Hôm nay,  

Đi Nghe Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm

13/12/201900:00:00(Xem: 5383)
Di Nghe Ngan Khoi 30 nam Hinh 1
Bích Vân hát bài Giấc Mơ Hồi Hương của nhạc sĩ Vũ Thành An.Photo Việt Phạm



Di Nghe Ngan Khoi 30 nam Hinh 2
Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, Giàn Nhạc Giao Hưởng OCofOC, nhạc trưởng Mộng Thủy với Trường Ca Hòn Vọng Phu trong chương trình kỷ niệm 30 Năm- Photo: Việt Phạm



Di Nghe Ngan Khoi 30 nam Hinh 3
MC Nguyễn Hoàng Dũng và Lê Đình Y Sa (Photo: Việt Phạm) Bích Liên hát bài Tình Hoài Hương của nhạc sĩ Phạm Duy (Photo: Việt Báo)


Di Nghe Ngan Khoi 30 nam Hinh 4
Thu Vàng hát Dạ Khúc của Nguyễn Văn Quỳ VS Music Studio Đồng Ca Thiếu Nhi bài Hoa Cam của Vivian Lê & Tuổi Thơ của Lê Thương. (Photo: Việt Báo)


 
1.

Một chương trình ca nhạc đánh dấu 30 năm ngày thành lập ban hợp xướng vốn được xem là nổi bật nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại, với những khúc nhạc bất hủ của bảy, tám mươi năm tân nhạc VN, trình diễn bởi những ca sĩ tên tuổi hiện thời, cùng hàng trăm nhạc sĩ, ca viên, dưới tài điều khiển của những nhạc trưởng đầy khả năng và giàu kinh nghiệm, hiển nhiên phải là một chương trình đặc sắc, để lại dư âm trong lòng người nghe một thời gian thật dài, nếu không muốn nói là mãi mãi…

Tôi muốn nói đến buổi trình diễn của ban hợp xướng Ngàn Khơi, cùng các nghệ sĩ được mời, hôm 24/11/2019 vừa qua tại khán trường Saigon Performing Art, tọa lạc ngay trung tâm Little Saigon, Quận Cam, California.

Với một chương trình dàn dựng quy mô, tập luyện kỹ lưỡng, tổ chức chu đáo, trong đó người trình diễn cũng như người nghe đều đặt hết tâm hồn mình vào tiếng nhạc, lời ca, thì sự thành công là không lạ, và tôi có thể gọi đây là một sự kiện văn hóa đánh dấu sự trưởng thành vượt bực của cộng đồng Việt hải ngoại. Tôi mạo muội viết đôi dòng này gọi là chia sẻ vài ấn tượng và cảm nhận đơn sơ của mình với bạn về chương trình buổi nhạc.


2.

Điều thú vị đầu tiên gây ấn tượng lớn trong lòng tôi là lúc nghe hai khúc nhạc của nhạc sĩ Lê Văn Khoa trích từ Symphony VietNam 1975, ông viết cho giàn nhạc giao hưởng và ban đại hợp xướng. Một khúc nhạc đồ sộ, gói ghém nhiều tham vọng và ước vọng của nhà soạn nhạc. Khúc nhạc gồm bảy hành âm mà mỗi hành âm là một câu chuyện kể như phân cảnh một cuốn phim truyện. Hai hành âm trình tấu trong chương trình hôm đó là hành âm dẫn nhập và hành âm chót, khúc Ca Ngợi Tự Do.

