Hôm nay,  

Phan Ni Tấn - Tôi, 800 Năm Trước Lang Thang Theo Gót Luân Hồi

01/05/202000:00:00(Xem: 3591)

 

PHAN NI TAN rev

Nhà thơ Phan Ni Tấn.


Phan Ni Tấn

 

Phan Ni Tấn sanh năm 1946 tại Banmêthuột. Phụ thân là người Cần Giuộc, trôi dạt ra tới Huế, lập gia đình với cháu ngoại của viên Ngự Y triều Vua Khải Định, sau đó đưa gia đình lên Ban Mê Thuột sinh sống từ năm 1942. Bên ngoại thuộc dòng hoàng phái, bà Cố tổ Ân Phi Hồ Thị Chỉ là vợ chánh thức của vua Khải Định.

Phan Ni Tấn học trung học ở Banmêthuột (1960), Đại học Khoa Học Saigon (1969), và là sinh viên Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (1970). Sau biến cố 1975, ông đi tù cộng sản tại Ban Mê Thuột cho đến năm 1978 thì vượt ngục trốn về Sài Gòn sống đời trôi sông lạc chợ rồi vượt biển đến Thái Lan vào năm 1979, cuối cùng định cư tại Toronto, Canada từ năm 1980. Sau gần 40 năm đi làm cho hãng xưởng, hiện nay ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn không ngừng sáng tác.

Phan Ni Tấn sáng tác nhạc và thơ từ trước 1975: thơ có đăng trên tạp chí Văn và Phổ Thông, nhạc phổ biến trong giới học sinh sinh viên miền Nam. Ở hải ngoại, ông tiếp tục sáng tác ca khúc và hợp tác với nhiều tạp chí văn chương tiếng Việt. Ông đã xuất bản 6 tập nhạc, 3 CD nhạc, 4 tập thơ, và 2 tập truyện ngắn và tùy bút.

Kỳ này, kính mời quý độc giả đọc một “truyện dã sử, không thể không nói có thật mà không thật, không lạ mà thật lạ.”

 

Tôi, 800 Năm Trước Lang Thang Theo Gót Luân Hồi

 

NHÀ TRẦN (1225-1400)

Ngàn năm trước, sau khi Trần Nhân Tông (Trần Khâm) truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên - tức vua Trần Anh Tông – Nhân Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Một năm sau Thượng Hoàng lên ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử tu hành, lấy pháp hiệu Điều Ngự Giác Hoàng, lập ra Thiền Phái Trúc Lâm, một dòng thiền Phật giáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Thời gian này tại chùa Hoa Yên (Yên Tử), Giác Hoàng mở các buổi thuyết pháp cho tăng chúng, thu nhận nhiều đệ tử. Về sau trong số đệ tử của Điều Ngự trở thành những bậc thức giả, như sư tổ Pháp Loa, tôn giả Huyền Quang, thiền sư Bảo Sái, sư thầy Lam Câu, đại đức Thiên Tường, thị giả Phu Lâu, sư huynh Phổ Xám…, đặc biệt có một vệ sĩ của Điều Ngự, từng là quân túc vệ tên Lô Sát, người dân tộc dũng mãnh hơn người, xuất hiện từ sau Hội nghị Bình Thân năm 1282 chống quân Nguyên, cũng xuống tóc quy y.

Tuy xuất gia tu Phật nhưng Điều Ngự Giác Hoàng vẫn tham gia triều chánh, cùng vua Trần Anh Tông đánh đuổi quân Ai Lao ra khỏi đất nước, mở rộng bờ cõi về phương Nam. Với tinh thần nhập thế, Điều Ngự không chỉ an cư trên Yên Tử mà Ngài còn xuống núi vân du khắp nơi từ thôn quê đến thành thị hoằng hóa cho dân chúng tu dưỡng đức hạnh theo giáo pháp Thập thiện, là mười điều thiện được thể hiện qua thân, khẩu và ý của Đức Thế Tôn.

Năm 1308, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch trên đỉnh Ngọa Vân (Yên Tử), để lại cho đời một phần lịch sử của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử bao gồm một chuỗi lý thuyết lẫn hành động gắn liền đạo với đời, cũng như xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ mang biểu tượng Phật giáo Việt Nam ở khắp nơi, nhất là ở núi rừng Yên Tử.

