi Đã Yêu Thương). Bài thơ này, trích dịch nơi đây như sau:
.
Tôi Chưa Bao Giờ Biết Rằng Tôi Đã Yêu Thương
Tôi đã không biết rằng tôi đã yêu thương nỗi đau đớn
cho tới khi tôi thấy các món quà cảm xúc từ đó
Tôi đã không biết rằng tôi đã yêu thương cuộc đời
cho tới khi tôi gần như mất chính đời tôi
Tôi đã không biết rằng tôi đã nhớ những cội cây
tại rừng Los Osos Pines…
Tôi đã không biết tôi đã nhớ mắt em
hay là cái nhìn nắng cháy trên khuôn mặt em
.
Tôi chưa bao giờ biết rằng tôi đã yêu thương tự do của tôi
cho tới khi nó biến mất
… (ngưng trích)

THƠ TRONG MÙA ĐẠI DỊCH

Trong thời đại dịch COVID-19, nước Mỹ y hệt như đột nhiên gặp một trận bão vi trùng tứ phía tràn tới, và nhiều tiểu bang dồn dập các bản tin về chết, về nhà xác hết chỡ chứa, về bệnh viện hết phòng ICU, về thiếu trang phục bảo hộ và về đủ thứ những chuyện bất hạnh chưa từng tiên đoán được. Các nhà thơ cùng một suy nghĩ chung, rằng thi ca làm được những gì trong thời đại dịch này? Một bài thơ cho đất nước Hoa Kỳ trong thời khủng hoảng?

Thông tấn NPR hôm 30/4/2020 đăng bài viết về bài thơ nhiều người chung tay sáng tác, nhan đề “Nếu Cây Có Thể Mãi Khiêu Vũ, Tôi Cũng Có Thể Như Thế,” và NPR gọi đây là “một bài thơ cộng đồng để đối phó khủng hoảng.”

Lam Tho chung de chua lanh 03

Khi những hàng cây khiêu vũ…


Phóng viên Rachel Martin ghi nhận rằng bài thơ này là sáng tác chung, từ 33 nhà thơ đang cư ngụ nhiều nơi khác nhau ở Mỹ, trong đó có một nhà thơ từ Phnom Penh (thủ đô Cam Bốt). NPR trích mỗi người vài dòng để ghép lại, thành bài thơ 82 dòng thơ. Duyên khởi là từ đầu tháng 4/2020, NPR đưa ra lời mời gọi góp thơ về đề tài mô tả cách bạn bị đại dịch coronavirus ảnh hưởng tới. Người điều hợp (sẽ trích thơ từ 33 thi sĩ gửi bài, để ghép thành bài thơ chung) là Kwame Alexander, người đang giữ chức thi sĩ nội trú (poet-in-residence) tại NPR.

Bài thơ gợi ý do Kwame Alexander đưa ra là của Nancy Cross Dunham có nhan đề "What I'm Learning About Grief" (Điều Tôi Đang Học Về Đau Đớn), và yêu cầu các dòng thơ (hay bài) gửi về khởi đầu với cùng các chữ đó. Sau đây là trích dịch từ bài thơ cộng đồng này (dấu chấm câu sẽ theo đúng bản tiếng Anh):
.
Nếu Cây Có Thể Mãi Khiêu Vũ, Tôi Cũng Có Thể Như Thế
Điều tôi đang học về đau đớn
là nó ngồi trong khoảng cách giữa các tiếng cười
tới trong bóng tối trộm hơi ấm từ tấm trải giường khâu giấc ngủ với những cọng dây leo mỏng
là một bài hát quen thuộc ám ảnh,
nhưng tôi không thể nhớ lời ca…
.
Điều tôi đang học về đau đớn
là nó lăn như lớp sương dày ẩn vào các nếp nhăn trên làn da
Tới thăm, rồi tới thăm nữa
Lãng vãng dưới ghế tôi ngồi
Và, khi tôi không quan sát
Thò ra các móng vuốt nhỏ của nàng
Và đập vào các cổ chân của tôi ---
Nỗi đau đớn rình chụp bạn
Bạn thấy chính bạn trên ghế với một giếng giận dữ sống trong một hố trong bao tử của bạn và nó không biến đi đâu.
.
Điều tôi đang học về đau đớn
là nó có thể tới như một tiếng thì thầm hay như một trận bão ầm vang như sấm sét
nó để lại một khoảng trống, để sẽ được lấp đầy với trồng cây mới
. (ngưng trích)