Overture mở màn chương trình là hành âm dựa trên mô-típ một bài nhạc cổ miền Nam, bài Bình Bán Vắn. Nhạc đề xuất hiện rất sớm, ngay những trường canh đầu với giàn nhạc giao hưởng dõng dạc lên tiếng. Sau đó, xen lẫn với nhạc đề chính là những điệu thức dân gian khác diễn tả một đất nước Việt Nam thanh bình. Tiếng violin cao vút (nhịp tiết biến thể của bài dân ca Trèo Lên Quán Dốc) như ánh trăng vằng vặc soi sáng đêm thâu. Rồi tiếng giã gạo chày ba (một lối giã gạo đặc trưng của miền Nam), tiếng người ơi ới gọi nhau trong làng, câu hò tình tứ (cello solo) từ đâu đó xa xa vọng lại, tiếng trai gái đối đáp nhau. Tất cả gom lại thành bức tranh lý tưởng khắc họa một đất nước thanh bình, một dân tộc an cư lạc nghiệp. Toàn thể hành âm là những nhịp điệu sinh động bồi hồi, đầy phấn khởi. Nghệ thuật âm nhạc đạt tới mức độ điêu luyện. Tứ nhạc phong phú nhưng không chõi nhau. Mô-típ Bình Bán Vắn giữ vị thế chủ đạo, xướng họa nhịp nhàng, nhưng các tứ nhạc khác đều có sự đóng góp thích hợp để cùng tạo nên bức tranh hiện thực linh động.

Giàn nhạc giao hưởng Orchestra Collective of Orange County (ocofoc) dưới tài điều khiển của nhạc trưởng tuổi trẻ tài cao David Rentz đã phối hợp ngũ âm Việt Nam vào nhạc cụ Tây phương một cách tuyệt hảo, và nhờ thế, tinh thần của khúc nhạc đã được diễn tả cao độ, tạo cảm xúc bồi hồi trong lòng người nghe là tôi.

Bài Ca Ngợi Tự Do, chủ đề của hành âm thứ bảy kết thúc Symphony VietNam 1975, lại là tiết mục mở màn cho phần II của chương trình. Tiếng cello solo mở đầu hành âm như biểu lộ tấm lòng căm phẫn nhưng cương quyết không chịu lùi bước trước gian nguy và bạo lực. Nhạc đề nguyên thủy trở lại ngũ âm điệu Oán bi tráng, cảm động. Cường độ nhạc tăng dần rồi ban hợp xướng nhập cuộc, bùng vỡ ở cường độ vũ bão khúc hát Ca Ngợi Tự Do dựa trên biến thể nhịp tiết bài dân ca Lý Chim Quyên. Câu nhạc ngắn, nhịp tiết dồn dập, mạnh mẽ, chan chứa niềm tin son sắt. Kế đó nhạc chuyển sang đoạn tâm tình rất cảm động của giọng tenor với sự hỗ trợ hài hòa của soprano, alto, bass và giàn nhạc:

“Khi ra đi con đã hứa với Mẹ rằng: Dù ngày sau sẽ không còn nhau nữa thì hồn
con sáng hơn ngàn tinh tú và rạng soi cho nước ta: Việt Nam.”

Nhạc liền chuyển sang đoạn cương quyết với toàn ban hợp xướng hát tiếp:

“Ngàn người sống: Chứng nhân kinh hoàng!
Vạn người chết: Đuốc soi tự do!
Nước mắt muôn triệu người
Tưới xuống quê hương mình,
Trồi lên tràn đầy mầm sống mới: Tự Do!”

Âm thanh trong đoạn cuối rực sáng nhờ dùng cung D Trưởng. Bốn con âm cuối, Tự Do Muôn Năm, nhất là hai âm Muôn Năm, không về chủ âm D mà bung thoát lên quãng năm cao hơn, nốt A cao. Dĩ nhiên alto, tenor vút lên cao, mà bass cũng thoát đi. Tất cả bay vút lên như ngàn cánh chim tung tỏa, phất phới trong bầu trời Tự Do.

