Hôm nay,  

Đọc ‘Gặp Gỡ Với Định Mệnh’ Của Trịnh Y Thư Dịch

12/06/202000:00:00(Xem: 3167)

 

TRINH Y THU_Gap Go Voi Dinh Menh
Dịch giả Trịnh Y Thư tại Tòa Soạn Việt Báo.(Photo VB)

Một buổi chiều cuối tuần và cũng là cuối xuân 2020 tại Tòa Soạn Tuần Báo Việt Báo trên Đường Garden Grove, thành phố Garden Grove, Quận Cam, California, Hoa Kỳ, nhà thơ Trịnh Y Thư - nguyên Chủ Bút Tạp Chí Văn Học tại California và hiện điều hành Nhà Xuất Bản Văn Học Press, cũng là tác giả của nhiều dịch phẩm và tuyển tập thơ - đã đem đến tặng cho anh chị em trong tòa soạn cuốn tuyển văn dịch “Gặp Gỡ Với Định Mệnh” của anh dịch do Nhà Xuất Bản Văn Học Press mới ấn hành giữa năm 2020.

Qua cuộc hàn huyên ngắn tại tòa soạn, được hỏi động lực nào đưa đẩy anh chọn 12 tác giả để dịch trong tác phẩm “Gặp Gỡ Với Định Mệnh,” nhà thơ Trịnh Y Thư cho biết vì đó là những nhà văn anh thích. Anh giải thích thêm về sự chọn lựa này là họ đều là những nhà văn cùng thời đại với anh, cho dù có người đã qua đời nhưng cũng nằm trong thời đại mà anh có mặt, nghĩa là “Họ là những nhà văn sống và viết vào nửa thế kỷ XX, có người sống sang thế kỷ XXI, và vẫn đang tiếp tục viết, có người đã qua đời.” Và thứ hai là các bài tuyển dịch đều thuộc thể loại văn chương phi thực, tức là hiện thực huyền ảo, hay nói dễ hiểu hơn là chúng vừa thực vừa ảo. Anh giải thích thêm về điều này: “Điểm chung khiến tôi đặc biệt chú ý là, tuy văn chương họ không hẳn miêu thuật đời sống thực tại, nhưng nó không tách rời thực tại. Họ không phải người viết truyện huyễn tưởng hay viễn tưởng.”

Nhà thơ họ Trịnh cho biết rằng trong số 12 bài trong tác phẩm này, có bài cũ mà cũng có bài mới. Những bài cũ thì anh đã dịch và phổ biến đâu đó từ năm mười năm nay, còn những bài mới thì chỉ mới phổ biến gần đây.

Trong không khí vẫn còn ngột ngạt của đại dịch vi khuẩn corona và nhất là trong cuộc khủng hoảng do cái chết của người đàn ông Mỹ gốc Phi Châu George Floyd đã bị một cảnh sát da trắng đè cổ tới chết tại thành phố Minneapolis hôm 25 tháng 5 đưa tới nhiều cuộc biểu tình chống đối sự tàn bạo của cảnh sát và kỳ thị chủng tộc tại Mỹ, đọc sách có lẽ là cách bỉnh yên nhất để làm lắng xuống bao nỗi xôn xao bên trong tâm hồn do hoàn cảnh xã hội bên ngoài tác động.

GAP GO VOI DINH MENH

Bìa cuốn “Gặp Gỡ Với Định Mệnh.”

Từ lúc nhận sách đem về nhà, trong đầu tôi dường như có cái gì đó còn vướng vướng. Cầm cuốn sách, lật qua lật lại, lật tới lật lui. Vẫn chưa mở sách ra để đọc. Bổng nhiên mắt tôi dừng lại ở cái tựa đề sách “Gặp Gỡ Với Định Mệnh.” À, thì ra chính cái tựa đề này làm cho mình bị khựng lại.

Rồi tôi thắc mắc về tựa đề cuốn sách “Gặp Gỡ Với Định Mệnh.” Định mệnh là định mệnh gì? Định mệnh của ai, của dịch giả họ Trịnh hay của tác giả bài văn tuyển dịch, hay của tất cả mọi người? Tôi có nằm trong cái định mệnh đó? Có cái gì đó tương quan tương duyên giữa “định mệnh” trong cuốn sách ngày xưa với “định mệnh” bất ổn của xã hội ngày nay?

