Hôm nay,  

Văn Học Press Giới Thiệu Sách Mới

05/03/202217:04:00(Xem: 1299)

Giới thiệu sách mới:

TDTH_Cover_PreOrder 


theo dấu thư hương

Tạp luận

TRỊNH Y THƯ

VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2022

 

Tranh bìa: ĐINH CƯỜNG

Phụ bản: ĐINH CƯỜNG – NGUYÊN KHAI

Thiết kế bìa: NINA HÒA BÌNH LÊ

 

Trịnh Y Thư đọc văn, thơ của:

 

CHARLOTTE BRONTË – VIRGINIA WOOLF – MILAN KUNDERA – JIM HARRISON – ALBERT CAMUS – NGUYỄN XUÂN KHÁNH – NGÔ THẾ VINH – CUNG TÍCH BIỀN – TRẦN VŨ  – THẬN NHIÊN – NGUYỄN THỊ HOÀNG BẮC – NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH – PHAN THỊ TRỌNG TUYẾN – ĐẶNG MAI LAN – NGUYỄN THÀNH VIỆT – LẠI THANHHÀ – NGUYỄN LƯƠNG VỴ – LƯU DIỆU VÂN – NHÃ THUYÊN – LƯU MÊLAN – NGUYỄN VIỆN – HOÀNG VŨ THUẬT – KHẾ IÊM

 

Phụ lục: Đối thoại với Trịnh Y Thư (Đinh Từ Bích Thúy & Đặng Thơ Thơ thực hiện).


@@@

Lời ngỏ

 

Cuốn sách này là tập hợp những cảm nhận rời rạc của một người đọc sách.

 

Đọc sách có khó không? Tôi nghĩ là khó. Bởi nếu dễ thì chẳng ai hoài công viết cẩm nang chỉ dạy người ta phải đọc sách như thế nào. Cuốn How to Read a Book của triết gia Mortimer Adler xuất bản từ năm 1940 đến nay vẫn có người tìm mua.

 

Đọc sách để cảm thấy nỗi thống khoái trong lòng, để triển tăng kiến thức, để khám phá học hỏi đôi điều thú vị, để cảm thông với đời sống, để yêu người hơn, để thấy đời sống không hẳn là tấn bi kịch, để tìm sự an ủi, để nghe người ta nói gì, thậm chí để bớt cô đơn. Tất cả những điều này có thể nhưng chưa hẳn hữu ích và cần thiết nếu bạn muốn sống cho ra sống. Tuy vậy ông văn hào Gustave Flaubert đã không ngần ngại buông một câu thẳng thừng: “Hãy đọc để mà sống!”

 

Tôi đồ ông Flaubert có phần hơi cực đoan khi nói thế. Bởi hiển nhiên, có rất nhiều người chẳng bao giờ đọc mà vẫn sống, thậm chí sống vui hơn những người đọc. Kỳ thực, ngày nay đa số người ta không đọc sách nữa, mà chỉ liếc nhìn trên mạng những thông tin trong vài phút đồng hồ rảnh rỗi hiếm hoi, và những thông tin ấy cũng chỉ lưu lại trong bộ nhớ không quá vài sát-na. Xu hướng của thời đại là thế. Cuộc sống càng hiện đại tân tiến, con người càng tất bật vội vàng, càng chóng lãng quên, một nghịch lý hết thuốc chữa của đời sống.

 

Tôi thuộc thiểu số ít ỏi, bơi ngược lại xu hướng thời đại ấy, bởi vẫn còn đọc và lại chọn đọc loại sách văn chương. (Chẳng có gì lỗi thời hơn!) Đọc sách văn chương là để suy ngẫm, bởi đằng sau những câu chữ là ngôi nhà suy tưởng cho người đọc tha hồ bước vào tìm tòi, khám phá, diễn giải theo ý riêng. Và, sau khi chiêm nghiệm được điều gì mình cho là hay ho thì muốn chia sẻ. Đó là lý do vì sao có những bài cảm nhận mà tôi thu gom in thành tập này.

 

Việc đọc của tôi giới hạn lắm; tôi chẳng phải con mọt sách, cũng không tin tưởng tuyệt đối vào một hệ thống lý thuyết nào, nên những nhận định của tôi thuộc dạng cảm tính chủ quan nhiều hơn là phân tích phê bình khách quan. Điều này hiển nhiên bởi tôi không phải nhà phê bình.