Với Symphony VietNam 1975, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã rất hãnh diện về đóng góp này của ông vào kho tàng văn hóa Việt. (Khúc nhạc hiện được lưu trữ trong Thư viện Quốc gia Úc.) “Dấu ấn” của ông trong chương trình là rõ rệt, ngoài hai tấu khúc vừa kể và ca khúc Ngày Mai Chia Tay do ca sĩ Ngọc Hà trình bày, ông còn soạn hòa âm cho nhiều nhạc khúc khác, không phải do ông sáng tác. Trong quá khứ, ông từng là nhạc trưởng của ban hợp xướng Ngàn Khơi, và ngày nay tuy ở tuổi hơi… cao, 86 mùa xuân đời người đã qua, ông vẫn không ngừng tham gia những sinh hoạt nghệ thuật trong cộng đồng.


3.

Trọng tâm của chương trình, dĩ nhiên, là ban hợp xướng Ngàn Khơi. Khởi đi từ buổi ban đầu khiêm tốn, do nhạc trưởng Trần Chúc điều hành, ban nhạc đã vượt qua những đoạn đường dài thăng trầm với nhiều thử thách, để có ngày hôm nay. Tuy không theo dõi thường xuyên quá trình sinh hoạt của ban nhạc, nhưng tôi nghĩ không niềm vinh quang nào mà không có những hy sinh to tát và nỗ lực hơn người. Một điểm son cho tất cả – từ các anh chị trong ban điều hành cho đến các em thiếu nhi học nhạc – không thể nói hết bằng vài câu chữ bình thường!

Ban hợp xướng Ngàn Khơi tối hôm đó quả đã chứng tỏ được trình độ nghệ thuật chuyên nghiệp, từ bài hợp xướng tương đối đơn giản, Khỏe Vì Nước, đến ba bài Hòn Vọng Phu phức tạp hơn nhiều, và đã không phụ lòng chờ đợi của giới mộ điệu. Tôi nghe Hòn Vọng Phu không biết bao nhiêu lần mà không bao giờ thấy chán. Ở cả ba khúc, giai điệu hào hùng lẫn bi tráng nối tiếp nhau như những lớp sóng xô đẩy không ngớt, cảm xúc biến chuyển không ngừng, có những lúc tưởng sẽ ngưng lại ở một hình ảnh nào đó nhưng tiếng nhạc và ca từ đột ngột lôi kéo mình sang một ảnh tượng và tâm cảm khác, thậm chí tương phản, tương phản đến buốt lạnh linh hồn:

Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng.
Người không rời khỏi kiếp gian nan,
Người biến thành tượng đá ôm con.

Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương xứng đáng là một classic trong kho tàng âm nhạc Việt, và nơi đây nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã cho chúng ta một hòa âm tuyệt vời khiến khúc nhạc như được đẩy lên một chiều kích mới, một biên vực mới, nơi chỉ có âm nhạc, giai điệu, hòa điệu, ca từ, không một thứ gì khác, chế ngự tâm hồn người nghe.

Ban hợp xướng Ngàn Khơi đã thành công vượt bực ở khúc hát này. Ca sĩ Julianne Yên Thư cũng vô cùng xuất sắc trong vai trò solo ở khúc II.

Xin nói thêm một chút về chất lượng thanh âm của ban hợp xướng. Ngoại trừ hai khúc Ca Ngợi Tự DoHòn Vọng Phu, ở những khúc khác, thanh âm của ban hợp xướng hình như thiếu phóng chiếu xuống khán giả. Không hiểu vì giàn nhạc giao hưởng chơi forte, lấn át giọng hát, hay vì acoustics của khán trường có vấn đề. Tôi để ý, sàn rạp lót thảm, một điều tối kỵ tại các venue trình tấu nhạc thính phòng hay giao hưởng.

