Hôm nay,  

Tiếng Chim Thanh Đã Chính Thức Vượt Thời Gian

17/03/202022:09:00(Xem: 7917)
thai-thanh
Ảnh: phamduy.com

Vào sáng ngày 17/03, giới yêu nhạc Việt Nam nhận thêm một tin buồn: nữ ca sĩ Thái Thanh đã về cõi vĩnh hằng tại miền Nam Cali trong tình thương yêu của con cháu, gia đình, hưởng thọ 86 tuổi.

Như vậy là Tiếng Chim Thanh đã chính thức  vượt khái niệm thời gian để sống với đời sống không có tuổi tác trong lòng hàng triệu người ngưỡng mộ. Tiếng Chim Thanh là cách gọi riêng của nhạc sĩ Phạm Duy đối với giọng hát gắn liền với nhiều ca khúc bất tử của ông. Còn Tiếng Hát Vượt Thời Gian là biệt danh của nhà văn Mai Thảo, sau này cũng gắn liền với cái tên Thái Thanh như một định ngữ chính xác nhất dành cho tiếng hát của bà.
Có thể nói rằng, cũng giống như nhạc sĩ Phạm Duy trong giới sáng tác ca khúc, giọng hát của ca sĩ Thái Thanh có chỗ đứng độc nhất vô nhị trong giới ca sĩ Việt Nam của mọi thời đại. Mọi sự so sánh đều khập khiễng.

Trích tiểu sử của Thái Thanh trên trang mạng Wikipedia: “…Thái Thanh tên khai sinh Phạm Thị Băng Thanh; sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934 tại Bạch MaiHà Nội trong một gia đình có truyền thống văn nghệ. Cha của bà là Phạm Đình Phụng, có 2 vợ, vợ trước sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm, vợ sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái (Thái Hằng), Phạm Đình Chương và con út là Phạm Thị Băng Thanh…Năm 1946, Băng Thanh tản cư cùng gia đình vào Chợ Đại, Thanh Hóa vùng kháng chiến nơi bà bắt đầu hát lúc 14 tuổi. Cũng năm này Thái Hằng cưới nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1951 gia đình Phạm Duy về Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn sống, Thái Thanh cũng đi theo… Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với tài tử Lê Quỳnh tại Sài Gòn… có chung với nhau ba con gái và hai con trai...Phạm Thị Băng Thanh bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 14 tuổi với các nghệ danh Băng Thanh, Thái Thanh… Thời kỳ đầu, bà thường hát chung với ca sĩ Thái Hằng ở các chiến khu Việt Minh và nổi tiếng với các bài tân nhạc thời kỳ đầu, hay các bài dân ca mới của Phạm Duy… Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường Đêm Màu Hồng...Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Thái Thanh ở lại Việt Nam. Ban đầu bà được chính quyền cộng sản mời biểu diễn các ca khúc cách mạng, nhưng Thái Thanh không chấp nhận. Do không có thái độ hợp tác, bà bị cấm hát suốt 10 năm, cho đến khi rời khỏi Việt Nam năm 1985...”

Nhắc đến Thái Thanh, khán giả thường liên tưởng đến một giọng hát có đầy kỹ thuật điêu luyện theo kiểu opera, nhưng lại có những lối ngân nga, luyến láy, buông chữ, chấm ngắt câu như cách hát các làn điệu dân ca cổ truyền của miền Bắc Việt Nam. Một sự phối hợp Đông – Tây tuyệt hảo đến mức hiếm thấy. Khi Thái Thanh hát các ca khúc cổ điển do Phạm Duy đặt lời Việt như Dòng Sông Xanh, Chiều Tà, Dạ Khúc… người nghe nghĩ rằng đây là một giọng hát được đào tạo chính qui từ các trường âm nhạc Tây Phương. Nhưng khi Thái Thanh hát các ca khúc dân ca cải biên của Phạm Duy như Bà Mẹ Quê, Ngày Trở Về, Dân Ca Thương Binh… khán giả lại tưởng như nghe một giọng hát ru của một bà mẹ quê miền Bắc.