THƠ VÌ SINH MẠNG NGƯỜI DA ĐEN

Thông tấn NPR hôm 27/5/2020 đăng bài thơ nhan đề “Running For Your Life” (Chạy Để Khỏi Chết), và đó là một bài thơ cộng đồng cho một người da đen bị giết tên là Ahmaud Arbery. Phóng viên Rachel Martin nhắc rằng vào ngày 23/2/2020, người thanh niên da đen có tên Ahmaud Marquez Arbery, 25 tuổi, bị bắn chết ở gần thị trấn Brunswick, quận Glynn County, tiểu bang Georgia, trong khi chạy thể dục trên đường Holmes Road. Anh Arbery bị rượt theo, chận lại bởi 3 cư dân da trắng --- Travis McMichael và bố là Gregory (ông này mang súng và lái một xe bán tải), và William "Roddie" Bryan (ông này lái chiếc xe thứ nhì, tông ngay vào anh Arery giữa đường và quay video cảnh dí bắn). Arbery bị bắn chết, nhung cảnh sát và công tố không làm gì. Chỉ tới khi video lộ ra công chúng, và hình ảnh Arbery bị nhóm da trắng dí đuổi và bắn chết quá bi thảm gây dư luận nổi giận, cảnh sát mới bắt hai cha con McMichaels (ngày 7 tháng 5/2020) và bắt Bryan (ngày 21/5/2020). Tức là, cảnh sát và công tố im lặng suốt 74 ngày, rồi mới bắt cha con McMichaels. Hai tháng rưỡi im lặng đó có ý nghĩa gì?