Và, có lẽ cũng chính bởi thế mà ban hợp xướng đã không thể hiện đúng mức nghệ thuật đa thanh. Nghe hợp xướng, tôi luôn luôn lắng nghe “bè.” “Bè” là biến tấu đơn giản hóa từ nhạc thức phức điệu fuga, trong đó có hơn một “giọng” – mỗi “giọng” giữ một giai điệu độc lập – cùng lúc xướng lên, quyện lẫn vào nhau nhưng không chõi nhau. Sự thú vị khi nghe “bè” là ở đó, bởi thế hợp xướng và “bè” là hai yếu tính không thể tách rời. Phần nhiều những khúc hợp xướng nghe tối hôm đó, tôi chỉ nghe một “giọng” unison. Sự thiếu quân bằng có lẽ do thành phần ca viên không cân xứng chăng? Bởi chỉ có 6 tenor và 6 bass, đọ với 28 soprano và 14 alto, rõ ràng là “Nữ thịnh dương suy”!


4.

Về đơn ca thì có tất cả 10 tiết mục được trình bày bởi những ca sĩ tài danh nhất của làng nhạc Việt hải ngoại, thiết tưởng tôi không nên nhiều lời. Nhưng tôi không thể không nói đôi điều về ca sĩ Bích Vân. Tối đó, chị Bích Vân hát hai ca khúc, Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi của Phạm Duy và Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành. Cả hai đều là classic, tôi nghe hát rất nhiều, bởi nhiều ca sĩ khác nhau, nhưng qua giọng Bích Vân, tôi đã được nghe hai khúc nhạc “mới” do nghệ thuật phrasing độc đáo của chị đem lại. Phong cách ngắt câu, phân nhịp, thẩm định cường độ, trường độ nốt nhạc của chị là tuyệt chiêu, hiếm có ca sĩ Việt Nam nào chịu dày công luyện tập như thế. Sắc điệu trong tiếng nhạc cũng được chị tinh tế chú tâm, thí dụ con âm “rừng” trong bài Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi, chị đã phả một phương âm ngả sang giọng Trung / Chàm để tạo âm sắc lạ, nói cách khác, chị đã phổ sắc màu lên giai điệu một cách đầy sáng tạo và thú vị. Giọng soprano của chị thì trong vắt như pha lê, hát legato óng mượt như mật chảy, dù là quãng ba thuận âm hay quãng bảy nghịch âm, chị đều nhẹ nhàng đẩy nốt nhạc đến nơi đến chốn, không chút do dự, không chút ngập ngừng. Sự thật là chị hát dễ dàng như lấy đồ trong túi và với một phong thái tự tin chắc nịch, thể điệu trình bày duyên dáng (như một pha diễn nhạc kịch), chị đã hoàn toàn chiếm cảm tình của người nghe (là tôi.) Chất giọng chị sang cả, mà không kịch tính, có phần ngả sang “cổ điển” nhiều hơn là “lãng mạn” kiểu “sóng vỗ tràn bờ.” Có nghĩa là, nếu hát nhạc cổ điển, chị sẽ thành công với Mozart nhiều hơn là Wagner.

Ba nữ ca sĩ khác mà tôi cũng yêu thích là Bích Liên, Ngọc Hà và Thu Vàng.

Bích Liên với phong cách phát âm “tròn vành rõ chữ” khiến tôi liên tưởng đến giọng các ca nương ca trù. Chị hát với một phong thái vững vàng, tự tin. Chất giọng của chị rực sáng, chị chú tâm đến chất lượng từng nốt nhạc, mỗi nốt nhạc là một biểu hiện tâm hồn đối với chị, có lẽ bởi thế chị hay chọn nhạc Phạm Duy, như bài Tình Hoài Hương, và hôm đó chị đã hát bài này thành công rực rỡ.

Thu Vàng cũng thế, nhưng khác Bích Liên, ở người ca sĩ này là một chất giọng trữ tình, tha thiết và da diết. Có cái gì ấm áp khi nghe chị hát, một cái gì thương cảm, vỗ về. Ca khúc chị chọn hôm đó, Dạ Khúc của Nguyễn Văn Quỳ, phong cách cổ điển Tây phương – viết cho giọng hát nhưng với giai điệu đó, cũng có thể là violin – một viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc Việt, nhưng tôi không hiểu tại sao ít nghe hát trên sân khấu, cũng chẳng thấy mấy ca sĩ thu âm. Bảo Thu Vàng chọn khúc nhạc này là không đúng, chính khúc nhạc đã chọn chị.