Giọng hát Thái Thanh không phô diễn kỹ thuật, mà dùng kỹ thuật để diễn tả cái hồn của bài hát và tâm tư của chính mình. Nghe bà hát, người nghe luôn có cảm tưởng là bà hiểu rất rõ những tâm sự mà tác giả gởi vào ca khúc. Mà có khi đó lại là tâm sự, kinh nghiệm sống của chính Thái Thanh. Nếu như sống trọn vẹn cuộc đời của mình là chìa khoá để Phạm Duy có những ca khúc để đời, thì có lẽ thương yêu- hờn giận, khóc- cười với cả trọn vẹn con tim đã khiến tiếng hát Thái Thanh đi thẳng vào lòng người. Có nhiều khán giả có cùng nhận xét: khi còn trẻ, họ chưa cảm được tiếng hát Thái Thanh. Chỉ khi nào đã lăn lộn trong cuộc sống, đã yêu, đã thất tình, đã hưởng vinh chịu nhục trong xã hội, lúc đó mới thấy Thái Thanh hát hay đến chừng nào! Một câu hát trong một bài hát thường được dùng để đại diện cho sự độc nhất vô nhị của giọng hát Thái Thanh: câu đầu tiên trong ca khúc Buồn Tàn Thu. “Ai… lướt… đi ngoài sương gió…” . Trong ba trường canh đầu, tác giả Văn Cao chỉ viết có đúng 6 nốt nhạc. Không luyến láy. Như vậy mà chỉ trong 6 nốt nhạc này, giọng hát Thái Thanh như vẽ ra được cả một khung cảnh trời thu hiu hắt, gió thu lạnh, có bóng một người cô lữ đang lầm lũi trên đường vắng. Từ “lướt” là nốt cao nhất, nhưng Thái Thanh chỉ “lướt” qua nó, nhẹ và buồn như một làn gió thu heo may. Nhiều người cho rằng đây là cách diễn đạt hay nhất của một ca sĩ đối với câu hát bất hủ này.


Nói đến Thái Thanh, là nhắc đến ca khúc của Phạm Duy. Những ai lớn lên trong Miền Nam trước 1975, đã từng xem truyền hình, có lẽ sẽ không thể quên được tiếng hát Thái Thanh với ca khúc Tình Hoài Hương, trong đoạn mở đầu của chương trình Quê Hương Mến Yêu. Hình ảnh những con sông đào quanh co của miền Nam, với cô lái đò chèo thuyền qua những hàng dừa nghiêng bóng, những chiếc cầu khỉ đơn sơ. Tiếng hát Thái Thanh sâu thẳm làm nền cho quê hương sông nước Miền Nam:

Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya, vẳng tiếng lúa đê mê…

Những ca khúc quê hương của Phạm Duy qua tiếng hát Thái Thanh đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương Việt Nam của biết bao thế hệ. Không thể kể hết những ca khúc Phạm Duy- tiếng hát Thái Thanh đã làm nét đẹp của đất nước- con người- tiếng nói Việt Nam trở thành bất tử: Tình Ca, Quê Nghèo, Bà Mẹ Gio Linh, Nương Chiều, Về Miền Trung, Chiều Về Trên Sông… Có người mê “Cô Thái” đến độ quả quyết rằng những ca khúc này “Cô Thái” đã đụng vào, thì không ai có thể hát hay hơn được! Mà “Cô Thái” đâu chỉ hát hay có ca khúc quê hương. Tình ca Phạm Duy cũng không thiếu những dấu ấn Thái Thanh: Nghìn Trùng Xa Cách, Tìm Nhau, Nước Mắt Rơi... Rồi những ca khúc mà chỉ có kỹ thuật chất giọng của Thái Thanh mới có thể diễn tả được, như Đường Chiều Lá Rụng. Còn phải kể đến 10 Bài Đạo Ca, với giọng hát Thái Thanh trước 1975 được giữ nguyên trong lần tái bản sau này tại hải ngoại. Có lẽ không thể đi tìm sự toàn hảo hơn cho tập ca khúc này, được thực hiện vào giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của cả Phạm Duy và Thái Thanh.
PhamDuy&ThangLong-01
Hàng đứng từ trái: Hoài Trung, Hoài Bắc, Phạm Đình Sỹ, ông Thăng. Hàng ngồi từ trái: Phạm Duy, Thái Hằng, Kiều Hạnh, Thái Thanh