Núi Yên Tử nằm giữa hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Núi cao ngàn trượng quanh năm mây trắng vờn quanh phía sau trùng trùng điệp điệp những ngọn núi nhấp nhô như rồng chầu hổ phục.

Ngàn năm trước đường quanh co lên đỉnh núi Yên Tử dài khoảng 6,000 mét vô cùng gian nan hiểm trở, đầy rắn rít, thú dữ, ngày nay trở thành khu bảo tồn di tích lịch sử văn hóa - phải kể từ cuối đời nhà Lý tới đời nhà Trần - bao gồm chùa chiền, đền đài, tháp miếu và nhiều công trình khác, như chùa Cả (Vân Yên), chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Giải Oan, chùa Quỳnh Lâm, chùa Bảo Sái, Chùa Một Mái, chùa Lân, lăng Tự Phúc, bảo tháp Tư Thiên, am Thiên Kiến, am Mộc Cảo, am Ngọa Vân v.v…
 
NHÀ HỒ (1400-1407)

200 năm sau, năm 1400 Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ, đổi quốc hiệu Đại Việt thành Đại Ngu, chấm dứt thời kỳ trị vì 175 năm của nhà Trần với 13 vị hoàng đế.

Vào thời kỳ này, dưới chân núi Yên Tử có gia đình ông Qươn Thích sống đơn độc bên hồ Khe Ché cách xóm Đền Sình không xa. Ông Thích là một thầy thuốc nghèo nhưng tốt bụng thường chữa bệnh miễn phí cho những người cùng khổ. Nghèo nhưng ông bà Qươn Thích ăn ở hiền lành, sống tự tại với triết lý nhà Phật. Tuy nhiên từ khi bà vợ sanh muộn một mụn con, không may cậu mắc phải bệnh tâm thần, ông Thích biến tánh hẳn. Có lúc ông hoạt kê, xốc           vác, lúc lại như người thần bí, mở miệng ra là có vần có điệu như ca. Mỗi lần ông Qươn Thích nhập đồng là bà vợ hãi hồn sảng vía, còn cậu con trai thì vừa nhảy nhót vừa vỗ tay reo mừng.

Có lần ông thì thào tiết lộ kiếp trước ông theo vua Duệ Tông đi chinh chiến, cùng vua tử trận ở Chiêm Thành. Lần khác ông vỗ ngực nói ông chính là quân túc vệ Lô Sát theo vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử xuất gia, lúc xuống núi đi du tăng không may ông bị quân Nguyên sát hại.

Lô Sát là võ sư thượng thặng, một con người vạm vỡ, mặt vuông chữ điền. Nhưng là đệ tử nhà Phật, sư Vô Ngại (tức Lô Sát) không thể đại khai sát giới như một thời chinh chiến. Khi đả thương hơn 10 tên giặc, sư chợt ngộ ra quả báo của Đệ nhất Thần thông Đại Mục Kiền Liên do nghiệp ác đã tạo ra trong tiền kiếp, sư Vô Ngại đành xuôi tay nhắm mắt chịu kiếp nạn.

Hai trăm năm sau lúc tái sanh dưới triều nhà Hồ, ông Qươn Thích (tiền thân là đại đức Vô Ngại) nhận thấy các cải cách và thủ đoạn của Hồ Quý Ly khiến dân tình xa lánh, riêng ông thoái thác chức quan ngự y, chỉ xin về quê làm người thầy thuốc nghèo miễn là được sống hạnh phúc cùng vợ con. Đại vương Hồ Quý Ly dù tiếc nhân tài cũng cho ông toại nguyện nhưng tuồng đời lại không như ý.

Ăn hiền ở lành như ông Qươn Thích rốt cuộc lại nhận lãnh một quả bất hạnh khôn cùng: con bệnh, vợ trúng gió chết ở ngoài đồng, nhà cửa bị mưa bão đánh sập. Phẫn chí ông Qươn Thích bỏ xứ khật khùng dắt con đi lang thang rồi lần mò lên núi Yên Tử.

Từ đó không ai biết tung tích bố con ông sống chết ra sao. Người đời sau nói có thể ông Qươn Thích lên Yên Tử tìm kiếm lại tiền thân của mình.
 
THỜI KỲ TÁI SANH (1214-1877)

Nói một cách đơn giản: Con người sinh ra, chết đi rồi tái sanh gọi là luân hồi. Ông Qươn Thích do nghiệp báo từ đời trước đã liên tục đầu thai vào nhiều đời sau:

- Năm 1414 vào thời hậu Trần, trong trận chiến chống quân Minh, cấm vệ quân Giác Mật tử trận tại Sái Già.