Lam Tho chung de chua lanh 02

Chạy để thoát chết…

Trong các tuần lễ sau vụ Arbery bị bắn chết, xảy ra thêm mấy vụ cảnh sát bắn chết người da đen. Dreasjon "Sean" Reed bị bắn chết ở Indianapolis. Breonna Taylor, một nhân viên y tế cấp cứu tại Louisville, Ky., bị bắn 8 phát đạn trong khi còn nằm trên giường. Tại Minneapolis, môt người đàn ông da đen chết trong Ty cảnh sát, và cũng thị trấn này, George Floyd bị cảnh sát dùng đầu gối ấn vào cổ tới chết vì nghẹt thở. NPR mời gọi làm thơ chung, và nhận được góp thơ từ hơn 1,000 người, với chủ đề an toàn cho sinh mạng người da đen tại Hoa Kỳ hiện nay. Bài thơ chung này có nhan đề “Running For Your Life” (Chạy Để Khỏi Chết). Bài thơ trích dịch như sau:
.
Chạy Để Khỏi Chết
Không khí màu gì?
Ai có quyền được thở?
Vì sao chúng ta sợ lẫn nhau?
Khi nào họ sẽ tới lấy mạng những người da nâu mà tôi biết và yêu thương?
Tội của anh ta là gì?
.
Có công lý cho tất cả trên mảnh đất tự do này không?
Hay chỉ cho những người da
Trắng như tôi?
.
Thuốc chủng ngừa cho “đại dịch” này là gì?
Tôi thắc mắc con tôi nơi đâu?
.
Thêm
Một
Xác
Đen
Bị Bắn
… (ngưng trích)
.
Tới đây, có thể có một câu hỏi: có bao giờ có một bài “thơ chung” giữa Trump và Biden? Có lẽ không bao giờ. Câu hỏi khác: bao giờ sẽ có một bài “thơ chung” giữa các nhà thơ Hà Nội và các nhà thơ lưu vong? Vài thập niên nữa, may ra?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Với tôi, nhà thơ Du Tử Lê luôn luôn là một kho tàng bí ẩn của thi ca. Tôi nghiệm ra rằng, mỗi lần đọc anh, tôi lại thấy những cảm xúc mới. Và rất nhiều khi, phải gọi là bất khả tư nghì -- nghĩa là, thấy thơ hay mà nghĩ hoài không minh bạch và tận tường ý tứ.
“nụ cười buồn mùa hè” là một tập truyện gồm 18 truyện ngắn, tuy các truyện hư cấu, nhưng nội dung phản ánh từ bao hoàn cảnh cuộc đời mà người viết đã trải qua. Là những giấc mơ đời dở dang nhưng được trình bày như những kinh nghiệm đã hoàn tất dù ước vọng vẫn cứ tiếp tục
Ngày 11 tháng 11 năm 2020 là sinh nhật thứ 199 năm của nhà văn và triết gia người Nga Fyodor Dostoevsky [sinh ngày 11 tháng 11 năm 1821]. Các tác phẩm văn học của ông đã khám phá tâm lý con người trong bầu không khí chính trị, xã hội và tâm linh bất an của xã hội Nga vào thế kỷ thứ 19, và liên hệ tới nhiều chủ đề triết học và tôn giáo, theo www.en.wikipedia.org Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông gồm “Crime and Punishment” [Tội Ác và Hình Phạt – xuất bản năm 1866], “The Idiot” [Người Ngốc – xuất bản năm 1869], “Demons” [Ma Quỷ - xuất bản năm 1872], và “The Brothers Karamazov” [Anh Em Karamazov – xuất bản năm 1880]. Các tác phẩm của ông đã được đọc không những tại Nga mà còn khắp nơi trên thế giới và đã ảnh hưởng rất nhiều nhà văn và triết gia về sau như các nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn và Anton Chekhov, các triết gia Friedrich Nietzsche của Đức và Jean-Paul Sartre của Pháp và sự trỗi dậy của Chủ Nghĩa Hiện Sinh và Trường Phái Tâm Phân Học Freud. Các tác phẩm của ông đã được dịch
Ngày 21 tháng 11 năm 1620 hơn 130 di dân từ Anh Quốc đã vượt Đại Tây Dương đến Tân Thế Giới bằng chiếc thuyền Mayflower. Từ ngày đó đến nay, năm 2020, đã 400 năm. Trước đó, vào năm 1607, những người thực dân Anh cũng đã đến Tân Thế Giới và thành lập thuộc địa tại thành phố cổ Jamestown thuộc tiểu bang Virginia ngày nay.Đó là chưa kể đến làn sóng di dân trước đó khoảng 30,000 năm, khi những người ở cực đông bắc Châu Á đi bằng đường bộ qua ngả Alaska -- lúc đó hai đại lục Mỹ Châu và Á Châu vẫn chưa tách rời nhau vì nước biển cạn -- để rồi tràn xuống phía nam hình thành các cộng đồng người bản xứ, mà khi Columbus lần đầu tiên gặp họ ở Tân Thế Giới cứ tưởng là mình đã đến lục địa Nam và Đông Nam Á (Indies) nên gọi họ là người Indian. Vì vậy, nước Mỹ là vùng đất di dân. Không có di dân thì không có nước Mỹ. Chính di dân đã tạo ra nước Mỹ và nền văn hóa Mỹ. Nhưng ngày Lễ Tạ Ơn [Thanksgiving] có liên quan mật thiết đến những người di dân Anh đến Plymouth của Massachusetts bằng chiếc thuyền
