Hôm nay,  

Xác Và Hồn Lá Đổ Muôn Chiều

3/16/202513:14:00(View: 3254)

Lá Đổ Muôn Chiều

“Để có thể nối kết đồng cảm ý nghĩa và tình tự của một ca khúc với người nghe, người hát cần hiểu ca từ sâu sắc và rung động với tâm tình trong lời và nhạc.”

 

“Em ơi đừng dối lòng, dù sao chăng nữa không nhớ đến tình đôi ta.” Bất kỳ là ai đã từng có một mối tình để nhớ, sẽ rung lên từ trong lồng ngực một cảm giác vừa u buồn vừa sung sướng; trí nhớ sẽ lập tức lan man về dĩ vãng, về một lần đã yêu, rồi mất. Nhưng làm sao người hát có thể rung lên tâm tình của những người nghe chỉ bằng lời ca và giai điệu?

Bí quyết này không phải là điều bí mật, chỉ là việc người hát không mấy quan tâm về ý nghĩa của ca từ trên giai điệu diễn tả. Có bao nhiêu người hát thực sự liêu xiêu với “nhạc trong lời” của một ca khúc? Có bao nhiêu người hát hiểu rằng, lời là thân xác, nhạc là linh hồn. Chỉ khi xác và hồn nhập lại với nhau, mới có sự sống? Hát là làm sống lại tâm tình ý tưởng của nhạc sĩ theo tư chất riêng thể hiện tâm tư và ý nghĩ của người hát.

Trong bài viết này, tôi không phân biệt ca sĩ chuyên nghiệp hay ca sĩ tài tử, và kể cả những người ca không sĩ. Khi những tiếng hát chuyên nghiệp chết dần theo thương mại; theo khả năng diễn đạt nghệ thuật đặt nặng về trình diễn; theo ham muốn chinh phục người nghe kiểu Thành Cát Tư Hãn hoặc Hitler; thì những tiếng hát đó chỉ là những chuỗi âm thanh ngôn ngữ như gió thổi qua tai, thay vì tiếng mưa rơi âm điệu lao đao lòng kẻ lắng nghe. 
                                                        

Ca sĩ có tiếng hát hay, độc đáo, điêu luyện, chưa hẳn đã chinh phục được người nghe. Đừng lầm, người ta có thể vỗ tay, huýt gió, đứng lên, nhưng ra về, họ quên. Nhưng tại sao họ lại có thể nhớ tiếng hát của một phụ nữ bình thường trong một buổi tiệc nhỏ đã mê tình qua đệm đàn thùng? Tại sao họ lại nhớ tâm tư và ý nghĩa của một ca khúc từ một anh chàng không có gì đáng chú ý ngoại trừ khi anh cất tiếng hát, những ca từ quen thuộc mà sao nghe khác lạ?

Bí quyết này không có gì bí mật.

Giọng hát bình thường mà có thể khiến người nghe thích thú. “Được lời như cởi tấm lòng,” tôi chắc rằng nhiều bạn đọc khoái chí, sung sướng, nhưng chuyện đó có thật.

Bạn có giọng hát bình thường, đừng quá thất thường, biết giữ nhịp, nếu không, nhờ người đàn đuổi theo, bạn cứ hát cho lòng vui, tình vui, đời vui, nhưng nhớ thực hiện hai việc, nếu không, bạn có khả năng làm những người xung quanh sợ hãi mỗi khi thấy bạn tiến đến gần micro.