- Năm 1598, chiến binh Samurai tiến đánh Triều Tiên, anh phu xe Kim Hyun bị súng hỏa mai bắn chết.

- Năm 1609, y sư Qươn Thích đầu thai thành một chiếc lá.

- Năm 1871, Simon de Isabelle sinh ra và lớn lên tại Dijon, miền Nam nước Pháp.
 
CẤM VỆ GIÁC MẬT

Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:

“Sau khi nhà Hồ bị quân Minh xâm lăng và tiêu diệt, đổi nước Đại Ngu thành Giao Chỉ, lập phủ, huyện, đặt quan lại, cha con Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương đều bị bắt đưa về Kim Lăng nước Tàu, sau chết ở đó. Trong thời kỳ này, người con thứ của Trần Nghệ Tông là Trần Ngỗi lập ra nhà Hậu Trần, xưng là Giản Định Hoàng Đế.

Trong suốt 7 năm chống lại quân đội nhà Minh, tuy chiến thắng lúc đầu nhưng nhà Hậu Trần dần dà yếu thế. Năm 1409, quân Minh bắt được Giản Định đế Trần Ngỗi sai giải về Kim Lăng và bị sát hại. Tới năm 1414 nhà Hậu Trần hoàn toàn thất bại, toàn thể vua tôi Trùng Quang Đế, Nguyễn Biểu, Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị… tuy bị bắt nhưng vì xã tắc đều tuẫn tiết quyết không đầu hàng giặc Minh”. (ngưng trích)

Tuy nhiên, trong suốt 7 năm chiến đấu chống quân Minh có một nghĩa sĩ mà không sử sách nào nhắc đến. Đó là cấm vệ Giác Mật đi tiên phong trong một trận đánh tại Sái Già vào cuối năm 1414 đã bị tướng nhà Minh phi ngựa lao tới dùng thương giết chết. Thương là một loại giáo cán dài có lưỡi nhọn được phổ biến rộng rãi trên chiến trường Trung Hoa thời cổ. Nương theo đà ngựa phóng tới mũi thương đâm quá mạnh đã xuyên qua ngực Giác Mật cắm thẳng xuống đất khiến ông chết đứng.
 
NGƯỜI PHU XE KIM HYUN

Trong suốt hai cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên của Nhật Bổn diễn ra từ năm 1592 đến 1598, anh phu xe Kim Hyun, cư dân thủ đô Seoul đều có mặt. Ban ngày anh cùng nhóm dân quân yêu nước chống lại quân xâm lược, nhưng ban đêm anh phu xe và các nhà sư bịt mặt có võ nghệ bí mật phân công đi hành thích lính Nhật. Thành công hay thất bại, Kim Hyun đều may mắn chạy thoát khỏi tầm đạn của quân thù.

Nhưng đến cuối năm 1598, lúc đột nhập vào một doanh trại Nhật ở ngoại thành Seoul, Kim Hyun bị lọt giữa vòng vây của chiến binh Samurai, vừa mới bổ sung quân số. Thay vì bắt giết gian tế, truyền thống võ sĩ đạo của Samurai cho phép Kim Hyun đánh tay đôi một mất một còn với một chiến binh Samurai đồng trang lứa với anh nhưng dầy dạn chiến trường hơn anh.

Hồi mới bước vào thế giới võ thuật, Kim Hyun rất khâm phục tinh thần và truyền thống võ sĩ đạo bất khuất của chiến binh thị vệ Samurai, nay đương đầu với một địch thủ từ nhỏ đã thấm nhuần tư tưởng Thần Đạo và hành động võ sĩ đạo khiến Kim Hyun phải hết sức đề cao cảnh giác.

Điều kỳ lạ là thay vì sử dụng kiếm sắt thì thủ lãnh Samurai muốn hai đối thủ dùng kiếm gỗ để sát phạt nhau. Kim Hyun cũng biết rõ kiếm gỗ của Nhật Bổn là một dạng côn làm bằng gỗ sồi có sức công phá mãnh liêt, hồi nhỏ Kim Hyun cũng từng luyện qua. Sư phụ thường khuyến khích các môn sinh: Can đảm và bình tĩnh là một đức tính cần có để chiếm thế thượng phong. Trận đấu sanh tử tuy Kim Hyun bị dính đòn nhiều hơn, nhưng ở phút cuối khi Kim Hyun đánh ngã địch thủ, anh đã nhanh nhẹn lướt tới cắm mũi kiếm ngay ức địch thủ buộc y nằm im. Kết quả anh phu xe thắng, được thả ra về. 