Chính những thắc mắc đó đã xô đẩy tôi bước vào cuốn sách và đi tìm câu trả lời. Tìm trong mục lục, tôi thấy có bài “Gặp Gỡ Với Định Mệnh” của nhà văn người Mỹ Philip Roth. Tôi vội vàng lật qua trang 47. Và tôi bắt đầu đọc một mạch không ngừng cho đến hết.

Dịch giả Trịnh Y Thư rất tử tế, anh đã giới thiệu một cách trang trọng tác giả của từng mỗi bài văn mà anh dịch. Nơi phần giới thiệu nhà văn Philip Roth, anh viết: “Philip Roth [1933-2018], đại thụ của văn học Mỹ đương đại, tạ thế hôm 22/5/2018 tại New York. Cùng với Saul Bellow và John Updike, ông làm thành bộ ba cột trụ nâng đỡ nền văn học Mỹ suốt nửa sau thế kỷ XX và sang cả thế kỳ XXI. Đến nay thì cả ba đã ra người thiên cổ.”

Nơi phần đầu giới thiệu, dịch giả Trịnh Y Thư đã tóm tắc cốt truyện mà anh dịch. Anh viết: “Bối cảnh lịch sử là thập kỷ 60 với những xáo trộn và phân hóa chưa từng thấy trong xã hội Mỹ do tác động trực tiếp của cuộc chiến tại Việt Nam và những biến đổi sâu sắc trong đời sống dân Mỹ - như cuộc cách mạng tình dục – đem lại.”

Khi giới thiệu về người con gái (Merry) của nhân vật chính (Swede Levov) trong truyện, Trịnh Y Thư viết: “Mỗi ngày phải nhìn những hình ảnh chết chóc phi lý của cuộc chiến tranh bên Đông Dương, cô thù ghét khôn tả cuộc chiến đó và cô đổ tội lên các lãnh tụ quốc gia nơi cô sinh trưởng. Cô phản loạn đến độ cô nghe theo các nhóm phản chiến đi vào con đường bạo động nhằm đánh thức lương tâm nước Mỹ. Cô không biết hay cố tình không cần biết hành vi đó của cô đã gây đau khổ dường nào cho hai người sinh thành ra cô.”

Trong truyện, người cha Swede lặn lội đi tìm đứa con gái bỏ nhà trốn đi biệt tích vì phạm tội giết người trong các vụ nổ bom khủng bố. Khi gặp được con gái Merry và nghe nó kể về cuộc sống lang thang đây đó và tiếp tục phản loạn, Swede suy nghĩ: “Con mình không ở trong tay mình, nó chẳng bao giờ nằm trong tay mình. Số phận nó nằm trong tay một thế lực khốn nạn. Cái gì hết sức điên rồ. Tất cả chúng ta đều thế. Người lớn không mang trọng trách này. Chính họ không ai chịu trách nhiệm này. Có cái gì khác.

“Vâng, ở tuổi bốn mươi sáu, năm 1978, sau gần ba phần tư thế kỷ xác trẻ nít và cha mẹ chúng bị băm vằm quăng ra bừa bãi khắp nơi, Swede mới nhận thức rằng tất cả chúng ta đều nằm dưới sự kềm tỏa của thứ thế lực vô cùng điên khùng đó. Ông bạn ơi, chỉ là vấn đề thời gian thôi. Tất cả chúng ta đều chịu chung một số phận!”

Tôi đã vỡ lẽ ra. Định mệnh của đứa con gái ba chìm bảy nổi. Định mệnh của người cha có đứa con mà nó không ở trong tay mình. Định mệnh của cả dân tộc chịu chung một cuộc chiến với những tác động làm đảo điên con người và xã hội. Không phải chỉ người Mỹ mà người Việt Nam cũng chịu chung số phận nghiệt ngã đó của chiến tranh, tàn phá, phản loạn, điêu đứng, điên rồ… Dường như, ngày nay, những người Việt tị nạn tại Mỹ lại cũng gặp gỡ với định mệnh của nước Mỹ và dân Mỹ lần nữa, với khủng hoảng, xáo trộn, bất ổn, bất an mỗi ngày…

Có điều tôi vẫn còn thắc mắc rằng “thế lực,” đó là thế lực gì? Là sự điên rồ? Nếu là điên rồ thì nó là sản phẩm của tâm thức con người. Tâm thức đó có thể bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội hay bởi bất cứ điều gì khác, nhưng tận cùng thì nó vẫn là thuộc về tâm thức của con người.