Ni giới Việt Nam có một lịch sử truyền thừa lâu dài và đó là sự truyền thừa mang tính chính thống. Phật giáo Đại Thừa và tinh thần Bồ Tát đạo cũng thấm nhuần trong mỗi vị Ni trong bước chân hoằng hóa.
Cuốn sách ngôn từ đẹp và mạnh mẽ này thể hiện niềm tin của Barack Obama rằng, dân chủ không phải là một món quà từ trên cao rơi xuống mà là điều được hình thành dựa trên sự đồng cảm, thấu hiểu và chung tay xây dựng mỗi ngày.
Trong bài trước, khi viết cảm nhận cho thi tập “Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ,” vì thời gian có hạn, nên tôi chưa kể hết về Cao Mỵ Nhân (CMN) nhà thơ tiền bối mà tôi hằng kính trọng và khâm phục. Sau khi gửi bài đăng, đọc lại tôi cứ cảm thấy còn thiêu thiếu chút gì.
Nhân loại đã biết cách bay lên mặt trăng, tuy nhiên nhiều nơi trên địa cầu vẫn còn bị ràng buộc với những thói quen xưa cổ, trong đó một thành kiến khó rời bỏ là xem nhẹ phụ nữ. Hầu hết các tôn giáo cũng xem nhẹ phụ nữ. Riêng trong Phật Giáo, phụ nữ từ xưa vẫn có một vị trí đáng kính và bình đẳng trên đường học đạo, để tận cùng là thành tựu Niết Bàn. Khi vua Pasenadi nước Kosala không vui vì hoàng hậu Mallikà sinh một bé gái, Đức Phật trong Kinh SN 3.16 dạy vua rằng: "Này Nhân chủ, ở đời / Có một số thiếu nữ / Có thể tốt đẹp hơn / So sánh với con trai / Có trí tuệ, giới đức..." Hơn hai mươi thế kỷ sau, ý thức nữ quyền mới trở thành phong trào. Theo định nghĩa cô đọng và đơn giản, nữ quyền là niềm tin vào sự bình đẳng của nữ giới với nam giới về chính trị, kinh tế và văn hóa. Do vậy thường khi, nữ quyền gắn liền với dân quyền, vì bình quyền nam nữ dẫn tới ý thức bình quyền cho từng người dân, đặc biệt là nơi các dân tộc đang bị các nước thực dân thống trị, hay nơi các sắc tộc thiểu số
Daisetsu Teitaro Suzuki sinh ngày 11 tháng 11 năm 1870 và mất ngày 12 tháng 7 năm 1966 tại thành phố Kamakura, Nhật Bản, theo www.en.wikipedia.org. Có nơi nói ông sinh vào tháng 10, nhưng năm sinh của ông thì tất cả tài liệu đều giống nhau. Ông sinh ra tại Honda-machi, Kanazawa, Quận Ishikawa, Nhật Bản. Ông là người con trai thứ tư trong gia đình mà người cha là y sĩ Ryojun Suzuki. Pháp Danh Daisetsu của ông đã được Thầy Bổn Sư của ông là Thiền Sư Soyen Shaku [Thích Tông Diễn] ban cho. Thiền Sư Soyen Shaku cũng là người đầu tiên dạy Thiền ở Mỹ. Giai cấp võ sĩ đạo mà Suzuki được sinh ra đã suy tàn với sự sụp đổ của chế độ phong kiến, buộc mẹ của ông là nữ Phật tử Jōdo Shinshū đã nuôi dưỡng ông trong hoàn cảnh nghèo đói sau khi cha của ông qua đời. Khi ông đủ lớn khôn để suy nghĩ về số phận của mình được sinh trong bối cảnh này, ông bắt đầu tìm câu trả lời trong nhiều hình thức khác nhau của tôn giáo. Trí tuệ bén nhạy và sâu sắc tự nhiên của ông đã khó chấp nhận một số vũ trụ quan mà ông
Vâng. Tôi đã nhìn thấy chúng qua gương một dòng trong. Những viên cuội lấp lánh nắng mai. Những viên cuội lung linh trăng rằm. Phản chiếu mầu sắc tĩnh và động. Những viên cuội lắng vào thẳm sâu giấc mơ của dòng -dòng chữ long lanh- ánh lên những gửi gắm của thời gian.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.