Hôm nay,  

Văn Học Press Giới Thiệu Tuyển Văn Dịch "Gặp Gỡ Với Định Mệnh" Của Trịnh Y Thư

16/05/202009:12:00(Xem: 3017)

NC_Cover_PreOrder.jpg


Gặp gỡ với định mệnh

Tuyển văn dịch


FRANZ KAFKA

GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ

PHILIP ROTH

MILAN KUNDERA

SALMAN RUSHDIE

ORHAN PAMUK

KURT VONNEGUT

IRIS MURDOCH

WOLE SOYINKA

HERTA MÜLLER

ROBERTO BOLAÑO

BANANA YOSHIMOTO


Người dịch: Trịnh Y Thư

Thiết kế bìa: Đinh Trường Chinh

222 trang, giá bán: $18.00


Tìm mua trên:

BARNES & NOBLE

https://www.barnesandnoble.com 

Search Keywords: Gap go voi dinh menh

Hoặc bấm vào đường dẫn sau:

https://www.barnesandnoble.com/w/books/1137030755?ean=9781078799065



Thay lời tựa


Cuốn sách bạn đọc đang cầm trên tay là một tuyển tập văn dịch – gồm 12 tác giả thuộc nhiều quốc tịch khác nhau – và có lẽ chỉ được xem là một cố gắng khiêm tốn, mang tính cách tìm tòi học hỏi của một kẻ đam mê chữ nghĩa nhiều hơn là một công trình nghiên cứu hàn lâm nghiêm túc.

Có hai vấn đề khi thực hiện một tuyển tập như vậy.

Thứ nhất, những tác giả tôi chọn dịch trong sách là hoàn toàn theo thiên kiến chủ quan; đó là những tác giả tôi yêu thích xưa nay. Dĩ nhiên, thích mới dịch. Nhưng không phải ai cũng đồng quan điểm và sở thích với tôi, không phải ai cũng ưa thích những tác giả tôi chọn dịch.

Thứ hai, trong phạm vi hạn hẹp của một cuốn sách mỏng, bạn chỉ có thể tiếp cận một phần trăm, thậm chí đôi khi một phần ngàn tổng thể trước tác văn chương của tác giả được giới thiệu. Như vậy có công bằng với tác giả không? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Một bản dịch sơ sài vài ngàn chữ một truyện ngắn, một trích đoạn tiểu thuyết, một bài tiểu luận… trong khi toàn bộ tác phẩm của họ là một kho tàng văn học quý giá cả mấy chục đầu sách, cuốn nào cũng có thể xem là một kiệt tác văn chương (như trường hợp Gabriel García Márquez, Milan Kundera, Philip Roth… ) thì làm sao có thể gọi là công bằng được. Giống như giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam mà tôi dọn ra cỗ bàn duy nhất món nem rán! Món nem rán của tôi dù ăn ngon miệng cách mấy cũng không thể nói lên trọn vẹn cái siêu tuyệt của thức ăn Việt Nam nói chung. Bởi thế, xin bạn, nhất là các bạn trẻ đang muốn tìm hiểu văn học nước ngoài, hãy xem cuốn sách này là món nem rán ăn khai vị để từ đó cất công tìm hiểu sâu thêm và biết đâu sẽ có lúc chúng ta gặp lại nhau trên những nẻo đường văn chương, vốn muôn đời là con đường vô hạn định, xuyên vũ trụ, không bao giờ đến đích.

Hầu hết các tác giả tôi tuyển dịch trong tuyển tập là đồng thời với chúng ta, mặc dù ít ai còn trẻ. Họ là những nhà văn sống và viết vào nửa sau thế kỷ XX, có người sống sang thế kỷ XXI và vẫn đang tiếp tục viết, có người đã qua đời.

Đây lại là một chọn lựa chủ quan khác.

Chủ quan bởi tôi muốn tìm hiểu các nhà văn này tư duy gì trên trang viết của họ, những nhà văn sinh sống cùng thời với tôi, cùng bối cảnh lịch sử, cùng môi trường, cùng chia sẻ những vấn đề nhân sinh, và đôi khi cùng khí hậu văn hóa.

Thêm một lý do khác, quan hệ không kém đối với tôi, đó là phong cách văn học của các nhà văn, mà phần nhiều nghiêng về xu hướng phi thực. Điểm chung khiến tôi đặc biệt chú ý là, tuy văn chương họ không hẳn miêu thuật đời sống thực tại, nhưng nó không tách rời thực tại. Họ không phải người viết truyện huyễn tưởng hay viễn tưởng. Họ làm văn, mà đã làm văn thì phải bám sát đời sống con người, xem bản ngã và đời sống con người là những đối tượng chính yếu của văn chương.