Mà cũng sẽ là thiếu sót nếu nghĩ rằng Thái Thanh chỉ hát nhạc Phạm Duy mới hay. Thật ra, giọng hát Thái Thanh cũng gắn liền với nhiều ca khúc của Văn Cao (Buồn Tàn Thu, Bến Xuân), Dương Thiệu Tước (Bến Xuân Xanh), Phạm Đình Chương (cùng với Ban Hợp Ca Thăng Long trong trường ca Hội Trùng Dương, xuân khúc Ly Rượu Mừng…). Có thể nói rằng Thái Thanh là một phần không thể thiếu của nền âm nhạc Miền Nam trước 1975.
Những ngày Thái Thanh ở lại Việt Nam sau 1975, người ca sĩ đã không hát. Trong Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, Phạm Duy đã viết một phân khúc để nhắc đến Thái Thanh mang tên Lên Rừng Ba Mươi Sáu Thứ Chim, trong đó có đoạn:

…Nơi rừng nhà ba mươi sáu ơ chim ơ loài chim
Có con chim ở lại, có con chim đi rồi
Quan họ rằng, tôi hiểu rằng
Chim ở lại quyết, quyết không thua
Chim thuở nào, chim đã hót ơ
Tiếng chim vượt thời gian
Hát cho cho cuộc sống, hát cho cho cuộc tình
Quan họ rằng tôi hiểu rằng
Rằng chim hót tiếng chim Thanh
Chim ở nhà chim không hót ơ
Chim nhất định lặng thinh
Dẫu cho chim thèm khóc, dẫu cho chim thèm cười
Quan họ rằng tôi hiểu rằng
Chim gìn giữ tiếng, tiếng chim Thanh…

Rồi Tiếng Chim Thanh cũng ra được với bầu trời tự do, để lại cất cao tiếng hát tại hải ngoại một lần nữa. Trong một lần trả lời phỏng vấn với Đài VOA khi vừa sang Hoa Kỳ, khi được hỏi có nhắn nhủ gì với những người còn ở lại Việt Nam, Thái Thanh đã trích lời của nữ văn sĩ Pearl Buck: hãy sống dai hơn những gì mà mình không thích…

Nhưng rồi…Thái Thanh, cũng như rất nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam khác, đã không thể sống lâu hơn, để nhìn thấy một đất nước Việt Nam với bầu trời tự do, hương thanh bình dâng phơi phới như bà đã từng được hít thở…

Nhưng cũng như nhạc sĩ Phạm Duy, có lẽ không ai có thể đem quê hương Việt Nam ra khỏi trái tim, tâm hồn của Thái Thanh. Bà đã từng và sẽ sống mãi với Mẹ Việt Nam. Và chính tiếng hát của Thái Thanh cũng đã trở thành một biểu tượng của Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ, Biển Mẹ Việt Nam. Thái Thanh bây giờ chỉ hóa thân để trở về với Mẹ, để hòa quyện vào Mẹ Việt Nam muôn thuở:

Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi
Ôi! Mẹ Việt Nam!... (Trường Ca Mẹ Việt Nam)