Tuy nhiên, lúc người chiến binh bại trận mổ bụng tự sát theo truyền thống hara-kiri của võ sĩ đạo, bất ngờ một tên lính Nhật từng chiến đấu trong cả hai cuộc xâm lược cầm súng hỏa mai rượt theo bắn Kim Hyun chết ngay trước cổng trại.

Sau này sử sách Triều Tiên ghi nhận người phu xe tên Kim Hyun chết năm 1598, trước một năm Nhật Bổn đàm phán hòa bình với Triều Tiên năm 1599.
 
PHẬN LÁ

Đề Thám tên thật Hoàng Hoa Thám là một anh hùng kháng Pháp, lừng danh trong thế kỷ 19 tại vùng rừng núi Yên Thế, Bắc Giang. Trong suốt gần 30 năm chiến đấu, Đề Thám, một Hùm Xám Yên Thế từng gây những tổn thất nặng nề và nhiều phen điêu đứng cho quân viễn chinh Pháp.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, Đề Thám bị giặc giết hại tại Hố Lẩy thuộc Bắc Giang. Thủ cấp của ông và hai thủ hạ thân tín bị bêu giữa chợ Nhã Nam để thị uy dân chúng. Thế nhưng, nhiều truyền thuyết cho rằng Hoàng Hoa Thám chỉ là chết giả để tránh sự truy lùng của thực dân Pháp. Cho tới nay, vẫn chưa có kết luận nào về cái chết của Hùm Thiêng Yên Thế.

Riêng tôi (người kể) cho rằng Đề Thám là người đa mưu, túc trí, dũng cảm vô song, không dễ dàng bị bêu đầu giữa chợ như thế. Tuy nhiên, nếu nói Đề Thám giả chết để tránh giặc Pháp truy lùng thì cho đến ngày nay, hơn 100 năm qua, dĩ nhiên Đề Thám đã chết, nhưng vùi thây ở đâu trong núi rừng Yên Thế?

800 năm trước, ông Qươn Thích chết âm thầm, lặng lẽ như chiếc lá trên núi rừng Yên Tử, Quảng Ninh. 400 năm sau, Hùm Thiêng Yên Thế cũng chết âm thầm, lặng lẽ như chiếc lá giữa rừng sâu núi thẳm Yên Thế, Bắc Giang.

Phải chăng cả hai ông đều có chung một phận lá, chiếc lá âm thầm, lặng lẽ rơi giữa núi rừng Việt Bắc?
 
NỮ PHÓNG VIÊN NHẬT BÁO LE FIGARO

Hồi Tây mới chiếm Bắc kỳ, hầu hết những vùng nông thôn hẻo lánh vẫn chưa kịp bình định trong đó núi rừng Yên Tử vẫn nằm ngoài tầm mắt của thực dân.

Nhà nghiên cứu sử Đông Dương kiêm phóng viên chiến trường Simon de Isabelle là người nữ đầy nam tính, ưa phiêu lưu mạo hiểm và là một cao thủ tứ đẳng huyền đai Jiu jitsu, đã sớm đặt chân tới xứ Bắc Kỳ.

Khi theo học ngành Báo Chí tại trường Đại học Lille, miền Bắc nước Pháp, cô sinh viên Simon de Isabelle tình cờ đọc được một sử liệu An Nam nói về vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử tìm Phật, khiến cô cảm thấy kính phục vị vua này vô cùng.

Vì thế, khi người Pháp xâm chiếm thuộc địa, tờ nhật báo Le Figaro Pháp có lịch sử lâu đời đã mau chóng cử cô Simon de Isabelle, phóng viên chiến trường dầy kinh nghiệm sang Việt Nam tìm hiểu tình hình thuộc địa, cũng như các vấn đề xã hội, những địa danh có nhiều di tích lịch sử. Cái thích nhất, đối với cô, là được hòa mình vào những phong cảnh thiên nhiên của vùng nhiệt đới, được đi khắp đó đây. Cô đã từng vào sinh ra tử ở các mặt trận Hoa Kỳ và Châu Âu, nên vừa nhận được chỉ thị, cô Simon de Isabelle đầy nhiệt huyết, bay ngay sang Đông Dương, lặn lội ra xứ Bắc Kỳ.