Phi thực nhưng không tách rời đời sống, điều này không dễ viết cho hay, nhưng ở những ngòi bút bậc thầy, cái phi thực lại có sức thuyết phục hơn cái hiện thực tả chân, vốn chỉ miêu thuật hay minh họa đời sống theo những giác quan cố định, không cho phép thần trí tưởng tượng bay bổng lên cao. Văn chương chỉ có thể gọi là nghệ thuật nếu nó đưa người đọc vào một chiều kích nơi óc tưởng tượng có cơ hội bung nở, mở ra những suy tưởng phi giới hạn. Nếu không nó chỉ là mớ chữ tuyên truyền cho một chủ thuyết, một quan điểm, một luận đề. Vô hồn, chán ngắt. Trích đoạn tiểu thuyết Tôi là cái thây ma của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, hoặc truyện ngắn william burns của nhà văn Chile Roberto Bolaño đều có thể xem là những thí dụ điển hình.

Tôi cũng đặc biệt yêu thích nhà văn Colombia Gabriel García Márquez. Vì thế, mặc dù đã có khá nhiều bản dịch tác phẩm ông sang tiếng Việt, tôi vẫn tìm cách đưa vào sách một truyện ngắn tiêu biểu cho văn phong của ông. Ông chính là đại diện cho xu hướng Hiện thực Huyền ảo, vốn làm mưa làm gió trên văn đàn thế giới cả mấy chục năm qua. Những nhà văn khác như Salman Rushdie, Philip Roth, Kurt Vonnegut, Milan Kundera… đều ít nhiều sáng tác dưới luồng sáng của xu hướng văn học này.

Và gần như tất cả đều chịu ảnh hưởng của Franz Kafka.

Đó là lý do vì sao tôi không thể bỏ quên Kafka, mặc dù ông là một tác giả không đồng thời với chúng ta. Sinh sống và sáng tác cách đây cả trăm năm, số lượng trước tác không nhiều, phải nói là cực kỳ ít ỏi, nhưng Kafka đã là bảng chỉ đường cho rất nhiều nhà văn quốc tế suốt thế kỷ XX. Cuốn sách Márquez đọc khi mới trưởng thành, dọn đường cho một văn nghiệp lừng lẫy, chính là cuốn Hóa thân của Kafka. Nhà văn Mỹ Philip Roth thì viết một cuốn tiểu thuyết nhan đề The Breast (Cái vú) nhái theo cuốn Hóa thân. Một nhà văn khác, Milan Kundera, cũng có mặt trong tuyển tập, không bao giờ tiếc lời ca ngợi Kafka, xem ông như một nhà văn khai phóng đặt nền tảng cho tiểu thuyết hiện đại.

Riêng với Kundera, tôi có một ngoại lệ. Những nhà văn khác, tôi dịch truyện – truyện ngắn hoặc trích đoạn tiểu thuyết – nhưng với Kundera, tôi chọn những trích đoạn mà tôi tâm đắc từ cuốn tiểu luận Bức màn của ông. Điều này dễ hiểu. Kundera là nhà viết tiểu luận xuất sắc bên cạnh cương vị một tiểu thuyết gia hàng đầu. Tiểu thuyết Kundera đã được dịch sang tiếng Việt khá nhiều trong suốt thời gian hơn hai mươi năm qua. Tiểu thuyết ông không dễ đọc và hay bị hiểu sai dưới lăng kính chính trị, do đó, ước mong của tôi khi dịch những tiểu luận văn học này là giúp người đọc có cái nhìn đúng đắn hơn về một tác giả quan trọng của văn chương thế giới đương đại. Tiểu luận của Kundera không nặng tính hàn lâm, không bám dựa mông lung quá nhiều vào lý thuyết văn học; nó là những điều tâm huyết về văn chương, nghệ thuật, lịch sử và nhân sinh ông nói thẳng từ lòng mình, lại có nhiều chi tiết lịch sử, văn học thú vị, nên dễ lĩnh hội và hữu ích.

Bên cạnh các tác giả vừa kể trên, tôi cũng đưa vào tuyển tập đôi ba tác giả ít được nhắc đến trong văn chương Việt, như Iris Murdoch, Woly Soyinka, Herta Müller. Họ đều là những tác giả không tầm thường, rất xứng đáng để tìm hiểu thêm. Và sau cùng, hai tác giả với hai đoản văn “nhẹ nhàng,” “dễ thương,” Kurt Vonnegut và Banana Yoshimoto, mà tôi thấy rất thú vị khi dịch.