 

Nhà phê bình sử dụng lý thuyết văn học như những ống kính hiển vi, qua đó hắn quan sát tường tận và kiến giải chất liệu văn học dựa trên những giả thiết xác lập bên trong lý thuyết. Thí dụ, nhà phê bình Mác-xít đọc cuốn tiểu thuyết Jane Eyre của nữ sĩ Charlotte Brontë sẽ đánh giá tác phẩm dựa trên những quan hệ tương tác kinh tế để từ đó đề xuất những luận đề xã hội. Nhưng đọc cùng cuốn sách, nhà phê bình Nữ quyền luận sẽ nhìn khác, hắn tập trung vào tình huống và tâm lý ứng xử giữa các nhân vật khác giới tính để luận giải những mâu thuẫn nam nữ. Tôi là kẻ không có ống kính hiển vi nào, nên cái nhìn của tôi không có hệ thống trường  lớp chính quy.  Tuy thế, lợi điểm của tôi là không bị ràng buộc vào một hệ quy chiếu nhất định, và nhờ vậy tôi có cái nhìn phóng khoáng, tự do hơn.

 

Với cuốn sách, tôi chỉ mong làm công việc của kẻ bắc cầu, để giữa tôi và bạn, người đọc, có sự thông hiểu nhau tốt hơn. Mọi sai trái, kém cỏi, là do tôi đã không đủ trí lự và tâm tư để làm cho hoàn hảo hơn, và tôi rất mong được nghe bạn phê phán, bình phẩm.

 

Cuốn sách được chia làm ba phần: Phần đầu là những tác phẩm nước ngoài mà do cơ duyên nào đó, một số tôi đã dịch sang tiếng Việt (dịch là một cách đọc.) Phần hai là văn xuôi và sau cùng là thơ. Văn bản thường ở dạng bài viết, nhưng đôi khi là một cuộc nói chuyện trao đổi hay phỏng vấn.

 

Xin nói đôi điều về từ “thư hương” trong nhan đề sách. “Thư hương,” theo từ điển Hán-Việt của cụ Đào Duy Anh, được định nghĩa là “nền nếp nhà Nho.” Cụ Nguyễn Du sử dụng nó hai lần trong tác phẩm Truyện Kiều. Nhưng ngày nay nó là một từ không thấy xuất hiện rộng rãi, và hình như cũng không ghi trong các bộ từ điển tân thời.

 

Nếu hiểu “thư hương” là cốt cách nhà Nho thì cốt cách ấy là đọc sách, đọc để luyện chí, chứ không phải để thi đỗ làm quan. Ở điểm này, chí ít Flaubert và các nhà Nho đi cùng con đường, và có lẽ các cụ có gặp gỡ nhau, dù người trời Đông người trời Tây.

 

“Theo dấu” các cụ, nói cho cùng, chẳng qua là sự bạo gan liều lĩnh của một cuồng tử mộng mơ.

 

Sau cùng, tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến tất cả những tác giả có trong tập sách, người còn người mất, đã cho tôi nguồn cảm hứng viết những dòng chữ này.

 

– Trịnh Y Thư

(2022)

 

@@@

 

Sách đã có bán trên BARNES & NOBLE

382 trang, bìa mềm, ấn phí: US$20.00

Xin bấm vào đường dẫn sau:

 

Theo dau thu huong by Trinh Y. Thu, Paperback | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)

 