1- Tìm hiểu ca từ một cách sâu sắc. Chỉ khi nào bạn thấm thía ca từ của một ca khúc mà bạn thực sự yêu thích, thì bạn sẽ có cơ hội truyền cảm tâm tình và ý tưởng của nhạc sĩ qua “màn lọc” của tâm tư và ý nghĩ của bạn. Nghe thì dễ nhưng cần công phu và thời giờ nghiền ngẫm. Tại sao “Hướng dương tàn tạ trong đêm tối”? và tại sao không biết phương nào hoa đã rơi? Nếu bạn hiểu rằng, ở một phương trời nào đó, người tình xưa cũng tàn phai theo thời gian hoặc ngặt nghèo trong cơn bệnh dù là hoa hướng dương, một thời như mặt trời. Rồi rơi rụng như kiếp lá hoa, mà bạn không hề hay biết. Tự dưng khi hát câu này, nhớ lại tình xưa, ai mà không có, chẳng lẽ lòng bạn vô tâm như đá sỏi? Nếu bạn không rung động, không cảm tình khi hát thì không thể mong đợi người nghe rung động và cảm tình. Khi họ đồng cảm với bạn, khi nghe và hát đồng thanh tương ứng, dù bạn hát không hay như ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng bạn có cơ hội theo người nghe trở về nhà hơn ca sĩ.

2- Ca từ chỉ là xác, nhạc mới là hồn. Hồn xác nhập lại, sống động bay lượn theo giai điệu. Làm thế nào để những xác hồn đó luân vũ từ lúc bắt đầu đến khi chấm dứt, mà người nghe theo dõi sát rạt, lòng họ thăng trầm theo hơi thở của bạn?

Sau khi thấm thía sự sâu sắc của ca từ, của từng câu chữ, từng cụm chữ độc đáo, ví dụ như: “Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi”, “Thôi thế từ nay như lá vàng bay tình lỡ rồi.” Câu trên là một câu nói bình thường, nghe hoài ngoài chợ đời, vậy mà, hát đúng lúc trong câu chuyện và mạch nhạc, rõ ràng đã khiến thần kinh nghe bồi hồi: “cố nhân ơi.” Tương tựa như trong bài “Hoài Cảm” của Cung Tiến: “Cố nhân ơi, có ai về lối xưa?”

Xin nhắc lại, mỗi ca khúc đều có một câu chuyện dù dễ hiểu, minh bạch như “Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh”, “Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn,”  “Đêm Cuối Cùng của Phạm Đình Chương,” vân vân,  hoặc ngụ ý, mơ hồ, như “Tiếng Hát Về Khuya của Tôn Thất lập,” “Vết Lăn Trầm của Trịnh Công Sơn,” vân vân. Người hát có nghĩa vụ phải làm sao để người nghe “câu chuyện kể” một cách tự nhiên và tình tự. Chính vì nội dung hoặc tâm trạng kể cả không khí của ca khúc mà những câu nhạc và lời theo giai điệu mới tạo ra ảnh hưởng làm đậm đà ý nghĩ và cảm tình.

Hãy hát câu: “Thôi thế từ nay anh cố đành quên rằng có người (1), cầm bằng như không biết mà thôi (2)…” Hát câu (1) từ bình thường rồi lớn dần ‘anh cố đành quên’ rồi trở lại bình thường ‘rằng có người’, rồi dịu dàng hạ giọng nhỏ qua hơi thở ‘cầm bằng như không biết mà thôi.’ Tự dưng lòng hát cũng cảm động mà lòng nghe chợt đồng tình.  Ai mà không có một người yêu đáng thương đã quên hôm nay nghe chợt nhớ. Bạn hãy hát thử đi, hát một mình đủ rồi, vì đôi khi mơ màng xao xuyến dễ bị nghi ngờ thay lòng đổi dạ.

So sánh giai điệu “Thôi thế từ nay anh cố đành quên…” và giai điệu “Đành lòng cho nước cuốn hoa trôi…” Giai điệu đầu bay lơ lửng trên cao, trong khi gia điệu sau thấp trầm bên dưới, để người hát diễn đạt xác hồn, từ nhạc, một cách khác nhau. Lúc to, lúc nhỏ, lúc dịu dàng, lúc tâm sự, lúc khao khát (như, đừng xa em đêm nay khu phố quen đã ngủ say), lúc hùng dũng (như, trên nòng súng quê hương tổ quốc đã vươn mình), lúc này, lúc kia…tất cả mọi cảm giác đều có thể diễn tả qua xác hồn ca khúc. Chính những cảm giác này chồng chất lên nhau, thúc đẩy nhau, tạo ra rung động.