Tiếng Chim Thanh nay đã vĩnh viễn vượt thời gian, không gian…
Cung Mi

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ban ca nhạc Bình-Minh được thành lập vào giữa thập niên 50 của thế kỷ XX. Ngày Đài Phát Thanh Nha-Trang được khánh thành, trong khuôn viên Tòa Tỉnh, ban Ca Nhạc Bình-Minh đã góp mặt.
Cha ông, Theodorus van Gogh, là một mục sư. Mẹ ông, Anna Cornelia Carbentus, là một nghệ sĩ. Van Gogh đã trưởng thành trong gia đình thành tín tôn giáo và văn hóa. Ông có đầy cảm xúc và không tự tin lắm. Ông là người con thay thế. Ông sinh ra một năm sau cái chết của người anh, cũng có tên Vincent. Ông còn trùng ngày sinh với người anh đã chết. Sống tại nhà thờ chính tòa Vincent đi bộ qua mộ của anh trai đã chết mỗi ngày. Có người cho rằng Van Gogh bị chấn thương tâm lý sau đó, nhưng điều này không thể được kiểm chứng. Ông là họa sĩ hậu ấn tượng của Hòa Lan. Tác phẩm của ông có sức ảnh hưởng vĩ đại tới nghệ thuật hiện đại bởi vì màu sắc nổi bật và sức mạnh cảm xúc. Ông bị bệnh hoang tưởng và tâm thần. Ông đã tự tử chết năm 37 tuổi. Khi còn trẻ, Van Gogh làm việc cho một công ty đại lý nghệ thuật. Ông đi lại giữa The Hague, London và Paris. Sau đó, ông đã dạy tại Anh Quốc. Rồi ông muốn trở thành mục sư và truyền bá Phúc Âm, và từ năm 1879 ông làm việc truyền giáo tại một mỏ khai thác
Tháng 6 là tháng âm nhạc của người Mỹ gốc Phi Châu tại Hoa Kỳ. Nói cho có đầu có đuôi thì vào ngày 7 tháng 6 năm 1979, Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter đã ban hành sắc lệnh ghi nhận rằng tháng 6 là tháng âm nhạc của người da đen ở Mỹ, theo www.en.wikipedia.org. Trong tuyên bố năm 2016, Tổng Thống Barack Obama nói rằng âm nhạc và các nhạc sĩ người Mỹ gốc Phi Châu đã giúp đất nước này “để khiêu vũ, để bày tỏ niềm tin của họ qua bài hát, để tụ tập biểu tình chống bất công, và để bảo vệ sự cam kết chắc chắn của quốc gia này đối với sự tự do và cơ hội cho tất cả mọi người.” Sau khi người đàn ông da đen George Floyd bị một cảnh sát da trắng đè cổ tới chết tại thành phố Minneapolis vào ngày 25 tháng 5 năm 2020, những cuộc biểu tình rầm rộ đã bùng nổ trên khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới để chống lại sự bạo hành của cảnh sát và sự kỳ thị chủng tộc. Người Mỹ gốc Phi Châu đã có mặt ở Mỹ trên 400 năm kể từ khi người nô lệ Phi Châu đầu tiên được chở tới Jamestown tại Virginia vào năm 1619
Tôi luôn luôn nhìn tấm ảnh đó như một hình ảnh mạnh mẽ của hai người đàn ông da đen, chân trần, với đầu cuối xuống, các bàn tay mang găng đen đưa cao lên trong khi nhạc trổi lên quốc ca Hoa Kỳ, bản “The Star-Spangled Banner.” Đó là một cử chỉ biểu tượng mạnh mẽ -- đấu tranh vì dân quyền cho người Mỹ gốc Phi trong một năm mà các thảm kịch xảy ra, trong đó có cái chết của Martin Luther King và Bobby Kennedy. Đó là tấm hình lịch sử của 2 người đàn ông da màu. Do vậy, tôi chưa bao giờ thực sự chú ý tới người đàn ông kia, da trắng, giống tôi, bất động nơi bậc thứ nhì của bục nhận giải thưởng đó. Tôi xem người kia như một hiện diện tình cờ, phụ thêm trong khoảnh khắc của Carlos và Smith, hay là một kiểu như người chen vào. Thực sự, tôi còn đã nghĩ rằng người đó --- trông như dường chỉ là một người Anh quốc cười gượng --- trong kiểu đứng bất động lạnh lẽo như đại diện cho các ý chí muốn chống lại sự thay đổi mà Smith và Carlos đang đưa lên trong hành động phản đối lặng lẽ. Nhưng tôi đã nhầm.