Ngọc Hà tối đó hát bài Ngày Mai Chia Tay của Lê Văn Khoa. Khúc nhạc cũng như giọng hát của chị nhẹ nhàng, thanh thoát, tạo những cung bậc u sầu, buồn man mác.

Có hai nam ca sĩ tham dự chương trình, đó là Lê Hồng Quang và Nguyên Khang. Cả hai đều là ca sĩ thượng thặng, giàu kinh nghiệm ca hát, danh tiếng nổi như cồn, nhưng điểm tôi muốn nói ở đây là sự tương phản thật rõ nét ở hai anh. Lê Hồng Quang, chất giọng bel canto quý phái, trau chuốt, thanh cao, tương phản với chất giọng “mộc” của Nguyên Khang. Lê Hồng Quang, phong cách nghiêm túc, kiểu cách, reserved, tương phản với Nguyên Khang, sôi nổi, sóng vỡ tràn bờ, unfettered. Lê Hồng Quang implicit, phóng chiếu nội tại trong khi Nguyên Khang explicit, phóng chiếu ngoại tại. Vân vân và vân vân. Thế nhưng, Nguyên Khang đã rất thành công với ca khúc Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà của Phạm Duy phổ thơ Hữu Loan, trong khi Lê Hồng Quang chỉ thành công ở mức độ vừa phải với bài Đôi Mắt Người Sơn Tây của Phạm Đình Chương phổ thơ Quang Dũng. Cả hai bài thơ của hai thi sĩ cùng thời, cùng chí hướng (được hai nhạc sĩ sống cùng thời, tài năng ngang ngửa nhau) phổ nhạc, mang chung một tâm cảm u uất, u hoan với thời thế, quê hương, ở Phạm Đình Chương thì man mác, ở Phạm Duy thì bi phẫn. Tâm cảm đó chỉ có cách dùng con dao sắc rạch toác ra, bởi nó cũng chẳng có gì siêu hình khó hiểu, đừng đóng khung triết học lên nó làm gì, hãy cho nó một hình tượng cảm xúc mộc mạc, raw emotion, nếu tôi có thể nói như thế.

Nguyên Khang đã làm thế, và anh thành công.

Tôi đặc biệt chú ý một giọng hát trẻ, trẻ lắm, bởi trông cô còn dáng dấp học trò. Nghệ danh cô là Mê Linh và cô hát ca khúc Dạ Lai Hương của Phạm Duy. Tôi đã nghe cô hát vài lần ở những chương trình nhỏ hơn, nhưng chính trên sân khấu lớn này, với ban nhạc giao hưởng, tôi mới thấy hết tiềm năng của cô. Chất giọng cô tròn đầy, sung mãn, và phrasing của cô thì chẳng kém gì các bậc đàn anh, đàn chị. Phát âm của cô không thuần Việt, có lẽ vì cô sinh trưởng ở nước ngoài, nhưng điều đó không quan hệ trong âm nhạc. André Bocelli hát tiếng Anh với âm giọng Ý vẫn được bà con tán thưởng, có sao đâu. Tôi nghĩ cô sẽ còn tiến xa trên con đường ca hát của cô.


5.

Tôi rất muốn nói thêm về các tiết mục khác, ban thiếu nhi, ban thiếu niên, Cát Trắng, Sóng Xanh, v.v… Tất cả đều làm tròn nhiệm vụ của mình một cách đáng khen, nhưng chắc bạn nghe tôi nói nãy giờ đã mệt mỏi lắm rồi, phải không? Thú thật với bạn tôi cũng có chút “mệt mỏi” với chương trình hôm đó. Một chương trình dù hay cách mấy mà kéo dài trên bốn giờ đồng hồ thì cũng là một thách đố cho tính kiên nhẫn của khán giả ngồi nghe bên dưới, nhất là chương trình lại trùng với giờ ăn tối, từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối!!!