Nói một cách khác, nếu bạn tạo ra vô số cảm giác từ “ Thu đi cho lá vàng bay…” cho đến “Đành lòng cho nước cuốn hoa trôi…” thì bốn câu cuối bạn có khả năng gây rung động cho người thưởng ngoạn với cành hoa hướng dương biểu tượng một người tình rạng rỡ, nổi bật dưới nắng mặt trời để rồi khi rơi rụng, không còn ai thương nhớ. Hai câu cuối có thể hiểu hai nghĩa khác nhau, nghĩa một là thân thế tác giả hoặc nhân vật nam trong ca khúc. Nghĩa thứ hai, hoa hướng dương là thân phận người tình đã một thời vàng son, nay xa xôi.

Điểm nhấn, nếu khúc kết của ca khúc mà bạn có thể tạo ra sự đồng cảm, chia sẻ tâm tình ý nghĩ của riêng bạn dựa lên ca từ và giai điệu của tác giả, thì bạn đã thành công. Dẫu có người phê phán cách khác, bạn cứ yên chí vì bạn đã thành nhân. Một người hiểu thêm một chút nữa về âm nhạc và đời sống.


Ghi.

 

Lá Đổ Muôn Chiều. Đoàn Chuẩn và Từ Linh.

 

Thu đi cho lá vàng bay,

lá rơi cho đám cưới về.

Ngày mai, người em nhỏ bé,

ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt.


Có những đêm về sáng,

đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi,

đã vội chi men rượu nhấp đôi môi,

mà phung phí đời em không tiếc nhớ.


Lá đổ muôn chiều ôi lá úa,

phải chăng là nước mắt người đi?

Em ơi đừng dối lòng,

dù sao chăng nữa không nhớ đến tình đôi ta.


Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người,

Cầm bằng như không biết mà thôi.

Lá thu còn lại đôi ba cánh,

đành lòng cho nước cuốn hoa trôi.


Thôi thế từ nay như lá vàng bay tình lỡ rồi.

Thuyền rơi xa bến vắng người ơi

Hướng dương tàn tạ trong đêm tối

Còn nhớ phương nào hoa đã rơi.

 