Riêng chúng tôi- những người trong nhóm thân hữu “Hội Ca Cầm”- thì không bất ngờ trước sự sung mãn trong sáng tác của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1984, anh Lộc (nhóm chúng tôi vẫn gọi như thế) hay đến “hát chui” tại những buổi văn nghệ bỏ túi tại tư gia của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, của ca sĩ Duy Trác, của nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Chúng tôi đã nghe rất nhiều sáng tác của anh Lộc sau 1975 trong khoảng thời gian này, mà không phải tất cả đều được phổ biến chính thức tại Việt Nam. Đối với chúng tôi, điểm đặc trưng nhất của nhạc Trần Quang Lộc là giai điệu của một kẻ lãng du, như bài hát Lãng Du Ca mà anh đã sáng tác từ trước 1975
Một đời nghệ sĩ rong chơi, lúc đói nghèo cũng như lúc được chào đón nồng nhiệt, Trần Quang Lộc luôn có nụ cười dễ mến. Trần Quang Lộc hát khắp nơi mình đến, nhưng tiếng hát nơi hội họp với nhau, không phải trên sân khấu, mới nói lên hết cái hồn thơ của người nghệ sĩ. Nghe TQL đàn hát Đàn Trong Tay Người mới thấm cái buồn nhỏ đều giọt vào lòng giếng khô
Họa sĩ Thomas Gainsborough sinh ngày 14 tháng 5 năm 1727 và qua đời ngày 2 tháng 8 năm 1788, tại Anh, theo Bách Khoa Từ Điển Mở. Ông chuyên về vẽ chân dung, phong cảnh, biểu đồ và làm nghề in. Cùng với đối thủ của ông là Sir Joshua Reynolds, ông được xem là một trong những nghệ sĩ Anh quan trọng nhất của hậu bán thế kỷ 18.
Mùa hè năm 1979 tại thành phố Vancouver Canada có ngày lễ hội văn hóa dành cho các sắc tộc và cộng đồng Việt Nam lúc đó tuy không nhiều nhưng cũng có tham dự. Một chị từng là sinh viên du học Nhật Bản và sau biến cố 1975 thì định cư Canada- chị mặc chiếc áo dài và dân Canada ngạc nhiên thích thú. Có người tò mò hỏi trang phục đó là của dân tộc nào thì được cho biết đó là áo dài Việt Nam.
Năm 2005 thành phố San Jose có nghị quyết công nhận Lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của Cộng đồng Việt Nam tại đây- điều này đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Chí Phúc viết nên ca khúc Cờ Vàng Bay Trên Thành Phố Ta Hôm Nay. Năm 2006, Thống đốc California là Arnold Schwarzenegger ký sắc lệnh công nhận Lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của cộng đồng Việt Nam tự do ở tiểu bang California. Tác giả đã thu âm bài hát Cờ Vàng Bay Trên Thành Phố Ta Hôm Nay, hợp ca 2 nam 2 nữ và gởi tặng CD cho Thống đốc để bày tỏ lòng tri ân.
Bài hát như là một câu chuyện mà tôi viết với hình ảnh của một người cha, người vợ và những đứa con thơ, nhưng đây không phải là câu chuyện của một cá nhân nào, mà đó chính là câu chuyện được viết chung cho tất cả các nhân viên y tế nơi tuyến đầu. Họ là Những Thiên Thần Áo Trắng và dù họ đã chắp cánh bay xa, nhưng họ sẽ để lại cho chúng ta mãi mãi sự biết ơn và cho thế gian này sự hồi sinh từ sự hy sinh cao cả của họ. Tâm khúc này cũng được Nhạc sĩ Cao Minh Hưng dịch sang tiếng Anh với tựa đề "Angels In Scrubs" để các y tá, bác sĩ, những nhân viên y tế không biết tiếng Việt cũng có thể hiểu được sự biết ơn mà người Việt Nam chúng ta dành cho họ trong cơn đại dịch này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.