Nhờ đi tìm câu trả lời thắc mắc ban đầu và đọc truyện của nhà văn Philip Roth, tôi lại bắt gặp một điều lý thú khác. Đó là sự thay đổi đầy bất ngờ của cô Merry từ một người theo truyền thống Do Thái-Thiên Chúa, rồi phản loạn và bạo động, rồi trở thành một tín đồ vô cùng thuần thành của một nguyên tắc sống đạo đức cổ xưa tại Ấn Độ mà cả Ấn Độ Giáo (Hinduism – ngày xưa là Bà La Môn Giáo - Brahmanism), Kỳ Na Giáo (Jainism), và Phật Giáo (Buddhism) đều chủ trương. Đó là tinh thần “bất hại” (tiếng Sanskrit là ahimsà, tiếng Pali là avihimsa), hay còn gọi là “bất bạo động,” là không làm hại đối với không những con người mà cả các sinh vật.

Có phải cô Merry đã thay đổi định mệnh của cô? Có lẽ vậy. Từ một cô bé dễ thương thông minh lanh lợi, Merry đã biến thành một người nổi loạn và cực kỳ bạo động, rồi cô lại trở thành một người khác trong lối sống bất bạo động.

Tôi thấy có điều gì đó rất ư kỳ lạ và thú vị! Philip Roth là một tay phù thủy mà bản lãnh không thua kém Thượng Đế đầy quyền năng. Ông có thể hà hơi cho nhân vật của mình vào tuyệt lộ cuộc đời đối diện với cái chết, rồi cứu rỗi cho nó trở thành một thiên thần có cuộc sống thuần thiện. Ông đã thay đổi số phận, định mệnh của nhân vật Merry.

Nhưng số phận hay định mệnh là gì? Qua câu chuyện của Philip Roth, tôi thấy không có cái gì trong con người mà không thay đổi, không vô thường, không biến dịch. Nếu có số phận hay định mệnh, xét như là một thứ mệnh trời gán cho thân phận con người mà họ không thể nào thay đổi được như Nho Gia chủ trương, thì nhân vật Merry đã không biến đổi từ tình trạng của cuộc sống này sang tình trạng của cuộc sống khác như trong truyện đã kể. Đó có lẽ cũng chính là sắc thái nhân đạo dễ thương, dễ đồng cảm, dễ lôi cuốn nhất của câu truyện.

Câu chuyện của Philip Roth còn một chi tiết khác làm cho tôi suy nghĩ mãi. Đó là người con gái Merry thì đã có thể buông xả một chuỗi quá khứ đen tối đầy bi kịch của cuộc đời cô để làm lại cuộc đời, nhưng người cha Swede thì không thể. Ông bị dằn vặt với chính quan điểm của mình về một người con gái đã hoàn toàn đổi khác, một thứ đổi khác mà trong nhất thời ông vẫn chưa thích ứng được. Có lẽ đó là những khuôn thước đạo đức mà ông đã huân tập từ xã hội. Nó trở thành nguyên lý nhận thức và nguyên tắc hành xử của con người, xét như là một thành phần trong xã hội.

Cũng chính điều đó là chiếc đũa thần trong tay của Philip Roth làm biến hóa các tình tiết đầy éo le và gay cấn của câu chuyện. Cho nên trong phần cuối của truyện, Philip Roth hà hơi vào đầu Swede để nhân vật này trải qua những giây phút đấu tranh nội tâm dữ dội giữa cái thiện và cái ác, giữa kẻ thân và người sơ, trước giờ giã biệt người con gái mà ông còn thương yêu nhất mực.

“Đi về nhà với bố.” Anh quay lại van xin cô.
“Không! Bố đi đi… Đi! Đi ngay đi!”
“Merry, con bắt bố phải làm một việc vô cùng đau đớn. Con bắt bố bỏ con nơi đây. Bố vừa tìm ra con.” Anh vẫn van xin cô nghĩ lại. “Đi. Đi về nhà với Bố.”

Cái kết cuộc của câu chuyện thật không dễ chịu chút nào với người cha đã thất bại ít nhất hai lần trong việc ngăn chận người con gái sa đà trong cơn điên loạn và thất bại trong việc thuyết phục đứa con gái theo ông trở về nhà. Đó có lẽ là bi kịch khác mở ra cho số phận của những gia đình trong thời chiến tranh và hỗn loạn xã hội.

Nhưng biết đâu sự thất bại của nhân vật trong truyện lại là sự thành công của tác giả Philip Roth, mà qua đó ông đã có thể đập vỡ cái truyền thống khô cứng cố hữu của xã hội và thời đại ông đang sống mà ông đã không thể chọc thủng nó bằng sự yếu đuối và giới hạn của một cá nhân nhỏ bé trong đời thường.