Vừa tới thành Hà Nội (còn gọi là Đàng Ngoài), Isabelle đến nhà thờ Truyền Giáo chào Đức Giám Mục Brian, trình bày mục đích của mình và tìm hiểu thêm về địa danh Yên Thế trước khi đi sâu vào đường lối của đế chế thuộc địa.

Sáng hôm sau, Isabelle từ giã giới hội Truyền giáo, cô cụ bị hành trang cùng người xà ích của giám mục Brian đánh cỗ xe ngựa vượt một quãng đường dài 130km tới Yên Tử. Thời đó, đường đi khó nên xe ngựa vừa tới đền Trình, Quảng Ninh thì trời chạng vạng tối. Họ lưu lại một đêm đến sáng hôm sau đi tiếp khoảng 7km thì tới chân núi Yên Tử. Khi người xà ích quay về Hà Thành, còn lại một mình giữa núi rừng trùng điệp chìm khuất trong mây mù, Isabelle nhận thấy rõ ràng đây là một chốn hoang vu từ lâu không có bóng người.

Nhắm mắt lại, Isabelle cảm nhận được vẻ u tịch, man dại của rừng rú làm cô khá xao xuyến, đến khi nghe tiếng gió thoảng trong cây cô mới trở về thực tại. Lấy lại bình tĩnh, đầy tự tin, cô buộc tóc, nai nịt gọn gàng, xốc lại túi hành trang trên lưng, tay cầm con dao bầu phạt chướng ngại vật khởi đầu cuộc vượt núi.
 
Thưa quý độc giả,

Có lẽ suốt đời cô Simon de Isabelle không bao giờ quên được cái ngày một mình cô vượt núi lên đỉnh Yên Tử đi tìm Phật hoàng cũng là đề tài mới lạ để cô trình luận án thạc sĩ. Căn cứ theo bài viết của cô Simon de Isabelle ghi trong cuốn sổ tay “YEN TU, MAI 19, 1900” (tức YÊN TỬ, ngày 19 tháng NĂM 1900), tôi mạn phép lượt thuật như sau:

Sau khoảng nửa ngày lặn lội trèo đèo vượt dốc, băng qua nhiều con suối vất vả lắm Isabelle mới tình cờ tìm được lối mòn của vua tôi ngày trước. Cứ thế, trên đường lên núi vượt qua hàng ngàn bậc đá, len lỏi theo lối mòn bạt ngàn cỏ cây, bồ hòn, ngót rừng, rừng trúc, rừng thông, đại thụ, Isabelle thường bắt gặp những đền đài hoang tàn, đổ nát, những am miếu ruỗng mục vương vãi bên vách núi. Đứng trước những biến thiên của lịch sử, những di tích của các triều đại, Isabelle đều dừng lại quan sát, tìm hiểu, cẩn thận ghi chép, tỉ mỉ vẽ lại những quang cảnh, những cổ vật tế khí đã hư hỏng, biến dạng.  

Khi lên tới đầu dốc sừng sững những cây tùng già, Esabelle nhìn thấy một ngôi chùa nhỏ nằm chênh vênh trên vách núi, một mái nhô ra đã ủ dột, mục nát vì rêu phong. Isabelle biết mình đang đứng trước vẻ đẹp của chùa Một Mái dù điêu tàn nhưng ẩn chứa một giá trị lịch sử gắn liền với tư tưởng Phật giáo khởi nguồn từ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trời đang ngả về chiều. Sương mù như sữa giăng khắp núi. Cỏ lau bạc đầu cong mình trước những cơn gió từ biển đông thốc vào. Isabelle định tọa độ xong cô bước vội trên những gộp đá hoang sơ lên tới dốc đá thì trời vừa sụp tối. Đứng dựa lưng vào gốc xích tùng Isabelle nhìn thấy một thảo am lập bằng gỗ và trúc dựng sát vách núi, phía dưới có một đầm nước lớn. Am cỏ đã hoàn toàn hư hại theo thời gian. Isabelle biết đây là am Bảo Sái do Thiền sư Bảo Sái dựng lên hơn 700 năm trước để thiền tọa.