Câu hỏi thường được đặt ra cho một tác phẩm dịch thuật văn học là: người dịch nên tuyệt đối trung thành với văn bản nguyên tác, hay nên đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch? Ở cuốn sách này, cũng như các tác phẩm dịch khác đã xuất bản của tôi, tôi đều cố gắng đến mức tối đa có thể kết hợp chặt chẽ cả hai xu hướng. Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phết trong nguyên tác, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hy sinh cái chân lý tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn. Tôn chỉ ấy tôi luôn luôn tuân thủ, và đã áp dụng vào cuốn sách rất mực đề huề.

– Trịnh Y Thư

5/2020

***

Van Hoc Press:

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978

email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press


 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viết lách không là nghề mà là nghiệp, đã là nghiệp thì muốn cũng không được mà không muốn cũng không xong. Những kẻ mang nghiệp chữ, những tay du tử đam mê viết lách là những kẻ khổ dâm. Nếu bọn khổ dâm chỉ sướng khi bị mắng chửi, đánh đập, hành hạ… thì những kẻ viết lách cũng thế, ngày đêm suy nghĩ tìm ý, lao tâm khổ tứ, vắt lòng nặn óc, rị mọ viết lách. Bọn khổ dâm càng bị hành hạ càng sướng thì bọn viết lách càng cực thì viết mới hay, càng bị bức bách càng viết xuất thần. Nếu những kẻ mang nghiệp chữ mà có cuộc sống phong lưu hoan lạc, đời sống phủ phê êm ấm thì khó mà viết được, ấy là chưa nói khó có thể viết hay.
Nói đến thơ xứ Quảng (Quảng Nam – Đà Nẵng) như lời của Hà Khánh Quân (Luân Hoán): “Ở cái đất ‘chưa mưa đã thấm’, chỉ cần cào nhẹ tay lên mặt đường, đã lượm được sỏi đá. Nhưng trong món quà trời cho ấy, nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy lẫn lộn trong sỏi đá còn có cả thơ… Phần đất nghèo nàn này, vốn rất giàu những tâm hồn thi ca, và có hơi nhiều thi sĩ”.
Mời các bạn đọc một ngụ ngôn tân thời của thi sĩ Nobel Louise Gluck. Bóng tối che đậy tội ác. Che giấu những con mèo từ rừng hoang xuống trà trộn vào thành phố. Ban ngày, chúng hiền lành. Về đêm, mèo lộng hành, bè đảng, lòng dạ hung tợn, ngay cả người cũng sợ. Chúng săn đuổi, tiêu diệt những sinh vật không có sức kháng cự. Thảm thương cho thân phận làm chuột. Ngày không dám nhìn mặt trời. Đêm la hét đau đớn dưới răng mèo sắc bén. Chết, Chuột chết la liệt đầy phố đêm. Ai biết? Biết rồi, ai nói? Trước khi trời sáng, xã hội quét dọn, đường phố sạch sẽ, không dấu vết sát thủ, nạn nhân. Mặt trời lên. Mèo hiều hậu, dễ thương, Chuột trốn nắng. Người vô tư. Nhưng rồi đêm sẽ đến, sẽ tiếp diễn máu me và định mệnh.
Bài thơ không chỉ nói đến sự thị hiện của Đức Phật trên trần gian mà còn gợi nhớ đến nhiều sự kiện lớn xảy ra trong cuộc đời của Ngài: Bồ Tát Hộ Minh từ cung trời Đẩu Suất (Cho hay Bồ tát hậu thân) đản sinh vào dòng họ Thích Ca, lớn lên trong hoàng cung (U ơ tiếng trẻ, êm đềm Vương cung), vượt thành đi xuất gia vào đêm khuya thanh vắng, sáu năm tầm đạo và tu khổ hạnh nơi rừng già (Tuyết sơn phất ngọn trăng già), thiền tọa 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Đề và thành tựu đại giác ngộ và đại giải thoát vào lúc sao mai vừa mọc (Nhìn sao mà ngỏ sự tình / Ai người Đại Giác cho mình quy y), 45 năm vân du giáo hóa chúng sinh để “nâng cõi thế qua bùn tử sinh.”rong lịch sử nhân loại không thiếu những đấng tôn sư, những bậc hiền triết đã nhìn thấy được bản chất của cuộc đời là vô thường như triết gia Hy Lạp Heraclitus, người sống vào khoảng 500 năm trước tây lịch, đã cho rằng tất cả mọi vật trên đời đều vô thường và không có gì tồn tại mãi. Ông so sánh mọi sự vật hiện hữu với dòng nước sông chảy,