Hào hứng ngay từ khi đọc câu chuyện đầu tiên trong tác phẩm, tôi tiếp tục say mê đọc hết 11 bài còn lại của 11 tác giả khác, mà đa phần đều là những cây bút lừng danh trong nền văn chương của thế giới đương đại. Chuyện “Nghệ Nhân Nhịn Đói” của Franz Kafka; “Cái Chết Lần Thứ Ba” của Gabriel Garcia Marquez; “Bức Màn” của Milan Kundera; “Những Đứa Trẻ Nửa Đêm” của Salman Rushdie; “Tôi Là Cái Thây Ma” của Orhan Pamuk; “Bước Mãi Đến Thiên Thu” của Kurt Vonnegut; “Văn Nghệ và Bạo Lực” của Iris Murdoch & Wole Soyinka; “Mọi Thứ  Tôi Có, Tôi Đem Theo” của Herta Muller; “William Burns” của Roberto Bolano; và “Haru” của Banada Yoshimoto.

Còn một yếu tố lôi cuốn khác đối với tôi. Đó là cách dịch của Trịnh Y Thư, nhất là lối dùng chữ rất Việt Nam của anh khi chuyển tải từ nội dung đến lối hành văn của những tác giả ngoại quốc sang tiếng Việt.

Chẳng hạn, trong một đoạn đầu của truyện “Gặp Gỡ Với Định Mệnh,” Trịnh Y Thư dịch:

“Chiếm trọn góc tòa nhà cao tầng tường gạch lở lói là cái bệnh viện chó mèo, bên cạnh khu đất trống nơi bánh xe phế thải vứt bừa bãi, cỏ dại cao tận đầu người mọc vô trật tự, hàng rào sắt lưới mắt cáo gãy đổ xiêu vẹo bên lối bộ hành nơi anh đứng đợi con gái mình...”

Chỉ một đoạn trích ngắn ở trên tôi đã đọc được nhiều chữ Việt rất bình dân, dễ thương và dễ cảm nhận: “tường gạch lở lói,”“cái bệnh viện chó mèo,” “hàng rào sắt lưới mắt cáo gãy đổ xiêu vẹo,” “lối bộ hành.”

Hoặc nơi đoạn khác khi Philip Roth diễn tả người phụ nữ da đen mà Swede gặp trước lúc gặp con gái, Trịnh Y Thư dịch:

“Mụ đàn bà da đen người to béo như con ngựa kéo xe thồ, mụ mặc quần màu vàng bó sát đùi, chân đi giày cao gót, khập khiễng tiến đến anh, một tay mụ chìa ra mảnh giấy nhỏ. Vết sẹo chằng chịt trên khuôn mặt mụ.”

Chỉ cần đọc một đoạn ngắn mô tả người phụ nữ đó, người đọc đã hình dung ra được rõ mồn một thể hình của bà ấy. Lối dịch thoát hẳn chữ nghĩa bị ảnh hưởng tiếng ngoại quốc của người dịch làm cho người đọc có thể cảm nhận một cách dễ dàng câu chuyện hơn.

Điều này chứng tỏ lúc dịch Trịnh Y Thư đã để hết tâm ý vào công việc và chăm chút từng chữ thật tỉ mỉ.

Dĩ nhiên, với một bài giới thiệu ngắn ngủn và sơ sài về một truyện trong 12 bài như thế này thì không thể nào nói hết được những điểm cần nói trong tuyển văn dịch dày hơn 200 trang.

Độc giả yêu thích văn chương nên tự đặt mua cho mình một cuốn “Gặp Gỡ Với Định Mệnh” để thưởng lãm. Nhất là trong thời buổi đại dịch vi khuẩn corona với các lệnh cách ly và giữ khoảng cách xã hội vẫn chưa gỡ bỏ hoàn toàn làm cho nhiều người phải ở nhà đã thấy có nhiều thì giờ hơn để làm những việc mình thích, trong đó có cái thú đọc sách.

Cảm ơn dịch giả Trịnh Y Thư.
 