Ăn vội miếng lương khô, hớp miếng nước rồi để phòng bất trắc, Isabelle đu mình trèo lên chảng ba cây tùng vạn niên cách mặt đất chừng năm thước, ôm túi hành trang ngồi ngủ qua đêm. Lúc đó cô mới để ý trời sáng trăng. Ánh trăng lạnh lẽo xuyên qua cành lá chảy xuống đọng từng vũng lốm đốm trên nền đất thâm nâu làm cô bồn chồn khó ngủ. Ngồi nghe tiếng cú rúc, tiếng côn trùng nỉ non và ngắm ánh trăng ràn rụa chảy xuống đầm nước một hồi cô ngủ thiếp đi lúc nào không hay. 

Chừng nửa khuya, đang chập chờn trong giấc ngủ, Isabelle bỗng cảm thấy bàn chân mình tê buốt như có một vật gì đang ngậm lấy. Cô dần dần tỉnh giấc mở mắt khòm đầu nhìn xuống. Trong ánh sáng trăng Isabelle thấy rõ ràng một con mãng xà khổng lồ dưới đất trườn lên nuốt gần trọn bắp chân mình. 
Thét lên một tiếng Isabelle giãy giụa, phóng xuống đất lôi luôn cả con ác xà xuống theo. Dĩ nhiên con trăn dài hơn 6 thước không những không nhả mồi nó còn cuộn mình quyết xiết chết nạn nhân.

Là một cao thủ võ lâm, Isabelle từng hạ nhiều đối thủ trên võ đài, nhưng đây là lần đầu tiên cô đụng phải một sát thủ ngoại hạng, một quái thú thầm lặng đang nuốt dần tới đầu gối cô.

Lúc phóng xuống đất, túi hành trang của Isabelle văng ra xa, cây chủy thủ cô thường đeo bên mình cũng vuột mất. Nhưng may thay, trong cơn thập tử nhất sanh, Isabelle vớ được một hòn đá khá lớn, có đầu nhọn; cứ thế cô nghiến răng giáng tới tấp xuống đầu con trăn.

Bị thương, con vật vùng mình quẫy mạnh, chót đuôi ngo ngoe cất cao rồi bất thần quất mạnh vào mặt Isabelle cắt thành một lằn dài trên trán cô phun máu. Đúng lúc đó Isabelle cảm thấy một luồng lãnh khí từ trong núi thổi thốc vào mặt khiến cô choáng váng. Tuy biến sắc, mồ hôi và máu toát ra như tắm, nhưng Isabelle vẫn bình tĩnh tiếp tục đập hòn đá xuống đầu con trăn.

Cuối cùng, tuy đầu con quái thú bị đập nát, thân mình to lớn của con xà tinh quấn quanh mình Isabelle dù nới lỏng nhưng vẫn còn ngọ nguậy. Cũng nhờ thế Isabelle mới nhìn thấy cán dao chủy thủ ló ra phía dưới gần cổ con trăn. Lập tức Isabelle chồm tới chợp con dao nhanh nhẹn đâm nhiều nhát vào đầu con trăn rồi rọc miệng nó. Lúc Isabelle rút chân ra khỏi miệng tử thần thì ống quần đã rách tưa, ống quyển nhầy nhụa những máu và nhớt dãi trắng hếu, tanh tưởi cũng là lúc cô ngắc ngứ rã rời.  Đúng lúc đó, bình minh uể oải tia nắng ra chấp chới khắp núi rừng.

Câu chuyện về cuộc chiến sanh tử giữa con xà tinh và Isabelle đã trở thành câu chuyện kỳ lạ của núi rừng Yên Tử.

Sau cái vụ bị trăn nuốt, Isabelle tuy thoát chết nhưng chân của cô đã bị nhiễm trùng. Dù đã rắc thuốc sát trùng, cẩn thận băng bó vết thương xong Isabelle vẫn quyết tâm vượt núi. Kết quả chân cô sưng tấy. Thay vì tiếp tục cuộc hành trình chinh phục đỉnh núi Yên Tử, cô Isabelle buộc phải xuống núi tìm cách chữa trị vết thương.
 
Thưa quý độc giả,
Hiện nay trong văn khố quốc gia Pháp quốc, ngoài việc lưu trữ số lượng tài liệu đồ sộ về thuộc địa ở Đông Dương và Phi Châu, còn có cuốn sổ tay của cô Simon de Isabelle. Trong cuốn sổ tay này, không biết do sương mù khí núi Yên Tử hay vì nước mắt của cô mà một vài trang chữ đã bị hủy hoại, nhất là những trang viết ở cuối cuốn sổ đã bị ai xé mất.