Rồi đến các MC. Tôi không hiểu do đâu các chương trình ca nhạc của người Việt mình phải có quá nhiều MC làm công việc giới thiệu, hướng dẫn (và lâu lâu còn thuyết giảng về lòng ái quốc, nhớ nước thương quê). Chương trình phần nhiều là ca khúc, có lời, chẳng có chi khó hiểu. Có tờ chương trình trong tay thì đâu cần MC ra vào mỗi bài. Hơn nữa, những ca khúc đó, có người đã nghe cả trăm, cả ngàn lần trong đời, thuộc nằm lòng, đâu cần ai hướng dẫn. Nếu có những thông tin mới lạ liên quan đến khúc nhạc, tác giả, ca sĩ, nhạc sĩ, thì in vào tờ chương trình, và trong lúc chờ đợi mở màn, khán giả ngồi đọc tại chỗ, rồi sau đó đem về nhà “học” thêm. Làm thế, sẽ thu ngắn thời lượng chương trình ít nhất nửa giờ đồng hồ.

Dù vậy, không biết bạn sao, chứ tôi ra về hôm đó trong lòng rất vui vì đã thưởng thức một chương trình ca nhạc Việt hiếm có trong cuộc sống tha hương này, và không khỏi thán phục những người có tấm lòng tổ chức và khổ luyện cho một chương trình hợp xướng công phu, tầm vóc.