Độc giả có thể tìm mua sách trên:
BARNES & NOBLE
https://www.barnesandnoble.com (Search Keywords: Gap go voi dinh menh)
Hoặc vào trang mạng sau:
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, các máy bay trực thăng Mỹ đã bay lên bầu trời Sai Gòn và tìm các đường đến các tàu ở Biển Đông (được những người bên ngoài Việt Nam gọi là Biển Hoa Nam). Chiếc máy bay mà người Việt gọi là "con chuồn chuồn", đã xé nát các gia đình nhưng cũng ràng buộc Mỹ và Việt Nam với nhau.
Chiến tranh ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều giống nhau, nó như những hạt giống gieo trên mặt đất, nhưng điều khác biệt là hạt giống nẩy mầm và nuôi sống loài người, còn bom đạn gieo xuống tàn phá và giết chết loài người, hay để lại những hố sâu trên mặt đất và những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn mỗi con người. Nhưng vết thương không lành là những vết thương đau nhất và cũng "đẹp nhất." -- Trần Mộng Tú.
Tác phẩm Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh, dày 280 trang, gồm các bài viết: Đẹp & Xấu, Thời Gian Hiện Tượng & Sự Tái Diễn, Từ Chối, Ngô Văn Định Lữ Đoàn Trưởng LĐ 258 TQLC, Chiến Thắng Phượng Hoàng, Ảnh Hưởng Của Lời Nói, Nói Chuyện Anh Hùng, Tôi & Ý Trời, Những Chuyện Can Đảm Cổ Kim, Cách Suy Nghĩ Của Một Người Công Chức, Lương Tâm & Lòng Tận Tụy, Bằng Trời Bằng Bể, Yêu & Rất Yêu, Đang Ở Nơi Khác, Đắc Thế Thất Thế & Tư Cách…
Vì là lớn tuổi mà phải lu bu với nhiều công việc không tên hàng ngày cho nên tôi ít có thì giờ đọc sách. Vậy mà tôi đã dành ra nhiều ngày liên tục để say sưa đọc từ đầu chí cuối tập truyện Trọn Đời Yêu Thương của anh Duy Nhân tặng cho tôi hồi đầu Xuân Quý Mão...
Tôi rất phục những người viết sách, in sách, nhất là những nhà văn định cư ở Hoa Kỳ. Mỗi lần cầm quyển sách trên tay, tôi rất cảm phục tác giả đã chịu khó viết văn. Khi tôi cầm quyển sách "Thiền Tập Với Pháp Ấn" của Cư sĩ, nhà văn Nguyên Giác, nhà xuất bản Ananda Viet Foundation, Tâm Diệu, một Phật tử đã học ở Cal State Fullerton, trình bày, điều đầu tiên tôi tự nhủ: hình bìa đẹp quá, màu sắc nổi bật, Phật đang ngồi thiền trên tòa sen...
“… Đêm qua trăng mọc trên đồi / thấy tâm tịch lặng không người, không ta / ai hỏi thì nhấc cành hoa / thấy gì, được thấy, đều xa muôn trùng …” (bài thơ “Như nắng tà huy” của Cư sĩ Nguyên Giác viết tặng “quý tôn túc Đỗ Hồng Ngọc, Trần Tuấn Mẫn, Nguyên Cẩn, và pháp huynh HT Minh Diệu Nguyễn Thế Đăng,”)
"Các bài viết nơi đây hầu hết là trích từ Kinh Phật, ghi lại trong nỗ lực hoằng pháp để rủ nhau tu học. Người viết không bao giờ tự nhận là giáo sư, giảng sư, thầy dạy hay bậc đàn anh trong đạo.Trong khi những chữ này được gõ lên nơi đây, chỉ là do duyên mà hiện lên. Người viết luôn nhớ lời Đức Phật dạy rằng không hề có ai đang gõ, cũng như chỉ có những dòng chữ đang được đọc, và không hề có ai đang đọc. Người viết luôn luôn viết trong trong tinh thần như thế, trong khi trích lời Phật và ý Tổ để chia sẻ, và để mời gọi nhau cùng bước sang bờ bên kia." Đó là Lời Thưa của tác giả Nguyên Giác về cuốn Thiền Tập Với Pháp Ấn.
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác...
Khi nhận được sách của tác giả Cù Mai Công gửi tặng, nhìn mấy hình trên bìa là một trời ký ức lại ùa về vì tôi đã được sinh ra và đã lớn lên ở vùng đất có tên Ngã ba Ông Tạ...
“Trọn Đời Yêu Thương” là tuyển tập gồm có 36 truyện ngắn, cũng là tập truyện thứ tư của nhà văn Duy Nhân. Như trong lời tựa, Duy Nhân đã nhắc nhở “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Tư tưởng này đã quán xuyến xuyên suốt 36 truyện ngắn của tập truyện Trọn Đời Yêu Thương...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.