Search Keyword: theo dau thu huong, trinh y thu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuốn To Our Grand Children with Love độc đáo ở chỗ là người cầm nó trên tay không phải là một độc giả mà chính là đồng tác giả với hai vị chấp bút: Giáo sư tiến sĩ Nguyễn-Lâm KimOanh và luật sư tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt. Vì thế, đây không phải là một “cuốn sách” theo định nghĩa, hình thức và nội dung thông thường. Tiểu đề của tập sách này cho thấy đây là một “công trình”, một sự hợp tác giữa thế hệ ông bà và thế hệ các cháu, bắt đầu từ ông bà, những người từng sống qua nhiều chặng đường lịch sử và địa lý, muốn kết nối với thế hệ Việt Nam trẻ, sinh trưởng và lớn lên ở Hoa Kỳ.
Tác giả Trần Thị Nguyệt Mai đọc tác phẩm mới nhất của nhà văn Ngô Thế Vinh, phát hành tháng 2/2022: Tuyển Tập II: Chân Dung Văn Học Nghệ thuật & Văn Hóa. Việt Báo trân trọng iới thiệu.
Sau gần 35 năm sưu tầm, nay đã đến tuổi gần đất xa trời, chưa biết ngày nào “viên tịch”. Trong khi đó con cái lại không biết đọc chữ Việt cho nên phải tìm cách tổ chức Book Fair để tặng các bạn trẻ hoặc quý vị nào còn thích sưu tầm sách. Trên 100 cuốn sách biếu bao gồm: -Kinh điển và sách nghiên cứu về Phật Giáo, biên khảo về Thiền của chư Tổ và sách Phật Giáo bằng Anh Ngữ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đại Đức Narada, Thiền Luận, Đoàn Trung Còn,Thích Quàng Độ, Thích Đức Nhuận, các đại sư Hoa Kỳ, Thái Lan, Miến Điện và sách nghiên cứu về Thiền
Nền văn nghệ và giáo dục VNCH là tập hợp nhiều tác giả và tác phẩm. Qua hai tuyển tập chân dung văn nghệ sĩ, Nhà văn Ngô Thế Vinh dìu dắt độc giả đi qua một hành trình văn học và văn hóa, và gặp những tác giả tiêu biểu đã có những đóng góp mang tính khai phá trong nền văn học nghệ thuật đó. Là một người trong cuộc và chứng nhân của cuộc chiến vừa qua, tác giả mô tả hành trình văn nghệ đã qua như là người thư ký của thời cuộc. Nhưng là một người lưu vong lúc nào cũng trăn trở về quê hương, tác giả nhìn lại hành trình văn nghệ đã qua bằng một lăng kính mới, một cách hiểu mới, và đó chính là một đóng góp có ý nghĩa của Tuyển tập.
Truyện dài Sài Gòn – Ngày Trở Lại của tác giả Đào Như vừa được nhà xuất bản Nhân Ảnh vào cuối năm 2021 và quảng bá trên Amazon. Đây là cuốn truyên dài mà tác giả Đào Như đã hoàn tất vào năm 2014, đến nay mới cho chính thức xuất bản, nhưng nội dung vẫn hoàn toàn thích ứng với bối cảnh xã hội hiện nay nói chung...
"Sáng Nay Mùa Xuân" là nhan đề cuốn sách được hình thành đầu năm 2022 bởi sự kết hợp công phu của nhiều cây bút trong và ngoài nước để mừng bách tuế cụ Sỹ, tức nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Nhà thơ Phan Ni Tấn đọc và cảm nhận.Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Đây là tập hợp những truyện ngắn nhà văn Vũ Thư Hiên viết rải rác trong suốt năm, sáu mươi năm cuộc đời ông, từ những năm đầu thập kỷ ’60 cho đến gần đây. Bởi thế, người đọc dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa các truyện trong bút pháp, chủ đề và suy nghiệm của tác giả. Thế nhưng, sự khác biệt ấy xem ra không quan hệ, bởi những câu chữ ông viết ra, trước kia hay sau này, đều quy nguyên về thân phận con người, một thân phận điên đảo, quay cuồng trong lốc xoáy lịch sử.
Hồi ức "Tháng Ngày Qua" của nhà văn Nguyễn-Tường Nhung -- trưởng nữ nhà văn Thạch Lam của Tự Lực Văn Đoàn, và cũng là phu nhân vị danh tướng VNCH, Tướng Ngô Quang Trưởng -- nhà thơ Trần Thị Nguyệt Mai đọc và nhận định. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Trong một cơ duyên rất bất ngờ nhưng đầy thú vị vào những ngày năm hết Tết đến, tôi đọc được cuốn “Thiền Định Phật Giáo, Khởi nguyên và Ảnh hưởng” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Sách được Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN ấn hành như một món quà đầu năm Nhâm Dần 2022 cho tất cả những ai có duyên với Phật Pháp và đặc biệt với những người muốn tìm hiểu cặn kẽ về thiền định Phật Giáo, một trong ba con đường (Tam Vô Lậu Học: Giới, Định và Tuệ) đưa tới sự giác ngộ và giải thoát khổ đau. -- Một bài điểm sách công phu về một tác phẩm có thể được xem là kinh điển về giáo lý và triết học Phật giáo, viết bởi một tác giả am tường Phật học, Huỳnh Kim Quang. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Các tác giả trong tập “Kinh nghiệm kiến quốc” gồm các cựu viên chức, giáo sư, chiến binh, ký giả, và văn nghệ sĩ của một thời Miền Nam, nay đã trên dưới 80. Họ chia sẻ kinh nghiệm của một thời trẻ trung đầy lý tưởng, nhiệt huyết trong công cuộc xây dựng tân quốc gia Việt Nam Cộng Hòa “như một quốc gia họ kỳ vọng trong trí tưởng với tất cả thiết tha, chứ không phải là một công cụ chính trị của chính phủ Mỹ,” theo các chủ biên trong bài giới thiệu tuyển tập. -- Nhà văn Trùng Dương, một cây bút kỳ cựu của làng văn, làng báo VNCH, và sau này ở hải ngoại, trong bài điểm sách dưới đây, lướt qua nôi dung cuốn sách "Việt Nam Cộng Hòa, Kinh Nghiệm Kiến Quốc 1955-1975". Việt Báo trân trọng giới thiệu.