Cho đến ngày nay, sau hơn 100 năm trôi qua, người đời vẫn không ai biết số phận của cô Isabelle sống chết ra sao, kể từ khi cô mang vết thương xuống núi. Vì sao cuốn sổ tay được ai mang về Pháp; vì sao nó không thuộc quyền sở hữu của tờ nhật báo Le Figaro mà lại nằm trong Cơ Quan Lưu Trữ Tài Liệu của Bộ Quốc Phòng Pháp. 

Tìm đọc những trang dữ liệu của tờ Le Figaro liệt kê tên tuổi của hàng trăm hàng ngàn các phóng viên chiến trường vì công vụ đã hy sinh, tôi (*) thấy có tên của cô Simon de Isabelle với hình bìa cuốn sổ tay đề tựa:

 “Tôi, 800 năm trước lang thang theo gót luân hồi.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tiểu thuyết, theo Kundera, thể hiện trong mình “tinh thần của phức tạp”, “hiền minh của hoài nghi”, nó không đi tìm các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu “không phải hiện thực mà hiện sinh”, nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người...
Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng sản đã khiến ông phải sống cuộc đời lưu vong từ năm 1975, vừa qua đời ở Paris. Ông thọ 94 tuổi...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với ông Hoàng Hưng, cựu giáo viên trung học môn Văn, nhà thơ, dịch giả từ miền Bắc, và ông Lê Nguyễn, nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, cựu Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách Phát triển Kinh tế dưới chế độ VNCH, từ miền Nam...
Anh tặng em mùi máu / Trên áo trận sa trường / Máu anh và máu địch / Xin em cùng xót thương... (Thơ TMT).
Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến ông, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ – tuổi thanh niên lúc bấy giờ:..
Kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, những vùng đất quân Nga xâm chiếm đã xảy ra những thảm cảnh vô cùng bi đát như cướp của, hãm hiếp phụ nữ rất man rợ! Những hình ảnh đó được loan tải trên hệ thống truyền thông, hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án sự tàn ác, vô luân của quân Nga. Nhân đây, đề cập đến tác phẩm Giờ Thứ 25, cách đây hơn bảy thập niên, nhà văn Virgil Gheorghiu đã mô tả thú tính xác thịt của bọn quân xâm lược hãm hiếp phụ nữ thời đó và hiện nay man rợ như nhau...
Sáng thứ bảy, 3 tháng 6, thành phố Santa Ana còn trong tinh sương, các thiện nguyện viên trẻ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA đã lăng xăng bận rộn chuẩn bị cho chương trình hội luận khai mạc VietBookFest, Hội Chợ Sách đầu tiên giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt, và đây cũng là hội chợ sách Việt có tầm vóc đầu tiên tại Hoa Kỳ, một ngày "festive" với nhiều sinh hoạt chữ nghĩa từ sáng đến chiều, bao gồm hội luận buổi sáng, chợ sách buổi trưa, và chương trình đọc thơ và trình diễn nhạc buổi chiều.
Chúng ta hàng ngày đọc tin thời sự, dễ dàng nhìn về thế giới Hồi giáo dường như đầy những bạo lực, và nhìn về một quốc gia Iran như một tuyến đầu tua tủa những dàn phóng phi đạn hướng về thế giới tự do. Chúng ta cũng từng thấy các chính phủ Hồi giáo theo các hệ phái khác nhau đã kình nhau, thậm chí trong một nước, như Iraq, cùng từng sinh khởi nội chiến. Tuy nhiên, vẫn có một Hồi giáo khác, một Hồi giáo rất mực hòa bình, một hệ phái ít được báo chí hàng ngày tường thuật chỉ vì họ không gây ra các biến cố hung hăng nào. Đó là Hồi giáo Sufi, một khuynh hướng rất mực thần bí có từ nhiều thế kỷ qua, và là nơi rất mực thơ mộng của Hồi giáo: một nơi của những dòng chữ về vẻ đẹp của sa mạc, của tịch lặng, của yêu thương. Các tác phẩm văn học Sufi ghi trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nội dung tư tưởng thần bí của Hồi giáo Sufi. Khuynh hướng này trong tiếng Anh gọi tắt là Sufism
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.