 Ngu Yên (Trích: Phân Lý Văn Học.)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Cải lương là một bộ môn nghệ thuật thuần túy Việt Nam, mang bản sắc của dân tộc. Nhiều tầng lớp trong xã hội ưa thích, nên cải lương phát triển rất nhanh. Cải lương và vọng cổ gắn bó chặt chẽ với nhau. Ông tổ cải lương là Tống Hữu Định. Ông tổ bản vọng cổ là ông Cao Văn Lầu. Cải lương phát triển rất nhanh, kéo theo một số lượng đông đảo nghệ sĩ, và các soạn giả...
Bộ phim điện ảnh Chìa Khoá Trăm Tỷ (A Hundred Billion Key) thành công vang dội tại Newport Beach Film Festival, sự kiện điện ảnh quốc tế lớn nhất vùng duyên hải Nam California, khi phim chính thức ra mắt khán giả Hoa Kỳ với tư cách là Phim Việt Tiêu Điểm năm 2022 của lễ hội. Phim sẽ mang phong cách hài hước và hành động quyến rũ đến các rạp chiếu ở Hoa Kỳ khắp toàn quốc bắt đầu từ ngày 28/10/2022.
Thử tưởng tượng nếu bạn có một bà vợ thông minh như Siri của iphone, một bà vợ hiểu biết như Alexa của Amazon, nhưng hơn thế nữa, một bà vợ bên cạnh bạn bằng hình hài, mỗi ngày đi làm về bạn có thể chuyện trò, và nàng thông minh hiểu biết nhưng không bao giờ cãi vã hay giận hờn. Thử tưởng tượng. Bạn là người yêu âm nhạc, nàng sẽ bên cạnh bạn gõ nhịp khảy đàn. Bạn là người yêu ăn uống, nàng sẽ bên cạnh nấu nướng bất kỳ món ngon vật lạ nào bạn yêu cầu. Bạn là người thích hội họa, nàng sẽ vẽ hình bạn sống động, điểm thêm chấm phá biểu lộ bạn là chủ nhân duy nhất sở hữu trái tim nàng. Thử tưởng tượng.
Lời bài hát Tình Ca Tình Người là lời tự bạch chính xác nhất về nhạc sĩ Trúc Hồ. Đối với Trúc Hồ, Tình Yêu không thể tách rời Tình người. Và Tình Người mới là thứ tình yêu vĩnh cửu, đem lại một thế giới bình an mà mọi người đều mơ ước…
Chữ có hình có dạng, nhưng ý nghĩa bên trong chữ như chất lỏng. Sáng tác không chỉ đặt chữ xuống trang giấy, lên màn ảnh, trong tâm tình và ý thức nghệ thuật, mà quan trọng hơn, là làm rách chữ để chất lỏng chảy ra, thấm sâu vào giấy, vào điện tử, bốc hương lên tác giả và truyền thơm cho độc giả.Ca từ có thể không chứa chất lỏng đặc sệt như chữ trong thi ca, hoặc đậm đen trong ngôn từ triết học, nhưng chất lỏng trong ca từ rất đặc thù: có thể hát, mỹ vị hóa tứ nhạc, đồng cảm với giai điệu, và có khả năng đặc biệt nhất: đi thẳng vào lòng người. Sự phức tạp này là trở ngại lớn nhất đối với người viết ca khúc, vì nói đến ca khúc là nói đến ca từ. Một bản nhạc không thể hay, không thể đạt được giá trị, nếu có ca từ dở.
Baltimore, nằm ngay trên bờ vịnh Chesapeake Bay thuộc bờ biển Đại Tây Dương, có dân số khoảng 700.000 người. Đó là thành phố, cũng là trung tâm công nghiệp và văn hóa lớn nhất của tiểu bang Maryland. Trong thời gian đầu lập quốc, Baltimore đã từng là một trong ba hải cảng lớn nhất của Hoa Kỳ và nó cũng đã từng đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong ngành ngoại thương và phát triển kinh tế cho xứ sở này.
Viện Việt Học tại trụ sở Westminster, California, hôm 3/9/2022 đã có buổi Hội thảo giới thiệu công trình chú giải sách Nôm nhan đề Quan Âm Tế Độ -- do GS Nguyễn Văn Sâm phiên âm và chú giải dựa vào bản khắc hơn một thế kỉ trước. Bản gốc là Quan Âm Diệu Thiện (Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Kinh), theo bản khắc năm Mậu Thân 1908 năm thứ 34 niên hiệu Quang Tự (nhà Thanh). Do Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Hiền Tâm phiên âm từ chữ Nôm ra quốc ngữ.
Dân ca nước ta, trong đó có môn hát chèo, được coi là rất hay và thâm thúy lắm. Để hiểu biết và thưởng thức được những nghệ thuật trình diễn và các làn điệu dân ca, chúng ta cũng phải mất nhiều công sức để tìm tòi, học hỏi...
Vào chiều ngày Chủ Nhật 7 Tháng 8, 2022, khán phòng Rose Center gần như không còn chỗ trống. Giới yêu nhạc Việt Nam khắp nơi đến đây, chịu đựng cái nóng do hệ thống điều hòa không khí của nhà hát bị trục trặc, để cùng Khánh Ly đánh dấu chặn đường 60 năm ca hát. Một chặng đường dài gần như một đời người.
Nguyễn Ngọc Ngạn là một hiện tượng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt hải ngoại...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.