Ở tỉnh lẻ, cọp sách nín thở. Không thể minh họa bằng cử chỉ hoặc âm thanh. Phải giữ thái độ tử tế, nho nhả, để có thể trở lại đọc tiếp. Có lần, tôi đọc Alexis Zorba, Con Người Chịu Chơi, của NikosKazantzaki, dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu, đến đoạn Zorba ví mông phụ nữ Nga, nở nang, cứng cáp, như mông ngựa cái và nó hí lên khi ngửi được mùi ngựa đực. Tôi ngạc nhiên. Lúc đó, biết mông phụ nữ một cách mù mờ, nhưng biết mông ngựa rất rõ, thành thử tưởng tượng lẫn chiêm bao đều hấp dẫn. Nhưng phụ nữ Việt ít ai hí, hầu hết nghe mùi đực phản phất là bỏ đi. Đôi lúc không kịp giã từ. Đọc hết đoạn Zorba không thể nói tiếng Nga, nên nhảy ra sân múa máy, nhào lộn. diễn tả câu chuyện ông muốn kể. Thật là lý thú. Tôi cũng muốn nhảy ra múa máy nhưng kịp nhìn thấy ánh mắt của bà chủ lăm le chờ bằng cớ.
Hai ngày trước đây, nhà văn Vương Trùng Dương có chuyển cho tôi bài tường thuật của nhà văn Phạm Tín An Ninh về chuyến viếng thăm anh tại Cali. Đọc bài tường thuật và nhất là nhìn hình anh chụp chung với GS Trần Huy Bích và PTAN, tôi không dằn được xúc cảm. Nhất là khi anh tỏ thái độ rất thản nhiên trước ngưỡng cửa tử thần.
Sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Kim Quang từ lúc còn bé, tâm hồn Thụy An đã được tưới tẩm chất thơ qua ca dao lời ru của Mẹ, qua tiếng hát và lời kinh trong sinh hoạt đầy đạo hạnh và êm đềm của tuổi trẻ Phật tử dưới mái hiên chùa. Chất liệu và suối nguồn thi ca nầy đã thể hiện trong lời nói của Alexandra Huynh với phóng viên quốc tế: “Tiếng Việt tự nó đã là một tiếng nói giàu chất thơ. Trong sinh hoạt văn hóa của người Việt người ta đã nói thành thơ trong cuộc sống hằng ngày.”
Trong khi các nhóm tôn giáo cực đoan đôi khi đã phỉ báng Thiền, thì sự thật một cách khoa học Thiền đã được chứng minh có nhiều hiệu quả tích cực trên lãnh vực tinh thần và thể chất khi Thiền được thực hành đều đặn. Sau đây là một số lợi ích của Thiền. Trên khắp thế giới, lo lắng vẫn là một trong những điều kiện sức khỏe tinh thần hàng đầu. Dù trong nhiều trường hợp nghiêm trọng các bác sĩ có thể viết toa thuốc để giúp những người bị lo lắng, họ thường có khuynh hướng thử biện pháp tổng thể hơn trước. Thiền là một trong những cách tổng thể thông thường nhất để điều trị lo lắng, giúp các cá nhân giảm nhịp tim của họ, kiểm soát các suy nghĩ tai hại và ngăn chận các cơn lo lắng.Không còn nghi ngờ rằng thế giới mà chúng ta đang sống trong đó có thể là căng thẳng. Dù căng thẳng là sự phản ứng cơ thể hoàn toàn bình thường, chúng ta không nên cảm thấy bị căng thẳng thường xuyên vì căng thẳng liên tục có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong cơ thể. Thiền là cách tuyệt vời để thư giãn
Trước đây, Thường Thấu Thấm thuộc về giả thuyết thưởng ngoạn và sáng tác. Tuy nhiên, dịch thuật cũng mang cấu trúc cơ bản của ngôn ngữ và ngữ pháp, được xác định minh bạch về bản chất, cá tính và chức năng, có tính toàn cầu trong hệ thống ngôn ngữ, có tính chung để thông đạt, nên giả thuyết này có thể áp dụng vào dịch thuật, song song với giả thuyết thưởng ngoạn và sáng tác.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.