Trịnh Y Thư

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Đất Khổ” lưu lạc ra nước ngoài sau năm 1975 và mãi đến thập niên 1990 mới có cơ hội trình chiếu tại Hoa Kỳ. Đây cũng là một phim chính được chiếu tại tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam kỳ 8 – Viet Film Fest – do Hội Văn học Nghệ thuật Việt-Mỹ (VAALA) tổ chức năm 2015 ở Little Saigon, Nam California...
“Khi tôi muốn ca hát về tình yêu thì tình yêu lại biến thành đau khổ. Nhưng khi tôi chỉ muốn hát về đau khổ thì đau khổ lại hoá thành tình yêu”. – Franz Schubert.
Hơn 20 năm trước tôi gặp Trần Hải Sâm, khi cô còn là sinh viên ban thạc sĩ của Đại học Oregon, là một cô gái đã tốt nghiệp ngành cổ sử Đại học Quốc gia Hà Nội với dáng nét trẻ trung, tính tình vui vẻ, cởi mở. Sau này Sâm trở thành bà xã của Luật sư Đinh Ngọc Tấn, một bạn trẻ đã cùng tôi tổ chức nhiều hội thảo từ sân trường đại học và trong sinh hoạt cộng đồng vùng Vịnh San Francisco...
Kế Huy Quân, tài tử gốc Việt trở lại ánh đèn sân khấu sau nhiều thập kỷ với bộ phim “Everything Everywhere All at Once,” đã giành giải Oscar cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Trong tiếng vỗ tay vang dội Quân bước lên sân khấu và la lớn để nói với người mẹ 84 tuổi của mình, người đang dõi xem kết quả Oscar hôm nay ở nhà: “Mẹ ơi, con vừa đoạt giải Oscar!”
Một chi tiết thành công của Buổi dạ tiệc gây quỹ “Mekong Soul Fundrasing Dinner & Concert” là sự đón nhận và hỗ trợ đông đảo từ mọi giới trong cộng đồng người Việt quận Cam, điều này cho thấy âm nhạc và nghệ thuật luôn có sức nuôi dưỡng và nối kết cộng đồng. Được hỏi về sứ mệnh cũng như kết quả của buổi gây quỹ, cô Linh Kochan, đại diện cho ban tổ chức trả lời: “Với tài năng của các nghệ sĩ, sự hỗ trợ của cộng đồng và niềm đam mê giới thiệu và quảng bá di sản âm nhạc nghệ thuật Việt, chúng tôi mong buổi gây quỹ Mekong: SOUL này là một sự kiện đáng nhớ cho khách mời của chúng tôi. Chúng tôi xin tri ân sự hỗ trợ hào phóng của mọi người để giúp đưa Mekong: SOUL đến Trung tâm Kennedy vào ngày 7 tháng 4 sắp tới, nơi tất cả chúng ta sẽ tự hào nói với thế giới rằng: "Chúng tôi là người Việt Nam và đây là âm nhạc của chúng tôi."
Đây là một chương trình văn nghệ và dạ vũ rất độc đáo, sẽ đem lại niềm vui và ý nghĩa mà chỉ có những người tham dự đến mới cảm nhận được về một Đại Nhạc Hội thật đáng đến, đáng chung vui và cùng hòa chung niềm vui với các anh chị em nghệ sĩ và khách tham dự trong đêm mừng CLB Tình Nghệ Sĩ tròn 13 tuổi.
Trầm Tử Thiêng là Nhạc Sĩ Nhạc Vàng tiêu biểu tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và cả sau này ở hải ngoại. Ông cũng viết Nhạc Thiếu Nhi với bút hiệu Anh Nam.
Có ai định nghĩa được tình yêu? Vui, buồn, quan tâm, nhớ, quên, thân ái, hờn giận, với đầy đủ hỉ nộ ái ố cho các đối tượng quanh mình. Tình yêu là gì? Đây là một câu hỏi vừa khó vừa dễ bởi hầu hết ai trong chúng ta đều trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày, nhưng đều ngập ngừng khi cố gắng diễn tả bằng lời. Các kiểu tình yêu thương, chẳng hạn như tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu, tình gia đình, rồi có thể xa hơn như sự yêu mến nhân loại và thiên nhiên. Riêng tôi tình yêu có vẻ trừu tượng, qua đó bạn có thể xác định rõ ý nghĩa của tình yêu theo quan điểm và cái nhìn riêng cho đúng tâm trạng của mình. Hôm nay xin chia sẻ với quý vị ý nghĩa của tình yêu qua bộ môn nhiếp ảnh và những bức hình trừu tượng...
Triển Lãm "Hành Trình Mầu Nhiệm" từ ngày 10 tháng 1 đến 5 tháng 3. (Thứ Hai: đóng cửa. Thứ Ba 10-4pm, thứ Tư-Chủ Nhật: 10-2pm) Casa Romantica Cultural Center & Garden – 415 Avenida Granada, San Clemente, CA 92672 Cuộc triển lãm “Sacred Journey” sẽ được kéo dài từ nay đến ngày 5 tháng Ba ngay trong lòng quận Cam. Giới thưởng ngoạn có thể ghé đến tặng cho cặp mắt của mình “hạnh phúc”, đồng thời thăm quan cảnh trí của trung tâm văn hóa rất “lãng mạn” này. Thiết nghĩ người đến đây sẽ có một cuộc hành trình đầu xuân tươi vui, thú vị.
Hội Văn Học Nghệ thuật Việt Mỹ (VAALA) hân hạnh giới thiệu cuộc triển lãm mang chủ đề “Yellow Submarine Rising: Currents in Asian American Art” (“Tàu Ngầm Vàng Nổi Lên: Những Luồng Mỹ Thuật Của Nghệ Sĩ Người Mỹ Gốc Á”). Cuộc triển lãm sẽ khai mạc vào Thứ Bảy, ngày 3 tháng 12 năm 2022, từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối, tại Orange County Center for Contemporary Art (OCCCA) và sẽ kéo dài đến ngày 17 tháng 12, năm 2022. Vào cửa tham dự hoàn toàn miễn phí.